Thầy thuốc của những người lầm lỗi

Thứ Bảy, 26/02/2011, 15:38
"Nhiều trong một", ai đó đã nhái câu slogan thường được dùng trong quảng cáo các sản phẩm hóa mỹ phẩm để nói về công việc của thầy thuốc trong các trại giam, trại tạm giam. Thực tế hoàn toàn đúng như vậy, bởi đã là bác sỹ trong trại giam thì thường là bác sỹ đa khoa. Họ chữa trị đủ các bệnh: cảm cúm, nhức đầu, tim mạch, lao, HIV/AIDS… và cả bệnh… nói dối.

Thiếu tá, bác sỹ Nguyễn Thị Yến, phụ trách y tế Bệnh xá Phân trại K3, Trại giam Phú Sơn cho biết, ở trường y không nơi nào đào tạo chuyên khoa bắt bệnh… nói dối cả. Thế nhưng, khi công tác trong môi trường đặc biệt là trại giam, chị gặp rất nhiều bệnh nhân kiểu này nên tự rút ra "phác đồ điều trị". Gặp gỡ các cán bộ y tế ở các trại giam nói chung và Trại giam Phú Sơn nói riêng, chúng tôi rất thán phục họ.

Theo học ngành Y với mục đích chữa bệnh cứu người, một công việc đầy tính nhân văn cao cả, dù cứu chữa cho những con người từng phạm tội thì bản chất công việc của người thầy thuốc cũng không thay đổi. Thế mà cũng có lúc, người thầy thuốc lại phải lật cái mặt giả dối của người bệnh hoặc bị họ phản kháng, chống đối. Hành nghề trong tâm thế cảnh giác cao độ cũng là áp lực đối với những người thầy thuốc ở đây.

Các phạm nhân được chăm sóc sức khỏe để yên tâm cải tạo.

Bác sỹ Vũ Đình Giang, Bệnh xá trưởng cho biết, Trại giam Phú Sơn có 4 bác sỹ và hàng chục y sỹ, y tá, dược sỹ… Toàn trại có 4 bệnh xá và các buồng bệnh làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho phạm nhân. Việc phân bố các bệnh xá, các buồng bệnh tại các phân trại tạo điều kiện thuận lợi cho việc khám, điều trị cho các phạm nhân sức khỏe có vấn đề.

Để làm tốt công việc của người thầy thuốc ở trại giam, ngoài chuyên môn của ngành Y, đội ngũ nhân viên y tế ở đây còn là những chiến sỹ Cảnh sát thực thụ. Công việc hằng ngày của họ trong bệnh xá không chỉ là khám, chữa bệnh, mà còn phải đánh giá ý thức, kỷ luật của từng phạm nhân để nhận xét về thái độ cải tạo của họ.

Có những phạm nhân do mắc bệnh mãn tính hoặc tuổi cao, thời gian chấp hành án, họ ở bệnh xá là chính nên việc làm này của nhân viên y tế giúp Ban Giám thị có kết quả đánh giá đúng về ý thức của phạm nhân để xét giảm án, đặc xá cho họ. Đây là cách để bảo vệ quyền lợi chính đáng của phạm nhân, cho dù họ có bị ốm đau, bệnh tật.

Từ năm 2005, bác sỹ Nguyễn Thị Yến được giao nhiệm vụ chuyên trách mảng lao của toàn trại. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng chút nào, nhất là tại một trại giam, nơi có những ca bệnh đặc thù. Ngoài nhiệm vụ này, bác sỹ Yến còn trực tiếp phụ trách Bệnh xá Phân trại K3.

Thế nên, công việc hằng ngày của chị luôn rất bận rộn, kể cả những ngày Tết. Từng tiếp xúc với các bác sỹ chuyên ngành lao phổi, tôi hiểu phần nào về công việc của người thầy thuốc điều trị căn bệnh có nguy cơ lây lan đáng sợ này. Chị cho biết, đặc thù chung của bệnh lao là luôn đồng hành với HIV, nhiều người có HIV, tỷ lệ mắc bệnh lao càng lớn.

Chính vì thế, triệt tiêu bệnh lao là điều rất khó khăn khi mà số ca có HIV hằng năm đều tăng. Chương trình phòng chống lao quốc gia được duy trì hằng năm đã phần nào hạn chế sự lây lan, phát triển của căn bệnh này. Tuy nhiên, với người có HIV, đây là bệnh cơ hội nên để điều trị khỏi hẳn bệnh lao cho đối tượng này là điều vô cùng khó khăn.

