Lực lượng Công an nỗ lực giúp dân bị lũ lụt và ngập úng do mưa lớn
- Lực lượng chức năng Đà Nẵng phối hợp giúp dân trong mưa lũ
- Công an TP Vinh dầm mình trong mưa rét giúp dân trên các tuyến đường ngập
- Công an các địa phương căng mình giúp dân chống bão
Ở trung tâm TP, nước mưa đã biến các con đường thành sông, nhiều khu dân cư nước ngập sâu hơn 1m, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn…
Theo ghi nhận của phóng viên, các tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Núi Thành, Lý Tự Trọng, Hàm Nghi, Tôn Đức Thắng, 2-9, Hùng Vương, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Xuân Nhĩ… nước mưa ngập đến 0,5m, có đoạn sâu hơn 0,6m, giao thông bị tê liệt hoàn toàn.
Trong sáng 9-12, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cùng lãnh đạo các Sở, ngành liên quan đã đi kiểm tra các điểm ngập úng trên địa bàn.
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị tìm thấy thi thể một nạn nhân bị nước cuốn. |
Công an TP Đà Nẵng và các quận, huyện cũng đã huy động lực lượng “cắm chốt” tại những điểm ngập úng sâu để hướng dẫn không qua lại, tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra. Chủ tịch TP Đà Nẵng chỉ đạo cơ quan liên quan huy động nhân công, máy móc, thiết bị... khơi thông cống rãnh, tìm mọi cách thoát nước nhanh nhất để giảm ngập khu trung tâm; đảm bảo ATGT cho người dân.
Một số nơi thấp trũng, nguy cơ ngập lụt như Hòa Vang, Cẩm Lệ, Liên Chiểu... chính quyền địa phương nhanh chóng triển khai các phương án phòng chống, ứng cứu, di dời, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người dân, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”...
Tại huyện Hòa Vang, sau khi khảo sát thực tế, ông Đặng Thương, Chủ tịch UBND huyện cho biết, khu vực xã Hòa Liên là địa phương bị ngập nặng nhất, có nơi ngập sâu hơn 1m, do nơi đây tập trung nhiều dự án đã và đang triển khai khiến lượng nước tiêu thoát rất chậm.
UBND huyện Hòa Vang đã chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai các biện pháp tăng cường tiêu thoát nước, đồng thời giúp người dân vùng bị ngập di dời tài sản, đồ đạc để tránh hư hỏng.
Ở xã Hòa Nhơn, xuất hiện một số điểm ngập cục bộ, có 1 ngôi nhà của người dân bị sạt lở và đã được di dời đến nơi an toàn. Còn tại quận Liên Chiểu, một số khu vực của phường Hòa Khánh Nam bị ngập sâu, có nơi ngập sâu hơn 0,5m, nước tràn vào nhiều nhà dân và cả các khu phòng trọ khiến cuộc sống các gia đình nơi đây đều bị xáo trộn.
Ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho hay, đến chiều 9-12, có 4 tổ dân phố ở phường Hòa Khánh Nam và khu dân cư Phước Lý, phường Hòa Minh bị ngập sâu. Các lực lượng chức năng quận được huy động để kịp thời giúp dân di dời người và tài sản... Trong chiều 9-12, mưa to vẫn còn diễn ra ở địa bàn TP Đà Nẵng. Điều này cho thấy tình trạng ngập ứ nước mưa sẽ còn tiếp diễn...
Tại Quảng Trị, từ chiều 8-12, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to. Riêng ở TP Đông Hà, vào chiều tối cùng ngày, lượng mưa đo được là hơn 300mm, làm cho nhiều tuyến đường bị ngập nặng, có nơi sâu hơn 2m, nhiều nhà dân nước tràn vào phải sơ tán khẩn cấp trong đêm; tài sản bị hư hỏng nghiêm trọng. Đặc biệt, có 1 người chết, 2 người khác bị nước cuốn trôi, hiện cứu sống được một người, người còn lại vẫn chưa tìm thấy.
Cụ thể, lúc 19h đêm 8-12, nước ngập tràn vào nhà ông Nguyễn Phấn, ở phường Đông Lễ, TP Đông Hà. Trong lúc các thành viên trong gia đình đang dọn dẹp, sơ tán thì bất ngờ một mảng tường nhà bị sập. Lúc này, bà Lữ Thị Tú Anh (63 tuổi, vợ ông Phấn), cùng con là Nguyễn Lữ Vân Anh (35 tuổi), đã bị nước cuốn.
Anh Phạm Quốc Việt, chồng chị Vân Anh, lao ra giữa dòng nước để cứu mẹ vợ và vợ, nhưng cũng bị nước cuốn vào một miệng cống, may mắn được người dân kịp thời cứu sống.
Khoảng 23h đêm 8-12, các lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể của bà Tú Anh và đến 8h45 sáng 9-12, sau nhiều nỗ lực, đã tìm thấy thi thể chị Vân Anh cách nơi bị nạn gần 1km, tại một lùm cây bụi ven đê ở giữa cánh đồng Đông Lễ…
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCLB và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, tại huyện Vĩnh Linh còn có ông Phan Thanh Minh (58 tuổi) cũng bị gãy chân do tường rào của một ngôi trường bị nước lũ xô sập, đè lên.
