Trại giam số 5 (Bộ Công an) chuẩn bị cho công tác đặc xá

Thứ Ba, 24/08/2010, 16:41
Thượng tá Lường Văn Tuyến, Giám thị Trại giam số 5 tâm sự, tất cả phạm nhân của trại và thân nhân họ đều thấy được, đặc xá là chính sách khoan hồng nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta. "Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại", đối với những ai một thời lầm lỗi biết ăn năn hối cải, quyết tâm cải tạo tốt, vòng tay yêu thương của gia đình và cộng đồng luôn rộng mở phía trước, để họ có cơ hội sửa sai, làm lại cuộc đời.

Cải tạo tốt để chuộc lỗi

Thượng tá Lường Văn Tuyến, Giám thị Trại giam số 5 cho biết, thực hiện các quy định, hướng dẫn về đặc xá, trại niêm yết công khai quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2010, hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá, công bố trên loa truyền thanh để tất cả phạm nhân biết; tự liên hệ bản thân và tổ chức từng tổ, đội phạm nhân họp, bình chọn. Sau khi Hội đồng xét đặc xá của trại duyệt, danh sách  phạm nhân đủ điều kiện được đề nghị đặc xá được niêm yết công khai ngay tại hội trường học tập và các buồng giam.

Ở Trại giam số 5 có khá nhiều phạm nhân có mức án cao. Số phạm nhân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét đặc xá lần này đều đã viết đơn xin đặc xá và cam kết không vi phạm pháp luật, chịu sự quản lý, giám sát của địa phương, tiếp tục chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung là phạt tiền, án phí, nghĩa vụ dân sự và hình phạt bổ sung khác. Đến nay, trại chưa nhận được đơn, thư nào thắc mắc về các trường hợp đủ điều kiện được xét đặc xá mà chưa được đề nghị.

Khi lĩnh mức án chung thân vì tội giết người, phạm nhân Hoàng Văn Việt ở Nghĩa Thái, Tân Kỳ (Nghệ An) tưởng chừng cuộc đời đã chấm hết. Ngày 12/6/1996, trong một lần xô xát, không kiềm chế được bản thân, Việt rút dao sát hại một thanh niên. Quá hoảng loạn, Việt chạy trốn vào miền Nam, bốn ngày sau mới ra đầu thú. Quãng đời chàng thanh niên mới tròn hai mươi tuổi tưởng chừng đóng sập trước mắt. Vào trại, Việt xác định con đường duy nhất là cố gắng cải tạo tốt, mới có ngày về.

Thấm thoát đã 14 năm. Sau khi làm ở tổ rau, Việt được cán bộ chọn giúp việc ở bệnh xá trại. Được Trung tá Trần Đức Hùng, Bệnh xá trưởng thường xuyên động viên, Việt tự nhủ phải làm tốt hơn nữa công việc được giao. Anh tâm sự, từ khi vào trại, bố mẹ buồn và già hẳn, nhưng vẫn luôn viết thư động viên. Hôm nhận được tin báo đợt này được xét đặc xá, cả nhà Việt rất đỗi mừng vui khi biết Việt đủ tiêu chuẩn.

Còn với phạm nhân Tạ Thị Hiển, bị lĩnh án chung thân khi tham gia đường dây ma túy do Vũ Xuân Trường cầm đầu, niềm vui như nhân lên gấp bội. Hiển bảo, đợt đặc xá này, nếu không có chính sách nhân đạo của Nhà nước, Hiển cũng không trong diện được xét vì mức tiền phạt của Hiển tới 1 tỷ đồng, nhiều nhất trong số các phạm nhân được xét năm nay ở Trại giam số 5, trong khi gia đình khó khăn, chẳng thể kiếm đủ tiền để nộp.

Cán bộ quản giáo Trại giam số 5 tận tình hướng dẫn các phạm nhân nam lao động cải tạo.

