Giải mã những vụ trọng án liên quan đến “ma chài”
Bài cuối: Giải mã những vụ trọng án liên quan đến “ma chài”
Và nếu rủi thay người ốm lâu ngày không khỏi bệnh, lại trùng hợp với việc mọi chuyện trong gia đình không được may mắn, họ lại nghĩ rằng do “ma chài”. Họ luôn tin rằng “ma chài” là có thật, có thể làm hại người khác... Giải mã những vụ trọng án liên quan đến “ma chài” vì thế là một khó khăn của lực lượng trinh sát.
Cho đến bây giờ, Thiếu tá Quách Minh Điệp, Trưởng Công an huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái vẫn không quên được vụ án đau lòng xảy ra tại bản có vài chục nóc nhà nằm lưng chừng núi, quanh năm mây mù che phủ (bản Lả Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải).
Nạn nhân là Vàng Xú Rùa (77 tuổi) bị bắn tử vong khi đang ngồi ăn cơm cùng chồng tại nhà riêng, gây hoang mang dư luận. Vượt qua gần 180km đường rừng từ TP Yên Bái, phải đi bộ trong nhiều giờ đồng hồ, tổ công tác của hai đơn vị gồm Phòng Cảnh sát hình sự và Công an huyện Mù Cang Chải mới vào được hiện trường vụ án.
Công an Lai Châu khám nghiệm điều tra vụ giết người do nghi "ma chài". |
Anh bộc bạch: Ở chốn mây mù quanh năm che phủ, người dân từ bao đời này vẫn truyền tụng nhau rằng, khi ghét nhau, người ta thường thả “ma chài” để gây bệnh tật hại nhau... Cứ thế, từ thế hệ này đến thế hệ khác, nỗi lo sợ ấy cứ lẩn quất trong tâm trí của người dân.
Vì thế, khi có mâu thuẫn thì người ta nghĩ ngay đến “ma chài”. Trong khi đó, người Mông lại có khả năng tự sản xuất súng kíp thường dùng cho việc săn bắn thì lại sử dụng làm công cụ gây án... nên việc điều tra là một thử thách đối với các lực lượng phá án.
Căn cứ vào hiện trường vụ án, khi đó các trinh sát xác định nguyên nhân gây án liên quan đến “ma chài”. Niềm tin của các trinh sát càng có căn cứ vì nạn nhân làm nghề thầy cúng. Từ hướng nhận định này, họ tập trung rà soát các mối quan hệ của nạn nhân. Các đơn vị nghiệp vụ tập trung vào những người đang ốm đau, bệnh tật, hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Vàng A Sinh, chú họ của Rùa, là một trong những nghi vấn đầu tiên. Trong vài năm trước thời điểm vụ án xảy ra, trong dòng họ của Sinh có một số người bị chết. Bố Sinh bị bệnh nhiều năm nay đã chạy chữa nhiều nơi nhưng không rõ nguyên nhân. Cùng vào thời điểm này, trong dư luận có thông tin ông Rùa biết “thả ma”.
Từ những căn cứ trên, ngày 19-9- 2015, tức là sau 14 ngày rà soát, Phòng Cảnh sát hình sự đã làm rõ hành vi phạm tội của Sinh. Đối tượng khai nhận, do trong gia đình thường xuyên ốm đau, Sinh nghĩ rằng việc xảy ra là do gia đình ông Rùa thả ma nên nảy sinh ý định giết ông Rùa.
19h30’ ngày 5-9-2013, Sinh đã nạp khẩu súng kíp rồi qua lỗ hổng ở đầu nhà, Sinh dùng súng bắn vào đầu nạn nhân. Trên đường bỏ chạy, Sinh tháo súng kíp thành 4 bộ phận rồi giấu tại bốn địa điểm khác nhau trên đồi thuộc bản Lả Khắt. Để tạo hiện trường giả, đối tượng còn về quán bán hàng nằm ngủ. Và khoảng 21h cùng ngày, khi được mời ra bản họp, anh ta cũng có mặt.
Trao đổi với chúng tôi, cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Yên Bái cho biết: Cũng như các vụ án đồng rừng, ngoài sự phức tạp về địa hình, giải mã các vụ án "ma chài", khó khăn lớn nhất là việc tiếp cận thông tin. Trong những ngày đó, anh em phải thực hiện "3 cùng" với bà con vùng cao...
Để thu thập tài liệu không thể trực tiếp vào nhà của họ, mà phải tìm đến các lán nương, rồi thông qua các hòm thư tố giác tội phạm vì người dân trong bản lo sợ bị trả thù. Điều tra các vụ án "ma chài", điều tra viên ngoài nghiệp vụ còn phải là những chuyên gia về tâm lý, am hiểu phong tục, tập quán của từng dân tộc.
Mỗi khi nhắc lại vụ án mạng xảy ra tại xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, Đại úy Nguyễn Xuân Điệp, Đội phó Đội CSĐT, Công an huyện Văn Bàn không giấu được trăn trở. Ngày 9-4-2014, Công an huyện Văn Bàn nhận tin báo của Công an xã Liêm Phú về việc người dân phát hiện tại nhà anh Tráng A Lử (ở thôn Khổi Ngoa, xã Liêm Phú, Văn Bàn) có 2 người chết chưa rõ nguyên nhân.
