Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn Cứu hộ (Bộ Công an):

Triển khai tốt quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác cứu nạn, cứu hộ

Chủ Nhật, 09/06/2013, 19:28
Chỉ sau hơn 8 tháng triển khai thực hiện Quyết định 44 của Thủ tướng Chính phủ về “Công tác cứu nạn, cứu hộ”, Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn Cứu hộ (Bộ Công an) đã tích cực triển khai các nội dung Quyết định của Chính phủ. Trong đó nhiệm vụ huấn luyện, tập huấn lực lượng được coi trọng.

Trong Quyết định, có nội dung “Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ, công nhân viên trong cơ sở”. Nội dung huấn luyện bao gồm nhiều công việc, trong đó có huấn luyện cứu nạn, cứu hộ (CNCH) các vụ cháy, trong các vụ sập đổ công trình, trong các vụ tai nạn giao thông (đường sắt, đường bộ, đường thủy), trong thang máy nhà cao tầng, trong công nghiệp, rò rỉ độc hại môi trường… Bên cạnh các nội dung triển khai về tổ chức biên chế, trang bị… cán bộ các cấp trong Cục PCCC đã nhận thức thống nhất, coi nhiệm vụ huấn luyện chuyên ngành là khâu quan trọng, nhằm nâng cao hiệu quả công tác, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra.

Đợt huấn luyện mới đây tại 32 tỉnh thành từ Thừa Thiên-Huế trở ra các địa phương phía Bắc, Cục đã tập trung biên soạn nội dung chương trình, triển khai đội ngũ giáo viên, chuẩn bị vật chất, trang bị cho huấn luyện, chuẩn bị địa bàn thực hành…Tới nay những nội dung cơ bản của đợt tập huấn đã hoàn thành. Nhiều “khoa mục” như cứu nạn, cứu hộ trong tai nạn giao thông, cứu người trong công trình sập đổ, trong thang máy cao tầng đã để lại cho Cục nhiều bài học quý cho công tác huấn luyện.

Trong 21 ngày, nhờ chuẩn bị tốt giáo viên “thao trường”, Cục đã triển khai tập huấn, thực hành đúng tiến độ tại Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy, các cơ sở của lực lượng, và tại Đại học TDTT ( Từ Sơn- Bắc Ninh)…Có những nội dung kết hợp cả công tác kỹ thuật và chiến thuật, như phá dỡ bê tông, kích, chống bê tông đè sập, công tác huấn luyện đã coi trọng thực hành, tổ chức cứu nạn, sơ cứu ban đầu…

Có mặt tai một buổi tập huấn cứu nạn dưới nước sâu, chúng tôi chứng kiến các cán bộ, chiến sĩ “đặc nhiệm” đang say sưa thực hành bơi, lặn. Trong đó có bơi lặn thông thường và bơi lặn có khí tài. Hầu hết anh em đã được tập huấn lý thuyết, được hướng dẫn trực tiếp các động tác cơ bản khi lặn trong điều kiện áp suất cao dưới  nước sâu, phương pháp xả khí, phương pháp cứu người lâm nạn.

Cảnh sát PCCC-CNCH đang huấn luyện bơi, lặn mang khí tài trong “khóa” huấn luyện chuyên nghiệp đầu tiên.

Trao đổi với các cán bộ trực tiếp phụ trách huấn luyện, được biết, số đông anh em được tuyển chọn từ các tỉnh, thành về đây say sưa huấn luyện. Anh em nhận thức được mình sẽ là lực lượng nòng cốt về địa phương, các anh sẽ là “giáo viên mới” tiếp tục triển khai tập huấn rộng rãi cho các lực lượng cứu nạn, cứu hộ tại chỗ. Do vậy anh em rất cố gắng nắm chắc nội dung. Cho đến nay hầu hết các cán bộ chiến sĩ tập huấn đã nắm chắc nội dung, thực hành bài bản.

Nói chuyện với một số học viên huấn luyện cứu nạn, đó là các một số sĩ quan cảnh sát các tỉnh trung du, đồng bằng Nam Bộ, các anh cho biết giờ đây tại địa phương của các anh đã có nhiều nhà cao tầng, có công nghiệp nặng, thậm chí các nhà máy hóa chất…nhưng một số tỉnh chưa có các phương tiện chuyên dùng cứu nạn, như xe cứu nạn chuyên ngành. Thậm chí ngành PCCC của tỉnh phương tiện cứu nạn còn kém cơ sở khai khoáng…

Trao đổi vấn đề này với cán bộ Cục PCCC được biết, trên toàn quốc ngành đã tổ chức đươc 181 đội cứu nạn cứu hộ do Cảnh sát PCCC quản lý, nhưng vỏn vẹn mới có 25 xe chuyên dùng!

Đất nước bước vào thời kỳ “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở công nghiệp quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động, kèm theo đó là cấu trúc nhiều thiết bị áp lực, như lò hơi, tháp công nghiệp cao tầng, tàu thuyền bến cảng nước sâu. Những sơ sảy ngoài ý muốn của con người như cháy, nổ, đổ , sập trong dân dụng, trong công nghiệp đã xảy ra. Nếu chủ quan, lơ là, không làm tốt công tác phòng ngừa, ứng phó thì tính mạng nhiều người dân sẽ bị đe dọa, đáng lẽ có thể cứu kịp thời thì…thật tiếc thiếu lực lượng chuyên nghiệp, thiếu trang bị. Nhiệm vụ của ngành PCCC đang rút ngắn khoảng cách đó.

Bộc bạch với chúng tôi, đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó Cục trưởng cụ PCCC-cứu nạn cứu hộ nói: “Trong hoạn nạn nói chung, có những “phút vàng”, đó là thời khắc ngắn ngủi có thể cứu người bị nạn kịp thời, hy vọng giành giật lại sự sống. Do đó lực lượng phải  được huấn luyện đạt trình độ chuyên nghiệp, phương tiện phải chuyên ngành. Quyết định của Chính phủ đã ban hành, Nhà nước đã từng bước trang bị cho chúng tôi, hy vọng cùng với cố gắng của ngành, chúng tôi sẽ được trên quan tâm đầy đủ hơn để đáp ứng tốt nhiệm vụ.”

Mới đây, Đề án xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC-Cứu nạn Cứu hộ giai đoạn 2020, tầm nhìn 2030, đã được Thủ tướng phê duyệt, nội hàm của nó gồm quy hoạch lực lượng, huấn luyện đào tạo, trang bị… trong đó có quy hoạch một số trung tâm huấn luyện chuyên ngành.

Đại tá Đoàn Hữu Thắng cho rằng, để cứu nạn kịp thời, phải có lực lượng cứu nạn, cứu hộ tai địa bàn, tại chỗ. Đó là phương thức xã hội hóa công tác cứu nạn, cứu hộ tai địa phương, ngành. Nhưng dù thế nào thì lực lượng Cảnh sát cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp vẫn phải là nòng cốt, đủ mạnh về người và trang bị, được huấn luyện chuyên sâu, khoa học, có chức năng quản lý ngành. Nó sẽ là trục chính, phát triển, huấn luyện rộng khắp cho các địa bàn, cơ sở kinh tế, chuyên ngành. Phấn khởi vì có Quyết định 44 của Chính phủ, chúng tôi nhận rõ trách nhiệm của mình và đang triển khai rất tích cực. Đặc biệt về công tác huấn luyện chuyên sâu.

Ngay sau đợt huấn luyện này, được biết Cục Cảnh sát PCCC-cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an sẽ tiếp tục triển khai đợt huấn luyện cho các tỉnh còn lại tại Bà Rịa-Vũng Tàu

Nguyễn Thanh Liêm
.
.