Đón giao thừa cùng Cảnh sát cơ động Hà Nội

Chủ Nhật, 22/01/2012, 08:41
Giữa sắc xuân phơi phới, từng cặp nam thanh, nữ tú sánh vai nhau nở nụ cười mãn nguyện… Bất chợt gặp cảnh đoàn tụ đó, Trung tá Hùng chợt thấy thương vợ. Giờ này, vợ anh chắc đang thấp thỏm chờ chồng rồi lo lắng theo từng bước chân của anh. Nhìn sang đồng đội, trong lòng người chỉ huy ấy những cảm xúc đan xen, trái chiều cứ hòa quện vào nhau: Giờ này, cũng có hàng trăm, hàng nghìn người vợ, người mẹ của lính CSCĐ đang ngóng chồng, chờ con như vợ của anh.

1. Đã thành thông lệ, năm nào cũng vậy Trung tá Nguyễn Thế Hùng, Đại đội trưởng Đại đội 5, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Hà Nội thường tổ chức cho cán bộ đơn vị đón giao thừa sớm hơn. Ba mươi sáu năm là lính cơ động cũng là ngần ấy thời gian, Trung tá Hùng đón Tết ở đơn vị cùng đồng đội. Anh đã quá quen với những cái Tết xa gia đình. Thế nhưng, khi đứng trước đồng đội thân yêu của mình vào thời khắc sắp chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, anh vẫn không giấu được cảm xúc. Anh dừng lại thật lâu vào một chiếc ghế còn trống, đôi mắt buồn hoe…

Chẳng ai bảo ai, tất cả đều chùng lại, nhiều chiến sỹ trẻ rơm rớm nước mắt. Trong giây phút ấy, họ chợt nhớ đến người đồng đội đã mãi mãi ra đi vào dịp Tết Nguyên đán năm trước, khi tham gia ngăn chặn một nhóm đối tượng đua xe máy ở khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm.

Lúc ấy, mỗi người tự hứa với lòng mình, phải sống và chiến đấu giữ bình yên cho nhân dân, để sự hy sinh của đồng đội không bị uổng, phí. Lính cơ động vốn đã thiếu thốn về vật chất nên chỉ huy Trung đoàn và Đại đội 5 luôn cố gắng lo cho anh em một cái Tết thật đầm ấm, giúp họ phần nào xua đi nỗi nhớ nhà. Trong giây phút ấy, ai cũng rưng rưng xúc động…

2. Giữa sắc xuân phơi phới, từng cặp nam thanh, nữ tú sánh vai nhau nở nụ cười mãn nguyện… Bất chợt gặp cảnh đoàn tụ đó, Trung tá Hùng chợt thấy thương vợ. Giờ này, vợ anh chắc đang thấp thỏm chờ chồng rồi lo lắng theo từng bước chân của anh. Một tiếng điện thoại bất ngờ vang lên, sau màn pháo hoa rực rỡ. Bên kia đầu dây là giọng nói hồ hởi của cậu con trai út: chúc bố một năm mới mạnh khỏe, tràn ngập hạnh phúc…

Nụ cười rạng ngời trong ánh mắt của người đàn ông từng trải. Con trai anh giờ đã trưởng thành giúp cha gánh vác việc gia đình. Tết năm nào cũng vậy, cháu về quê thắp hương cho ông bà, tổ tiên, chúc Tết chú bác và họ hàng. Ba năm nay, anh Hùng đã chuyển được vợ, con từ quê ở Bắc Ninh về Hà Nội.

Đại đội 5 lên đường làm nhiệm vụ.

Nhìn sang đồng đội, trong lòng người chỉ huy ấy những cảm xúc đan xen, trái chiều cứ hòa quện vào nhau: Giờ này, cũng có hàng trăm, hàng nghìn người vợ, người mẹ của lính Cảnh sát cơ động đang ngóng chồng, chờ con như vợ của anh. Là vợ của người lính cơ động, họ đã phải hy sinh thật nhiều: Đó là những bữa cơm đầm ấm sum họp của cả gia đình. Rồi vào những ngày Tết đến, Xuân về luôn vò võ một mình.

Đại đội 5 có 20%  số cán bộ, chiến sỹ phần lớn đều vừa mới lập gia đình, nhiều đồng chí con còn nhỏ, kinh tế lại eo hẹp. "Nhìn anh em nhiều lúc cũng tủi thân. Vật chất đã không có nên chỉ có tình cảm để động viên, khích lệ nhau để hoàn thành nhiệm vụ", Trung tá Hùng chia sẻ. Vì thế,  các anh cố gắng lo cho anh em một cái Tết thật đầy đủ ấm cúng, bởi với họ đơn vị cũng là nhà. Sự quan tâm của lãnh đạo đơn vị, giúp anh em vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà.

"Bởi năm nào cũng vậy, lực lượng Cảnh sát Cơ động luôn phải ứng trực 100% ở đơn vị. Ngoài việc bảo vệ tuyệt đối an toàn các hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, còn là đảm bảo an toàn cho các lễ hội trong và sau Tết âm lịch, các điểm bắn pháo hoa, đồng thời làm công tác tuần tra, kiểm soát đấu tranh phòng ngừa và trấn áp tội phạm", Đại tá Phạm Văn Hưng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động cho biết.

3. Bùng! Bùng… đúng 24 giờ, những màn pháo hoa lung linh, rực rỡ sắc màu tỏa sáng trên bầu trời Hà Nội, báo hiệu thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trong giây phút ấy, mỗi người dường như xích lại gần nhau hơn… Đó cũng là thời điểm mà lực lượng Cảnh sát cơ động vất vả nhất. Điện thoại của khu vực bị nghẽn mạch hoàn toàn, vì thế liên lạc của anh em đơn vị đều phải sử dụng bằng bộ đàm.

Trung đoàn trưởng Phạm Văn Hưng và hai chỉ huy phó của đơn vị "bận rộn" với các cuộc điện đàm của các tổ tuần tra, báo về thông báo tình hình. Vào những ngày Xuân, theo quan niệm của người Việt Nam, cách xử lý của các anh cũng mềm mỏng hơn, phần lớn chỉ nhắc nhở nhằm ngăn chặn các sự việc phức tạp xảy ra. Cùng lúc này, thông tin từ khu vực trung tâm, về một trường hợp cháu nhỏ bị lạc; một đối tượng lợi dụng sơ hở để trộm cắp ĐTDĐ.

Những vụ việc dù nhỏ nhưng được ngăn chặn kịp thời đã khiến những người xung quanh nhìn họ bằng ánh mắt thật thiện cảm. Được "tận mục sở thị" một lần theo Cảnh sát cơ động đón giao thừa trên đường phố, chúng tôi thấu hiểu được công việc vất vả, nhưng cũng không kém phần nguy hiểm của những người lính cơ động. Và chúng tôi chợt hiểu rằng trong chiến công của các anh ngày hôm nay, có phần đóng góp không nhỏ của những người vợ, người mẹ, họ luôn là những hậu phương vững chắc, tiếp thêm nghị lực cho họ, trong mỗi đêm tuần tra, trong những lần đối mặt với những đối tượng hình sự nguy hiểm

Xuân Mai
.
.