Phát huy vai trò của người uy tín trong công tác thu hồi vũ khí
Với đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú ở địa bàn huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), từ lâu, cây súng là vật luôn mang theo bên mình khi lên rẫy, vào rừng để săn bắn, phòng thú dữ. Thói quen đó dần được xóa bỏ khi người dân ý thức được rằng đây là loại vũ khí nguy hiểm, không phải là vật thiết yếu mỗi khi ra khỏi nhà. Trong 5 năm trở lại đây, công tác thu hồi vũ khí tại địa bàn Kỳ Sơn đạt hiệu quả cao. Để có được điều đó, Công an huyện Kỳ Sơn đã hết sức nỗ lực trong việc tuyên truyền, vận động để người dân tự giác giao nộp vũ khí. Trong đó, việc phát huy vai trò gương mẫu của các đảng viên, già làng, trưởng bản, những người có uy tín đóng vai trò hết sức quan trọng.
Mường Lống là xã giáp biên, một thời là thủ phủ của cây anh túc, một trong những địa bàn có tỷ lệ người dân sử dụng vũ khí thô sơ cao ở Kỳ Sơn. Già làng Xồng Phái Đà, bản Mường Lống 2, xã Mường Lống kể lại: Trước kia trong bản này, hầu như nhà nào cũng có súng. Từ khi Công an huyện Kỳ Sơn cùng các ban, ngành, đoàn thể địa phương tăng cường vận động người dân giao nộp súng tự chế và các loại vũ khí tự tạo khác, già làng, trưởng bản nơi đây đều phải tìm cách để làm sao công tác tuyên truyền đạt hiệu quả. Mới đầu, việc vận động bà con thật không đơn giản. Bởi cây súng săn như là vật gắn bó lâu đời, trở thành một tập tục của người Mông. Vả lại, họ còn có cái lí “dùng súng để săn thú thôi, chứ có dùng súng bắn người đâu mà nộp”…
Trước thực tế đó, già làng Xồng Phái Đà xác định, ông phải là người tiên phong của bản trong việc giao nộp vũ khí. Sau khi giao nộp vũ khí của gia đình mình, ông vận động những người anh em, bà con, họ hàng trong dòng họ mình là những người làm gương. Đồng thời gần gũi bà con, nắm bắt được tâm lí của họ, phương pháp thuyết phục người dân giao nộp vũ khí ngày càng đạt hiệu quả. Nhắc đến chuyện vận động giao nộp vũ khí năm nào, anh Và Chứ Tủa, ở bản Mường Lống 2 cười vui: “Hồi đó, nhà ta quý cây súng lắm chứ! Nộp đi tiếc lắm! Nhưng thấy nhà ai cũng đem đi nộp. Vả lại già làng cũng cho ta hiểu rõ rồi. Có nó nguy hiểm lắm. Ta đem nộp ngay!”.
Đến nay, ở bản Mường Lống 2, hầu như không còn nhà nào sử dụng súng. Vấn đề ANTT được đảm bảo. Người dân yên tâm khi lên rẫy, vào rừng, không còn phụ thuộc vào cây súng như trước kia.
Công an huyện Kỳ Sơn xử lí vũ khí do người dân giao nộp. Ảnh: Minh Khôi. |
Cũng như già làng Xồng Phái Đà, ở xã Keng Đu, sau hơn 1 ngày các chiến sỹ Công an xuống bản vận động, thuyết phục, đảng viên Lương Phò La, nguyên Trưởng bản Huồi Lê, là một trong những người đầu tiên giao nộp súng. Ông thuyết phục mọi người nên nghe theo chính sách của Đảng, Nhà nước bởi đó là việc làm tốt, để cây súng trong nhà hại nhiều hơn lợi. Được vận động, giải thích và có những người uy tín đi trước, trong 3 năm qua, nhân dân xã Keng Đu đã tự nguyện giao nộp khoảng 500 khẩu súng và nòng súng tự chế.
Thượng tá Vy Hồng Minh, Phó trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cho biết: Để công tác thu hồi vũ khí đạt hiệu quả, Công an huyện Kỳ Sơn tăng cường những cán bộ, chiến sỹ có trình độ, có kinh nghiệm và biết nói tiếng dân tộc xuống 21 xã trên địa bàn, tuyên truyền để bà con nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, vận động bà con giao nộp. Trong đó, việc phối hợp, phát huy vai trò gương mẫu của các già làng, trưởng bản và những người có uy tín đóng vai trò hết sức quan trọng. Bởi hơn ai hết, họ là những người hiểu rõ tâm lí, phong tục, tập quán của bà con, dùng chính tiếng dân tộc của họ trong công tác tuyên truyền vận động, phổ biến pháp luật và họ phải là tấm gương đi đầu để bà con tự giác noi theo.
Nhờ sự phối kết hợp đó, trong năm 2013, Công an huyện Kỳ Sơn đã thu hồi gần 1.000 khẩu súng tự chế, 3 quả đạn cối, 14 dao kiếm, 2 roi điện và nhiều hung khí khác. So với năm 2012, số lượng súng tự chế thu được tăng 147 khẩu, số vụ và nạn nhân bị thương vong do săn bắn nhầm giảm hẳn, tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững.
Thói quen về việc sử dụng vũ khí tự chế của người dân đang dần được thay đổi tại địa bàn huyện Kỳ Sơn. Hành động giao nộp vũ khí, công cụ hỗ trợ không chỉ hạn chế nguy hiểm trong nhân dân, mà còn tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân. Để có được kết quả trong những năm qua, Công an huyện Kỳ Sơn đã phát huy tốt vai trò gương mẫu của các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng