Gác lại quá khứ, nhưng không lãng quên

Thứ Sáu, 15/02/2019, 09:25
Tôi gặp Đại tá Giàng Ly Pao, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai khi anh vừa đặt chân đến Thủ đô Hà Nội để dự buổi gặp mặt thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ xuất sắc, tiêu biểu tham gia cuộc chiến đấu chống quân bành trướng Trung Quốc bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.


Những vết thương cũ vẫn đau mỗi khi trái gió trở trời, song toát lên ở anh là thần thái vinh dự, tự hào khi được ôn lại dấu mốc lịch sử của dân tộc, những ký ức một thời được chung tay bảo vệ biên giới Tổ quốc…

“Còn nhớ, khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới diễn ra từ tháng 2-1979 thì tháng 6 năm đó tôi tham gia lực lượng Công an, sau đó được phân công về khu vực biên giới…”, Đại tá Giàng Ly Pao nhớ lại. Thời gian này công việc của anh rất gian khổ, chủ yếu đi công tác biên giới nắm tình hình địa bàn, cơ sở vật chất, trong khi hệ thống giao thông sau năm 1979 rất khó khăn, đường sá, cầu cống dọc tuyến biên giới Lào Cai hầu như bị phá huỷ hết. 

Đại tá Giàng Ly Pao chia sẻ với phóng viên về những kỷ niệm tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Anh kể, từ Yên Bái lên thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng và huyện Mường Khương (Lào Cai) có hôm đi tàu, có hôm đi xe khách, không có tàu xe thì phải đi bộ. Dù bằng phương tiện nào thì cũng đều phải qua các ngầm vì cầu cống hầu như không còn, mùa mưa nước lên rất khổ sở. Thời gian bám biên giới hầu như anh phải nằm vùng ở đây, đi bộ là chính.

Xác định được những khó khăn đó, anh đề ra phương châm bám vào dân, sống dựa vào dân. Để phục vụ tốt công tác nghiệp vụ, anh thường xuyên xuống dân, làm tốt công tác dân vận để nắm được tình hình. “Lúc bấy giờ chúng tôi có các tổ, được chia ra mấy tuyến địa bàn. 

Tôi được phân công tham gia tổ công tác tại Mường Khương - tuyến địa bàn “nóng” nhất của Lào Cai. Từ Mường Khương lên thị trấn Pha Long chỉ khoảng 21km, nhưng dọc biên giới, các đối tượng phản động liên tục nằm phục trên các tuyến đường để bắn chết cán bộ và bộ đội ta. Do đó, nếu mình cứ đi theo đường ôtô thì có thể sẽ bị phục bắn, giết chết hoặc bị bắt cóc”, Đại tá Giàng Ly Pao cho hay. Lúc bấy giờ bên kia bên giới còn tổ chức các toán phản động liên tục xâm nhập sang bên này bắt cóc cán bộ, nếu mình không cảnh giác, mưu trí, sáng tạo trong hoạt động thì có thể bị nằm trong ổ phục kích và thiệt mạng. Anh và đồng đội chủ yếu ở lẫn trong dân và đi các đường tắt. Tất nhiên đường tắt ở vùng cao cũng rất vất vả vì khó đối chiếu, xác định phương hướng…

Theo Đại tá Giàng Ly Pao, suốt từ năm 1979 đến năm 1984, anh và đồng đội trải qua rất nhiều lần bị các toán phản động phục kích. Có lần, phía bọn phản động Trung Quốc đã phục kích tổ công tác của anh, vào quây bắt, nhưng các anh đều chống trả và thoát thân. Đến tháng 8-1984, đối phương móc nối với dân mình và thực hiện việc phá hoại trong nội địa ta. 

