Học viện An ninh nhân dân: 65 năm đồng hành cùng đất nước

Thứ Năm, 10/11/2011, 08:43
Từ mái trường Học viện An ninh nhân dân, nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp của ngành Công an được đào tạo và rèn luyện, trong số đó có nhiều người đã trở thành cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước và ngành Công an. Cũng từ cái nôi đào tạo này, nhiều người đã trở thành những nhà khoa học có uy tín, các tướng lĩnh, anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ kháng chiến và sự nghiệp đổi mới ngày nay. Nhiều người đã anh dũng hy sinh…

Cách nay 65 năm, vào thời điểm mà chính quyền cách mạng được thành lập chưa đầy 1 năm, trước yêu cầu của cuộc đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài, bảo vệ những thành quả cách mạng vừa giành được; ngày 25/6/1946, Bộ Nội vụ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Nghị định số 215/NĐ-P2 về việc mở lớp huấn luyện sơ cấp và trung cấp tại Nha Công an Trung ương.

Kể từ thời điểm đó, trải qua 65 năm với nhiều tên gọi phù hợp với mỗi thời kỳ cách mạng, từ trường huấn luyện Công an (1946 - 1949); Trường Công an trung cấp (1949 - 1953), Trường Công an Trung ương (1953 - 1974), Trường sĩ quan An ninh (1974 - 1981), tiếp đến là Trường Đại học An ninh (1981 - 2001) đến Học viện An ninh nhân dân trong những năm đầu của thế kỷ XXI là một chặng đường lịch sử vẻ vang của bao thế hệ thầy và trò góp phần đắc lực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc nền độc lập, chủ quyền và bình yên cuộc sống.

PGS, NGND, Trung tướng Phan Đức Dư, Giám đốc Học viện ANND cùng các Anh hùng lực lượng VTND, cựu sinh viên C500 tại buổi giao lưu kỷ niệm 65 năm truyền thống Học viện.

Ra đời trong những ngày đất nước đang trong hoàn cảnh "ngàn cân treo sợi tóc", lực lượng Công an vừa thành lập đã phải lao ngay vào cuộc chiến đấu với các dã tâm phá hoại của tổ chức phản động ở trong nước câu kết với các thế lực phản cách mạng ở bên ngoài nhằm lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ. Trong bối cảnh lịch sử cam go ấy, với tầm nhìn xa, trông rộng, Đảng và Nhà nước ta đã coi việc xây dựng và phát triển lực lượng Công an là việc làm vừa mang tính lâu dài, vừa cần kíp. Một trong những quyết sách quan trọng ấy là mở trường đào tạo cán bộ Công an phục vụ đắc lực cho cuộc đấu tranh chống phản cách mạng và giữ gìn trật tự - an toàn xã hội.

Đây là cơ sở đào tạo đầu tiên của ngành Công an và cũng là một trong số rất ít các trường học được thành lập sớm nhất của nhà nước ta, kể từ khi Cách mạng Tháng 8 thành công. Từ mái trường này, đồng hành cùng đất nước, trải qua các giai đoạn lịch sử của cách mạng, một hệ thống các trường đại học, trung cấp, các trung tâm huấn luyện nghiệp vụ chuyên ngành hiện đại của lực lượng Công an nhằm phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như xây dựng và phát triển lực lượng Công an cách mạng ở nước ta.

65 năm trôi đi, 6 lần đổi tên và nâng cấp, 11 lần phải di chuyển địa điểm, từ Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc rồi lại trở lại Hà Nội, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Công an sau khi kết thúc các khóa học từ mái trường này đã có mặt ở mọi miền đất nước; chiến đấu và trưởng thành, người còn, người mất. Giờ đây, mỗi lần có dịp trở lại trường hẳn ai cũng đều chung một tâm trạng, hồi tưởng về những ngày thầy và trò nơi đây ngày ngày phải phấn đấu vượt qua bao khó khăn và thử thách, gian khổ mà hào hùng để rồi ai cũng thấy tự hào về mái trường mà mình đã tu rèn để trở thành các chiến sĩ Công an "vừa hồng, vừa chuyên".