Ngoài ra, đê Hà Lộc trên địa bàn huyện Triệu Phong bị vỡ hơn 200m; nhiều xã thuộc huyện Gio Linh cũng bị ngập làm 10 hồ cá ở các xã Gio Mỹ, Gio Châu bị vỡ, thiệt hại lớn. Tại huyện Vĩnh Linh có gần 50ha hồ cá nước ngọt cũng bị vỡ, thiệt hại hơn 120 tấn cá…
Cán bộ chiến sĩ Công an cắm biển báo hố ga trên đường phố Đà Nẵng. |
Ngay trong mưa lũ, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã có mặt tại các điểm bị ngập nặng, chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ; đảm bảo tính mạng, tài sản cho người dân. Đồng thời, huy động thêm nhân lực, phương tiện để tiếp tục tìm kiếm nạn nhân bị mất tích. Trong ngày 9-12, công tác cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả mưa lũ ở tỉnh Quảng Trị vẫn đang được tiến hành khẩn trương.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, trong ngày và đêm 9-12, từ tỉnh Quảng Bình đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa vừa, mưa to và mưa rất to.
Riêng TP Đà Nẵng, lượng mưa đo được từ 13h chiều 8-12 đến 4h sáng 9-12, phổ biến từ 40-100mm; tại trung tâm Đà Nẵng 196,4mm; đặc biệt, quận Hải Châu có mưa to với lượng mưa đo được trong 1 giờ lên đến 84,6mm… Nếu mưa to tiếp diễn kéo dài sẽ dẫn đến khả năng Trung bộ sẽ xảy ra lũ lụt trên diện rộng.
Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ quận Hải Châu cứu 4 cô gái mắt kẹt trong ngôi nhà ngập nước Chiều 9-12, thông tin từ Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) quận Hải Châu (Đà Nẵng): Đơn vị vừa cứu hộ 4 cô gái bị mắc kẹt trong một ngôi nhà ngập nước do mưa lớn. Trước đó, khoảng 8h30 sáng cùng ngày, Đội PCCC&CNCH nhận được thông tin cứu nạn từ ngôi nhà có địa chỉ 640/10 đường Trưng Nữ Vương (quận Hải Châu, Đà Nẵng). Theo thông tin, có 4 người đang mắc kẹt trong ngôi nhà bị chìm sâu trong nước. Nhận được thông tin, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH đã điều động một xe chuyên dụng và nhiều chiến sĩ xuống hiện trường. Tại hiện trường, nước ngập sâu hơn 1m và chảy siết tại tuyến đường trước ngôi nhà 640/10. 5 chiến sĩ Cảnh sát PCCC đã phải bơi vào để tiếp cận ngôi nhà. Lúc này, 4 phụ nữ trong ngôi nhà gồm chị Lữ Thị Quý Phương (SN 2000, trú Đà Nẵng), chị Võ Thúy Vy (SN 2000, trú Quảng Ngãi), chị Lê Thị Bích Liên (SN 2000, trú TP Hà Nội) và chị Nguyễn Thị Cẩm Tú (SN 1999, trú Quảng Nam) đang rất hoảng loạn vì ngoài đường nước chảy siết không thể ra ngoài, trong khi nước trong nhà ngày càng dâng cao… Sau khoảng 1 giờ đồng hồ, các chiến sĩ của Đội Cảnh sát PCCC&CNCH quận Hải Châu đã giải cứu được 4 người phụ nữ trên ra khỏi nhà và dùng phao đưa họ đến vị trí an toàn. Hoài Thu |
Ngày 9-12, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cho biết, đợt mưa từ ngày 7-12 đến nay đã gây ngập lụt, thiệt hại lớn cho một số địa phương trong tỉnh. Toàn tỉnh có 730 nhà, 1.500ha ngô và rau màu các loại, 244ha ao hồ thủy sản... bị ngập. Đập Khe Ngang, xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên bị sạt lở. Nghiêm trọng nhất là tại thành phố Vinh, mưa đã làm ngập, tê liệt gần như hoàn toàn nhiều tuyến đường giao thông, khu dân cư. Khu vực phía sau chợ Vinh (chợ lớn nhất tỉnh Nghệ An) bị ngập sâu khoảng 1m; hào Thanh Cổ, hồ Đông Bắc Đội Cung nước ngập tràn bờ. Trước đó, nhiều tuyến đường ở TP Vinh bị ngập lụt, các phương tiện không thể di chuyển được, đã khiến tình hình giao thông đi lại rất khó khăn. Trước tình hình trên, Công an TP Vinh đã huy động hàng trăm chiến sĩ gồm Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự cùng hàng chục phương tiện để tham gia điều tiết giao thông, giúp người dân và phương tiện vượt qua vùng nước ngập. Hiện nay, tuy trời đã giảm mưa, nhưng nguy cơ mưa và ngập lụt vẫn có thể xảy ra. Lực lượng Công an tỉnh Nghệ An đang tiếp tục nỗ lực cùng với các ngành, địa phương tập trung công tác khắc phục hậu quả đợt mưa ngập vừa qua và duy trì thường trực 24/24 giờ để giúp đỡ bà con nhân dân. Quang Minh |
CSGT Công an tỉnh Nghệ An hỗ trợ người dân qua vùng ngập lụt. |