Gặp người trinh sát nội đô An ninh T4 một thời

Thứ Năm, 30/04/2020, 08:15
Nhắc về ngày 30/4 của 45 năm trước, với Anh hùng Võ Văn Em là những cảm xúc dạt dào, khó tả được bằng lời. Bởi ngay sau khi ông cùng đồng đội thực hiện thành công vụ ám sát ứng cử viên Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, ông bị bắt và bị tuyên án tử hình, đày ra “địa ngục trần gian” Côn Đảo…

Ngày 1/5/1975, Côn Đảo giải phóng. Tử tù Võ Văn Em được hưởng giây phút tự do sau 8 năm 4 tháng 24 ngày trong lao tù, nhiều lần chết đi sống lại. Hít thở không khí tự do, ông và bao bạn tù cảm nhận giây phút thiêng liêng ấy đã được trả giá bằng rất nhiều xương máu, nước mắt của hàng triệu đồng bào, đồng chí cả nước.

Tôi gặp ông tại nhà riêng ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. Với dáng vẻ nhỏ nhắn, “lão nông” 75 tuổi vẫn tỏ ra nhanh nhẹn. Ông tươi cười cho biết “cơ ngơi” của ông ở đây ngoài nhiều loại cây kiểng, hoa trái, còn có cả dàn vườn rau thủy canh. “Từ ngày về hưu, vợ chồng tôi chỉ vui thú điền viên vậy thôi. Khi có việc hay nhớ con cháu, vợ chồng tôi vào Bình Thạnh thăm tụi nhỏ, ở lại chơi mấy ngày rồi lại về Củ Chi”, ông cười hiền chia sẻ.

Anh hùng Võ Văn Em cùng đồng đội, đồng chí Trinh sát vũ trang B5, Ban An ninh T4.

Vợ chồng ông có hai người con, một trai một gái, cả hai đều đã có gia đình riêng. Người vợ của ông nay cũng đã 70 tuổi. Bà cũng là cựu tù Côn Đảo. “Người ta có bệnh gì là vợ chồng tôi có đủ các bệnh ấy, có lẽ do tuổi già và những năm tháng bị tù đày, tra tấn cực hình, sức khỏe của chúng tôi bị ảnh hưởng rất nhiều”, ông cho hay.

Sinh ra và lớn lên tại ấp Mũi Lớn, xã Tân An Hội - vùng “Đất thép, thành đồng” giàu truyền thống cách mạng, khi vừa 16 tuổi, Võ Văn Em (bí danh Võ Tấn Hùng, Tám Em) đã gia nhập lực lượng du kích xã Tân An Hội. Một điều kém may mắn là ông bị hư một mắt từ nhỏ (do bị bệnh đậu mùa), nhưng đây lại trở thành một thuận lợi đặc biệt để ông trà trộn hoạt động trong ấp chiến lược.

“Tôi  thuộc diện người tàn tật, được miễn đi quân dịch, nên ít bị địch để ý. Sau này khi bị địch bắt, chúng gọi tôi là hung thủ độc nhãn là vì vậy”, ông kể.

Tháng 4/1962, Tám Em được phân công làm Xã Đội phó du kích Tân An Hội. Từ tháng 4 đến cuối 1964, ông làm Tiểu đội trưởng lực lượng trinh sát huyện Củ Chi. Trong thời gian này, ông trực tiếp và tham gia đánh hơn 10 trận, tiêu diệt được nhiều tên địch.

Đến năm 1965, thấy hoạt động của ông có nhiều dấu hiệu bị lộ nên cấp trên đã chuyển ông về công tác tại Ban An ninh khu Sài Gòn - Gia Định (Ban An ninh T4 – tiền thân của lực lượng Công an TP Hồ Chí Minh), được phân công làm Tổ trưởng Tổ Trinh sát vũ trang (B5). Chính thời gian ở lực lượng này, ông đã trực tiếp tham gia nhiều trận đánh gây tiếng vang tại “đầu não” của chính quyền Sài Gòn.

Giờ ông vẫn nhớ như in lần đánh tiêu diệt ứng cử viên Tổng thống Trần Văn Văn vào ngày 7/2/1966. Khi đó, tình hình chính trị của chính quyền Sài Gòn có nhiều diễn biến phức tạp, Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ tranh giành quyền lợi và địa vị, đồng thời họ lại mâu thuẫn gay gắt với phe dân sự, đứng đầu là Trần Văn Văn. Chính quyền Mỹ bấy giờ, trực tiếp là CIA, muốn đưa Trần Văn Văn ra tranh cử và làm Tổng thống chính quyền Sài Gòn.

