Huyền thoại SBC ở thành phố mang tên Bác

Chủ Nhật, 16/08/2020, 14:28
Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất (30-4-1975) đến nay, Công an TP Hồ Chí Minh đã trưởng thành về mọi mặt; đặc biệt trong lĩnh vực giữ gìn trật tự an toàn xã hội, Công an thành phố đã để lại những dấu ấn đậm nét với việc ra đời lực lượng săn bắt cướp (SBS), tiếp đến là Cảnh sát Hình sự đặc nhiệm và hiện tại có thêm lực lượng 363. Có thể nói, đây là những lực lượng nổi bật, “khắc tinh của tội phạm”, đã góp phần giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ bình yên của thành phố mang tên Bác.


Từ những chiến sĩ SBC huyền thoại…

Bao nhiêu năm qua, dù lực lượng SBC đã hoàn thành nhiệm vụ, nhưng mỗi khi nhắc tới SBC, người dân TP Hồ Chí Minh vẫn mãi ghi nhớ về những chiến công xuất sắc của cán bộ chiến sĩ SBC như đã trở thành huyền thoại.

Sài Gòn -TP Hồ Chí Minh những năm đầu sau giải phóng tình hình an ninh trật tự vô cùng rối ren và phức tạp, với những băng trộm cướp hung hãn, nhóm “xã hội đen” có vũ trang khét tiếng hoạt động rất liều lĩnh, giết người không ghê tay…

Các chiến sĩ Cảnh sát hình sự đặc nhiệm luyện tập sẵn sàng tấn công tội phạm.

Trước tình hình ấy, tháng 3-1978, 6 đội SBC thuộc Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh và Công an quận 1, quận 5 chính thức được lãnh đạo Công an thành phố quyết định thành lập. Đây là nơi tập hợp những trinh sát trẻ, tuổi đời không quá 30, gan dạ, dũng cảm, giỏi võ thuật, bắn súng và lái xe.

Người đứng ra tổ chức, tuyển chọn được những trinh sát xuất sắc vào các đội SBC này là Trung tá Trịnh Thanh Thiệp (sau này trở thành Thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng Thường trực Tổng cục Cảnh sát). Trong những trinh sát xuất sắc này có những tên tuổi về sau đã trở thành thần tượng của nhiều người dân thành phố như: Đội trưởng Phan Thanh (tức Ba Tung), Trần Văn Năm (Năm Lửa), Mai Văn Tấn...

Trong quá trình hoạt động của mình, lực lượng SBC với nhiệt huyết cách mạng của tuổi trẻ, tinh thần tận tụy vì nhân dân phục vụ, chuyên môn nghiệp vụ điêu luyện, ngồi trên những chiếc xe Honda 67 truy đuổi tội phạm trên đường phố, đã lập được nhiều chiến công lẫy lừng, bắt giữ hàng trăm tên cướp đặc biệt nguy hiểm, phá thành công nhiều vụ án phức tạp từng gây hoang mang dư luận như: Vụ bắt cóc tống tiền con nghệ sĩ Kim Cương, con bác sĩ Lã Hỷ và vụ bắn chết vợ chồng nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Thanh Nga ngay trước cửa nhà…

Sau 10 năm chiến đấu lập nhiều chiến công, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã cơ bản được lập lại, nên năm 1989, các đội SBC đã giải thể để thành lập các đội nghiệp vụ phòng, chống tội phạm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Đến các trinh sát hình sự đặc nhiệm

Vào các năm 2006, 2007, tình hình tội phạm cướp giật trên đường phố TP Hồ Chí Minh có dấu hiệu hoạt động phức tạp trở lại. Ban Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm (CSHSĐN, ra đời vào ngày 2-4-2008), với thành phần nòng cốt là các cán bộ, chiến sĩ của Đội Phòng chống cướp giật với mục đích đẩy lùi tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Đội CSHSĐN hội tụ hơn 50 cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, được tuyển lựa, đào tạo nâng cao về võ thuật, bắn súng và lái xe. Họ được xem như những chiến sĩ tiếp nối lực lượng SBC lừng danh một thời.

Thiếu tá Nguyễn Xuân Lành, Đội trưởng Đội CSHSĐN, là một trong những trinh sát đầu tiên của CSHSĐN những ngày đầu thành lập cho biết, ngay khi ra mắt, tối 2-4-2008, dư luận TP Hồ Chí Minh xôn xao bởi một vụ cướp giật điện thoại tại quận Tân Bình. Sau đó, nhóm đối tượng hung hãn này còn quay lại hẻm 663 Cộng Hòa (phường 13, quận Tân Bình) chém hai người dân truy đuổi chúng trước đó là anh Trịnh Xuân Tâm và Trần Xuân Thanh bị thương nặng, phải nhập viện. Ban Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh yêu cầu Đội CSHSĐN phải nhanh chóng tìm ra thủ phạm.