Thật hiếm có một mái trường nào như ngôi trường này lại nhận được sự quan tâm, chăm sóc và chỉ bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sinh thời mặc dù bận trăm công ngàn việc, nhưng Bác Hồ đã dành thời gian 8 lần về thăm trường. Mỗi lần như thế, Bác mong dù có khó khăn, gian khổ đến đâu, thầy và trò cũng phải phấn đấu dạy tốt, học tốt. Cũng thật hiếm có một mái trường nào từ lúc thành lập đến 16 năm sau (1946 - 1962), những người đứng đầu lực lượng Công an lại trực tiếp giữ vai trò làm hiệu trưởng nhà trường. Đồng chí Lê Giản, nguyên Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương, đồng thời trực tiếp làm Hiệu trưởng nhà trường từ năm 1946 đến năm 1952. Đồng chí Trần Quốc Hoàn trong 27 năm trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Công an, ông còn trực tiếp làm Hiệu trưởng nhà trường với thời gian 9 năm (1953 - 1962). Đưa ra những chi tiết ấy, chúng tôi - tác giả bài viết này mong bạn đọc hiểu về vị thế của mái trường này trong sự nghiệp, xây dựng và phát triển lực lượng Công an nhân dân.

Ra đời được ít lâu thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cũng như một số cơ sở đào tạo khác ở nước ta ngày ấy, Trường Đào tạo cán bộ Công an (đơn vị tiền thân của Học viện An ninh nhân dân ngày nay) đã phải di chuyển lên chiến khu Việt Bắc. Tại đây, trong điều kiện vô vàn khó khăn, thiếu thốn cả về đội ngũ giảng dạy đến cơ sở vật chất, nơi ăn chốn ở, vậy mà mấy ai đã nghĩ rằng, trong hoàn cảnh ấy nhà trường đã đào tạo hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ Công an phục vụ đắc lực cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

9 năm kháng chiến gian khổ, nhiều người đã chiến đấu và hy sinh trên mặt trận thầm lặng, nhưng chiến công của họ mãi mãi được Tổ quốc ghi công. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, hòa bình lập lại ở miền Bắc, nhưng đất nước vẫn còn bị chia cắt, đồng bào miền Nam ruột thịt vẫn nằm dưới ách đô hộ của chế độ thực dân mới. Như nhiều ngôi trường và các cơ quan của Chính phủ, Trường Đào tạo cán bộ Công an ngày ấy được chuyển về Thủ đô Hà Nội với một diện mạo và trách nhiệm mới. Đó là đào tạo các cán bộ Công an phục vụ cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh chống các âm mưu xảo quyệt của kẻ thù.

Nhiều học viên của trường sau khi kết thúc các khóa học trở về các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an các địa phương đã đi đầu và trực tiếp tham gia khám phá nhiều chuyên án bóc gỡ các mạng lưới, gián điệp tình báo do địch cài lại, hoặc tung ra miền Bắc. Đặc biệt là khi đế quốc Mỹ tiến hành leo thang đánh phá các tỉnh, thành phố ở miền Bắc, trong đó Hà Nội, Hải Phòng là trọng điểm của máy bay Mỹ, nhiều lần nhà trường phải đi sơ tán. Những ngày này, thầy và trò lại một lần nữa phải gồng mình để vượt qua bao thử thách, biến chùa chiền, miếu mạo làm giảng đường, nhà dân ở nơi sơ tán làm nơi thảo luận… Vậy mà có ai ngờ, cuộc sống ngày ấy của cả thầy và trò vẫn sôi động, ấm cúng làm sao. Biết bao bài thơ, đêm diễn với những bài ca yêu đời diễn ra dưới ánh đèn dầu. Và cũng trong hoàn cảnh khó khăn ấy, theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, nhà trường đã mở hàng chục, hàng trăm lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hàng ngàn cán bộ Công an từ các địa phương để chi viện cho chiến trường miền Nam, cũng như các chiến trường ở nước bạn Lào và Campuchia.

