Lực lượng CAND đóng góp to lớn vào đại thắng mùa xuân năm 1975

Thứ Hai, 29/04/2019, 05:56
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.


Trong thành quả cách mạng của dân tộc, lực lượng CAND đã có những đóng góp hết sức quan trọng và to lớn, trong đó có công tác xây dựng lực lượng (XDLL) CAND mà thành tựu nổi bật chính là công tác giáo dục, chính trị tư tưởng đã tạo ra sự thống nhất cao về chính trị theo đường lối, phương châm, chính sách, biện pháp đấu tranh chống phản cách mạng và các loại tội phạm khác; phát huy vai trò nòng cốt trên mặt trận bảo vệ an ninh chính trị và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình hình.

Công tác xây dựng Đảng và đoàn thể quần chúng được lãnh đạo Công an các cấp quan tâm đã góp phần đáng kể tăng cường sức chiến đấu, nâng cao việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức của cán bộ, chiến sỹ (CBCS), đặt nền móng cho những bước phát triển mới của công tác XDLL CAND sau này.

Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, đế quốc Mỹ thực hiện âm mưu xâm chiếm miền Nam hòng biến nơi đây thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, làm bàn đạp để tiến công miền Bắc, đẩy lùi chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở vùng này.

Từ đây cả nước tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Cách mạng XHCN ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, mục tiêu chung là thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên xây dựng CNXH.

Căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9-1960) đã đề ra đường lối cách mạng XHCN ở miền Bắc và đường lối cách mạng miền Nam. Đặc biệt, ngày 20-1-1962, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 39NQ/TW về Đường lối đấu tranh chống phản cách mạng và Nghị quyết số 40NQ/TW về Củng cố và tăng cường lực lượng CAND.

Nghị quyết nêu rõ: “Cần phải kiên quyết và khẩn trương tăng cường lực lượng Công an thành một công cụ chuyên chính vững mạnh, có tính chất vũ trang, có tổ chức chặt chẽ, thông thạo về nghiệp vụ và có trình độ khoa học kỹ thuật”.

Công tác củng cố và tăng cường lực lượng Công an bao gồm nhiều mặt: Về chính trị tư tưởng, tổ chức cán bộ, nghiệp vụ, trang bị vũ khí và phương tiện kỹ thuật, trong đó việc tăng cường về chính trị tư tưởng là vấn đề quan trọng nhất.

Nghị quyết còn xác định: “Toàn Đảng cần phải nắm chắc lực lượng Công an và coi việc tăng cường CAND là nhiệm vụ chính trị quan trọng”. Đây là Nghị quyết cơ bản của Đảng về XDLL CAND, là kim chỉ nam cho công tác XDLL CAND trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ngày 28-4-1966, Bộ Chính trị ra Chỉ thị 125/CT-TW về Tăng cường giữ gìn an ninh miền Bắc trong tình hình chiến tranh phá hoại. Về lực lượng Công an, Chỉ thị vạch rõ: “Cần tăng cường hơn nữa lực lượng Công an về các mặt chính trị tư tưởng, tổ chức, nghiệp vụ, kỹ thuật; cần tăng biên chế và phương tiện hoạt động cho Công an để đáp ứng với tình hình và nhiệm vụ công tác mới”.

Quán triệt đường lối cách mạng của Đảng, lực lượng Công an đã xác định được tính chất, nhiệm vụ, đối tượng và yêu cầu của cuộc đấu tranh chống phản cách mạng và tội phạm khác, vạch rõ phương hướng, mục tiêu công tác, chiến đấu và XDLL, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà.

Từ năm 1961, các nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc và Hội nghị chuyên đề về XDLL đều xác định tích cực kiện toàn tổ chức, tăng cường công tác chính - tư tưởng, rèn luyện cán bộ theo kịp với yêu cầu nhiệm vụ.

Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 25 (tháng 12-1970) đề ra nhiệm vụ XDLL: “Nâng cao ý chí chiến đấu cách mạng, trình độ hiểu biết về đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và trình độ nghiệp vụ, tiếp tục chỉnh đốn đội ngũ cán bộ, chiến sĩ (CBCS), tiếp tục cải tiến tổ chức và lề lối làm việc, nâng cao hiệu suất công tác và chiến đấu, đảm bảo hoàn thành tốt những nhiệm vụ trước mắt và lâu dài”.

