Một ngày trải nghiệm làm lính cứu hoả

Chủ Nhật, 29/05/2016, 17:31
Thoát hiểm nhà cao tầng, vượt vùng không gian có khí độc, dập tắt những đám cháy… Đó là những tình huống trải nghiệm thú vị dành cho các em học sinh trong khoá học kỹ năng “Phòng vệ thông minh”.


Vừa qua, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật Phòng cháy chữa cháy (PCCC) - Trường Đại Học Phòng cháy Chữa cháy phối hợp với Trường THCS Nguyễn Du đã tổ chức khoá học kỹ năng “Phòng vệ thông minh” cho 130 em học sinh tại Lương Sơn, Hoà Bình.

Mặc dù phải thức dậy rất sớm và đi hơn 40 km đến nơi, nhưng các em tỏ ra vô cùng hào hứng trước ngày mới và được trải nghiệm nhiều điều thú vị.

Một số hình ảnh tại khoá học

Khởi động khóa học, các em bắt đầu làm quen với công việc cứu hỏa bằng phim tư liệu giới thiệu về lực lượng PC&CC; xem slide show về sự nguy hiểm của cháy, nổ; nghe giới thiệu về các trang thiết bị, phương tiện PC&CC…

Đúng 9h, tiếng chuông hiệu lệnh của chỉ huy vang lên, các em đã nhanh chóng xếp thành 3 trung đội. Các em được phát mũ, găng tay và mỗi trung đội sẽ lần lượt vượt qua các thử thách như: thoát hiểm nhà cao tầng; vượt vùng không gian có khí độc; sử dụng bình cứu hỏa để dập tắt đám cháy vừa và nhỏ…

Rất nhiều tình huống được đưa ra. Nhưng có lẽ khó khăn với các em đó là thử thách thoát nạn nhà cao tầng. Tình huống giả định được đưa ra là: tầng 4 và 5 của toà nhà bị cháy, nhiệm vụ của các em là buộc phải thoát hiểm xuống mặt đất. Mục đích của trải nghiệm này để giúp các em có thể ứng phó khi gặp hoả hoạn, cháy nổ ở các toà nhà cao tầng. Tuy nhiên, đối với ai chưa gặp tình huống này thì đây là một trải nghiệm tâm lý khó khăn khi phải tự mình thoát hiểm bằng bộ dây ở độ cao 10m.

Em Ngân, học sinh lớp 7, trường THCS Nguyễn Du cho biết: “Em thấy khoá này rất bổ ích. Nó giúp em hiểu được tầm quan trọng của việc phòng cháy chữa cháy. Trong tất cả các trải nghiệm, em thích nhất là trải nghiệm thoát nạn nhà cao tầng, vì nó giúp em vượt qua nỗi sợ độ cao”.

Khác với tình huống thoát nạn ở độ cao 10m, thì các em được tham gia vào trải nghiệm vượt chướng ngại vật sử dụng bình cứu hoả đi dập lửa và bảo vệ tài sản. Ở nội dung này, các em phải cùng nhau vượt qua những chiếc thùng cao, lốp xe, chạy zic zắc, dập cầu dao…

“ Trải nghiệm này giúp các em tăng tinh thần đồng đội, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau khi có tình huống nguy hiểm xảy ra”- Thượng uý Đỗ Tuấn Anh, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật PCCC - Trường Đại Học Phòng cháy Chữa cháy cho biết.

Những tiếng cười nói, hò reo, cổ vũ đồng đội liên tục được vang lên. Mặc dù người ướt đẫm mồ hôi nhưng lính cứu hoả nhí tỏ ra khoái chí với thử thách mới. “Em cảm thấy rất vui vì đã giúp đội mình chiến thắng trong trò chơi này”- Em My, học sinh lớp 8 chia sẻ.

Tại khoá học, các em không chỉ được thực hành thoát hiểm với những công cụ đặc biệt chuyên dụng, mà còn được trau dồi lý thuyết về phòng vệ đơn giản, thông minh, được tham gia các hoạt động team work  cũng như những kỹ năng cơ bản về PCCC để giải cứu bản thân, thoát nạn khi hoả hoạn xảy ra.

Thượng uý Đỗ Tuấn Anh cho biết: “Hiện nay, các hộ gia đình sống ở chung cư ngày càng đông, cùng với việc trường học đông học sinh, nguy cơ tiềm ẩn về hoả hoạn, cháy nổ ngày càng cao. Chính vì vậy, việc truyền đạt cho các em học sinh những kiến thức về PCCC, phòng vệ thông minh là vô cùng quan trọng. Nên khoá học này giúp các em hiểu thêm về trang thiết bị, phương tiện và công tác PCCC.

Đồng thời, đây cũng là dịp để các em thực hành bảo đảm an toàn phòng cháy, xử lý sự cố cháy, nổ khi xảy ra. “Phòng vệ thông minh” sẽ trang bị cho các em nhỏ phản xạ bản năng, tự nhiên khi các em rơi vào tình huống nguy hiểm; những kỹ năng sống cơ bản, cần thiết nhất trong cuộc sống; vượt qua được nỗi sợ; kĩ năng làm việc nhóm, tăng tình đoàn kết trong tập thể lớp, trường; ý thức kỉ luật, hoạt động hiệu quả trong môi trường của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy; kĩ năng mềm như lãnh đạo, lắng nghe, quan sát…

Tuy khoá học chỉ diễn ra trong 1 ngày, nhưng khoá học giúp các em trải nghiệm được nhiều điều bổ ích, cung cấp cho các em những kỹ năng trong cuộc sống. Đồng thời đây cũng là hoạt động thiết thực có tác động sâu rộng đến nhận thức của các em học sinh, giúp các em hiểu rõ hơn về công tác PCCC, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với hoạt động phòng cháy và chữa cháy nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân và gia đình, góp phần cùng với nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh nêu cao ý thức xây dựng và bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn PCCC trong và ngoài trường học.

Hồng Vân
.
.