Trước tình hình này, Khu ủy, Ban An ninh T4  đã giao cho lực lượng Trinh sát vũ trang nội đô nhiệm vụ tiêu diệt Văn, làm thất bại ý đồ của Mỹ. Với trận đánh này, ông được giao nhiệm vụ thực hiện cùng trinh sát Trần Hoàng Sinh (Sáu Sinh, SN 1944, quê Củ Chi). Khoảng 7h sáng 7/12/1966, khi xe của Trần Văn Văn từ đường Phan Kế Bính quẹo vào đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), thì chạy chậm lại, ông lao xe máy ra cản đường. Xe chở Trần Văn Văn khựng lại, Sáu Sinh nhào tới bắn bể kính rồi thọc súng vào xe, tiếp tục siết cò hoàn thành nhiệm vụ.

Xong nhiệm vụ, ông chạy xe máy chở Sáu Sinh ra khỏi hiện trường. Địch rất đông bắn theo, Sáu Sinh xoay mình bắn lại. Đến ngã tư Phùng Khắc Khoan - Tự Đức (nay là đường Nguyễn Văn Thủ), hai tên cảnh sát công lộ dùng chiếc môtô phân khối đâm thẳng vào xe máy làm xe ông té nhào, chân và cánh tay trái của ông bị thương. Lúc này, thấy Sáu Sinh làm rơi cây súng, ông liền chụp lấy súng chĩa về hướng bọn cảnh sát công lộ để góp phần cho Sáu Sinh chạy thoát. Chẳng may lúc đó súng hết đạn. Ông bị địch bắt.

Ứng cử viên Tổng thống Trần Văn Văn bị tiêu diệt, đài BBC của Anh đưa tin “Trần Văn Văn ra tranh cử Tổng thống nên bị phe Thiệu ám sát”. Một số báo chí công khai hằng ngày tại Sài Gòn cũng bình luận nội bộ khử nhau, khiến đích thân Nguyễn Văn Thiệu phải ra điều trần trước Quốc hội.

“Do đây là một vụ án được dư luận trong và ngoài nước hết sức quan tâm nên sau khi rơi vào tay địch, tôi đã bị tra tấn với nhiều hình thức rất dã man. Không khai thác được gì, ngày 9/1/1967, Tòa án Quân sự vùng 3 chiến thuật dành cho tôi mức án cao nhất. Tôi cảm thấy bình thản bởi điều đó cho thấy các đồng đội của tôi vẫn an toàn, cơ sở không bị lộ”, ông kể.

Tháng 11-1967, ông bị đày ra Côn Đảo. Với mức án cao nhất, ông luôn bị xích hai chân và nếm trải đủ mọi hình thức tra tấn dã man nhất ở “chuồng cọp”, “chuồng bò”, “hầm đá” của “địa ngục trần gian”. Nhưng với một ý chí kiên cường, bản lĩnh chính trị vững vàng và quyết tâm cao đấu tranh với kẻ thù đến cùng, ông vẫn tiếp tục giữ vững khí tiết cho tới thời khắc cuối cùng Nhà tù Côn Đảo được giải phóng.

Anh hùng Võ Văn Em với cuộc sống đời thường.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ông tiếp tục được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin yêu, giao cho nhiều nhiệm vụ: Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường 3, quận Bình Thạnh; Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh; sau đó là Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nam kỹ nghệ súc sản – Vissan (đơn vị thuộc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn). Dù ở vị trí nào, người trinh sát An ninh T4 năm xưa vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ngồi tâm tình với chúng tôi bên mấy giò lan đang trổ bông rất đẹp, người trinh sát nay đã hơn 50 năm tuổi Đảng, 75 năm tuổi đời bộc bạch rằng, bản thân được sống đến thời khắc lịch sử 30/4/1975 đã là sự may mắn hơn rất nhiều đồng đội, đồng chí. Hơn nữa, khi đã hoàn thành công việc của thời bình, vào ngày 26/1/2018, được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý nhất - Anh hùng LLVT nhân dân, quả là như một giấc mơ bởi bản thân ông chưa bao giờ dám nghĩ có ngày mình được như thế.

“Tôi vẫn luôn muốn dành danh hiệu cao quý này cho đồng đội, đồng chí, người thân của tôi, đặc biệt cho những chiến sĩ trinh sát vũ trang nội đô đã ngã xuống để chúng tôi có được ngày hôm nay”, ông xúc động chia sẻ.

Phú Lữ
.
.