Đại tá Anh hùng Hai Hồng - Kiên trung, thủy chung với dân

Thứ Tư, 25/11/2009, 14:59
Nhận được tin Đại tá Ngô Quang Hớn (tức Hai Hồng) vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Kiên Giang vui mừng và thêm tự hào về người đồng chí, người thủ trưởng của mình. Nhiều người dân trong khu phố đến giờ mới hay, bác Hai Hồng - ông lão có mái tóc bạc trắng, hiền lành, từng lập nhiều chiến công xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Đồng chí Ngô Quang Hớn tại Hội nghị bảo vệ chính trị lần thứ nhất ở căn cứ Tây Ninh, 1975 (người thứ nhất, bàn trên từ phải sang).

Đại tá Hai Hồng sinh năm 1925 tại xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Tham gia cách mạng từ giữa năm 1945, đồng chí Hai Hồng hoạt động trong tổ chức thanh niên tiền phong của địa phương, với nhiệm vụ ban đầu là tuyên truyền, vận động thanh niên cứu quốc. Sau khi tham gia giành chính quyền tại quê hương, ông gia nhập đơn vị cảm tử quân ở địa phương.

Cách mạng thành công chưa được bao lâu thì thực dân Pháp đã quay trở lại, quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Theo chân quân Anh giải giáp quân Nhật, nhiều toán lính Pháp đổ bộ vào Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ, tiến hành khiêu khích, rồi tấn công lực lượng vũ trang ta và các trụ sở chính quyền cách mạng, chiếm đất, giành dân và dựng lên chính quyền bù nhìn các cấp. Nhân cơ hội này, bọn phản động, tay sai ra sức đàn áp, khủng bố đẫm máu phong trào cách mạng.

Trước tình hình đó, cuối năm 1945, Tỉnh ủy Bạc Liêu chỉ đạo phải đẩy mạnh đấu tranh vũ trang bảo vệ phong trào cách mạng, bảo vệ chính quyền nhân dân; trừng trị những tên ác ôn, chỉ điểm. Đồng chí Hai Hồng đã chỉ huy lực lượng du kích địa phương chia thành từng tổ, luồn sâu vào lòng địch diệt ác, phá tề, trừng trị 5 tên ác ôn có nhiều tội ác với nhân dân. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng chí Hai Hồng đã trực tiếp tham gia chiến đấu nhiều trận, góp phần cùng quân và dân địa phương giữ vững thành quả cách mạng.

Sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, phần lớn cán bộ và lực lượng vũ trang ta tập kết ra miền Bắc. Đồng chí Hai Hồng nằm trong số cán bộ được Đảng phân công ở lại tiếp tục bám đất, bám dân hoạt động nhằm bảo đảm việc thi hành hiệp định, tiến tới thống nhất đất nước. Tuy nhiên, nằm trong ý đồ ngăn chặn phong trào giải phóng dân tộc trên toàn cầu, Mỹ quyết định hất cẳng Pháp nhảy vào miền Nam Việt Nam. Mỹ dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm, giúp Diệm tiêu diệt các tổ chức vũ trang, chính trị đối lập, đàn áp những người kháng chiến cũ. Bằng Luật 10/59, Mỹ - Diệm đã đặt những người Cộng sản, những người kháng chiến cũ ra ngoài vòng pháp luật, thỏa sức giết chóc, đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng...

Từ năm 1955-1959, với vai trò Bí thư Chi bộ xã Vĩnh Mỹ rồi Bí thư Huyện ủy Giá Rai, đồng chí Hai Hồng đã cùng với cấp ủy ngày đêm suy nghĩ, tìm biện pháp bảo vệ phong trào cách mạng, sắp xếp và bố trí lại lực lượng vũ trang địa phương giữa lúc tình hình cách mạng gặp muôn vàn khó khăn, chưa có chủ trương đấu tranh vũ trang. Với sự nhạy bén, sáng tạo, đồng chí Hai Hồng đã chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng cơ sở ta trong hàng ngũ địch. Trong thời gian ngắn, ta đã cài cắm được 20 cơ sở vào chính quyền cấp xã, ấp của địch. Riêng đồng chí Hai Hồng xây dựng được 12 cơ sở nội tuyến trong hàng ngũ của Lâm Quang Phòng, một tên ác ôn khét tiếng có nhiều nợ máu với nhân dân. Sau một thời gian hoạt động, cơ sở của ta đã vận động, lôi kéo một trung đội địch mang theo nhiều vũ khí ra hàng.

Trong lần đồng chí Hai Hồng trực tiếp lãnh đạo bà con đấu tranh, giành quyền làm chủ 116ha ruộng muối từ tay bọn địa chủ, chủ tịch xã là tên Thiện lập tức đưa lực lượng tới đàn áp. Để bảo vệ nhân dân và gây thanh thế cho cách mạng đang trong thời kì khó khăn nhất, đồng chí Hai Hồng đã chỉ đạo lực lượng vũ trang địa phương bắn bị thương tên Thiện. Sự trừng phạt này đã gây tiếng vang lớn, tạo đà cho phong trào cách mạng địa phương phát triển, đồng thời khiến những tên ác ôn khác hoang mang, không dám hung hăng như trước.