Hình ảnh như... trong phim của lực lượng SBC một thời.

Sau thời gian ngắn điều tra, thu thập chứng cứ, đối tượng cầm đầu được xác định là Đạt “trắng” (SN 1983, ngụ Kon Tum) - một đối tượng có dáng dấp thư sinh ít ai ngờ tới. Trưa 11-4-2008, Đạt “trắng” bị bắt ngay tại hang ổ ở một quán cà phê ở quận Tân Phú. Sau này Đạt bị kết án tử hình.

Những năm sau đó, các trinh sát Đội CSHSĐN đã liên tục lập được nhiều chiến công nổi bật, ghi dấu ấn đậm nét với người dân thành phố như: Các vụ truy bắt gần 50 băng nhóm cướp giật manh động lớn nhỏ; khám phá nhiều chuyên án lớn như triệt phá băng nhóm tổ chức bắt giữ người trái pháp luật, cướp, cưỡng đoạt tài sản người nước ngoài do tên Nguyễn Thành Đô cầm đầu; băng nhóm người Indonesia trộm tài sản bằng thủ đoạn đâm thủng lốp xe ôtô, gây ra 6 vụ trộm với tổng số tiền thiệt hại gần 10 tỷ đồng; triệt phá thành công vụ án sản xuất, chế tạo, mua bán súng quân dụng với quy mô lớn do Nguyễn Hồng Phúc (33 tuổi, quê Vĩnh Long, tạm trú tỉnh Bình Phước) cầm đầu, bắt 9 đối tượng; triệt phá và thu giữ gần 3 xe tải vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ của cặp vợ chồng Phạm Thành Long (34 tuổi) và vợ là Vũ Thị Diệp (28 tuổi), cùng ngụ huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh cầm đầu; phối hợp với các đội nghiệp vụ truy xét và truy bắt các đối tượng tham gia trong vụ ném bom vào trụ sở Công an phường 12 (quận Tân Bình); bắt đối tượng Nguyễn Tấn Tài (Tài “mụn”, 24 tuổi, ngụ quận 12) trong vụ sát hại các hiệp sĩ đường phố; tham gia cùng các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an triệt phá nhiều chuyên án lớn về hình sự, ma túy...

Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, Đội CSHSĐN kế thừa nhưng không phải là “bản sao” của SBC trước đây. Vì tội phạm bây giờ đã khác xưa nhiều, chúng hoạt động có tổ chức với thủ đoạn tinh vi, ma mãnh nên đòi hỏi người trinh sát CSHSĐN phải có quá trình theo dõi, nắm bắt quy luật hoạt động, khoanh vùng đối tượng để khi “cất lưới” mới bắt được trọn ổ…

Khẳng định thế chủ động trong phòng, chống tội phạm

Những năm gần đây, để tăng cường sự hiện diện của lực lượng phòng, chống tội phạm trên đường phố, Công an TP Hồ Chí Minh tiếp tục thành lập Đội CSHSĐN hướng Nam và lực lượng 363 (tổ công tác bảo gồm Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự phối hợp phát hiện, trấn áp tội phạm gần giống như mô hình 141 của Công an TP Hà Nội).

Theo Công an TP Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng trong 10 tháng (tính từ ngày 31-12-2018 đến 30-10-2019) triển khai, hoạt động tuần tra, kiểm soát hỗn hợp, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, các Tổ Công tác 363 đã phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc răn đe, trấn áp các loại tội phạm, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên đường phố, nơi công cộng, phối hợp xử lý các vụ vận chuyển ma túy lớn…

Lực lượng 363 đã phát hiện, xử lý 22.210 vụ vi phạm pháp luật gồm: 21.533 vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông và 677 vụ vi phạm pháp luật về hình sự, ma túy… Trong đó, trực tiếp phát hiện, bắt quả tang 76 vụ, 106 đối tượng xâm phạm sở hữu tài sản; kiểm tra, phát hiện 524 vụ, 822 đối tượng tàng trữ vũ khí, hung khí, ma túy và kịp thời xử lý, giải tán nhiều vụ tụ tập chạy xe thành đoàn, gây rối trật tự công cộng.

Theo Trung tướng Lê Đông Phong, nguyên Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, hiệu quả hoạt động của các tổ công tác 363 tiếp tục khẳng định thế chủ động trong công tác phòng ngừa, đấu tranh các loại tội phạm và vi phạm pháp luật trên đường phố, nơi công cộng; thể hiện quyết tâm của Công an TP Hồ Chí Minh trong đảm bảo ANTT trên địa bàn thành phố. Hiệu quả của các tổ công tác 363 đã tạo được sự đồng tình, ủng hộ, niềm tin trong nhân dân, được lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đánh giá cao.

Phú Lữ
.
.