Một vài suy nghĩ về xây dựng và hoàn thiện lý luận khoa học CAND đáp ứng yêu cầu bảo vệ ANTT trong tình hình mới

Thứ Tư, 05/01/2011, 11:38
Trong quá trình nghiên cứu xây dựng lý luận khoa học CAND cần phải có sự phối hợp với Hội đồng lý luận TW, các ban, ngành liên quan. Cần tăng cường phối hợp trong nghiên cứu về các vấn đề như tôn giáo, dân tộc, nhân quyền, hoàn thiện cơ sở pháp lý để bảo vệ ANTT trong tình hình mới.

1. Các nhà kinh điển của Chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra rằng: lý luận được hình thành thông qua hoạt động thực tiễn; lý luận giúp cho con người nhận thức đúng về bản chất sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan. Theo đó, lý luận có vai trò soi đường, định hướng và chỉ đạo hoạt động thực tiễn, như V.I Lênin đã khẳng định: "Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng"(1). Ở nước ta, bên cạnh hệ thống lý luận chính trị gắn liền với hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, mỗi lĩnh vực hoạt động thực tiễn lại có lý luận riêng, trong đó có lý luận khoa học Công an nhân dân (CAND).

Lý luận khoa học CAND là dạng lý luận chuyên ngành, được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn bảo vệ an ninh quốc gia (ANQG), giữ gìn trật tự, an toàn xã hội (TTATXH) cũng như xây dựng lực lượng CAND và công tác hậu cần kỹ thuật tài chính đảm bảo, có vai trò rất quan trọng trong định hướng các hoạt động nghiệp vụ và xây dựng lực lượng hậu cần CAND. Nhận thức được vai trò quan trọng của lý luận CAND trong bảo vệ ANQG, đấu tranh phòng, chống các thế lực thù địch và các loại tội phạm nên trong suốt 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, lực lượng CAND thường xuyên quan tâm đến công tác nghiên cứu, xây dựng hệ thống lý luận trên các lĩnh vực công tác Công an. Những thành tựu về lý luận khoa học CAND đã góp phần quan trọng vào tổ chức thắng lợi cuộc đấu tranh bảo vệ ANQG và giữ gìn TTATXH và góp phần vào phát triển kinh tế xã hội đất nước qua các thời kỳ.

Trung tướng Phạm Minh Chính, Thứ trưởng Bộ Công an.

Cũng như các phạm trù lý luận chung, lý luận khoa học CAND cần được thường xuyên bổ sung và từng bước hoàn thiện phù hợp với thực tiễn bảo vệ ANQG và TTATXH trong từng giai đoạn cách mạng. Tuy có thay đổi về nội dung cụ thể, nhưng về cơ bản lý luận khoa học CAND là tổng hợp tri thức về bảo vệ ANQG và giữ gìn TTATXH và có thể được khái quát trong bốn nhóm nội dung chính: Hệ thống các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, phương châm nguyên tắc, chính sách… trong công tác bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH; Hệ thống các khái niệm cơ bản về bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH; Hệ thống các biện pháp công tác Công an để bảo vệ ANTT; Hệ thống lý luận về công tác xây dựng lực lượng (XDLL), hậu cần, khoa học kỹ thuật CAND.

Từ tổng kết thực tiễn công tác Công an, kết hợp với kết quả nghiên cứu khoa học, Bộ Công an đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết và văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực ANTT như: Nghị quyết số 07 về bảo vệ ANQG trong tình hình mới, Nghị quyết số 03 về đấu tranh chống diễn biến hòa bình; Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về chiến lược ANQG, Nghị quyết số 08 của BCH Trung ương Đảng (khoá IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết 40 của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác Công an trong tình hình mới…; các Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân, Luật Thi hành án hình sự, Pháp lệnh Tình báo, Pháp lệnh Cảnh vệ… Các văn bản chỉ đạo và văn bản quy phạm pháp luật này là quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực ANTT; là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình xây dựng và hoàn thiện lý luận khoa học CAND trong tình hình mới.