“Khoảng ngày 10-8-1984, trên đường đi công tác từ Pha Long về Lào Cai, xe chúng tôi bị gài mìn. Đấy là quả mìn chống tăng, có sức công phá lớn, khiến 12 người hy sinh tại chỗ, 24 người bị thương” – anh kể. Trên chuyến xe khách lúc này có 4 cán bộ Công an, trong đó có đồng chí Quyền trưởng Công an huyện, 1 nữ cán bộ cấp dưỡng. “Mọi thứ rất bất ngờ, xe vừa đi được khoảng 2 cây số thì xảy ra sự cố. Cảm giác giống như người ta cầm một nắm cát rất to, bỏng rát ném vào mặt mình. Sau đó, tôi bất tỉnh, không nhận thức được gì nữa”, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai hồi tưởng. Vị trí xảy ra sự việc chỉ cách đường biên hơn 1km.

Bệnh viện dã chiến ở Mường Khương chỉ băng bó vết thương chứ không phẫu thuật được, do đó tỉnh Hoàng Liên Sơn đã điều động xe cứu thương vào để cấp cứu cán bộ. Anh bị chấn thương ở đầu, gãy chân phải và chấn thương cột sống. “Sau này tỉnh dậy ở bệnh viện, tôi mới được nghe anh em kể lại, việc di chuyển về tỉnh cũng rất khó khăn, mất 1 ngày 1 đêm vì quãng đường khoảng 300km toàn đất đá”, anh chia sẻ. Thế rồi sau đó anh được chuyển xuống Hà Nội điều trị 4 tháng ở Bệnh viện 19-8, mổ và cố định chân. Cuối năm 1985 mới được mổ tháo nẹp sắt ra…

Đến năm 1986, dù đã bình phục nhưng chân anh không thể gập lại như người bình thường, Giàng Ly Pao được điều động về Phòng Tổ chức cán bộ, Công an tỉnh Hoàng Liên Sơn. Năm 1991, Nghị quyết của Quốc hội tái lập tỉnh Lào Cai thì anh nằm trong danh sách đi Lào Cai, đưa vợ con lên xây dựng thành phố mới. “Lúc này Lào Cai hầu như không có gì, thành phố sau chiến tranh bị tàn phá nặng nề. Chúng tôi không có nhà cửa, phải đi ở nhờ. Công an tỉnh cũng chia tách ở nhờ 3 địa điểm cách nhau khoảng 30km. Trong hoàn cảnh đó, nhưng vượt lên trên tất cả những khó khăn, vất vả ấy, năm 1991 anh đi học Đại học An ninh (nay là Học viện ANND), đến tháng 8-1997 thì được bổ nhiệm Phó trưởng Phòng Tổ chức cán bộ. Năm 2000, anh làm Trưởng Công an huyện Simacai, đến tháng 9-2005 được bổ nhiệm Phó Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai và công tác cho đến khi nghỉ chờ hưu.

Gần 15 năm giữ cương vị Phó Giám đốc Công an tỉnh, trong đó 10 năm là Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, anh đã ghi dấu ấn trong nhiều chuyên án lớn về hình sự, ma tuý, góp phần đảm bảo an ninh trật tự miền biên viễn. Ngoài vết thương 3cm trên đỉnh đầu hiện cứ trở trời là đau nhức, anh còn bị tê dọc cột sống, ù tai phải, khả năng di chứng để lại do sức ép của quả mìn. Thế nhưng, Đại tá Giàng Ly Pao luôn trong tâm thái lạc quan vui sống. 

“Chiến tranh đã qua đi, chúng ta gác lại quá khứ nhưng không lãng quên một phần của lịch sử. Những hoạt động gặp mặt giúp chúng tôi ôn lại những kỷ niệm, nhớ đến những dấu mốc lịch sử, về thời điểm mà cả dân tộc Việt Nam kiên cường đứng lên bảo vệ biên giới của Tổ quốc, cũng như tri ân, lưu danh những người đã nằm xuống…”, anh chia sẻ. 

Và đất nước luôn ghi ơn những nhân chứng lịch sử như anh - những người lính đi qua cuộc chiến tranh gian khổ, ác liệt, vượt qua vô vàn khó khăn để công tác, tự lực lo cuộc sống cho bản thân, gia đình, đồng thời tham gia vào công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Bảo Quân
.
.