Tìm giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm có sử dụng bạo lực ở Việt Nam

Thứ Hai, 29/05/2017, 19:00
Từ năm 2006 đến 2016, cơ quan điều tra các cấp của Bộ Công an đã khởi tố, điều tra 79.000 vụ, 99.000 đối tượng phạm tội có sử dụng bạo lực; trung bình mỗi năm cả nước xảy ra 1.400 vụ giết người và 6.500 vụ cố ý gây thương tích... 

Ngày 29-5, tại TP Hồ Chí Minh, Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Tội phạm có sử dụng bạo lực ở Việt Nam – Tình hình, nguyên nhân và giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống”. Đại tá, PGS.TS Nguyễn Đắc Hoan, Phó Giám đốc Học viện CSND chủ trì buổi Hội thảo.

Các đại biểu phát biểu tham luận tại Hội thảo

Theo nghiên cứu của Học viện CSND: Thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm thời gian qua cho thấy, tội phạm có sử dụng bạo lực là một trong những tội phạm nguy hiểm nhất cho cộng đồng và xã hội, đã xâm phạm đến ANTT; tác động tiêu cực đến hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội; xâm phạm trực tiếp tới quyền bảo đảm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của con người; gây hoang mang trong dư luận, làm giảm lòng tin của người dân đối với lực lượng chức năng; ảnh hưởng đến bảo đảm an ninh con người và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Qua thống kê của Bộ Công an, từ năm 2006 đến 2016, cơ quan điều tra các cấp của Bộ Công an đã khởi tố, điều tra 79.000 vụ, 99.000 đối tượng phạm tội có sử dụng bạo lực; trung bình mỗi năm cả nước xảy ra 1.400 vụ giết người và 6.500 vụ cố ý gây thương tích. 

Tính chất tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, hành vi phạm tội ngày càng manh động, bạo lực, côn đồ, liều lĩnh, dã man, gây lo lắng cho người dân. Đặc biệt, thời gian qua tình hình tội phạm giết người có tính chất manh động, khó dự đoán, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã tác động tiêu cực đến tình hình trật tự an toàn xã hội, gây hoang mang dư luận. Điển hình, tháng 7 và tháng 8-2015, đã xảy ra nhiều vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng (vụ giết 6 người ở Bình Phước, vụ giết 4 người ở Nghệ An, vụ giết 4 người ở Yên Bái).

Toàn cảnh Hội thảo

Cũng theo Học viện CSND, kết quả nghiên cứu tội phạm học cho thấy, tội phạm có sử dụng bạo lực, nhất là giết người, cố ý gây thương tích do mâu thuẫn trong đời sống, quan hệ gia đình, người thân ngày càng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm (từ 72% đến 75%), trong đó số vụ giết người do người thân sát hại nhau chiếm tỷ lệ từ 15% đến 17%. 

Đối tượng phạm tội có sử dụng bạo lực chủ yếu độ tuổi từ 16-30 (chiếm 70%); khi gây án có sự dụng chất kích thích (rượu, bia chiếm tỷ lệ hơn 70%, sử dụng ma túy chiếm 23%); đa số sử dụng công cụ, hung khí nguy hiểm (vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, chất độc, chất cháy, a xít, dao…); số vụ phạm tội ở khu vực đang trong quá trình đô thị hóa, vùng giáp ranh giữa thành thị và nông thôn diễn biến phức tạp…

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Đắc Hoan, nhận định: Hội thảo nhằm tiếp tục đánh giá tình hình tội phạm có sử dụng bạo lực và thực tiễn phòng, chống tội phạm có sử dụng bạo lực ở các tỉnh thành phía Nam, từ đó làm sáng tỏ tình hình tội phạm này trên địa bàn cả nước. Xác định và làm rõ thêm nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tình hình tội phạm có sử dụng bạo lực ở khu vực các tỉnh thành Nam bộ. 

Trong đó, làm rõ những hạn chế, thiếu sót của hệ thống pháp luật phòng, chống tội phạm có sử dụng bạo lực; hệ thống phòng ngừa xã hội; trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật sử dụng bạo lực; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý về văn hóa, giáo dục, truyền thống; quản lý các dịch vụ cung cấp đồ uống có cồn, vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý chất cấm, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chất cháy…

Đức Mừng
.
.