Trao quà Tết người nghèo vùng bãi ngang ven biển
Vinh An là xã bãi ngang ven biển, nằm cách trung tâm TP Huế chưa đầy 20 cây số, đường sá giao thông thuận lợi. Nhưng ở miền đất cát hoang hóa này cuộc sống người dân còn lắm khó khăn, vất vả.
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Dân số của xã khoảng 2.039 hộ, song chỉ có 108ha đất lúa. Tuy nhiên, do không có kênh mương thủy lợi nên việc gieo cấy trông chờ nước trời, thu hoạch rất thất bát. Hai năm trở lại đây, xã đã chuyển hướng phát triển kinh tế từ sản xuất nông nghiệp sang du lịch dịch vụ và kinh doanh buôn bán nhỏ, bước đầu kinh tế của bà con có phần ổn định, nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn rất cao, với hơn 290 hộ...”.
Khi đoàn công tác xã hội – từ thiện Báo CAND và Công ty TNHH Bia Huế phối hợp với Cục Tổ chức cán bộ Bộ Công an (tại Đà Nẵng), Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, Công an huyện Phú Vang về đến trụ sở UBND xã thì trời đã đứng bóng, nhưng đại diện lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể xã Vinh An, cùng bà con các hộ nghèo được nhận quà vẫn phấn khởi, vui mừng. Những món quà không lớn về vật chất, song ấm áp nghĩa tình giữa người cho và người nhận.
Đại diện Báo CAND, Công ty TNHH Bia Huế, Cục Tổ chức cán bộ Bộ Công an (tại Đà Nẵng), Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, Công an huyện Phú Vang trao quà Tết tặng bà con nghèo ở xã Vinh An. |
Cháu Phạm Thị Mỹ Nhung ở thôn 1, xã Vinh An, tâm sự: “Được các chú tặng quà, cháu và bà ngoại rất vui, Tết này nhà cháu có thêm gạo thơm mới, lại cũng không phải đi mua bột ngọt, nước mắm, đường và dầu ăn nữa!”. Hoàn cảnh của cháu Nhung rất đáng thương, cháu mồ côi cha lẫn mẹ, hiện ở với bà ngoại là Hoàng Thị Thể tuổi đã cao, lại thường đau ốm. Cháu một buổi đi học (lớp 7, Trường THCS An Bằng), buổi còn lại phải đi làm thuê làm mướn để kiếm sống...
Chia tay bà con nghèo xã Vinh An, chúng tôi tiếp tục hành trình đến với xã biển bãi ngang Hải An, Hải Lăng. Nơi đây trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, là căn cứ địa cách mạng. Năm 1967, vùng quê này đã bị giặc Mỹ cày xới gần như hoàn toàn để xây dựng quân cảng ở biển Mỹ Thủy, vận chuyển vũ khí, vật tư chiến tranh từ biển vào phục vụ chiến dịch Đường 9 Nam Lào.
Để bảo vệ căn cứ cách mạng, bảo vệ từng tấc đất quê hương, hàng trăm con em xã Hải An lúc bấy giờ đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh đến hơi thở cuối cùng... Ông Phan Thành Chung, Chủ tịch UBND xã Hải An cho biết: Ở Hải An cũng như các địa phương khác, chế độ, chính sách của người có công luôn được Đảng bộ, chính quyền các cấp quan tâm đặc biệt. Những năm qua, cuộc sống của 21 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 2.000 thân nhân liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công với cách mạng luôn được đảm bảo, có cuộc sống ổn định...
Tuy nhiên, ở xã biển bãi ngang này vẫn còn nhiều hộ nghèo, một phần do hậu quả chiến tranh nặng nề, phần khác do đặc thù địa lý, địa hình nơi đây rất khó phát triển kinh tế. Cả xã có hơn 200 thuyền, chủ yếu có công suất dưới 20CV đánh bắt thủy hải sản ở gần bờ. Trong khi lượng cá tôm ở gần bờ ngày một cạn kiệt; nuôi trồng thủy sản, phát triển sản xuất nông nghiệp… cũng hết sức khó khăn do thời tiết thay đổi thất thường, đất cát bạc màu hoang hóa. Trước đông đảo bà con trong xã và 100 hộ nghèo được tặng quà, cùng đại diện Công an huyện Hải Lăng, các ngành, đoàn thể xã Hải An, ông Phan Thành Chung, Chủ tịch UBND xã Hải An, chân tình bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến lãnh đạo Báo CAND và Công ty TNHH Bia Huế, đã chia sẻ những khó khăn với bà con