Ngã ba Đồng Lộc - Xanh mãi tuổi hai mươi
- Khởi công xây dựng Khu tưởng niệm Thanh niên xung phong C283
- Dâng hương tưởng nhớ liệt sỹ thanh niên xung phong TP Hồ Chí Minh
“Các ngã ba khác trên đời làm bằng nước, bằng sông, bằng thuỷ triều lên xuống/ Hay bằng đá, bằng đất/ Bằng xi măng cốt sắt/ Bằng vôi trắng, gạch nâu/ Bằng đèn xanh, đèn đỏ đủ màu/ Hay bằng những sự chênh vênh vấp ngã/ Nhưng ngã ba Ðồng Lộc xây bằng xương máu”. Rưng rưng đặt bước chân lên miền đất linh thiêng này, tôi lại nhớ đến những vần thơ của nhà thơ Huy Cận khi viết về Ngã ba Ðồng Lộc huyền thoại.
Về thăm Ðồng Lộc đúng vào dịp cả nước đang long trọng tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn, chúng tôi càng thêm xúc động. Một địa danh đã được xây lên bằng tuổi thanh xuân, bằng tình yêu Tổ quốc và bằng máu của hàng ngàn người con ưu tú đã trở thành huyền thoại trong cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc.
Ngã ba Ðồng Lộc, địa chỉ của rất nhiều đoàn khách là các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên về tham quan, học tập lịch sử. |
Từ năm 1964 đến năm 1972, tuyến đường quốc lộ 1A đi qua địa bàn Hà Tĩnh bị đánh phá và chia cắt hoàn toàn, thời điểm đó, giao thông từ miền Bắc vào miền Nam tất cả đều phải đi qua con đường 15A. Trong đó, Ngã ba Ðồng Lộc là một địa điểm hiểm trở trên con đường này. Nơi đây được ví như là yết hầu, là mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam.
Xác định được vị trí chiến lược của Ngã ba Ðồng lộc, Mỹ đã tập trung đánh phá ác liệt khu vực này từ năm 1964 đến năm 1972 trong đó cao điểm nhất là năm 1968. Từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, Ngã ba Ðồng Lộc phải gánh chịu gần 50.000 quả bom các loại, bình quân mỗi 1m2 đất nơi đây phải gánh chịu trên 3 quả bom, mặt đất bị biến dạng, đất đá bị cày đi xới lại, hố bom chồng lên hố bom.
Tại chiến trường Ngã ba Ðồng Lộc lúc bấy giờ có nhiều lực lượng như: Bộ đội, thanh niên xung phong, Công an, công nhân giao thông, dân quân du kích… số người chiến đấu và phục vụ chiến đấu thời điểm đông nhất lên tới 16.000 người, làm nhiệm vụ chiến đấu đánh trả máy bay địch, cảnh giới, giải tỏa giao thông, san lấp hố bom, phá bom nổ chậm, làm cọc tiêu dẫn đường chỉ lối, đảm bảo an toàn cho người và hàng hóa chi viện vào chiến trường miền Nam…
Ðể giữ vững mạch máu giao thông từ Bắc vào Nam được thông suốt, hàng trăm, hàng ngàn các chiến sỹ TNXP, bộ đội, Công an và nhân dân, cán bộ giao thông... đã ngã xuống. Trong đó phải kể đến sự hy sinh anh dũng của tiểu đội 10 cô gái TNXP ngày 24-7-1968. Sự hy sinh của 10 cô gái TNXP đã viết lên khúc tráng ca bất tử của một thế hệ thanh niên sẵn sàng hiến dâng mình cho Tổ quốc. Ðịa danh Ngã ba Ðồng Lộc cũng gắn liền với tên tuổi của hàng loạt các Anh hùng, liệt sĩ với những chiến công vang dội như: Nguyễn Xuân Lứ, Nguyễn Trí Ân, Nguyễn Tiến Tuẫn, Vương Ðình Nhỏ, Uông Xuân Lý, La Thị Tám…
Ngã ba Ðồng Lộc được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1989; được Ðảng, Nhà nước, Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ðảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đầu tư xây dựng thành Khu tưởng niệm TNXP toàn quốc. Ngày 9-12-2013, Khu di tích Ngã ba Ðồng Lộc được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định trở thành Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Ðặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Hơn 50 năm đã trôi qua, Ðồng Lộc – mảnh đất được mệnh danh là “tọa độ chết” giờ đây đã và đang thay da đổi thịt hàng ngày. Cả vùng đất trắng bị cày xới liên tục bởi bom đạn ác liệt giờ bát ngát màu xanh của thông xanh, của những ruộng lúa, vườn cây trái và hoa thơm trái ngọt.
Trong khuôn viên khu di tích, chúng tôi bắt gặp nhiều cô bác cựu thanh niên xung phong, những em học sinh nhỏ đứng lặng hàng giờ bên bức thư của chị Võ Thị Tần – Tiểu đội trưởng tiểu đội 10 cô gái TNXP gửi về cho mẹ được khắc lên bia đá đặt trong khu di tích. “Trời sẩm tối, những chiếc xe mang nặng tình hậu phương lại lăn bánh trên đường ra tiền tuyến.
Chúng con vui sướng vẫy chào những chiến sỹ lái xe anh dũng. Mẹ của con, thấy giặc đánh nhiều hơn dạo trước, chắc là mẹ lo cho chúng con lắm. Nhưng không, mẹ đừng lo, ở đây vui lắm mẹ ạ. Bạn đêm, chúng thắp đèn để chúng con làm đường, ban ngày, chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển núi rừng, nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con”- Trong ác liệt của đạn bom, giữa mong manh sự sống và cái chết nhưng trong lá thư gửi về cho mẹ của Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần vẫn toát lên sự lạc quan, yêu đời và tràn đầy nhiệt huyết cách mạng. Lá thư của chị Tần gửi mẹ đã vượt qua khuôn khổ một bức thư bình thường mà còn là tiếng nói của cả một thế hệ thanh niên xung phong rầm rập những bước chân ra trận sẵn sàng hy sinh thân mình vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Khu di tích Ngã ba Ðồng Lộc có diện tích rộng 0,6km2 với nhiều hạng mục được đầu tư xây dựng bằng tất cả tình cảm, tấm lòng đối với những thế hệ đi trước giờ đây trở thành điểm tham quan, di tích lịch sử thường xuyên thu hút khách đến thăm.
Tượng đài chiến thắng nằm dưới thung lũng trong công viên tuổi trẻ biểu tượng của sức mạnh, ý chí quyết thắng, tinh thần vươn lên đạp bằng mọi khó khăn, nguy hiểm của lực lượng TNXP, bộ đội, Công an, dân quân du kích. Cạnh đó là Nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc và các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Ngã ba Ðồng Lộc ghi danh gần 4.000 anh hùng liệt sĩ. Nằm cách nhà bia khoảng chừng 50m là khu mộ của 10 cô gái TNXP, các chị đã nằm lại ngay cạnh hố bom năm xưa với tuổi đời chỉ từ 17 đến 24 tuổi.
Ðể đảm bảo cho khách tới thăm đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay hiểu hơn, cảm nhận hơn đầy đủ những sự ác liệt, những mất mát đau thương của chiến tranh để trân quý hơn giá trị của hòa bình, thời gian qua, Khu di tích này đã hoàn thiện thêm nhiều hạng mục khác như: Ðền thờ Ngã ba Ðồng Lộc, bãi đậu xe diện tích 5.000m2, hồ sinh thái, tôn tạo bãi bom chứng tích chiến tranh…
Trong số hàng trăm ngàn lượt khách đến thăm Ðồng Lộc, có rất đông những cựu thanh niên xung phong tìm về tri ân, tưởng nhớ những người đồng đội. Ðịa danh này giờ đây đã trở thành địa chỉ đỏ nơi sinh hoạt chính trị của các thế hệ đoàn viên, thanh thiếu niên và học sinh...
Ðến với Khu di tích, được xem lại nhưng thước phim tư liệu quý giá, được nghe kể về những năm tháng chiến tranh khốc liệt, được cảm nhận một tinh thần quả cảm “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “xe chưa qua, nhà không tiếc”... của thế hệ cha anh đã sống chiến đấu để giữ vững con đường huyết mạch đưa những đoàn quân ra trận.
Về thăm Ngã ba Ðồng Lộc hôm nay, thắp nén tâm nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ, lắng mình lại để nghe tiếng chuông ngân vang giữa bạt ngàn thông xanh rì rào hát mãi khúc tráng ca về một thế hệ tuổi thanh xuân đẹp đẽ đã hiến dâng cho Tổ quốc và truyền lại lẽ sống đẹp cho thế hệ mai sau.
Mỗi tấc đất trên mảnh đất Ngã ba Đồng Lộc lịch sử đều thấm máu của bao chiến sĩ Bộ đội, Công an, TNXP, cán bộ giao thông, người dân… đã bám trụ chiến đấu, hy sinh để giữ cho mạch máu giao thông này được thông suốt. Địa danh lịch sử này đã trở thành đề tài, niềm cảm hứng cho thơ, ca và có rất nhiều bài thơ hay xúc động. Khi đến thăm nơi này, nhà thơ Vương Trọng xúc động viết: “Mười bát nhang hương cắm thế đủ rồi/ Còn hương nữa hãy dành phần cho đất/ Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi/ Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc/ Lòng tưởng nhớ xin chia đều khắp/ Như cỏ trong thung, như nắng trên đồi…”. (Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc – Nhà thơ Vương Trọng). |