Quán triệt các quan điểm của Đảng về ANTT và thực tiễn bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH, Bộ Công an đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/BNV ngày 21/8/1993 về công tác lý luận CAND trong giai đoạn hiện nay; Đảng ủy CATW đã ra Nghị quyết số 04/ĐU (VP) ngày 22/4/1997 về phát triển giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ trong CAND thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó xác định: "Khoa học nghiệp vụ Công an phải nghiên cứu, hoàn chỉnh hệ thống lý luận về bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH; lý luận quản lý nhà nước về ANTT". Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy CATW và lãnh đạo Bộ Công an, trong những năm qua, công tác nghiên cứu, xây dựng lý luận khoa học CAND đã đạt được những kết quả quan trọng, thể hiện ở những nội dung sau:

Một là, đã xây dựng được hệ thống các cơ sở nghiên cứu lý luận khoa học Công an một cách khá toàn diện và tương đối đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực an ninh, tình báo, cảnh sát, kỹ thuật nghiệp vụ, phòng cháy chữa cháy… với các cấp độ khác nhau. Thể hiện qua việc thành lập các viện nghiên cứu Công an, các học viện, trường đại học, các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm Công an…

Các trường Đại học An ninh, Đại học Cảnh sát, Trường Tình báo được nâng lên thành học viện; trường Đại học An ninh, Đại học Cảnh sát, Đại học Phòng cháy, chữa cháy, đại học Kỹ thuật hậu cần được thành lập, nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo, đồng thời cũng là những trung tâm nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận của ngành. Tạp chí CAND được tách ra thành đơn vị tương đương cấp cục là cơ quan thông tin lý luận chính trị, nghiệp vụ của Bộ Công an. Bên cạnh đó còn có 12 tạp chí thuộc các tổng cục, viện, học viện, trường đại học thực sự là diễn đàn nghiên cứu, trao đổi về lý luận và thực tiễn góp phần xây dựng lý luận khoa học CAND.

Hai là, đã xây dựng được đội ngũ nghiên cứu viên các cấp trong lĩnh vực lý luận khoa học Công an có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, có kinh nghiệm thực tế, nhiều người có đẳng cấp quốc gia và quốc tế… Hiện có hơn một trăm giáo sư, phó giáo sư, hơn 200 tiến sỹ, gần 2.000 thạc sỹ... Đây là nguồn cán bộ khoa học quý của ngành, là lực lượng nòng cốt trong công tác nghiên cứu khoa học và lý luận khoa học CAND.

Ba là, đã xây dựng được hệ thống lý luận khoa học CAND một cách khá hoàn chỉnh trên cơ sở tổng kết, đúc rút kinh nghiệm và nâng tầm lý luận thành nghệ thuật Công an. Trong đó đã hình thành được:

- Hệ thống các quan điểm tư tưởng chỉ đạo, phương châm nguyên tắc công tác Công an. Đã xác định được những quan điểm mới về công tác bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH nhằm đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự điều hành, quản lý thống nhất của Nhà nước trên lĩnh vực ANTT. Quan điểm về đấu tranh với các loại đối tượng được đổi mới trên cơ sở giữ vững nguyên tắc chiến lược, đồng thời mềm dẻo về sách lược, linh hoạt, khôn khéo, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi, phân hoá, cô lập kẻ thù, không để xảy ra hậu quả phức tạp về ANTT; chủ động phát hiện, đấu tranh vô hiệu hoá hoạt động của địch từ nơi xuất phát. Các quan điểm về bạn, thù, đối tác, đối tượng được xác định phù hợp với yêu cầu bảo vệ ANQG trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Lý luận về đấu tranh chống diễn biến hòa bình từng bước được hoàn thiện. Trên cơ sở những quan điểm, nguyên tắc chiến lược trên, ngành Công an đã xây dựng, cụ thể hoá thành các chủ trương, đối sách với các loại đối tượng trên từng lĩnh vực, tuyến, địa bàn trọng điểm.

- Hệ thống các khái niệm, phạm trù, nội dung công tác Công an liên quan đến các đối tượng, đối tác công tác Công an. Đã thống nhất được hệ thống các khái niệm và thuật ngữ nghiệp vụ khoa học CAND. Trong đó, nhiều khái niệm mới về bảo vệ ANTT đã được xây dựng, bổ sung cho phù hợp với tình hình, giúp cho việc thống nhất nhận thức của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và trong CBCS Công an, như khái niệm về ANQG, bảo vệ ANQG, thế trận ANND, quản lý nhà nước về ANTT, an ninh nông thôn, an ninh môi trường, các thế lực thù địch, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, chuyển hoá chính trị, bảo vệ an ninh nội bộ, tự diễn biến… Những vấn đề mới đặt ra trên lĩnh vực bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH đã được nghiên cứu, bổ sung kịp thời vào các giáo trình giảng dạy ở các trường CAND, các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ của ngành Công an.

