Dấu ấn đậm nét trong xây dựng pháp luật

Thứ Hai, 12/10/2020, 07:27
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng uỷ Công an Trung ương thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác xây dựng, tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, được thể hiện qua Nghị quyết số 08 về tiếp tục hoàn thiện pháp luật về ANTT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đã chỉ đạo lực lượng chức năng xây dựng trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nhiều dự án luật, pháp lệnh, trình Chính phủ ban hành các nghị định...

Trong đó, có nhiều dự án luật quan trọng, có tác động không chỉ đến hoạt động của lực lượng CAND, mà còn tác động đến nhiều mặt của hoạt động kinh tế - xã hội, như Luật CAND năm 2018, Luật An ninh mạng năm 2018, Luật Thi hành án hình sự năm 2019, Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ... cùng nhiều văn bản pháp luật khác. 

Theo dõi lĩnh vực xây dựng pháp luật, cho thấy hầu hết các phiên thảo luận về các dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo tại các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội đều thu hút đông đảo người dân và các nhà chuyên môn quan tâm. Tại các phiên thảo luận đó, những vấn đề quy định trong dự thảo được các đại biểu đánh giá, góp ý, thậm chí “mổ xẻ”, phản biện sâu sắc. Chính vì vậy, nhiệm vụ của lãnh đạo Bộ Công an là phải giải trình, giải thích, đưa ra những tài liệu, lập luận có sức thuyết phục  để các đại biểu hiểu rõ hơn, ủng hộ dự án luật/điều luật/vấn đề đó.

Thực hiện Dự án cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư là bước đột phá trong công tác quản lý, tạo thuận lợi cho người dân.

Điển hình như Luật CAND năm 2018 – là một trong những dự án luật quan trọng do Bộ Công an xây dựng trong nhiệm kỳ vừa qua nhằm củng cố cơ sở pháp lý để đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ giữa Công an các cấp, giữa Bộ Công an với các bộ, ngành; không tổ chức cấp tổng cục, nâng cao chất lượng cấp cục trực thuộc Bộ Công an; sáp nhập Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy với Công an cấp tỉnh; xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự và đấu tranh phòng, chống tội phạm của Bộ Công an; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của từng đơn vị; bảo đảm sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, xuyên suốt từ Bộ đến cơ sở; tăng cường cho lực lượng trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an bảo đảm quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm là thống nhất, không chia cắt về địa bàn, lãnh thổ.

Tạo cơ sở pháp lý để thực hiện chế độ, chính sách và bảo đảm điều kiện hoạt động của CAND, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; hoàn thiện quy định về trần cấp bậc hàm và chế độ, chính sách trong CAND phù hợp với mô hình tổ chức mới. Thực hiện xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại cơ sở; nâng cao hiệu quả công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cấp xã trong công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở; xây dựng đội ngũ Công an xã chính quy, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở; khắc phục được những tồn tại, hạn chế của pháp luật hiện hành quy định về bố trí Công an xã bán chuyên trách như hiện nay...

Một dự án luật cũng được dư luận đặc biệt quan tâm đó là Luật An ninh mạng. Trước tình hình một số đối tượng chống đối cố tình viết bài, đưa trên nhiều trang mạng với mục đích xuyên tạc cho rằng Luật An ninh mạng sẽ kiểm soát thông tin cá nhân của công dân, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp, tạo giấy phép con... khiến dư luận lo lắng. Thậm chí, một số tổ chức phản động chống đối tổ chức quay các video, clip, trích dẫn thông tin sai lệch, lồng ghép, xuyên tạc nội dung phát biểu của một số đại biểu Quốc hội, hô hào, kích động quần chúng nhân dân phản đối Luật An ninh mạng.

Để trả lời câu hỏi của các đại biểu, giải toả lo lắng trong dư luận nhân dân, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và các đồng chí Thứ trưởng, các thành viên Ủy ban Quốc phòng An ninh đã trả lời, giải trình, phản biện từng vấn đề đại biểu/dư luận nêu. Trong đó, giải thích rõ quyền lợi của tổ chức/công dân được hưởng, được bảo vệ trong quá trình tham gia hoạt động trên không gian mạng khi Luật An ninh mạng được Quốc hội phê chuẩn, đi vào cuộc sống; công dân được bảo vệ bởi Luật An ninh mạng trước các thông tin xấu, độc, xâm phạm tới danh dự, uy tín, nhân phẩm...; được trao công cụ để bảo vệ quyền lợi; được bảo vệ trước các hoạt động gián điệp mạng, bảo vệ bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng, bảo vệ khỏi các hoạt động tội phạm mạng, như chiếm đoạt tài sản, trộm cắp thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng…

