Những nội dung cơ bản định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ CAND đến năm 2020, tầm nhìn 2030
- Tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác khoa học CAND
- Một vài suy nghĩ về xây dựng và hoàn thiện lý luận khoa học CAND đáp ứng yêu cầu bảo vệ ANTT trong tình hình mới
Ngày 11/4/2012, Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, ngày 04/11/2004 Bộ Công an đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ Công an nhân dân đến năm 2015; qua hơn 10 năm thực hiện Chiến lược, công tác khoa học kỹ thuật và công nghệ Công an nhân dân đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng. Nổi bật là:
(1) Công tác khoa học kỹ thuật và công nghệ Công an nhân dân đã được cấp ủy, lãnh đạo các cấp trong Công an nhân dân thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; được các bộ, ban, ngành, các địa phương và nhân dân quan tâm, phối hợp, giúp đỡ và đã cơ bản hoàn thành mục tiêu, yêu cầu mà Chiến lược phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ Công an nhân dân đến năm 2015 đã đề ra.
Khoa học kỹ thuật và công nghệ Công an nhân dân đã có bước phát triển mạnh, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật được cải thiện; năng lực nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ trên các lĩnh vực mũi nhọn được nâng cao, từng bước tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ của khu vực và thế giới. Chủ động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong tác chiến điện tử, chủ động phòng ngừa nghiệp vụ, đấu tranh có hiệu quả với các âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta, các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật.
Lực lượng Công an nhân dân phát triển kỹ thuật, ứng dụng công nghệ hiện đại phục vụ công tác, chiến đấu |
(2) Công nghiệp an ninh có bước phát triển quan trọng, đáp ứng được điều kiện cơ bản cho các cơ sở nghiên cứu, sản xuất, bước đầu trang bị được phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ cho công tác, chiến đấu. Đưa vào ứng dụng nhiều kết quả nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, cấp cơ sở về khoa học kỹ thuật và công nghệ, góp phần vào việc đề ra các chủ trương, giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự.
(3) Khoa học nghiệp vụ, khoa học xã hội và nhân văn đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng, phát triển lý luận nghiệp vụ Công an nhân dân, hoàn thiện lý luận quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, từ đó, làm cơ sở khoa học cho việc phát triển đường lối, phương châm, nguyên tắc, đối sách và các biện pháp công tác cụ thể trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự; cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo đảm an ninh, trật tự, tạo hành pháp lý để lực lượng Công an nhân dân tiến hành các mặt công tác, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm.
(4) Đội ngũ cán bộ khoa học trong Công an nhân dân ngày càng được củng cố, tăng về số lượng, chất lượng và trình độ không ngừng được nâng lên. Nhiều chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, đã phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ khoa học trong Công an nhân dân; tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu chuyên sâu, triển khai xây dựng, ứng dụng nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ phục vụ công tác của ngành.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác khoa học kỹ thuật và công nghệ còn một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục là: việc huy động tiềm lực khoa học công nghệ phục vụ công tác Công an chưa được chú trọng, hiệu quả còn thấp; việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ công tác, chiến đấu của các lực lượng chưa sát với nhu cầu thực tế; công tác đào tạo, trọng dụng nhân tài, ưu đãi đối với cán bộ làm khoa học tuy có đổi mới nhưng chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ Công an nhân dân.
Lực lượng Công an nhân dân phát triển kỹ thuật, ứng dụng công nghệ hiện đại phục vụ công tác, chiến đấu. |
Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, thế giới đang bước vào cuộc cánh mạng công nghiệp lần thứ tư với quy mô và tốc độ phát triển cao trên nhiều lĩnh vực. Đất nước ta đang tiến hành công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, tạo ra nhiều thời cơ thuận lợi, nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ. Để có bước phát triển mạnh mẽ, phục vụ có hiệu quả các mặt công tác Công an, thời gian tới khoa học và công nghệ Công an nhân dân cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, phải tập trung nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, vị trí quan trọng của khoa học và công nghệ, coi khoa học và công nghệ là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc nâng cao sức mạnh chiến đấu, hiệu quả công tác; coi việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển khoa học và công nghệ Công an nhân dân là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cấp ủy, lãnh đạo Công an các cấp.
Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Bộ Công an về phát triển khoa học và công nghệ, nhất là những mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020 của Chính phủ; Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi năm 2013 và Nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương về công tác khoa học Công an trong tình hình mới.
Hai là, phát triển khoa học và công nghệ Công an nhân dân trong thời gian tới cần phải tập trung vào những định hướng chiến lược cơ bản là: hoàn thiện cơ sở lý luận khoa học nghiệp vụ, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lịch sử; đổi mới, nâng cao năng lực khoa học kỹ thuật và công nghệ, nâng cao hiệu quả ứng dụng thực tiễn của các đề tài, công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ, đáp ứng yêu cầu, hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ hiệu quả các mặt công tác Công an.
Ba là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ về cơ chế, hoạt động khoa học và công nghệ Công an nhân dân.Thực hiện cơ chế đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ gắn với trách nhiệm sử dụng kết quả nghiên cứu, phục vụ nhu cầu của Công an các đơn vị, địa phương. Phát huy có hiệu quả cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị khoa học và công nghệ công lập trong Công an nhân dân. Áp dụng cơ chế tài chính linh hoạt để nâng cao hiệu quả các đề tài khoa học và công nghệ.
Bốn là, phải rà soát chức năng nhiệm vụ, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ Công an nhân dân từ Bộ đến các đơn vị, địa phương; kiện toàn, nâng cấp Viện Chiến lược và Khoa học Công an ngang tầm nhiệm vụ nghiên cứu chiến lược, đủ khả năng tham mưu về chiến lược an ninh quốc gia và chính sách phát triển lực lượng Công an nhân dân. Khẩn trương ban hành và cụ thể hóa các chính sách sử dụng, trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ trong Công an nhân dân, có cơ chế, chính sách thiết thực và hiệu quả thu hút các nhà khoa học, các chuyên gia ngoài lực lượng Công an nhân dân hợp tác tham gia nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ trong Công an nhân dân.
Năm là, phải có kế hoạch cụ thể hóa liên doanh, liên kết với những đối tác nước ngoài có tiềm năng khoa học kỹ thuật, có trình độ cao để tiếp nhận, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực làm công tác khoa học công nghệ trong Công an nhân dân. Đặc biệt, chú trọng việc huy động tiềm lực khoa học công nghệ phục vụ công tác Công an; mở rộng hợp tác khoa học và công nghệ với các nước tiên tiến trên thế giới; phát triển dịch vụ kỹ thuật, chuyển giao, tư vấn, đánh giá và định giá công nghệ, tăng cường xã hội hóa hoạt động khoa học và công nghệ để nâng cao tiềm lực khoa học, công nghệ Công an nhân dân.