“Hành quân xanh” về vùng cao Canh Giao
Để vào Canh Giao đúng sáng, theo kế hoạch, đoàn đã bố trí cho các thành viên từ TP Quy Nhơn lên thị trấn Vân Canh và ngủ trước một đêm tại đây. Sáng hôm sau, đoàn xuất phát thật sớm bởi đường đến Canh Giao được cảnh báo đi rất khó khăn. Để đến làng, chúng tôi phải vòng qua xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) với chặng đường dài hơn 60km tính từ thị trấn Vân Canh. Nửa chặng đầu đường đi cũng bình thường, nhưng khi chiếc xe chở quân hai cầu đặc chủng của lực lượng Công an rời đường nhựa sang đường đất rồi vào đường rừng thì lời cảnh báo của “dân thổ địa” bắt đầu hiệu nghiệm, mọi người bắt đầu “chia tay” sự yên vị với chiếc ghế ngồi để bắt đầu hành trình bầm dập.
Con đường rừng sau mùa mưa năm trước chưa được sửa chữa, lại bị những chiếc xe tải chở gỗ cày nát, mặt đường lồi lõm, nham nhở như chiếc áo vừa rách vừa nhăn nheo. Chiếc xe trồi lên trụt xuống, chúng tôi liên tục bị dồn lên trước, bật ngược về sau. Nhiều lúc xe nẩy mạnh làm mọi người bật lên như lò xo đầu đụng trần xe côm cốp, ngã nhoài xuống cả sàn xe. Các “tiểu thư” vốn quen đường nhựa chỉ một lát đã say xe, bắt đầu lắc lư cùng gió. Thế nhưng, theo bác tài tên Hoàng, người vốn có thâm niên vượt núi đến với làng thì độ khó thế này cũng chưa thấm vào đâu so với tầm 5-6 về trước, bởi khi đó chiếc xe 2 cầu khỏe nhất của Công an tỉnh dù cày thế nào cũng phải dừng cách làng tầm 10 cây số, mọi người phải cõng mọi thứ vượt núi vào làng.
Cũng may, sự “tra tấn” không kéo dài quá lâu, vượt qua 2 con dốc và 3 con suối cạn, làng Canh Giao đã lấp ló bên kia sườn núi. Vốn nằm cách biệt với thế giới bên ngoài và đường đi lại vô cùng khó khăn, cách trở nên đời sống của 50 hộ với gần 200 nhân khẩu, chủ yếu là người Chăm nơi đây rất thiếu thốn, nhiều tiện ích chưa đến được với người dân. Chúng tôi nói vui đây là làng “4 không”: không điện lưới, không nước sạch, không sóng di động và không đường bê tông đến nơi. Thấy đoàn đến, Trưởng làng Nguyễn Văn Thanh bắt tay từng người hồ hởi: Bà con bỏ cả buổi đi rẫy để đợi đoàn lên từ sáng sớm. Quả thật, khi tiếng nhạc và tiếng loa thông báo mời dân làng tập trung về nhà rông để đoàn viên, thanh niên Viện Sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng Quy Nhơn thăm khám, cấp phát thuốc miễn phí và Đoàn Công an tỉnh, Công an huyện làm CMND là gần như cả làng tập trung chật kín cả nhà rông.
Đoàn tổ chức làm chứng minh nhân dân, tặng quà, tổ chức hoạt động cộng đồng cho các cháu thiếu nhi làng Canh Giao. |
Đội hình tình nguyện của hai đơn vị đã nhiều lần tổ chức các chuyến “hành quân xanh” như thế này nên các chiến sĩ tỏ ra rất chuyên nghiệp và phối hợp khá nhuần nhuyễn, phân chia khu vực rõ ràng nên dù triển khai trong một không gian khá nhỏ nhưng công việc tiến hành nhanh chóng càng làm cho người dân thêm háo hức, phấn khởi. Chưa đầy một buổi, gần 200 người dân trong làng được các bác sĩ thăm khám, cấp phát thuốc các bệnh thông thường, gần 50 trường hợp được làm thủ tục cấp CMND miễn phí. Vừa chụp ảnh làm CMND xong, cầm phiếu hẹn trên tay, chị Đinh Thị Hoa xúc động cho biết: Hôm nay, nhà chị có 3 người đi làm CMND, ngoài chị còn có mẹ già hơn 70 tuổi và con gái đầu năm nay 20 tuổi. Người thì CMND cũ hết hạn, người thì đủ tuổi đã lâu nhưng làng xa thị trấn quá chưa đi làm được, nay Đoàn thanh niên Công an tỉnh về tận nơi làm cho người dân thế này, thiệt là quý.
Tiếp đó, cán bộ, đoàn viên, thanh niên Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về phòng cháy chữa cháy rừng, pháp luật về an toàn giao thông. Trong đó hào hứng nhất là phần tuyên truyền kiến thức, pháp luật về giao thông đường bộ, được cán bộ Cảnh sát giao thông hướng dẫn, trình chiếu một cách dễ hiểu, kết hợp với trò chơi, câu hỏi nên thanh niên của làng tham gia nhiệt tình, xung phong hỏi nhiều câu thật cặn kẽ. Anh Đinh Ná thiệt thà: “Nghe cán bộ CSGT nói, mình thấy đội mũ bảo hiểm là cần thiết thiệt. Nhìn mấy tấm ảnh về TNGT, mình thấy sợ quá, từ nay đi xe máy mình sẽ nhắc mọi người trong làng đội mũ bảo hiểm mới được”. Cảm động nhất là khi những phần quà và những túi quần áo cũ do đoàn viên, thanh niên 2 đơn vị quyên góp, ủng hộ được Ban quản lý làng thay mặt người dân đón nhận một cách nâng niu, trân trọng. Già làng Lê Danh Lá bộc bạch: Người dân Canh Giao một lòng theo Đảng, theo cách mạng, nay được cấp trên quan tâm thế này thì sẽ mãi mãi tin theo Đảng, theo Bác Hồ…
Chia tay trong nắng chiều. Đoàn rời xa làng Canh Giao trong ánh mắt lưu luyến và những cái bắt tay rất chặt. Đường về vẫn gập ghềnh như lúc đi nhưng chúng tôi thấy Canh Giao không còn xa xôi nữa mà cảm thấy gần hơn bởi sự cảm thông và chia sẻ với bao khó khăn, nhọc nhằn của người dân vùng sâu, vùng xa. Chuyến đi dẫu mệt nhưng các thành viên trong đoàn đều chung quyết tâm sẽ tổ chức nhiều hơn những chuyến “hành quân xanh” để sẻ chia sức trẻ, chung sức xây dựng nông thôn mới, và ở đó thầm lặng nhận những nụ cười, niềm vui của người dân vốn còn nhiều khó khăn trên khắp mọi miền quê hương, đất nước