Khi tiến hành điều tra vụ án, Đại úy Nguyễn Xuân Điệp và những người đồng chí, đồng đội không khỏi đau xót trước nguyên nhân của vụ án. Trước đó, con trai của Tráng A Lử là Tráng A Thái (3 tuổi) bị ốm. Vợ chồng Lử không đưa con đi bệnh viện để chữa trị, mà mời thầy cúng về nhà cúng để cháu Thái khỏi ốm (cháu Thái đã chết sau đó, nguyên nhân được xác định là do viêm phổi cấp, suy hô hấp).
Sau khi cúng, cháu Thái vẫn có biểu hiện mệt mỏi, vợ chồng Lử nghi đã có người “thả ma” làm Thái bị ốm nên đã tìm cách xác định người “thả ma” bằng cách lấy một chiếc bát, đổ đầy gạo vào bát rồi lấy hai quả trứng gà, một quả đặt nằm ngang trên miệng bát gạo, quả còn lại để dựng đứng nằm trên quả trứng bên dưới.
Sau đó, vợ chồng Lử dùng tay giữ quả trứng bên trên và lần lượt gọi tên những người mà hai vợ chồng Lử nghi đã thả ma cho cháu Thái bị ốm. Nếu gọi đến tên ai mà quả trứng phía trên vẫn đứng, không bị đổ sau khi bỏ tay ra thì xác nhận người đó chính là người đã “thả ma”.
Vợ chồng Lử gọi tên một số người nhưng sau khi bỏ tay ra quả trứng vẫn bị đổ. Khi gọi đến tên Thào Thị Dinh ở Thôn Liêm xã Liêm Phú thì vợ chồng Lử thấy quả trứng không bị đổ.
Thấy thế, vợ chồng Lử xác định Thào Thị Dinh chính là người đã “thả ma”. Vì thế, khoảng 21h ngày 8-4-2014, vợ chồng Lử gọi chị Thào Thị Dinh đến nhà Lử để hỏi chuyện.
Sau đó, Lử cùng vợ là Lù Thị Súa trói tay chị Dinh treo lên xà nhà, rồi dùng gậy vụt vào người chị Dinh. Cho đến khi thấy chị Dinh mệt và được một số người khuyên can, Lử mới thả thị Dinh nằm xuống đất, chị Dinh đã tử vong. Sau khi thấy Thào Thị Dinh chết, vợ của Lử là Lù Thị Súa bỏ nhà đi.
Đến khoảng 15 giờ ngày 10-4-2014, gia đình phát hiện Lù Thị Súa đã chết tại khu ruộng, cách nhà Súa khoảng 300m (kết luận giám định pháp y xác định, Lù Thị Súa chết do ăn lá ngón tự tử).
Khi làm việc với nghi can Lử, xác định động cơ mục đích gây án của đối tượng Tráng A Lử chỉ là do hiểu biết, nhận thức pháp luật còn hạn chế, chứ không phải do tính chất côn đồ, manh động, anh trực tiếp cùng Ban Công an xã Liêm Phú phối hợp với gia đình vận động đối tượng Lử hợp tác làm việc với cơ quan điều tra, thành khẩn khai báo lại toàn bộ nội dung sự việc để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Có một đặc điểm chung của các vụ "ma chài" là hầu hết các vụ việc đều xảy ra vào buổi tối, một số vụ xảy ra vào ngày Tết, như vụ việc đau lòng xảy ra tại một xã đặc biệt khó khăn của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) vào Giao thừa.
Nạn nhân của vụ án này là chị Lò Thị Chềm (41 tuổi, trú tại bản Lìm Thái, xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải) bị bắn tử vong khi đang ngồi xem tivi tại nhà vào đêm 30 Tết Quý Tỵ. Kết quả khám nghiệm, cho thấy đối tượng đưa nòng súng qua khe vách gỗ và nhằm bắn trúng vào đầu nạn nhân.
Một thời gian dài, vụ án đi vào bế tắc. Tuy nhiên, các trinh sát không nản lòng. Đi sâu vào các mối quan hệ của nạn nhân, sự vất vả của các trinh sát đã dần hé mở. Mọi thông tin đều tập trung vào đối tượng Hà Văn Phương. Phương và chị Chềm từng có quan hệ tình cảm với nhau. Song cũng bởi có duyên mà không có nợ nên sau đó cả hai đường ai nấy đi.
Chị Chềm và Phương sau đó đều đã có gia đình riêng của mình nhưng đối tượng Phương vẫn không thôi oán hận nạn nhân. Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Yên Bái đã triệu tập Phương đến trụ sở. Ngần ấy thời gian xảy ra vụ án, Phương đã có sự chuẩn bị trước về tâm lý.
Anh ta đưa ra mọi chứng cứ ngoại phạm hòng tránh sự phát hiện của lực lượng Công an. Nhưng với tỉ mỷ của các điều tra viên, hành vi phạm tội của Phương đã bị lật tẩy. Do nghi ngờ chị Chềm "thả ma" khiến anh ta bị ốm nên Phương nảy ý định phạm tội...