Lực lượng Công an giúp dân khắc phục mưa lũ
- Mưa lớn gây sạt lở và ngập lụt, nhiều địa phương bị cô lập
- Những hình ảnh mưa lũ kinh hoàng tại Sơn La
Chỉ trong vòng một đêm mưa to, trên tuyến quốc lộ 6 thuộc địa phận huyện Mộc Châu đã xảy ra hàng chục điểm sạt lở lớn, dù trước đó các điểm sạt lở này đã được khắc phục tạm thời.
Hàng trăm phương tiện giao thông phải ngừng lưu thông từ đêm 30-8 chờ thông đường nhưng cho đến chiều 31-8 tuyến đường từ Mộc Châu lên thành phố Sơn La vẫn ách tắc.
Còn tại thị trấn Nông Trường và thị trấn Mộc Châu, hàng chục điểm tại tiểu khu 1, 2,3,10,14 xảy ra tình trạng ngập cục bộ, nhiều hộ gia đình bị nước tràn vào nhà ngập úng suốt nhiều giờ đồng hồ, đồ đạc tài sản hầu như đều bị hư hỏng.
Lực lượng Công an triển khai công tác khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra. |
Tính đến ngày 31-8, trên địa bàn huyện Mộc Châu đã có 37 hộ gia đình tại xã Chiềng Sơn, Lóng Sập, Chiềng Hắc và Tà Lại bị ảnh hưởng mưa lũ phải tiến hành di dời người và tài sản, 32 hộ khác tại xã Chiềng Sơn có nguy cơ bị sạt lở, hàng chục km đường quốc lộ bị vùi lấp, hàng chục héc-ta lúa và hoa màu bị ngập úng, một số cột điện bị đổ, gây mất điện ở một số điểm…
Công an huyện Mộc Châu đã chủ động triển khai lực lượng phân luồng giao thông tại các điểm ách tắc do sạt lở, phối hợp với các cơ quan quản lý đường bộ huy động phương tiện dọn đất đá, thông đường, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Tuy nhiên để thông đường sẽ phải mất nhiều giờ đồng hồ. Tại các điểm ngập úng, Công an huyện đã huy động lực lượng di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn, dọn dẹp khắc phục hậu quả mưa lũ.
l Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới từ ngày 29 đến 30-8, trên địa bàn huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình xảy ra ngập úng trên diện rộng, mực nước tại các hồ, đập, suối dâng cao.
Trước tình trạng trên, Công an huyện Tân Lạc đã chủ động báo cáo, tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cứu hộ huyện Tân Lạc phương án khắc phục sự cố nguy cơ vỡ đập Khì; đồng thời đã huy động trên 150 lượt CBCS cùng các lực lượng đảo, vận chuyển, đắp khoảng 100m3 đất, đá, cát; đóng cọc, phủ bạt để gia cố khu vực có nguy cơ sạt lở.
Ngoài ra, huy động trên 50 lượt CBCS điều tiết giao thông từ Km 102 + 800 đến Km 103 + 350, quốc lộ 6, thuộc xóm Tân Thanh, xã Quy Hậu do đường bị ngập úng và tránh nguy cơ vỡ đường tràn đập Khì sẽ gây mất an toàn cho các phương tiện và người tham gia giao thông tại khu vực này…
Đến 21h ngày 30-8, tại đường tràn đập Khì, Công an huyện Tân Lạc phối hợp với các đơn vị chức năng đã khắc phục tạm thời xong vị trí đoạn đập bị sạt lở. Lúc này, các CBCS mới được nghỉ ngơi, ăn tạm bữa tối bằng hộp mì tôm ngay tại đập tràn.
CBCS Công an huyện Cẩm Thủy giúp dân ra khỏi vùng lũ. |
Trước đó, khoảng 14h30 ngày 30-8, tường bao phía sau nhà ở của cán bộ chiến sỹ (CBCS) Đội Cảnh sát bảo vệ HĐND - UBND tỉnh Hòa Bình đã bị đổ sập làm 1 chiến sỹ bị xây xát nhẹ.
Ngay khi sự việc xảy ra, lãnh đạo Phòng Cảnh sát Bảo vệ - Công an tỉnh đã huy động lực lượng để dọn dẹp, di chuyển người và tài sản đến vị trí mới để đảm bảo an toàn cho CBCS Đội Cảnh sát bảo vệ HĐND - UBND tỉnh.
l UBND TP Hà Nội vừa giao các Sở, ngành liên quan cấp bách xử lý sự cố hư hỏng cống Nhà Tràng trên đê hữu sông Bùi, xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, cống Nhà Tràng đã xuất hiện hiện tượng hư hỏng từ trước, qua theo dõi sau cơn bão số 3 mức độ hư hỏng của cống nặng hơn.
