Sâu nặng nghĩa tình ngày về nguồn
Với tấm lòng thành kính, đoàn đã đến dâng hương tại Khu tưởng niệm Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu tại huyện Đất Đỏ.
Cúi mình thắp nén hương thành kính trước tượng đài người con gái kiên trung của vùng Đất Đỏ, đoàn không khỏi xúc động trước hình ảnh nữ trinh sát Đội Công an xung phong đang ung dung ra pháp trường với khuôn mặt thanh thản, tà áo tung bay cho thấy một tinh thần thép, một tư thế hiên ngang không gì có thể khuất phục.
Long Mỹ là xã anh hùng của huyện Đất Đỏ. Trong chiến tranh, với chỉ hơn 2.800 dân nhưng toàn xã đã có 285 liệt sĩ (trong đó có 1 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) và 28 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, căn cứ Minh Đạm của Long Mỹ là địa bàn bị địch kìm kẹp, dùng bom pháo đánh phá nặng nề nhưng Đảng bộ và nhân dân Long Mỹ vẫn kiên cường bám trụ địa bàn, tổ chức chiến tranh nhân dân rộng khắp, phối hợp nhịp nhàng với bộ đội địa phương, thực hiện tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn quê hương trong mùa xuân 1975.
Trở về Long Mỹ khi chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, tại UBND xã, gặp lại những con người anh hùng, những du kích quân giờ đã vào tuổi thất thập cổ lai hy, có bác vẫn còn khỏe mạnh, có bác sức khỏe đã suy yếu, nhưng sâu trong ánh mắt hằn lên vết nhăn của thời gian vẫn cảm nhận được sự kiên trinh và mạnh mẽ của những du kích quân năm xưa.
Bác Hồ Thị Tuyết, 66 tuổi, một trong những nữ du kích quả cảm của đất Long Mỹ tâm sự, trong kháng chiến, bác nhận nhiệm vụ làm giao liên và dò mìn, trong một lần đang thực hiện nhiệm vụ, bác bị thương, phải bỏ một chân. Chiến tranh kết thúc, bác Tuyết ở vậy, không lập gia đình, sống một mình cho đến toận bây giờ. Hôm nay, được Đoàn thanh niên đến thăm và tặng quà, bác vui và phấn khởi vì biết rằng Nhà nước luôn quan tâm đến các gia đình chính sách và thương binh như bác.
![]() |
Đại diện tuổi trẻ CAND trao tặng nhà nhân ái cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Côn Đảo. |
Rời UBND xã Long Mỹ, đoàn xe tiếp tục đến thăm mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Hối và bà Phạm Thị Liễu, mẹ của Anh hùng lực lượng vũ trang Châu Văn Biếc, liệt sĩ Châu Văn Hạnh. Mẹ Trần Thị Hối và mẹ Phạm Thị Liễu năm nay đều đã ngoài 90 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn. Nhìn thấy các anh trong trang phục Công an nhân dân ngồi quanh, hai mẹ nhớ tới các con mẹ- những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì bình yên Tổ quốc, đôi mắt đã mờ đục bỗng ngân ngấn nước, tay mẹ nắm chặt bịn rịn, không muốn rời những người con của mình.
Nằm cách Vũng Tàu 97 hải lý, sáng 8/7, sau khi kết thúc hoạt động tại huyện Đất Đỏ, đoàn đã đặt chân tới Côn Đảo – vùng đất linh thiêng gắn liền với ký ức lịch sử đau thương nhưng hào hùng của dân tộc để tiếp tục những hoạt động tình nghĩa tại đây.
Trong buổi bình minh, Côn Đảo đẹp tinh khôi với làn nước xanh ngọc bích, những cánh rừng rậm rạp và bãi cát trắng phẳng mịn. 40 năm về trước, trong 113 năm đô hộ (1862- 1975), giặc Pháp và Mỹ đã biến thiên đường này thành địa ngục trần gian, là nơi giam cầm, tra tấn hơn 200 ngàn lượt tù nhân yêu nước. 20 ngàn người, phần lớn là các chí sỹ yêu nước và chiến sỹ cách mạng đã vĩnh viễn nằm lại trên đảo. Và hôm nay, 7 ngàn người dân nơi đây đang sinh sống với tấm lòng biết ơn vô hạn trước sự hy sinh oanh liệt của các chiến sỹ.
Trung tướng Châu Văn Mẫn - một chiến sỹ cựu tù Côn Đảo xúc động nhớ lại, để dập tắt phong trào đấu tranh của các tù nhân bị giam giữ tại hệ thống nhà tù Côn Đảo, kẻ thù đã dùng nhiều thủ đoạn, từ dụ dỗ đến dùng cực hình như: thường xuyên bỏ đói, đánh đập dã man, ngâm các chiến sĩ trong bồn nước thải của bò, bắt phơi nắng, tắm mưa từ ngày này qua tháng khác, rắc vôi bột và giội nước xuống tại chuồng cọp, chuồng bò… nhưng tất cả các chiến sỹ đều không hề nhụt chí.
Ngày 1/5/1975, ngày đất nước thống nhất cũng là ngày Côn Đảo được giải phóng, hàng ngàn chiến sỹ được trở về đoàn tụ với gia đình, nhưng cũng có các cô, các bác tình nguyện ở lại để bảo vệ và xây dựng đảo, đoàn đã đến thăm và tặng quà các bác Phan Hoàng Oanh, Nguyễn Xuân Viên, Nguyễn Thị Ni, Nguyễn Văn Ước, Lê Văn Bảnh, là những cựu tù Côn Đảo. Đồng thời, đoàn cũng tặng nhà tình nghĩa cho 2 đoàn viên của huyện có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tặng quà cho gia đình chính sách, ngư dân trên đảo.
Lễ dâng hương tại nghĩa trang Hàng Dương là một trong những kỷ niệm khó quên của đoàn trong chuyến ra Côn Đảo lần này. Nghĩa trang Hàng Dương - nơi yên nghỉ của cụ Nguyễn An Ninh, đồng chí Lê Hồng Phong và hàng ngàn người con yêu nước, nơi có hơn 2.000 ngôi mộ có tên và chưa có tên, là bằng chứng hùng hồn về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về lòng yêu nước và tinh thần hy sinh cao cả vì sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước