“Một thời để nhớ” - nguyện tiếp nối truyền thống anh hùng
- Gặp gỡ, giao lưu nhân chứng lịch sử “ 40 năm - Mùa xuân đại thắng”
- Những nhân chứng lịch sử trong ngày 'Hà Nội vùng đứng lên'
- Hà Nội gặp mặt 300 nhân chứng lịch sử
Sống lại những ký ức hào hùng một thời, giúp thế hệ trẻ nhận thức rõ hơn về lịch sử vẻ vang của dân tộc, về những công lao to lớn của các thế hệ cha, anh đi trước…, chương trình giao lưu với nhân chứng lịch sử “Một thời để nhớ” do Cụm Thi đua số 4 - Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (Trung đoàn 600, Trung đoàn 375, Trung đoàn 312, Phòng Bảo vệ trụ sở Trung ương Đảng và Quốc hội) phối hợp với Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức để lại nhiều dấn ấn trong lòng người xem.
Đây là một trong những chương trình thiết thực chào mừng 73 năm Cách mạng Tháng 8 thành công, Quốc khánh 2-9 và 73 năm Ngày thành lập lực lượng CAND Việt Nam (19-8-1945 -19-8-2018).
Sáng 29-8, Hội trường Trung đoàn 375 (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) chật kín chỗ ngồi. Mọi người đến đây để thưởng thức chương trình giao lưu với nhân chứng lịch sử “Một thời để nhớ”.
Các nhân chứng lịch sử giao lưu tại chương trình “Một thời để nhớ”. |
Thượng úy Phạm Văn Tú, Bí thư Đoàn Thanh niên Trung đoàn 600 tâm sự, nhận được thông báo của Ban Chỉ huy Trung đoàn, hôm nay, anh cùng các bạn đoàn viên và gần 60 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị có mặt tại hội trường từ sớm với mục đích gặp gỡ, nghe những nhân chứng lịch sử kể về một thời hào hùng, vẻ vang của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cứu nước.
Theo đại diện Ban Tổ chức, chương trình “Một thời để nhớ” nhằm giáo dục cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, cán bộ công nhân viên Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò nhận thức sâu sắc hơn nữa về lịch sử vẻ vang của dân tộc, về những công lao to lớn của các thế hệ cha anh đi trước.
Đồng thời, khơi dậy niềm tự hào, giúp đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa của cán bộ, chiến sĩ trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Đến tham dự chương trình có Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương (75 tuổi Đảng, quê ở Quảng Nam), nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Lào; nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động và Xã hội; Trưởng ban đại diện các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày TP Hà Nội.
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương vẫn nhớ như in những ký ức một thời vẻ vang của quân và dân ta trong công cuộc kháng chiến cứu nước.
Nghe Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương kể về việc chỉ trong vòng 3 năm (từ 18 đến 20 tuổi), ông bị địch bắt tù đày 3 lần, về việc ông được giác ngộ, tham gia phong trào cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, rồi những lần “nếm mật nằm gai”… và sự quyết tâm cùng dân tộc đứng lên giành chính quyền, độc lập cho Tổ quốc, trong đó có quê nhà – tỉnh Quảng Nam (73 năm về trước) của ông, mọi người có mặt trong hội trường đều thấy bùi ngùi xúc động.
Sức mạnh từ lòng quả cảm đã biến những con người cách mạng chung một ý chí chiến đấu, góp phần cùng lực lượng vũ trang nhân dân viết nên những trang sử vẻ vang của dân tộc.
Khi người dẫn chương trình hỏi: “Trong thời khắc đón chào 73 mùa xuân Cách mạng Tháng 8 thành công và Quốc khánh 2-9, ông có cảm tưởng gì?”, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương cho biết: “Nhắc đến ngày lịch sử - Cách mạng Tháng 8-1945 thành công, chúng tôi thấy rất vui và vô cùng cảm ơn những người yêu nước đã nằm xuống, lót đường cho vinh quang của dân tộc…!”.
Chương trình giao lưu cũng là những phút giây sống lại hồi ức, là vô số câu chuyện hoạt động bí mật ở chiến trường Khu VI (1965-1975), thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Minh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND; nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Chiến lược Bộ Công an.
Đó là những tháng ngày gian khổ, ông cùng đồng đội phải ăn sắn cả ngày, phải “nhặt nhạnh” từng hạt. Những năm tháng lăn lộn ở chiến trường Khu VI khiến sức khỏe của ông giảm sút rõ rệt.
Có gian khổ, có hiểm nguy, nhưng Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh và đồng đội luôn tràn đầy lạc quan, sống và chiến đấu hết mình để giành độc lập, thống nhất nước nhà.
Trong chương trình, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh đã gửi lời nhắn tâm huyết tới các khán giả là những cán bộ chiến sĩ đang làm công tác cảnh vệ, đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường đầu tư an toàn trên địa bàn.
Chăm chú lắng nghe những câu chuyện của các nhân chứng lịch sử một thời, Trung úy Ngô Anh Tú, cán bộ, đoàn viên Phòng Bảo vệ trụ sở Trung ương Đảng và Quốc hội (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) không giấu được niềm vui và sự tự hào trên khuôn mặt.
Trung úy Ngô Anh Tú nói với tôi rằng, chiến tranh đã lùi xa, nhưng những câu chuyện của lịch sử, của thời đạn bom và bản lĩnh, trí tuệ, không quản hy sinh xương máu của các thế hệ cha anh đi trước vẫn còn đó. Nó có sức lan tỏa và thôi thúc thế hệ trẻ tiếp tục phát huy truyền thống, nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị, chuyên môn.
Bên cạnh đó, chương trình còn giúp bản thân anh cùng các đồng đội có mặt trong hội trường hiểu hơn về một giai đoạn lịch sử, một thời đoạn gian khó, bom đạn nhưng rất đỗi oai hùng của dân tộc. “Nghe những lời tâm sự của các nhân chứng lịch sử, bản thân tôi tự nhủ phải phấn đấu hơn nữa, làm sao để xứng đáng với sự hy sinh của lớp lớp thế hệ cha anh đi trước.
Trước mắt, tôi sẽ không ngừng học tập, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ”, Trung úy Ngô Anh Tú tiếp lời.
Ngoài phần giao lưu với nhân chứng lịch sử, chương trình đưa tới khán giả các tiết mục nghệ thuật được dàn dựng công phu với các ca khúc ca ngợi Đảng, đất nước và lực lượng CAND; những chia sẻ của đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò, qua đó bồi đắp hơn nữa lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm của mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.