Giám định pháp y giúp làm rõ vụ án
Thiếu tá Bùi Quang Bi, Tổ trưởng Tổ Pháp y, thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS) Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, thực tế công tác nhiều năm qua đã chứng minh rằng các kết luận của giám định viên là cơ sở pháp lý, giúp cơ quan điều tra có hướng giải quyết vụ việc chính xác, là cơ sở mấu chốt để khẳng định tính chất vụ việc là án mạng, hay vụ việc không liên quan đến án.
Điển hình, mới đây các cán bộ pháp y đã thực hiện giám định pháp y (GĐPY) tử thi liên quan đến vụ việc bước đầu được cho là tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra vào khoảng trưa 3/2/2021 tại tuyến đường bê-tông liên xã Bình Sa - Bình Hải, thuộc địa phận thôn Phước An, xã Bình Hải, huyện Thăng Bình. Nạn nhân là ông Trần Văn Ch. (SN 1967, trú xã Bình Đào).
Thông tin ban đầu, ông Ch. điều khiển xe môtô BKS 92F9-1554 lưu thông trên tuyến đường trên thì xảy ra TNGT tự gây, dẫn đến bị thương nặng bất tỉnh được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam, sau đó chuyển Bệnh viện Đà Nẵng đến chiều 6/2 thì tử vong.
Cơ quan CSĐT Công an huyện Thăng Bình trưng cầu Phòng KTHS tiến hành GĐPY tử thi ông Ch. Lãnh đạo Phòng đã cử tổ công tác đến hiện trường ngay trong đêm để tổ chức khám nghiệm.
Kết quả khám nghiệm tử thi bên ngoài đã phát hiện một số dấu vết tổn thương vùng đầu, ngực và tay chân, đặc biệt dấu vết vùng đầu không “điển hình” của một tổn thương TNGT tự gây, do đó tổ công tác pháp y đã yêu cầu Cơ quan điều tra vận động gia đình tiến hành giải phẫu vùng đầu để xác định rõ nguyên nhân chết và cơ chế hình thành thương tích.
Kết quả giải phẫu và thông tin hiện trường ban đầu có 1 cây dương liễu lớn mới được cưa nằm gần vị trí nạn nhân ngã xe, tổ công tác đã xác định được nguyên nhân chết do chấn thương sọ não, đồng thời đưa ra nhận định tổn thương sọ não này không phù hợp với cơ chế tự gây mà phù hợp với cơ chế vật tày cứng, nặng tác động rất mạnh vào vùng đỉnh đầu từ trên xuống dưới, khúc cây dương liễu tại hiện trường có đặc điểm phù hợp với vật gây ra thương tích.
Trên cơ sở kết luận nguyên nhân chết và nhận định của tổ pháp y, Cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra, xác minh vụ việc, đấu tranh với ông Trần Văn Mốc (SN 1966, trú xã Bình Triều, huyện Thăng Bình). Đến tối 7/2, ông Mốc đã khai nhận việc cưa cây dương liễu lúc ông Ch. chạy xe ngang qua, khiến cây dương liễu đổ xuống đập vào đầu ông Ch.
Thượng úy Trần Văn Thức, cán bộ Phòng KTHS Công an tỉnh Quảng Nam, tâm sự rằng, lực lượng KTHS giống như “chiếc chìa khóa vàng” mở ra cánh cửa sự thật của các vụ án. Đặc thù công việc hết sức phức tạp, bất kể ngày đêm, mưa gió hay điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cứ mỗi khi được điều động, cán bộ KTHS lại sẵn sàng lên đường.
Anh kể chuyện một lần băng rừng, vượt suối để thực hiện khám nghiệm pháp y tử thi tại khu vực rừng núi của huyện Bắc Trà My. Đó là ngày 9/12/2020, người dân đi làm rẫy thì phát hiện một thi thể đã phân hủy chỉ còn lại bộ xương ở sông Nước Xa (vị trí chảy qua thôn 4, xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My).
Ngay sau khi nhận được tin báo, Công an huyện Bắc Trà My chủ trì, phối hợp với Phòng KTHS Công an tỉnh Quảng Nam đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi.
Do khu vực này có địa hình hết sức khó khăn, phức tạp, trời mưa lớn, để tới hiện trường, các cán bộ KTHS và Công an huyện Bắc Trà My phải đi gần 3 giờ đồng hồ mới có thể tiếp cận.
Nơi phát hiện tử thi nằm sát bờ eo của sông Nước Xa được bắt nguồn từ núi Ngọc Linh chảy về nằm trên địa phận xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My, phía bờ bên kia sông là xã Trà Mai, huyện Nam Trà My.
Qua khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi, các giám định viên của Phòng KTHS đã đưa ra nhận định ban đầu đây là thi thể của nam giới, trạc 45-50 tuổi, người chết cao gần 1,6m, trên người không mặc quần áo; tử thi đã vào giai đoạn sáp hóa. Thời gian chết của nạn nhân vào khoảng 2 tháng. Tình trạng xương bị tổn thương phức tạp; do quá trình phân hủy chỉ còn lại bộ xương.
Để phục vụ xác định danh tính của nạn nhân, các bác sĩ pháp y thuộc Phòng KTHS đã tiến hành thu mẫu xương để giám định mẫu ADN của nạn nhân phục vụ truy nguyên và tìm huyết thống.
Sau đó, người dân thôn 3, xã Trà Mai biết tin đã đến hiện trường, cho rằng qua các dấu vết và đặc điểm nhận dạng của bộ xương đó khẳng định là của anh Hồ Văn Điều (SN 1974, trú thôn 3, xã Trà Mai) bị tử nạn do sạt lở núi vào ngày 28/10/2020 nên đã đề nghị đưa thi thể bị phân hủy này về an táng theo phong tục địa phương.
Lực lượng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Nam làm nhiệm vụ khám nghiệm hiện trường. |
Đại tá Trương Văn Một, Trưởng phòng KTHS Công an tỉnh Quảng Nam, chia sẻ rằng, GĐPY là lĩnh vực khoa học - một trong những hoạt động bổ trợ tư pháp có vai trò quan trọng trong hoạt động tố tụng.
Bác sĩ làm công tác GĐPY trong CAND có lợi thế vừa có kiến thức y khoa, vừa được bồi dưỡng nghiệp vụ Công an nên trong các vụ án có sự phối hợp logic giữa khám nghiệm hiện trường với khám nghiệm pháp y đã cho ra kết quả nhanh, chính xác, khách quan; được Cơ quan CSĐT đánh giá cao, góp phần thành công trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, do xã hội chưa hiểu hết về công tác GĐPY nên có những định kiến không hay về công việc này. Thêm nữa, do tính đặc thù của công việc phải khám nghiệm trên người chết đã trương sình, phân hủy hay có mầm bệnh lây nhiễm cho nên người làm công tác GĐPY dễ có nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan B…
Bác sĩ công tác trong lực lượng Công an phải chấp hành theo Điều lệnh, chính vì thế tổ công tác thực hiện công việc cơ động, nhanh, kịp thời bất kể ngày hay đêm, khi có lệnh phân công thì phải có mặt và thực hiện nhiệm vụ ngay, nhiều vụ phải tiến hành khám nghiệm qua đêm, có vụ phải đi băng rừng vượt suối cả ngày đường mới đến hiện trường vụ việc…