Người bác sĩ CAND giàu lòng nhân ái

Thứ Bảy, 07/01/2012, 11:20
Hằng ngày, Trung tá, bác sĩ Nguyễn Thanh Bình -  Bệnh xá trưởng Trại tạm giam - Công an tỉnh Yên Bái vẫn tận tụy với công việc khám, chữa bệnh cho những bệnh nhân là những đối tượng phạm pháp, trong đó có những can phạm nhiễm HIV...

Không ít đêm vừa đặt lưng xuống giường, có điện thoại, anh lại bật dậy phóng xe đến cơ quan để khám và lập phiếu sức khoẻ nhận can phạm mới. Chế độ hỗ trợ độc hại mỗi ngày 6 ngàn đồng, phụ cấp tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm HIV mỗi tháng được 100 ngàn đồng và 25% phụ cấp tính theo lương cơ bản, ngoài ra không còn chế độ gì thêm.

Động cơ nào đã giúp anh hoàn thành nhiệm vụ trước những bệnh nhân đặc biệt đó? Câu trả lời là cả quá trình thể hiện phẩm chất cao đẹp của người bác sĩ - chiến sĩ Công an nhân dân Việt Nam.

Sinh năm 1961 ở Việt Trì, Phú Thọ, năm 1979 chàng thanh niên Nguyễn Thanh Bình nhập ngũ và trở thành người chiến sĩ Công an nhân dân Việt Nam. Với mong muốn trở thành thầy thuốc trị bệnh cho mọi người nên anh đã xin đi học Trường Trung học Y tế Thái Bình. Tốt nghiệp năm 1982, y sĩ Bình về công tác tại Công an huyện Mù Cang Chải; đến năm 1986 anh lại tiếp tục đi học tại Đại học Y Thái Nguyên.

Từ năm 1991 đến nay anh về công tác tại Trại tạm giam - Công an tỉnh. Đây là một thử thách lớn đối với một bác sĩ, vì không chỉ tiếp xúc với những người ốm đau, bệnh tật bình thường mà phải tiếp xúc với người bệnh là những đối tượng vi phạm pháp luật, trong số đó có những tên giang hồ cộm cán, có những đối tượng mang trọng án và đặc biệt hơn cả là những phạm nhân nhiễm HIV/AIDS.

Bác sĩ Bình thăm khám bệnh cho phạm nhân.

Có những phạm nhân khi biết mình mang trong mình căn bệnh thế kỷ đã rất hoang mang, tiêu cực và tự tìm đến cái chết để giải thoát như trường hợp can phạm Th. ở phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái. Nhập trại mới 21 tuổi, khi biết mình bị nhiễm HIV/AIDS, Th. đã lấy mảnh bát trong lúc đi ăn cơm và trở về buồng giam tự tay cắt động mạch chủ để tự sát. Nhận được tin báo, bác sĩ Bình đã cấp cứu kịp thời và động viên Th. yên tâm điều trị, giữ gìn vệ sinh, sinh hoạt điều độ. Đến nay do cải tạo tốt nên Th. đã được ra trại và trở về địa phương chung sống cùng gia đình.

Trường hợp phạm nhân V.N.T. ở Y Can - Trấn Yên có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, khi nhập trại thì bố chết, vợ bỏ đi, bản thân T. bị nhiễm HIV/AIDS nên T. đã nhiều lần tự đập đầu vào tường để tìm đến cái chết… Thế là, bác sĩ Bình ngoài việc điều trị bệnh cho T. còn kiêm  cả công việc của bác sĩ tâm lý để rồi đến ngày ra trại, T. đã tìm gặp anh bày tỏ: “Ngoài việc chữa bệnh cứu cháu, chú còn cứu luôn cả tâm hồn cháu. Hôm nay được ra trại, cháu hứa với chú sẽ làm việc gì đó có ích để trả ơn chú và trả ơn cho cuộc đời và cũng để chuộc lại những sai lầm mà mình đã phạm phải”.

Điều trị cho những bệnh nhân “thật” đã vất vả lắm rồi, đôi khi còn phải đối mặt với những bệnh nhân “giả”, những can phạm này tự nhiên trở thành diễn viên tài ba và luôn bày ra lắm trò, họ giả bệnh, kêu đau, buộc bác sĩ phải chăm sóc. Thật là khó khăn mới phát hiện ra "chứng bệnh" này. Khi phát hiện ra họ giả bệnh, với kinh nghiệm của bản thân và nắm bắt tâm lý của tội phạm, anh thông báo cho cán bộ quản giáo còn mình vẫn thăm khám theo dõi "bệnh" cho họ bình thường. Đến khi biết chuyện, nhiều phạm nhân với vẻ mặt ngượng nghịu đã xin gặp bác sĩ Bình để nhận lỗi và mong anh tha thứ.

Công tác ở đơn vị Trại tạm giam đã hơn 20 năm nhưng khi hỏi về những thành tích của mình thì bác sĩ Bình đã từ chối trả lời, nhưng 2 tấm Bằng khen của Bộ Công an và UBND tỉnh tặng cùng nhiều Giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh tặng với hàng loạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở qua từng năm công tác đã nói lên tất cả về anh

Tuấn Anh - Công Huân
.
.