- Xây dựng được hệ thống các biện pháp đặc thù của công tác Công an Việt Nam. Đồng thời luật hoá các biện pháp, công tác nghiệp vụ CAND tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động nghiệp vụ của các lực lượng Công an. Các biện pháp công tác được nghiên cứu, đổi mới phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ ANTT trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, như công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng an ninh, tình báo, cảnh sát; chủ trương, biện pháp, đối sách trong đấu tranh với các loại đối tượng lợi dụng tôn giáo, dân tộc…

- Hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo đúc rút từ thực tiễn để phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện. Những vấn đề mới về lý luận khoa học CAND được đưa vào giảng dạy trong hệ thống các trường CAND đã nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời tập huấn giúp cho CBCS Công an các cấp nâng cao nhận thức, biết vận dụng sáng tạo kiến thức mới vào thực tiễn bảo vệ ANQG và TTATXH. Nhờ đó, trong những năm qua, mặc dù tình hình ANTT ở trong nước diễn biến rất phức tạp, mau lẹ, nhưng lực lượng Công an vẫn luôn giành thế chủ động trong đấu tranh ngăn chặn với mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch và tội phạm, góp phần quan trọng giữ vững ANQG, bảo vệ Đảng, bảo vệ công cuộc đổi mới của đất nước.

2. Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác xây dựng lý luận khoa học CAND vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Cụ thể là:

- So với yêu cầu bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng, thì lý luận khoa học và đội ngũ chuyên gia nghiên cứu lý luận khoa học CAND vẫn chưa ngang tầm, chưa theo kịp với diễn biến của tình hình thực tiễn. Một số vấn đề mới về ANTT tuy đã được triển khai nghiên cứu nhưng kết quả thu được còn hạn chế, hoặc đã được nghiên cứu song vận dụng vào thực tiễn còn nhiều bất cập, như các vấn đề: đối tượng, đối tác, tự chuyển hoá, đối sách với đối tượng cơ hội chính trị, đối tượng phản động lợi dụng tôn giáo, dân tộc, quản lý nhà nước về ANTT; các biện pháp công tác Công an được xác định trong luật chậm được nghiên cứu triển khai và chưa có quy định cụ thể hoá để áp dụng vào công tác bảo vệ ANTT, nhiều biện pháp nghiệp vụ cụ thể cho đến nay vẫn chưa được luật hoá. Vấn đề nghệ thuật đấu tranh bảo vệ ANQG và giữ gìn TTATXH vẫn chưa được nghiên cứu hình thành lý luận.

- Nhiều khái niệm mới trên lĩnh vực ANTT chưa được hiểu đúng và giải thích thống nhất, như: thế trận ANND, nền ANND, quản lý nhà nước về ANTT…

- Nhìn tổng thể thì hệ thống lý luận CAND còn thiếu tính hệ thống, chưa thực sự trở thành ngọn đuốc soi rọi, mở đường cho hoạt động thực tiễn của công tác Công an. Lý luận trên lĩnh vực XDLL và hậu cần - kỹ thuật CAND còn rất hạn chế.

Những hạn chế trong công tác nghiên cứu lý luận CAND trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do:

- Còn thiếu một chiến lược phát triển tổng thể, toàn diện và đồng bộ về xây dựng, hoàn thiện lý luận khoa học CAND. Mặt khác, nhận thức về vai trò của lý luận khoa học CAND đối với các mặt công tác, chiến đấu, xây dựng lực lượng CAND nhiều nơi nhiều lúc còn xem nhẹ.

- Công tác nghiên cứu lý luận khoa học CAND chưa tập trung vào một đầu mối. Các đề tài chuyên đề nghiên cứu còn nặng về hình thức, thiếu chuyên sâu theo các lĩnh vực công tác Công an.

- Sự đầu tư cho nghiên cứu lý luận còn hạn chế, trong đó có đầu tư về con người, phương tiện, cơ sở vật chất, tài chính, chế độ chính sách… Không ít cán bộ làm công tác lý luận nhưng thiếu thực tiễn công tác. Bên cạnh đó, chưa xây dựng được cơ chế phù hợp để khuyến khích các cấp Công an đi sâu nghiên cứu lý luận; chưa tạo được động lực, chế độ chính sách đãi ngộ đối với cán bộ nghiên cứu khoa học.