Là người điều trị, theo dõi từng ca bệnh lao nên mỗi khi thấy kết quả xét nghiệm lao âm tính, bác sỹ Yến rất mừng. Mừng vì phạm nhân khỏi bệnh đã đành, còn mừng vì công sức của chị và đồng nghiệp được đền đáp. Thế nhưng, cũng từ việc chuyên trách mảng lao, bác sỹ Yến đã chứng kiến những kết cục buồn. Đó là những người có HIV giai đoạn cuối, mắc đủ các bệnh cơ hội, trong đó có bệnh lao.

Khi xác định bệnh nhân quá yếu, liên hệ với gia đình đón về thì nhận được câu trả lời "nhờ trại". Các bác sỹ, y tá lại phải trấn an tinh thần họ, phải nỗ lực để kéo dài sự sống cho người bệnh đang tuyệt vọng. "Tôi chẳng nhớ mình đã ở bên bao nhiêu người bệnh khi họ đang hấp hối nữa. Và mỗi khi vuốt mắt cho họ, nước mắt tôi lại ứa ra", chị Yến nói.

Bệnh xá Phân trại K3 hiện có 28 bệnh nhân, để không làm gián đoạn phác đồ điều trị cho các bệnh nhân này, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, cán bộ y tế ở đây luôn túc trực 24/24h. Tâm lý chung của mọi phạm nhân trong những ngày Tết là nỗi nhớ gia đình, với người đang đau ốm thì nỗi buồn nhớ càng nhân lên gấp bội.

Ở Bệnh xá Phân trại K3 đang điều trị cho phạm nhân Trần Hiệp Thảo, 52 tuổi, bị mắc bệnh rối loạn tâm thần nên các thầy thuốc ở đây rất lo Tết sẽ làm cho tâm lý anh này bị xáo trộn. Hằng ngày, bệnh nhân này vốn dĩ đã lầm lỳ, không nói, không rằng. Không phá phách nhưng anh ta đi lại như một cái bóng, các thầy thuốc phải gần gũi, động viên để kéo Thảo trở lại với thực tại. Để liệu pháp chữa trị bằng tâm lý có hiệu quả, người bệnh rất cần người thân thích ở bên cạnh.

Thế nhưng trong trại giam, điều này là không thể nên việc chữa trị càng khó khăn hơn. "Phạm nhân Thảo phạm trọng tội, tuy mắc bệnh rối loạn tâm thần nhưng kết quả giám định pháp y tâm thần kết luận, anh này đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự nên vẫn phải thi hành án. Ở bệnh xá, chúng tôi chăm sóc, điều trị ổn định tâm lý, sức khỏe để anh ta lao động, cải tạo", bác sỹ Yến cho biết.

Năm nào vào những ca trực Tết, bác sỹ Yến cũng chạnh lòng khi chứng kiến cảnh lầm lũi của những bệnh nhân cao tuổi. Năm nay, chị trực vào các ngày 29, mùng 2, mùng 5 Tết và lặng lẽ dõi theo bệnh nhân Lê Văn Quế, SN 1945. Bệnh nhân này bị mắc bệnh lao màng phổi, điều trị dài ngày ở bệnh xá. Gia đình ở xa, lại mắc trọng tội với người vợ từng chung sống mấy chục năm nên sự thăm nom của gia đình không được thường xuyên. Giá như đừng vì những ích kỷ cá nhân mà kiềm hãm được hành động mất tính người thì đâu đến nỗi ở tuổi cận kề thất thập lại phải cô đơn trong ngày Tết.

Cũng giống như ở các cơ sở y tế, bệnh viện, ngày lễ, Tết, nhân viên y tế luôn túc trực 24/24h. Bác sỹ Giang, bác sỹ Yến, bác sỹ Phong, y tá…, người có 30 năm gắn bó với trại giam, người mới hành nghề y ở trại chưa đầy một năm đều được cắt cử để có mặt tại bệnh xá trong những ngày Tết cổ truyền.

Với bác sỹ Yến và hai con, cái Tết vừa qua thật buồn vì sự ra đi mãi mãi của người chồng. Trong mấy ngày Tết, để hoàn thành nhiệm vụ của người thầy thuốc trại giam, chị dậy sớm hơn ngày thường để làm mâm cơm cúng gia tiên và chồng (anh cũng công tác ở Trại giam Phú Sơn) rồi tất tả đến buồng bệnh. Chị đã cùng đồng đội của mình đảm bảo một cái Tết an toàn

Cao Hồng
.
.