Do cống bị ngâm nước lâu ngày khi nước rút, đất bị bão hòa nước đã gây ra sạt lở đổ tường chắn đất mái đê, thân đê bị lún nứt, tường cánh của cống bị chuyển vị lún nứt, thân cống đã có hiện tượng bị lún sập, có nguy cơ vỡ đê.
Để đảm bảo an toàn đê điều, an toàn tính mạng và tài sản của người dân trong khu vực sự cố, Sở NN&PTNT đề xuất UBND thành phố cho phép xử lý cấp bách hư hỏng đê hữu Bùi, cống và kênh xả cống Nhà Tràng đê hữu Bùi, xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ.
Về việc này, UBND TP Hà Nội đồng ý đề xuất của Sở NN&PTNT; đồng thời giao Sở làm chủ đầu tư thực hiện xử lý sự cố có tính cấp bách đối cống Nhà Tràng trên đê hữu Bùi, xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ, đảm bảo an toàn đê điều, tiết kiệm, hiệu quả, đúng các quy định pháp luật.
l Trong các ngày từ 28 đến 30-8, trên địa bàn huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) có mưa to đến rất to, lượng nước từ đầu nguồn sông Mã đổ về rất lớn khiến cho 13 xã, thị trấn, trong đó 1 xã ngập lụt hoàn toàn...
Tính đến 10h30 ngày 31-8, nước sông Mã lên nhanh và vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2007. Tại địa bàn các xã Cẩm Lương, Cẩm Thành, Cẩm Thạch, Cẩm Bình, Cẩm Sơn, Cẩm Phong, Cẩm Tân, Cẩm Vân v.v… nước lũ đã dâng cao đột ngột khiến 3.978 nóc nhà bị ngập; 3.474 hộ, 19.890 người dân phải di dời và 1 người chết do đuối nước.
Để nhanh chóng sơ tán nhân dân vùng lũ đến địa điểm an toàn, ngay từ đêm 30-8, Công an huyện Cẩm Thủy đã huy động 100 cán bộ, chiến sỹ, 2 xuồng máy, 20 thuyền mủng và 3 xe tải trực tiếp chia thành nhiều tổ xuống địa bàn các xã ngập lụt để giúp dân sơ tán và di dời tài sản.
Đồng thời phân công lực lượng tổ chức phân luồng, phân tuyến hướng dẫn giao thông tại các địa bàn xung yếu để giúp người dân đi lại an toàn.
Đến 14h ngày 31-8, Công an huyện đã cứu hộ và đưa gần 3000 hộ dân bị nước lũ cô lập ở các xã Cẩm Lương, Cẩm Thành, Cẩm Thạch, Cẩm Bình, Cẩm Sơn, .v.v. ra khỏi vùng lũ đến nơi an toàn.
Hiện nay, nhiều tuyến đường vào các xã, thị trấn bị ách tắc do nước dâng cao. Thượng tá Lữ Văn Đồng, Trưởng Công an huyện Cẩm Thủy cho biết: đối với các xã bị ngập sâu như Cẩm Lương, Cẩm Thành, Cẩm Bình, lực lượng Công an đã phân công CBCS thường trực 24/24h cùng với cấp ủy, chính quyền và các ban ngành đoàn thể giúp dân sơ tán và bảo vệ tài sản. Đồng thời chuẩn bị phương tiện, lực lượng để sẵn sàng giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ.
Lúc 15h ngày 31-8, trên địa bàn tỉnh mưa đã giảm; nước trên khu vực thượng nguồn các sông đang rút nhanh; khu vực hạ lưu, đặc biệt là hạ lưu sông Mã nước đang dâng chậm và có dấu hiệu rút dần.
Tuy nhiên, mưa lũ cũng gây thiệt hại nặng nề về tài sản cho nhiều địa phương trên địa bàn, đặc biệt là các huyện miền núi của tỉnh. Trong đó, trên địa bàn huyện Quan Hóa mưa lũ làm 11 nhà bị sập; 181 nhà bị sạt ta luy, bị ngập, sạt lở đất và trong khu vực nguy hiểm phải di dời; 2 trường học (trường Tiểu học xã Trung Sơn và Trường Trung học cơ sở xã Trung Thành) bị sập nhiều dãy phòng học; 3 cây cầu treo gồm: cầu treo Phú Xuân, Phú Sơn, cầu treo xã Trung Thành bị sập, bị nước cuốn đổ và ngập nước khiến nhiều bản bị cô lập; có 21 điểm đường bị tắc do ngập nước và sạt lở đất; 11 con gia súc bị cuốn trôi; 20ha lúa, rau màu, cây lâm nghiệp bị ngập lụt, tàn phá…
Tại một số huyện miền núi khác như Mường Lát, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, tình hình mưa lũ cũng gây thiệt hại nhiều về tài sản, gây ngập nhiều nhà dân, hư hỏng nhiều tuyến đường giao thông, nhiều xã, bản đang bị cô lập do nước lũ.
