Kỷ niệm "để đời" về một chi tiết trong bài báo cách đây 28 năm

Thứ Bảy, 29/10/2016, 09:50
Do bất cẩn, chỉ sai một từ mà nghĩa đã thay đổi sang hướng khác, bám vào cái sai này, đối tượng trong bài viết đã khiếu nại thông tin  dẫn tới bản thân tôi và tờ báo phải xin lỗi, đăng đính chính.


Tôi tuổi Quý Mùi, Thượng tá, nguyên điều tra viên cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội, hiện là phóng viên hợp đồng Báo CAND. Tôi đam mê viết báo từ những ngày còn học phổ thông và đã viết tin, bài cho một số tờ báo như Thiếu niên Tiền phong, Hà Nội mới, Nhân dân... 

Tới đầu thập niên 60, tôi được đứng trong lực lượng CAND, trải qua nhiều nhiệm vụ công tác khác nhau tại Công an TP Hà Nội. Đến năm 1985, tôi công tác tại Phòng Bảo vệ kinh tế 3 Công an TP Hà Nội. 

Vừa làm công tác nghiệp vụ, vừa dành thời gian cho "thú chơi" viết lách. Do nắm được thông tin nên tôi đã cộng tác viết tin, bài cho một số tờ báo, trong đó có Báo CAND. 

Trong cuộc đời làm báo của mình, đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ nhiều bài báo mà tôi rất tâm đắc như bài "Mỡ hóa đá" phản ánh tình trạng tham ô mỡ nước thời bao cấp; thủ đoạn là rút mỡ ra, cho đá vào để đủ trọng lượng. 

Tác giả (trái) và Đại tá Vũ Đình Hoành, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội.

Hay bài "Kẻ hút máu của những người bán máu", phản ánh về tình trạng ăn chặn tiền bán máu của người nghèo; bài "Một chánh tòa dân sự nhận hối lộ 5 triệu đồng" - vị chánh tòa này sau khi báo đăng đã bị bắt giam… 

Nhưng có lẽ nhớ nhất vẫn là một bài báo mà do bất cẩn, chỉ sai một từ mà nghĩa đã thay đổi sang hướng khác, bám vào cái sai này, đối tượng trong bài viết đã khiếu nại thông tin  dẫn tới bản thân tôi và tờ báo phải xin lỗi, đăng đính chính.

Đó là quãng thời gian khoảng giữa năm 1988, khi đó, tôi là Đội trưởng Đội Nội thương - Lương thực, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP Hà Nội. 

Qua công tác nghiệp vụ, chúng tôi nắm bắt được thông tin: Giám đốc công ty thuộc một sở chủ quản của TP Hà Nội đã lén lút sử dụng ô tô của đơn vị, vận chuyển gần 90 tấn cao su lên Lạng Sơn.

Thời điểm đó, biên giới Việt-Trung đang rục rịch có những giao thương trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Việc đưa hàng hóa lên Lạng Sơn là để đưa qua biên giới bán. 

Đây thực chất là hành vi buôn lậu. Về phía đơn vị nơi tôi công tác cũng đã soạn thảo công văn trình đồng chí Đại tá Vũ Đình Hoành, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội (Phụ trách khối Cảnh sát, trong đó có Phòng Cảnh sát kinh tế) để kiến nghị cấp chủ quản của công ty trên có biện pháp kiểm tra, chấn chỉnh. 

Song khi đăng thông tin trên lên báo, do tôi sử dụng từ "vận chuyển cao su lên biên giới là buôn lậu” (đáng lẽ phải "vận chuyển cao su qua biên giới” mới vi phạm buôn lậu) nên việc làm của công ty nêu trên vẫn là tiêu thụ nội địa, không phải là buôn lậu. 

Nắm bắt được từ ngữ này, phía công ty đã có văn bản phản bác lại thông tin đăng trên báo. Mặc dù bản chất sự việc là có, nhưng do cơ quan Công an chưa có chứng cứ chứng minh được, thông tin trên báo thì viết chưa chuẩn xác nên cuối cùng, bản thân tôi và tờ báo đã phải xin lỗi, đăng đính chính.

Vừa qua, tôi có dịp gặp lại Đại tá Vũ Đình Hoành, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, nay là Chủ nhiệm CLB sĩ quan hưu trí Công an TP Hà Nội. Sau lời thăm hỏi sức khỏe, tôi có nhắc lại câu chuyện nêu trên, biết tôi bây giờ đã làm báo chuyên nghiệp, anh Hoành cười vui và nói: 

"Đồng chí vẫn còn nhớ kỷ niệm không vui cách đây 28 năm, chứng tỏ, sai sót đó đã luôn theo đồng chí, nhắc nhở đồng chí luôn cẩn trọng trong công việc làm báo của mình. "Bút sa gà chết" - lời người xưa nói không sai… Chúng tôi thường xuyên đọc Báo CAND, dõi theo những bài viết của đồng chí Khoa ngày càng sinh động hơn”.

Sau "tai nạn" trên, đến bây giờ, khi cầm bút viết bài, tôi luôn rèn cho mình đức tính cẩn trọng. Những thông tin nào chưa chắc chắn thì kiểm tra kỹ, kiểm định bằng nhiều nguồn khác nhau trước khi viết để tránh sai sót; đảm bảo tính khách quan, chính xác.

Đào Minh Khoa