Người cựu Công an giúp dân Mù Cang Chải "đổi đời"

Thứ Hai, 08/09/2008, 11:45
Vào tuổi xưa nay hiếm, cụ Sùng A Lu hiện là một trong những nhân vật có uy tín nhất của người Mông họ Sùng ở Mù Cang Chải (Yên Bái) là Trưởng Công an huyện người Mông đầu tiên và duy nhất tại đây (tính đến thời điểm hiện tại), cụ Lu như một pho sử sống về vùng đất mờ sương, đẹp như cổ tích, nằm nép mình dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn. Sở hữu một quá khứ hào sảng, cụ Sùng A Lu còn là đầu tàu gương mẫu, không chỉ giỏi làm kinh tế gia đình, mà luôn mát tay chỉ bảo, hướng dẫn cho bà con người Mông cùng chung sức làm giàu, giữ gìn thôn bản ấm no, trật tự…

Từ  Trưởng Công an huyện uy tín

Năm 1965, chàng trai người Mông 19 tuổi, người con của bản Hú Chù Lình, xã Lao Chải được cán bộ chọn đi làm Công an. Lợi thế biết tiếng Mông, thông hiểu phong tục tập quán, cả những hủ tục của đồng bào mình, Sùng A Lu luôn biết cách nói và làm sao cho người mình dễ nghe, dễ tiếp thu và dễ học theo. Mỗi chuyến công tác, Sùng A Lu và đồng đội của mình phải đi bộ vài ngày đường.

"Ôi, hồi đầu, Công an huyện ít lắm, có 8 người thôi". Cụ Lu hào hứng. 8 con người trẻ tuổi phải quản lý, trông coi một địa bàn rộng tới hơn 100.000ha, từ bản gần tới bản xa cách nhau cả trăm cây số với ngàn vạn nỗi cơ cực, nheo nhóc, thiếu thốn.

Năm 1974, Sùng A Lu được cử làm Phó trưởng Công an huyện. Năm 1983, lên chức Trưởng. Cho đến bây giờ, đấy vẫn là sự kiện hiếm hoi và hy hữu. Bởi thế, chuyện về nguyên Trưởng Công an huyện Sùng A Lu vẫn được bà con dân tộc Mông truyền tai nhau mãi. Cả nhiều trinh sát, điều tra viên trẻ của Công an huyện đương thời, vẫn thường xuyên nhắc tới cụ Lu, kể chuyện cụ Lu như lật giở lại những trang sử sống động, hấp dẫn.

Cụ Sùng A Lu đang hồ hởi kể về những tháng ngày hào hùng và gian khó cho con cháu nghe.

Cả đời làm Công an, nắm giữ trọng trách cao, nhưng đến giờ, ngẫm ngợi, cụ Lu tự thấy chưa một lần mình làm điều gì đó khiến lương tâm mình và cả bà con mình phải bối rối, xấu hổ. Nhắc nhớ những năm tháng đã qua trong một tối đẫm sương heo lạnh giữa đám đông con cháu và nhiều người lạ, cụ Lu vẫn phừng phừng khí thế: "Có lần, em vợ tôi ăn trộm trâu về bán, bị dân bắt vào Công an. Người nhà lên nhờ tôi bảo lãnh xin ra. Thế nhưng tôi bảo, ăn trộm lỡ bán rồi thì phải mua trâu trả lại cho người ta và chịu xử phạt hành chính. Nếu không sẽ bị tù giam đấy. Tôi làm thế, vẹn cả tình, được cả lý. Người nhà vợ cũng không oán trách gì, mà vẫn răn đe được người phạm tội".

Chiến công đọng lại được ấn tượng sâu đậm trong cõi nhớ của cụ Sùng A Lu chính là lần, bằng sự cảm thông và lòng nhẫn nại, anh Công an trẻ đã thuyết phục được một người phạm tội, trốn tránh trong rừng nhiều năm trở về với dân bản, với gia đình.

"Hồi ấy ở xã Nậm Có, bà vợ ông Dinh Pla Xen gây rối bản làng, kích động mọi người, tung tin đồn nhảm, đòi xưng vua. Công an mình phải bắt giam bà Dinh Pla Xen. Ông Dinh Pla Xen ra trình diện, nhưng sau đó ông lại trốn vào rừng. Sau 3 năm, bà vợ được tha rồi, mà ông ấy vẫn sợ, không chịu về. Hồi ấy tôi đi học văn hóa, đến khi về huyện, Phó Giám đốc Công an tỉnh gọi lên giao cho tôi phải gọi bằng được ông ấy trở về. Tôi phải đi nhiều ngày đường vào bản, tìm cách để mọi người nói với ông ấy: Đảng và Nhà nước không bắt ông đâu, Công an không bắt ông đâu. Tôi là người Mông, ông cũng là người Mông, tôi hứa không ai bắt ông đâu... Sau ba tháng trời  ông ấy mới trở về. Tôi dặn ông ấy: Ông cứ sống thoải mái, đàng hoàng. Đảng và Nhà nước rất tin ông. Chỉ có điều, ông đừng có chống lại đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước là được”.