Tại các huyện Cẩm Thủy, Thạch Thành, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, TP.Thanh Hóa…, nước lũ đã làm nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, ngập lụt; hàng nghìn nhà dân bị nước lũ nhấn chìm, cùng nhiều tài sản, rau màu, vật nuôi khác. Lực lượng chức năng của tỉnh đã huy động lực lượng di dời khẩn cấp hàng nghìn hộ dân, tài sản, vật nuôi đến nơi an toàn.
Hiện tại, chính quyền địa phương đang huy động lực lượng di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm và triển khai công tác khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra.
Trong một diễn biến khác, ngày 31-8, Công an huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) đã tiến hành triệu tập 2 đối tượng Lữ Chính Quyền, sinh năm 1989, ở khu 6, thị trấn Quan Hóa và Hà Văn Mười, sinh năm 1996, ở bản Khằm, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa để làm rõ động cơ, mục đích hành vi tung tin vỡ đập thủy điện Trung Sơn lên mạng xã hội facebook.
Qua điều tra, xác minh, tối 30-8, trên mạng xã hội facebook có một số thông tin tuyên truyền vỡ đập Thủy điện Trung Sơn (Quan Hóa), đồng thời kêu gọi người dân kịp thời chạy lũ, gây hoang mang dư luận, nhất là đối với những người dân vùng hạ nguồn của thủy điện.
Trong đó, trên trang facebook cá nhân của Lữ Chính Quyền có đăng tải và chia sẻ thông tin “vỡ đập thủy điện Trung Sơn rồi” và trên trang cá nhân của Hà Văn Mười với nickname Xâus Trais đăng tải “Điện khẩn cấp thủy điện vỡ rồi mọi người để ý đi nhanh nhé, khẩn cấp”.
Tuy nhiên, qua xác minh tại Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh, hoàn toàn không có chuyện vỡ đập thủy điện Trung Sơn như các thông tin trên.
Thực tế, từ đêm 28, rạng sáng 29-8, được sự đồng ý của các ngành chức năng liên quan của tỉnh, thủy điện Trung Sơn đã tiến hành xả lũ với lưu lượng 1.800 m3/giây. Rất có thể, việc xả lũ đã gây hiểu nhầm với một số người dân, sau đó có những chia sẻ không chính xác trên mạng xã hội.
Tại cơ quan Công an, các đối tượng này khai nhận: Do thấy mực nước lên cao, cùng với đó, người thân ở gần Nhà máy thủy điện Trung Sơn nghe tiếng còi báo động kéo dài và di tản lên núi nên nghĩ đã xảy ra vỡ đập và đăng tải lên trang facebook cá nhân để câu like.
l Tỉnh Nghệ An cũng đã chính thức bác bỏ thông tin hồ thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương, Nghệ An) bị nứt, vỡ; đồng thời xác định đây là thông tin sai sự thật, có dụng ý xấu, gây hoang mang dư luận.
Sáng 31-8 có một số thông tin lan truyền về việc “hồ thủy điện Bản Vẽ bị nứt vỡ, huyện Tương Dương đang phải di dời khẩn cấp người dân”.
Qua kiểm tra thực tế, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã xác định đây là thông tin xuyên tạc, không đúng sự thật và cảnh báo người dân không nghe theo thông tin thất thiệt này để sớm ổn định dư luận trên địa bàn. Tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật truy tìm người đã tung tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận để xử lý nghiêm minh.
Thủy điện Bản Vẽ, công suất thiết kế 320 MW, nằm trên địa bàn xã Yên Na, huyện Tương Dương, là công trình thủy điện lớn nhất hiện nay tại các tỉnh Bắc miền Trung.
Hồ thủy điện Bản Vẽ có chiều dài đập theo đỉnh 509m, chiều cao đập lớn nhất 137m, mực nước bình thường 200m, dung tích hồ chứa 1,8 tỷ m3, diện tích lưu vực hồ chứa 8.700km2.
Từ ngày 30-8 đến sáng 31-8 do nước lũ từ Lào đổ về nhiều, mực nước hồ thủy điện Bản Vẽ cao kỷ lục, buộc phải xả lũ khẩn cấp ở mức 4.300 m3/s, cao nhất từ trước đến nay để đảm bảo an toàn cho hồ đập.
Việc xả lũ hồ thủy điện Bản Vẽ đã được tỉnh Nghệ An cho phép và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật đã được ban hành. Khi xả lũ hồ thủy điện Bản Vẽ và một số hồ đập thủy điện khác ở các huyện miền núi trong tỉnh Nghệ An, cộng với thời tiết có mưa, lũ ở thượng nguồn nên trong hai ngày qua tại một số huyện miền núi trong tỉnh Nghệ An đã bị ngập lụt nặng.