Hiển tâm sự, lúc bị bắt mới 34 tuổi, ngày đầu vào trại buồn chán chẳng thiết sống. Một thời gian sau, được cán bộ trại và chị em đồng cảnh động viên, nỗi buồn cũng dần nguôi ngoai. Hiển miệt mài lao động trong tổ may để quên đi phiền muộn. Hiển phấn khởi khoe, đã ba lần được giảm án, tổng cộng 4,5 năm. Từ hôm biết tin đủ tiêu chuẩn xét đặc xá, Hiển quá mừng vui, không đêm nào trọn giấc. Chị bảo, 14 năm ở tù, chắc chắn ra tù sẽ không bao giờ dám trở lại con đường tội lỗi năm xưa.

Phấn đấu để sớm có ngày về

Với những phạm nhân chưa đủ điều kiện đặc xá đợt này, tuy có thoáng buồn nhưng ai cũng xác định, nếu phấn đấu cải tạo tốt vẫn được xét giảm án. Hằng năm, ngoài các đợt đặc xá, các trại giam vẫn xét giảm án cho các phạm nhân cải tạo tốt. Phạm nhân Thào A Bình ở thị trấn Sa Pa (Lào Cai) phạm tội ma túy kể, quê Bình, vẫn còn một số người lén lút trồng cây anh túc, buôn bán ma túy. Lóa mắt vì món lợi trước mắt, Bình tham gia buôn bán thuốc phiện. Vào tù bỏ lại bà mẹ già và đàn con dại, anh trăn trở rất nhiều. Ở trại thụ án đã mười năm nay, không lúc nào Bình nguôi nhớ nhà.

Anh tâm sự, mỗi lần chia tay bạn tù được đặc xá, tha tù trước hạn trở về, lần nào cũng bùi ngùi. Anh thầm chúc mừng họ và cũng tự nhủ, mình phải phấn đấu, cố gắng cải tạo tốt hơn nữa, để có ngày được như họ. Công việc ở đội tự quản, Bình luôn cố gắng làm chu đáo nên luôn được xếp loại cải tạo tốt. Không chỉ riêng Bình, tất cả phạm nhân ở Trại giam số 5 đều mong muốn được sớm ra trại, trở về gia đình đoàn tụ.

Phạm nhân Vũ Thị Huệ ở Mộc Châu (Sơn La) đang thụ án chung thân về  tội mua bán trái phép ma túy cũng luôn khát khao ngày về. Chồng nghiện nặng, lại hám lời, đang làm y sĩ Bệnh viện huyện Mộc Châu, Huệ lao vào buôn bán "cái chết trắng". Vào trại, Huệ được bố trí ở tổ may. Dẫu biết mức án còn rất dài, nhưng Huệ bảo, quyết nén chặt nỗi đau trong lòng và luôn cố gắng cải tạo tốt, để có ngày được như Hiển, về tạ lỗi mẹ già và chăm lo cho các con.

Phạm nhân Đàm Văn Mạnh (33 tuổi), ở Tiền Hải, Thái Bình, đang thụ án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cho biết, năm 2001, Mạnh liên quan đến đường dây chuyên lừa người đi xuất khẩu lao động. Số tiền mà Mạnh đã chiếm đoạt là gần 300.000 USD. Bị bắt ngày 23/1/2001, ngày 14/1/2004 Mạnh được chuyển đến Trại giam số 5 thụ án. Mặc dù không đủ tiêu chuẩn để xét đặc xá lần này, Mạnh rất buồn nhưng không bi quan bởi sau khi được đọc quy định, Mạnh thấy lần này tiêu chuẩn xét đặc xá được nới rộng, nhiều phạm nhân đã có cơ hội trở về với gia đình. Mừng cho các bạn tù, Mạnh hiểu rằng cải tạo tốt là con đường ngắn nhất để trở về. Với mức án cao, Mạnh hứa sẽ cố gắng lao động, cải tạo tốt, chấp hành tốt nội quy của trại để sớm được xét giảm án, rút ngắn quãng đường tìm về nẻo thiện...

Hương Vũ
.
.