Cũng trong thời khắc lịch sử ấy, được sự đồng ý của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 669/CA-QĐ ngày 11/8/1969 về việc mở khóa đại học đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân. Có thể nói đây là bước ngoặt trong sự nghiệp trồng người, đào tạo những sĩ quan Công an "vừa hồng, vừa chuyên" như lời Bác Hồ đã dạy nhằm phục vụ đắc lực cho trận tuyến giữ gìn an ninh - trật tự ở các tỉnh miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam, thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

Một buổi tập điều lệnh của sinh viên Học viện ANND.

Theo đà ấy, đến nay Học viện An ninh nhân dân đã đào tạo được 42 khóa đại học chính quy, 27 khóa đào tạo đại học hệ vừa làm, vừa học, 27 khóa chuyên tu và hàng chục khóa liên thông với hàng vạn học viên. Đó chính là quá trình chuyển tiếp từ tư duy và phương pháp đào tạo nghề sang tư duy và phương pháp đào tạo lý luận, nâng cao vị thế của học viện lên tầm cao mới. Theo đó, từ những năm cuối của thế kỷ XX đến nay, nhà trường đã đào tạo được 19 khóa cao học với trên 1 ngàn thạc sĩ, 16 khóa nghiên cứu sinh với hơn 100 tiến sĩ, cùng hàng ngàn cán bộ lãnh đạo Công an từ cấp quận, huyện đến cấp tổng cục; cán bộ các ngành nội chính. Với phương châm "giúp bạn cũng như giúp mình", những năm qua, từ mái trường này đã có hàng ngàn lưu học sinh Lào, Campuchia học tập và nhận bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ.

Điều đáng phải nêu ra là cũng từ mái trường này, nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp của ngành Công an được đào tạo và rèn luyện, trong số đó có nhiều người đã trở thành cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước và ngành Công an. Cũng từ cái nôi đào tạo này, nhiều người đã trở thành những nhà khoa học có uy tín, các tướng lĩnh, anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ kháng chiến và sự nghiệp đổi mới ngày nay. Nhiều người đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu trên trận tuyến giữ gìn an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Trong thời đổi mới và hội nhập, trước yêu cầu của việc xây dựng lực lượng Công an nhân dân từng bước tiến lên chính quy và hiện đại, nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình, đội ngũ cán bộ, giáo viên của Học viện luôn là lực lượng đi tiên phong trong công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng lý luận nghiệp vụ Công an nhân dân - một ngành khoa học mang tính đặc thù, ít có điều kiện tham khảo quốc tế.

Một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong công tác nghiên cứu khoa học của Học viện là phục vụ cuộc chiến đấu, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch và vững mạnh; học tập và làm theo 6 điều Bác Hồ đã dạy. Theo hướng đó, những năm qua Học viện An ninh nhân dân đã đào tạo và xây dựng được một đội ngũ giáo viên, quản lý giáo dục đạt chuẩn một trường đại học tiên tiến với trên 50% cán bộ, giáo viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, có đủ khả năng đào tạo 9 ngành học với 3 cấp học: Cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ.

Chặng đường lịch sử 65 năm, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an, Học viện An ninh nhân dân đã không ngừng lớn mạnh và trở thành một trường đại học hàng đầu của ngành Công an và đang từng bước phát triển thành trường đại học trọng điểm của ngành và quốc gia vào những năm 2015 - 2020. Trong chặng đường lịch sử 65 năm ấy, Học viện An ninh nhân dân đã vinh dự được Đảng, Nhà nước và ngành Công an tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có 1 Huân chương Độc lập hạng Nhất, 2 Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu "Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới". Đặc biệt năm nay, nhân kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống của nhà trường, Học viện An ninh nhân dân vinh dự và tự hào được nhận Huân chương Sao vàng - phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước. Cũng vào dịp này, Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đã viết tặng Học viện câu đối:

"Học viện sáu nhăm năm thức ngủ chăm lo luyện nhân tài như nấu thép nung gang, phá tặc trừ gian bừng khí thế.

Bác Hồ qua 8 lượt đi về thăm hỏi dậy chiến sĩ thêm hùng tâm tráng khí phù dân vệ quốc vững an ninh"

L.V.
.
.