- Việc tổng kết công tác, tổng kết chuyên án lớn chủ yếu dừng ở kết quả chuyên môn, chưa chú trọng đến việc nghiên cứu, khảo sát để bổ sung lý luận về các lĩnh vực công tác Công an.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác Công an. Ảnh: Duy Hiển.

3. Trong những năm tới, tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động trực tiếp đến công tác bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH ở nước ta. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược Diễn biến hòa bình chống phá Việt Nam từ nhiều hướng, trên nhiều lĩnh vực với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Cùng với hoạt động kích động, tài trợ, chỉ đạo các đối tượng phản động trong nước chống đối, chúng sẽ tăng cường lợi dụng chủ trương mở rộng hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật của Việt Nam để thâm nhập nội bộ, tác động chuyển hoá chính trị ở nước ta, ráo riết tìm cách lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền. Ở trong nước, kết quả đạt được qua những năm đổi mới đã tạo thế và lực mới cho nước ta đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Song bên cạnh đó vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố tác động xấu tới tình hình ANTT, như an ninh trên lĩnh vực tôn giáo, dân tộc, vấn đề tự diễn biến, tranh chấp khiếu kiện đông người, tình hình phức tạp trong học sinh, sinh viên, an ninh văn hoá - tư tưởng… Để đáp ứng yêu cầu bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH trong tình hình mới, công tác nghiên cứu lý luận khoa học CAND cần phải được quan tâm hơn bao giờ hết; trong đó cần tập trung vào những nội dung lớn:

- Trên cơ sở những quan điểm của Đảng và Nhà nước về bảo vệ ANQG và giữ gìn TTATXH cần nghiên cứu đề xuất xây dựng chiến lược tổng thể về xây dựng và hoàn thiện lý luận CAND đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2020; trong đó xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung và lộ trình, bước đi thích hợp. Trước hết, cần tiếp tục hoàn thiện lý luận chuyên ngành như: lý luận về công tác phản gián, tình báo, điều tra phòng, chống tội phạm…, trong đó tập trung xây dựng lý luận về phương châm, nguyên tắc đấu tranh, biện pháp, đối sách với các loại đối tượng tình báo, gián điệp, phản động, các loại tội phạm; phương thức hoạt động của các lực lượng nghiệp vụ Công an (an ninh, tình báo, Cảnh sát và các lực lượng khác…); nội dung, phương pháp quản lý nhà nước về ANTT; những vấn đề mang tính lý luận về công tác tham mưu, an ninh kinh tế, bảo vệ nội bộ, XDLL, hậu cần - kỹ thuật CAND…

- Tiếp tục nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện lý luận về các biện pháp công tác Công an, làm rõ yêu cầu, nội dung và phương pháp tiến hành từng biện pháp, nhất là biện pháp ngoại giao, biện pháp kinh tế, biện pháp nghiệp vụ, biện pháp pháp luật...

Để thực hiện tốt những định hướng và nội dung nghiên cứu lý luận trên đây cần tập trung làm tốt một số giải pháp sau đây:

Một là, cần làm chuyển biến và nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ Công an về vai trò quan trọng của lý luận khoa học CAND với các hoạt động công tác, chiến đấu và XDLL CAND. Xác định rõ nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng lý luận CAND trước hết thuộc trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp và đội ngũ trí thức trong CAND làm nòng cốt.

Hai là, sớm tổng kết Chỉ thị số 13/CT/BNV ngày 21-8-1993 của Bộ về công tác lý luận khoa học CAND trong giai đoạn hiện nay để làm rõ nội dung đã làm được, chưa làm được, nguyên nhân tồn tại, trên cơ sở đó ban hành Chỉ thị mới của Bộ trưởng về công tác xây dựng lý luận khoa học CAND trong tình hình mới (hoặc đề án xây dựng, phát triển lý luận khoa học CAND trong tình hình mới).

Ba là, cần xây dựng kế hoạch hoạt động nghiên cứu lý luận khoa học Công an, bao gồm kế hoạch dài hạn mang tính chiến lược; kế hoạch ngắn hạn giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt. Đồng thời phải mở rộng tầm nhìn về nghiên cứu các vấn đề lớn mà thực tiễn cuộc đấu tranh bảo vệ ANQG và giữ gìn TTATXH đang đặt ra cho đất nước.

