Huyện miền núi sông Hinh Phú Yên:

Mô hình tổ dòng họ tự quản bảo vệ bình yên buôn làng

Thứ Sáu, 06/09/2013, 18:38
Là một trong ba huyện miền núi ở Phú Yên, Sông Hinh nằm ven tuyến đường QL29 nối liền Tây Nguyên ở cửa ngõ phía đông tỉnh Đăk Lăk và tiếp giáp một phần địa giới hai tỉnh Khánh Hòa, Gia Lai.

Ngoài thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh còn có 10 xã, với tổng số dân 47.744 người, trong đó có 46 % đồng bào dân tộc thiểu số Ê đê, Ba Na, Chăm H’roi, Tày, Nùng...nhưng chiếm nhiều nhất vẫn là người Ê đê.

Từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội miền núi, nên đời sống người dân huyện Sông Hinh có nhiều nét khởi sắc, “điện - đường - trường - trạm” vươn tới từng buôn làng, tạo ra diện mạo mới với những luồng sinh khí mới.

Dẫu vậy, trình độ nhận thức chính trị - pháp luật của đồng bào còn nhiều hạn chế, một số tập tục lạc hậu vẫn lén lút tồn tại ở nhiều buôn làng, nên sau cuộc gây rối mang “màu sắc chính trị” ở Tây Nguyên tháng 2/2000, một số đối tượng ở Gia Lai, Đăk Lăk đã bị Ksor Kớt - một kẻ phản động lưu vong nước ngoài dụ dỗ, đã lén lút xuống Sông Hinh kích động, lôi kéo những người nhẹ dạ núp dưới cái gọi “Tin Lành Đề Ga” để thực hiện mưu toan gây rối an ninh trật tự (ANTT), phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc. Mặt khác, trong đời sống thường nhật phát sinh không ít vụ việc tụ tập rượu bia, gây rối, đánh nhau, trộm cắp tài sản, tranh chấp đất đai, phá rừng làm nương rẫy, sử dụng súng tự chế, khai thác lâm sản trái phép...

Bình yên trên những buôn làng Sông Hinh. Ảnh: Hữu Toàn.

Trước thực trạng nêu trên, Công an huyện Sông Hinh không chỉ triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ cơ bản, rà soát, phân loại và quản lý chặt chẽ các loại đối tượng hình sự, chính trị, kết hợp tăng cường đẩy mạnh công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, kịp thời phát hiện mối quan hệ bất thường giữa những kẻ ở nơi khác với người địa phương, mà còn thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng thế trận ANTT khép kín từ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới, phù hợp với từng địa bàn, đồng bào dân tộc…

Già làng Ma Vi kể chuyện “Tổ dòng họ tự quản về ANTT” cản hóa những người lầm lỗi từ bỏ “Tin Lành Đề Ga”. Ảnh: Hữu Toàn.

Đại tá Lê Thanh Liêm - Trưởng Công an huyện Sông Hinh cho biết, một trong những mô hình nổi bật nhất là 33 “Tổ dòng họ tự quản về ANTT” thu hút 88 già làng, người có kiến thức pháp luật - xã hội sâu rộng, có uy tín và khả năng giao tiếp, vận động đồng bào thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, không tin những luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu, không nghe - theo “Tin Lành Đề Ga” cùng những tà đạo khác; đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giúp nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo… Lực lượng công an tăng cường bám sát địa bàn cơ sở, kịp thời thông tin những thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm để người dân chủ động cảnh giác đấu tranh phòng chống, nên một số đối tượng mưu toan phá hoại chính sách đoàn kết đã bị phát hiện.

Lực lượng công an thường xuyên tranh thủ uy tín già làng để triển khai các biện pháp nghiệp vụ bảo vệ ANTT. Ảnh : CA Phú Yên.

Sau một thời gian học tập cải tạo, Ma Phương, Ma H’BLít, Ma Ní, Ma H’Lem, Ma Mai, Oi Mai, Ma Nha, Ma Drai, Ma Sứ ở xã Ea Lâm; Kso Y Dú ở xã Ea Bia, Kpá Y Cô, Nay Y Nga ở thị trấn Hai Riêng…đều nhận diện chiêu trò lừa bịp, mị dân của Kso Kớt và “Tin Lành Đề Ga”. Khi tiếp xúc phóng viên, Ma H’Dốt - người đầu tiên ở xã Ea Lâm bị kẻ xấu lừa gạt thú nhận rằng “Chỉ có Đảng và Nhà nước mới xây dựng điện - đường - trường - trạm đến buôn làng, cho đồng bào vay vốn xóa đói giảm nghèo, học sinh đến trường miễn phí…Mình phải lên nương rẫy trồng trọt, chăn nuôi mới no cái bụng, ấm cái lưng, chớ không có “Tin Lành Đề Ga” nào lo cho mình đâu”.

Già làng Ma Luê - tức Lô Mô Y Choi, tác giả bài thơ “Cô gái vót chông” năm 1965 được Hoàng Hiệp phổ nhạc bài hát cùng tên -  đang sinh sống ở buôn Thinh, xã Ea Trol tâm sự “Đồng bào mình còn một số người nhẹ dạ, cả tin kẻ xấu khua môi, múa mép, chứ “thủ lĩnh Ksor Kớt” ở tận nước Mỹ xa xôi chưa chắc lo xong cho mình, mà đòi lo cho cộng đồng dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Đọc báo, nghe đài tôi chưa thấy tổ chức nào, quốc gia nào công nhận “Tin Lành Đề Ga” là đạo giáo đâu”.

Cùng suy nghĩ đó, già làng Ma Vi ở xã Ea Bia - người có công gieo mầm khuyến học để bây giờ chỉ riêng buôn Hai Krông có hơn 30 cử nhân và nhiều sinh viên đại học, cao đẳng - nói rằng “Muốn cơm no, áo ấm thì phải tin Đảng và Nhà nước, phải tự mình trồng khoai, trỉa lúa mới có cái ăn, cái mặc, đừng tin những chuyện mơ hồ, bịp bợm…”.Và, chính cái tâm trong sáng như Ma Luê, Ma Vi đã hình thành những “Tổ dòng họ tự quản về ANTT” hoạt động hiệu quả, nên “Tin Lành Đê Ga” đã được ngăn chặn, đẩy lùi ra khỏi Sông Hinh, trong số 43 đối tượng đưa ra kiểm điểm trước dân, đã có 37 người từ bỏ “Tin Lành Đề Ga”, 40 đối tượng khác từng tham gia phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc đã được già làng và những người có uy tín cảm hóa giáo dục tiến bộ.

Không chỉ ngăn chặn, đẩy lùi “Tin Lành Đề Ga”, mà “Tổ dòng họ tự quản về ANTT” ở huyện Sông Hinh còn đấu tranh xóa bỏ nhiều tập tục lạc hậu, tham gia hòa giải ổn thỏa hơn 80% vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp ở cơ sở, hỗ trợ công an thu hồi và vận động giao nộp hơn 20 khẩu súng săn tự tạo…Mô hình “Tổ dòng họ tự quản về ANTT” ở huyện Sông Hinh đã và đang trở thành điểm sáng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Hữu Toàn
.
.