Trên chiến trường miền Nam, do tính chất đặc điểm của cuộc đấu tranh, công tác XDLL An ninh từng bước được xây dựng cả về chính trị tư tưởng, tổ chức bộ máy, đào tạo bồi dưỡng cán bộ và nghiệp vụ thích ứng với tình hình nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp uỷ Đảng, công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong lực lượng CAND được tăng cường. Thông qua các cuộc vận động, sinh hoạt chính trị, chỉnh huấn quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và phong trào học tập thấm nhuần, làm theo 6 điều Bác Hồ dạy CAND đã tạo sự thống nhất cao về chính trị tư tưởng và hành động; quán triệt sâu sắc nhiệm vụ chiến lược là xây dựng, bảo vệ miền Bắc XHCN và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với việc phát động các phong trào thi đua, tổng kết nhân rộng các điển hình tiên tiến đã phát huy sáng kiến, cải tiến lề lối làm việc, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác, chiến đấu, nâng cao bản lĩnh chính trị, tính giai cấp, tính nhân dân; quan điểm CAND từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ…

Trong công tác xây dựng tổ chức bộ máy, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 132/CP ngày 29-9-1961 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Bộ Công an có nghiệp vụ và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ phù hợp với yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.

Để thực hiện nhiệm vụ quản lý ANTT các thành phố, thị xã ngày 20-7-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh số 34/LCT công bố nhiệm vụ, quyền hạn và Pháp lệnh chế độ cấp bậc hàm sĩ quan Cảnh sát nhân dân. Đây là một bước phát triển về tổ chức của lực lượng, đáp ứng với tình hình và nhiệm vụ mới.

Năm 1973, cách mạng nước ta chuyển sang giai đoạn mới, đòi hỏi tổ chức, bộ máy của Bộ Công an phải được chuyển hướng, củng cố và kiện toàn cho phù hợp. Ngày 22-2-1973, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 32/CP về việc sửa đổi tổ chức bộ máy của Bộ Công an theo hướng chuyên sâu, nhiệm vụ bảo vệ nội địa của CAND vũ trang chuyển sang Cục Cảnh sát phụ trách...

Trong công tác xây dựng đội ngũ CBCS Công an, các cấp ủy Đảng, lãnh đạo Công an các cấp bám sát, quán triệt đường lối, quan điểm giai cấp của Đảng, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ từ những người ưu tú nhất đã được rèn luyện trong thực tế công tác, chiến đấu trong giai cấp công nhân, nông dân và trí thức cách mạng; đồng thời coi trọng việc thực hiện chính sách, làm tốt công tác quản lý cán bộ cả về số lượng và chất lượng, sắp xếp, đề bạt và sử dụng cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Công tác bảo vệ nội bộ được tăng cường, đảm bảo đội ngũ cán bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, trung thành tuyệt đối với Đảng, với chế độ, bảo vệ an toàn cho tổ chức và nhiệm vụ của Công an, chống mọi âm mưu, hoạt động chống phá của địch; chủ động phát hiện những sơ hở trong nội bộ, có biện pháp khắc phục kịp thời.

Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ đã có nhiều sáng tạo, bám sát yêu cầu mục tiêu và phù hợp với tình hình của từng giai đoạn cách mạng.

Sau khi Hiệp định Paris về Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam có hiệu lực, vùng giải phóng được mở rộng, Bộ Công an đã liên tục chi viện cán bộ cho An ninh Khu V và Nam Bộ nhằm phục vụ cuộc đấu tranh chống âm mưu lấn chiếm của địch.

Từ năm 1959 đến 20-4-1975, Bộ Công an đã chi viện 11.038 CBCS, trong đó có khoảng 3.000 người là CAND vũ trang cùng với khoảng 450 tấn vũ khí, hơn 45 tấn máy móc, 36 tấn tân dược, dụng cụ y tế. Số cán bộ miền Bắc chi viện đã cùng các lực lượng an ninh và đồng bào miền Nam đấu tranh anh dũng, kiên cường, lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần vào đại thắng mùa Xuân năm 1975…

Nhóm PVTS
.
.