Bốn là, tăng cường nghiên cứu các đề tài khoa học về xây dựng lý luận và tổng kết thực tiễn, nhất là cần tập trung vào tổng kết các chuyên đề lớn về nghiệp vụ Công an. Cần có định hướng và đầu tư kinh phí cho việc nghiên cứu các đề tài khoa học nghiên cứu hoàn thiện lý luận khoa học CAND theo hướng: giao nhiệm vụ, hoặc đặt hàng cho Công an các đơn vị, địa phương, các học viện, trường đại học Công an, các nhà khoa học có năng lực, kiến thức chuyên sâu về từng lĩnh vực công tác Công an đứng ra chủ trì nghiên cứu giải quyết những vấn đề cơ bản, trọng tâm của lý luận khoa học CAND. Phấn đấu từ nay đến năm 2015 cơ bản xây dựng được hệ thống lý luận khoa học CAND ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ ANTT trong tình hình mới.

Các đề tài luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ của CBCS Công an (tại các cơ sở đào tạo của ngành) phải tiếp tục đặt ra yêu cầu bổ sung, hoàn thiện lý luận khoa học CAND liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu. Việc tổng kết các chuyên đề công tác trọng tâm, tổng kết các chuyên án lớn do các đơn vị nghiệp vụ chủ trì cần đặt ra yêu cầu bổ sung về lý luận và có sự tham gia của các cơ quan lý luận, các học viện, trường đại học Công an.

Năm là, xây dựng chính sách khuyến khích cán bộ làm công tác nghiên cứu lý luận. Hiện nay đội ngũ cán bộ Công an có học hàm, học vị khoa học tương đối đông, đang công tác ở các đơn vị, viện nghiên cứu, trường Công an, nhưng ngành Công an chưa có chính sách thích hợp để thu hút, tạo điều kiện cho họ tham gia nghiên cứu khoa học nói chung, xây dựng lý luận khoa học CAND nói riêng. Để tập hợp đội ngũ này làm lực lượng nòng cốt cho công tác nghiên cứu lý luận khoa học CAND, cần xây dựng chế độ, chính sách hợp lý để tôn vinh, động viên, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút họ tham gia tích cực công tác nghiên cứu lý luận. Hằng năm Bộ nên dành một khoản kinh phí nhất định cho công tác nghiên cứu, phát triển lý luận khoa học CAND.

Sáu là, lý luận khoa học CAND có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác, nhất là khoa học xã hội và nhân văn. Vì vậy, trong quá trình nghiên cứu xây dựng lý luận khoa học CAND cần phải có sự phối hợp với Hội đồng lý luận TW, các ban, ngành liên quan. Theo đó, cần tăng cường phối hợp trong nghiên cứu, tọa đàm, hội thảo khoa học về các vấn đề liên quan đến công tác Công an như vấn đề tôn giáo, dân tộc, nhân quyền, hoàn thiện cơ sở pháp lý để bảo vệ ANTT trong tình hình mới.

Bảy là, trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, hiện nay nhiều vấn đề liên quan đến ANQG của các nước đã mang tính toàn cầu như phòng, chống khủng bố, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm về ma tuý… Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng với các nước trong khu vực và trên thế giới, trong đó có hội nhập trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Yêu cầu quan hệ quốc tế trong phòng, chống tội phạm là khách quan. Vì vậy, trong nghiên cứu lý luận về phòng, chống tội phạm, nhất là những thủ đoạn phạm tội mới, cần phải tham khảo, học tập kinh nghiệm của nước ngoài. Ngoài cử các đoàn ra nước ngoài công tác, trao đổi kinh nghiệm, ngành Công an cần xây dựng đề án đưa cán bộ Công an ra nước ngoài đào tạo ở bậc đại học, sau đại học với một số chuyên ngành mà ở trong nước chưa đáp ứng được.

Tám là, cần tập trung xây dựng và hình thành một số trung tâm nghiên cứu khoa học Công an tầm cỡ quốc tế để trở thành đầu tàu thúc đẩy công tác nghiên cứu lý luận khoa học Công an. Bên cạnh đó, cần sớm nghiên cứu việc thành lập Hội đồng lý luận CAND giao cho một đồng chí Thứ trưởng làm Chủ tịch Hội đồng để giúp Bộ trưởng chỉ đạo định hướng công tác nghiên cứu lý luận. Hội đồng gồm đại diện các đơn vị chức năng, các cơ quan nghiên cứu, đào tạo và một số nhà khoa học đầu ngành thuộc các lĩnh vực trong CAND

---------------
(1). V.I Lênin: Toàn tập, NXB Tiến bộ, M1975, tr30
P.M.C.
.
.