“Thực ra, mọi việc không dễ dàng thế đâu. Trước đó, tất cả cán bộ huyện đã họp lại, đòi bắt ông Xen. Bí thư cũng muốn bắt, Chủ tịch cũng muốn bắt. Tôi là Công an, tôi phải giữ lập trường của mình: Đảng và Nhà nước mình đã có chủ trương: Nếu không thể không bắt thì nhất định phải bắt. Còn nếu bắt cũng được, không bắt cũng được, thì dứt khoát không được bắt. Bắt ông Xen là không có lợi. Chủ tịch huyện điện thoại lên Giám đôc Công an tỉnh báo cáo: Công an không cho bắt ông Xen. Tỉnh cử Phó giám đốc Công an về làm việc với tôi, và cuối cùng, đồng tình với quyết định của tôi".

Đến lão nông vượt khó làm giàu

Cụ Sùng A Lu hiện sống trong căn nhà kiên cố, xây tươm tất tại trung tâm thị tứ Khao Mang. Năm 1990, Trưởng Công an huyện Sùng A Lu về hưu với quân hàm Thiếu tá. Trở lại bản cũ được hai năm, cụ Lu nằng nặc nói với vợ con: Bố phải xuống đường làm kinh tế thôi... Ngày về hưu, cụ Lu còn bàn giao cho người kế nhiệm tài sản của Công an huyện gồm 20 con bò.

Cụ Lu một tay gây dựng đàn bò, trâu, lợn, gà và chăm chỉ trồng ngô. Chuồng bò nhà cụ Lu luôn có tới 20 con đông đúc. Ruộng ngô cụ Lu luôn xanh tươi, cây cho nhiều bắp, hạt tròn đều. Bà con bảo, do số thôi, chứ sao ruộng mình thì cằn cỗi, mà ruộng ông Lu lại xanh tốt thế. Nói suông bà con không nghe đâu, tôi phải cùng họ trồng thực nghiệm ở hai mảnh sát nhau. Đến vụ thu hoạch, mảnh ruộng có bón phân tất nhiên năng suất cao hơn. Đất quê mình bạc màu, chỉ tra cái hạt xuống mà không tưới tắm, bón phân, làm sao cây nó lên được. Đó là tại mình chứ... Dần dần, nghe cụ Lu nói, nhìn cụ Lu làm, bà con đã không còn tin ở số phận nữa.

Từng đi nhiều, tiếp xúc nhiều, cụ Lu học hỏi, đúc kết kinh nghiệm ở các địa phương khác, rồi về tự mày mò ứng dụng vào thực tế, và truyền lại cho dân bản.

"Cả đời tôi nuôi lợn, chưa bao giờ bị nhiễm dịch nhé. Lợn người bản chết hàng đàn, lợn nhà tôi vẫn khỏe mạnh. Bà con lại ỷ vào số. Tôi phải hướng dẫn mãi: Lợn người ta chết, mình đừng mua thịt về ăn, lây sang nhà mình. Phải nhốt chặt, đừng thả rông, kẻo nó lại sang vùng có dịch". Cụ Lu sâu sát, chỉ bảo tỉ mỉ người Mông cách che chắn chuồng trại cho trâu bò, chăm sóc trâu bò lúc trời giá rét.

Ngoài căn nhà trên bản, cụ Sùng A Lu còn hai ngôi nhà xinh xắn tại thị tứ Khao Mang, trong đó dành hẳn một căn cho thuê. Gia tài của cụ có thêm 3 xe máy... Tất cả là thành quả từ ý chí thoát nghèo, tránh khổ của gần 20 năm chăm lo chuồng trại, tăng gia sản xuất. Đời sống khấm khá lên, con cháu cũng học hành tấn tới, dân bản Mông Mù Cang Chải thuận hòa, cùng bảo ban nhau giữ gìn an ninh trật tự.

Người con trai duy nhất của cụ Lu, anh Sùng A Sào, làm Chủ tịch xã Lao Chải. Hai cậu cháu nội cũng học hết lớp 12, đang có nguyện vọng nối nghiệp ông, thành chiến sỹ Công an. Giấy khen, Bằng khen của cụ Lu xếp cả xấp dày, lâu lâu con cháu sum vầy, cụ lại lôi ra ôn chuyện cũ. Cái lạnh và những dãy núi cheo leo vùng cao, luôn tiếp thêm sức lực cho cụ Sùng A Lu trong cuộc chiến với đói nghèo

H. Sen - T. Huyền
.
.