Đồng chí Ngô Quang Hớn cùng đồng đội tại cuộc gặp mặt truyền thống An ninh khu 9, TP Cần Thơ - 17/8/1997.

Trưởng thành từ thực tiễn công tác, chiến đấu ở cơ sở, cuối năm 1959 đến năm 1961, đồng chí Hai Hồng trở thành Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng và được phân công chỉ đạo huyện Long Phú, một địa bàn bị địch chiếm đóng, đàn áp mạnh nên phong trào cách mạng đang lắng xuống, chỉ còn một chi bộ Đảng hoạt động.

Đồng chí Hai Hồng đã cùng một số cán bộ huyện tìm cách xây dựng cơ sở mới, phát triển đảng viên; thực hiện phương châm vừa chiến đấu, vừa xây dựng cơ sở cách mạng. Qua hơn một năm, 18/18 xã đều có cơ sở cách mạng; một đại đội vũ trang hoạt động mạnh khiến kẻ địch ăn không ngon, ngủ không yên. Xác định thời cơ, đồng chí Hai Hồng cùng với Huyện ủy chỉ đạo lực lượng vũ trang mở nhiều đợt tấn công, đồng thời phát động nhân dân nổi dậy giải phóng 17 xã, tiêu diệt 3 tên ác ôn. 

Bóc gỡ những tổ chức gián điệp, cơ sở của địch là một nhiệm vụ rất quan trọng, được các cấp ủy Đảng quan tâm chỉ đạo. Từ năm 1962, đồng chí Hai Hồng được Khu ủy khu 9 điều động làm Phó ban Thường trực Ban An ninh Tây Nam Bộ kiêm Trưởng tiểu ban Bảo vệ chính trị và Trưởng tiểu ban Bảo vệ nội bộ cơ quan. Trên cương vị này, tháng 3/1965, đồng chí Hai Hồng đã chỉ đạo lực lượng trinh sát nắm tình hình, phát hiện xóa một màng lưới tình báo gồm 5 tên do địch hóa trang làm nghề lưới cào; làm trong sạch địa bàn, bảo vệ an toàn các chuyến tàu không số vận chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện chiến trường miền Nam.

Sau một thời gian, địch tăng cường đánh phá, truy tìm các con tàu không số, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn với tiền tuyến lớn. Đồng chí Hai Hồng được Khu ủy giao nhiệm vụ cùng đồng chí Sáu Cự - Trưởng ban giao thông Khu phối hợp củng cố đường giao thông, chở vũ khí từ miền Bắc về căn cứ Khu qua tuyến đường 1C. Đánh hơi được lộ trình này, Phủ Đặc ủy trung ương tình báo ngụy đưa tên Nguyễn Công Thành và tên Huỳnh Hoa về thị xã Rạch Giá tổ chức nhiều mạng lưới nắm tình hình, đánh phá ác liệt, gây cho ta nhiều khó khăn.

Sau khi bàn bạc, nghiên cứu kĩ trong tập thể Ban An ninh, đồng chí Hai Hồng chỉ đạo lực lượng bảo vệ chính trị Khu phối hợp với lực lượng An ninh Rạch Giá xây dựng kế hoạch, tổ chức bắt sống 17 tên địch. Lực lượng An ninh Rạch Giá đột nhập nội ô thị xã, tiêu diệt hai tên Thành và Hoa, thu nhiều tài liệu quan trọng, trong đó có danh sách mật báo viên do chúng xây dựng để theo dõi việc chuyên chở vũ khí của ta.

Được giao nhiệm vụ Phó Tiểu ban Bảo vệ chính trị - Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, phụ trách phòng trinh sát bảo vệ chính trị, 3 đại đội trinh sát vũ trang và Công an xã vùng căn cứ Trung ương Cục; từ năm 1972 cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí Hai Hồng đã cùng tập thể Ban, trong đó có đồng chí Hai Tân chỉ đạo đánh mạnh, đánh trúng và bóc gỡ nhiều màng lưới của địch, góp phần bảo vệ an toàn tuyệt đối căn cứ Trung ương Cục.

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, đồng chí Ngô Quang Hớn tiếp tục được giao nhiều trọng trách, là Trưởng ty Công an Minh Hải (1976), rồi Trưởng ty Công an Kiên Giang từ năm 1977 - 1991. Trên cương vị đứng đầu lực lượng Công an tỉnh, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo khám phá hàng trăm vụ án phản động, hàng nghìn vụ án kinh tế, hình sự, góp phần giữ vững tình hình an ninh, trật tự của mảnh đất cực Tây Nam của Tổ quốc.

Với những thành tích và chiến công xuất sắc đã lập được, Đại tá Ngô Quang Hớn (Hai Hồng) đã được tặng thưởng 1 Huân chương Độc lập, nhiều huân, huy chương cao quý khác. Đặc biệt, ngày 6/10, Đại tá Ngô Quang Hớn đã được Chủ tịch nước kí quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Duy Hiển
.
.