Trung tướng Nguyễn Xuân Xinh: Trưởng thành trong khói lửa chiến tranh

Thứ Bảy, 23/06/2012, 17:20
Với nhiều thế hệ thuộc Công an TP Cần Thơ, Công an tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang đã nghỉ hưu hoặc đương nhiệm, khi nhận được thông tin Trung tướng Nguyễn Xuân Xinh được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, đều hết sức phấn khởi và tự hào, bởi Năm Xinh (tên người dân miền Tây quen gọi - PV) là một trong những người anh, người đồng đội đức độ, đáng quý…

Trung tướng Nguyễn Xuân Xinh có lần tâm tình với chúng tôi rằng, khi mới được sinh ra, ông đã trở thành đứa trẻ mồ côi mẹ. Nội ông ẵm ông về nuôi. Bà lấy nước cơm cho ông uống thay sữa. Ban đầu, nội đặt cho ông tên là Xin nhưng bà con vùng quê ông phát âm không rõ nên rốt cuộc, trên giấy tờ tên ông được viết là “Xinh”.

Đúng vào dịp 30/4/2012, Trung tướng Năm Xinh tròn 65 tuổi. Vào ngày tháng đó của năm 1975, ông là Phó Ban An ninh huyện, được phân công trực tiếp chỉ huy một mũi lực lượng đánh vào Chi Cảnh sát ngụy tại thị trấn Long Mỹ. Sáng hôm đó, nhờ sự thông minh, tinh thần quả cảm, ông và các cộng sự đã chiếm được Chi khu, gọi tên trưởng, phó Chi khu và gần 30 tên lính ngụy ra đầu hàng, giao nộp toàn bộ vũ khí, đạn dược…

Ngược dòng thời gian, trở về với những ngày không thể nào quên, ông kể: “Ba tôi bấy giờ là Chi ủy viên của xã. Ông và nhiều đồng chí khác đã bọn tay sai của chính quyền Sài Gòn ở đồn Cái Rắng lấy nước xà phòng khuậy với ớt đổ nhỏ giọt cho đầy bụng rồi đánh, đạp cho ói ra…”. Từ sự căm thù giặc sâu sắc, cùng với truyền thống của gia đình (ba người chú ruột của ông cũng tham gia Cách mạng) ông quyết định “theo Cách mạng”. Lúc đó, ba (hy sinh năm 1972, trước đó là Huyện ủy viên, Bí thư xã Xà Phiên – PV) động viên: “Đi thì phải làm cho được. Nếu không thì đừng về nhà nghen con!”. Bà nội ông lặng lẽ đi tìm mua cái khăn rằn; và lấy vải may thêm cho ông cái túi cho ông mang đồ đạc cá nhân khiến xốn xang, bùi ngùi mỗi lần nhớ lại.

Trung tướng Nguyễn Xuân Xinh trong một lần về thăm đồng bào vùng căn cứ cách mạng.

Sau 1 năm làm du kích ấp, tháng 4/1964, ông được chọn vào An ninh huyện Long Mỹ. Nhờ lanh lẹ, thông minh nên “tân binh” Xinh được lãnh đạo Ban dạy nghiệp vụ trinh sát. Ông vào việc rất nhanh, hiệu quả, đặc biệt, biết tranh thủ vào “lòng dân” để hoàn thành nhiệm vụ. Năm 1970, ở xã Thuận Hưng tuy là vùng căn cứ nhưng đã xảy ra vụ việc cùng lúc cả chục anh em du kích hy sinh trong tình huống khá bất ngờ. Ông  được phân công vào cuộc. Chỉ một tuần sau, ông đã làm rõ thủ phạm: Một đối tượng vì ham tiền nên bị tên Đại úy Rè – phụ trách yếu khu Nàng Mau mua chuộc bằng tiền, đã chỉ nơi các chiến sĩ đang ẩn náu, hoạt động...

Cuối năm 1973, Năm Xinh chỉ huy anh em tiêu diệt ác ôn ở Trà Lồng (nay thuộc xã Long Phú, Long Mỹ). “Năm đó, Long Phú bị địch chiếm gần hết và trở thành xã trắng sau đó. Để lập công với cấp trên, tên linh mục, chuẩn tướng Huỳnh Văn Tông ra sức mở rộng yếu khu. Sau khi cho trinh sát điều nghiên quy luật hoạt động của chúng, 8h sáng hôm sau, tôi và đồng sự bắt đầu nổ súng. 7 tên ác ôn bị tiêu diệt tại chỗ. Trận này, một đứa em của tôi đã anh dũng hy sinh” – ông kể.

Trở lại những ngày tháng 4/1975 lịch sử, Trung tướng Năm Xinh kể, trước trận đánh vào Chi Cảnh sát ngụy tại thị trấn Long Mỹ, ông được giao phối hợp với Trung đoàn 1 QK9, địa phương quân huyện và du kích xã đánh vào đồn Cái Rắng, đồn Ngã Cạy, giải phóng toàn xã Xà Phiên, đồng Bến Ruộng xã Vĩnh Thuận Đông và đồn Ba Muôn – xã Long Phú. Và chính những trận đánh vào sinh ra tử này đã góp phần quan trọng cho Ban An ninh huyện Long Mỹ trở thành đơn vị Anh hùng LLVTND.

Ngày vừa mới giải phóng, ông được phân công làm Bí thư kiêm Trưởng Công an xã Tân Lộc Tây, nay là phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt. Ông nhớ lại: “Ngày 6/5/1975, nghe nói bên cù lao Tân Lộc vẫn còn nhiều tên địch tử thủ, tôi trực tiếp dẫn lực lượng sang truy quét và vận động. Kết quả, gần 40 tên giao nộp vũ khí ra tự thú”. Tính từ tháng 4/1975 đến năm 1981, ông đã trực tiếp chỉ huy Công an huyện đánh 20 trận vào các nơi bọn tàn quân có vũ trang ẩn náu. Ông còn cùng tập thể kêu gọi gần 20.000 tên tàn quân ra tự thú, phá 66 chuyên án phản Cách mạng, 59 vụ tổ chức vượt biên trái phép, 69 vụ hình sự trọng án, bắt giam hoặc giáo dục hơn 1.000 đối tượng. Và Công an Thốt Nốt đã được phong danh hiệu Anh hùng. 

Cuối 1981 đến 1983, ông đã được Bộ phân công tham gia Chuyên án CM12, cùng tập thể lập chiến công hiển hách. Tiếp đó, tháng 11/1983, ông sang Campuchia làm Phó Đoàn chuyên gia tại tỉnh Kompongchnang. Tháng 8/1987, ông trở về nước, góp phần quan trọng trong giải quyết các “điểm nóng”, đảm bảo ANTT địa phương, trong đó có vụ xảy ra tại Nông trường Sông Hậu.

Trong những năm ông giữ trọng trách lãnh đạo Công an tỉnh Hậu Giang (nay là TP Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng), tỉnh Cần Thơ (nay là TP Cần Thơ và Hậu Giang), đại biểu Quốc hội khóa IX, X và trước lúc về hưu là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục V – Bộ Công an, ông có nhiều ý tưởng, sáng kiến, cách làm hay gắn với nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc, được Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận...

Thái Bình
.
.