Lãnh đạo Bộ Công an cũng khẳng định, Luật An ninh mạng đặc biệt bảo vệ trẻ em trên không gian mạng và khẳng định Luật An ninh mạng không kiểm soát thông tin cá nhân của công dân, không gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp, không tạo giấy phép con, mà ngược lại, bảo vệ công dân, doanh nghiệp, điều tra, xử lý hành vi vi phạm nếu quyền lợi của tổ chức, cá nhân bị xâm hại. Nhờ có sự giải trình, trả lời rõ ràng, thấu đáo, dư luận nhân dân và các đại biểu Quốc hội đã hiểu rõ, ủng hộ. Dự án Luật được Quốc hội thông qua với số phiếu rất cao. Kết quả công tác phát hiện, đấu tranh với tội phạm mạng thời gian qua bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức, công dân, doanh nghiệp... đã chứng minh hết sức thuyết phục những nội dung trên, đem lại niềm tin trong nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và lực lượng CAND.

Trong kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV tới đây, Bộ trưởng Bộ Công an sẽ thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội 4 dự án Luật gồm: Luật Phòng chống ma tuý (sửa đổi); Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ; Luật Cư trú (sửa đổi); Luật Lực lượng bảo vệ ANTT tại cơ sở. Trong đó, dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ là dự án luật được dư luận đặc biệt quan tâm vì liên quan đến quyền lợi “sát sườn” của từng người dân. Một trong những vấn đề “nóng” nhất được các đại biểu và dư luận quan tâm là việc quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.

Tại các phiên thảo luận, Bộ trưởng Tô Lâm, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc giải trình, khẳng định mục tiêu cơ bản và lớn nhất của việc xây dựng Luật là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, bảo vệ quyền con người, bám sát chủ trương, quan điểm của Đảng xác định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một nội dung của bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Về cơ sở khoa học, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là việc thiết lập, duy trì, củng cố, thúc đẩy trạng thái tham gia giao thông có nền nếp, kỷ cương, trật tự, an toàn đối với người và phương tiện tham gia giao thông, xây dựng ý thức tự giác chấp hành pháp luật, phòng ngừa, hạn chế tới mức thấp nhất các vụ tai nạn giao thông xảy ra.

Lãnh đạo Bộ Công an cũng cho biết, Bộ Công an thực hiện sắp xếp tổ chức, tinh gọn biên chế đã đảm bảo Công an 4 cấp, đã triển khai Công an xã trên toàn quốc. Khi dự án Luật được thông qua, sẽ đảm nhận tốt các công tác được giao trong Luật, tăng đầu việc được giao nhưng không tăng biên chế, đảm bảo tính chuyên sâu, tiến tới văn minh trong tham gia giao thông, bớt dần tai nạn thảm khốc, thiệt hại con người, tài sản...

Đối với dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Dự án luật này đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 9. Trong các phiên thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ bất ngờ về sự đổi mới, tạo điều kiện hết mức cho người dân trong việc quản lý cư trú của Bộ Công an. Đại biểu Trần Văn Tuý, Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội cho biết: “Tôi rất bất ngờ với những quy định của dự thảo Luật Cư trú do Bộ Công an soạn thảo. Tôi cứ nghĩ khi sửa Luật thì Bộ Công an sẽ quy định khắt khe hơn để dễ quản lý hơn, nhưng các quy định lại rất thông thoáng, cởi mở, tạo điều kiện hết mức cho người dân, tôn trọng quyền công dân, bám sát Hiến pháp của nước ta”. Tuy nhiên, một số đại biểu, nhất là đại biểu của các thành phố trực thuộc Trung ương còn bày tỏ băn khoăn trước việc bỏ các quy định về điều kiện nhập khẩu vào thành phố trực thuộc Trung ương, rất cần tiếp tục thảo luận, thống nhất.

Đại tá Vũ Huy Khánh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp cho biết, khi xây dựng dự án Luật, để có thể thuyết phục người dân và các cơ quan chức năng thì phải làm rõ được tính cấp thiết trong xây dựng văn bản pháp luật đó, trong đó phải thuyết minh: chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước thực hiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực đó, những vấn đề bức xúc trong thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; yêu cầu bảo đảm đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là phù hợp với tinh thần Hiến pháp năm 2013; phải tổ chức sơ kết, tổng kết thực tiễn áp dụng pháp luật trong lĩnh vực đó trong các quy định hiện hành để thuyết minh phải sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới; chuẩn bị tốt báo cáo đánh giá tác động đối với xã hội khi văn bản mới dự kiến ban hành ra...

Được biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, dấu ấn công tác xây dựng pháp luật không chỉ là việc chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về ANTT và các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành có liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Công an trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tạo sự lan toả và chuyển mạnh mẽ trong công tác bảo đảm an ninh trật tự và xây dựng lực lượng CAND, Đảng uỷ Công an Trung ương còn chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, giúp nhân dân và doanh nghiệp nhận thức đúng đắn và chấp hành nghiêm pháp luật, hướng tới xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn lành mạnh.

Phương Thuỷ
.
.