Công an Bình Dương trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước

Thứ Tư, 30/04/2014, 13:23
Sự hy sinh cao cả và thầm lặng của những lớp lớp chiến sỹ cách mạng đi trước mãi là niềm tự hào của dân tộc và CBCS Công an Bình Dương cùng cả thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay không chỉ biết ơn mà còn phải biết trăn trở, hành động hết sức mình để tưởng nhớ, xứng đáng sự hy sinh của bậc cha anh đi trước

Tháng 4/2014, nước ta kỷ niệm 39 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Gần 4 thập kỷ trôi qua, vết tích chiến tranh đã được xóa dần theo năm tháng, nhưng khí thế hào hùng luôn được khơi dậy  và những đau thương mất mát do chiến tranh vẫn được gợi nhắc vẹn nguyên trong lòng người dân đất Việt mỗi khi tháng tư về.

Một dân tộc vừa dồn sức đánh thắng thực dân Pháp lại phải đối đầu với một đế quốc có tiềm lực quân sự và thủ đoạn thâm độc nhất của thế kỷ XX - một cuộc đối đầu rất không cân sức, nhưng bằng ý chí quật cường, được tôi luyện qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã làm nên đại thắng mùa xuân 1975 đi vào huyền thoại…

Theo Hiệp định Geneva, đất nước ta tạm thời bị chia cắt chờ tổng tuyển cử. Thay chân Pháp chiếm lấy miền Nam, Mỹ và bọn bán nước tráo trở phá vỡ Hiệp định Geneva, dựng lên chính quyền tay sai và liên tục tổ chức đàn áp hết sức dã man phong trào cách mạng.

Giáp ranh với Sài Gòn - Gia Định - thủ phủ của ngụy quyền Sài Gòn trong kháng chiến chống Mỹ, tỉnh Bình Dương có vị thế khác hẳn và đặc biệt quan trọng đối với ta và địch. Ở đây địch sử dụng tối đa các khí tài chiến tranh cùng với những thủ đoạn cực kỳ thâm độc. Cuộc chiến đấu của các lực lượng cách mạng đã diễn ra trong hoàn cảnh cực kỳ ác liệt.

Giữa năm 1961, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương) được thành lập. Thực hiện Chỉ thị của Xứ ủy, Tỉnh ủy quyết định chọn những cán bộ Công an cũ trong Ban địch tình, binh vận thành lập Ban Bảo vệ An ninh tỉnh. Ban đầu chỉ có vài đồng chí, làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động quần chúng đấu tranh chính trị, thực hiện nhiệm vụ diệt ác, phá kiềm, chống địch càn quét, bảo vệ an ninh vùng giải phóng, bảo vệ lãnh đạo, làm công tác vận tải khi cần.

Thiếu tướng Võ Thành Đức cùng các đại biểu thắp hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại bia truyền thống Công an huyện Bến Cát.

Trong điều kiện nhân lực, khí tài, hậu cần gặp nhiều khó khăn do Mỹ, ngụy áp dụng nhiều chính sách thâm độc như dồn dân, lập ấp chiến lược, để chia cắt cách mạng với dân; thực hiện các chiến dịch “tìm và diệt”, “thà giết lầm còn hơn bỏ sót”; lê máy chém đàn áp phong trào cách mạng, dùng chất độc hóa học để khai hoang, mở các trận càn vào vùng căn cứ với các loại vũ khí hạng nặng… Nhưng CBCS an ninh năm xưa vẫn bám trụ, sẵn sàng chịu đựng hy sinh gian khó để góp phần thành công cho cách mạng. Dưới mưa bom bão đạn, đói cơm lạt muối, nhưng lực lượng An ninh từ tỉnh đến cơ sở cùng với lực lượng quân đội diệt ác, trừ gian, chống càn quét, hoạt động do thám, gián điệp của địch, bảo vệ lãnh đạo, các cơ quan và căn cứ kháng chiến, mở rộng vùng giải phóng, tạo thế và lực cho lực lượng vũ trang tiêu diệt địch, giành thắng lợi cuối cùng.

Dầu Tiếng, Bầu Bàng, Bông Trang Nhà Đỏ, Tam giác sắt, Chiến khu D… những địa danh đi vào sử sách cùng với thành tích, chiến công của biết bao chiến sĩ đồng bào thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Trong chiến công giải phóng hoàn toàn tỉnh nhà, niềm vinh dự lớn lao của lực lượng An ninh tỉnh là 3 đơn vị được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đó là: Đội An ninh vũ trang tỉnh Thủ Dầu Một và Tiểu ban Bảo vệ chính trị tỉnh Thủ Dầu Một, Ban an ninh huyện Bến Cát; nhiều đơn vị, cá nhân được thưởng Huân, Huy chương các loại. Nhiều đồng chí đã tô đậm thêm trang sử của ngành và cho các thế hệ noi theo. Đó là các đồng chí đã hy sinh anh dũng vì sự nghiệp cách mạng: Đồng chí Phan Minh Tường, Nguyễn Văn Cống, đồng chí Tư Đồi, Út Trí, Ba Bình, Ba Nhị, Năm Sanh, Tư Phùng… là nữ cơ sở Nguyễn Thị Liên mưu trí dũng cảm diệt tên Nguyễn Sanh, Phó chi khu Phú Giáo; là những chiến sĩ kiên cường diệt Mỹ như đồng chí Đỗ Văn A; nhiều đồng chí xả thân mình vì đồng đội như đồng chí Hai Hùng (Rây)…Và biết bao chiến sĩ An ninh khác đã cống hiến  hết mình và hy sinh thầm lặng cho sự nghiệp chung của cả dân tộc.

Từ khi thành lập đến khi giành thắng lợi hoàn toàn, lực lượng An ninh tỉnh Bình Dương tuy phải trải qua muôn vàn khó khăn nhưng vẫn hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình. Đó là kết quả của lòng quả cảm, ý chí kiên cường của những chiến sỹ an ninh ngày ấy, biết kết hợp chặt chẽ với quân đội, dân quân du kích, binh vận, các đoàn thể, đặc biệt dựa vào quần chúng nhân dân, được nhân dân che chở, bảo vệ, nuôi dưỡng, cung cấp tình hình và giúp đỡ mọi mặt. Đóng góp vào truyền thống vẻ vang của Công an tỉnh nhà còn có biết bao đồng chí cán bộ chiến sĩ an ninh trên khắp mọi miền đất nước được Bộ Công an và Ban An ninh miền điều đến cùng đồng chí, đồng bào địa phương tham gia chiến đấu.

Cuộc chiến đấu diễn ra khốc liệt, lịch sử đã chứng kiến hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường. Cho đến nay còn nhiều đồng chí hy sinh chưa xác định được danh tính, chưa tìm được hài cốt để qui tập, an táng; hiện có những đồng chí là thương bệnh binh, sức khỏe yếu, gặp nhiều khó khăn… Sự hy sinh cao cả và thầm lặng đó mãi là niềm tự hào của dân tộc và CBCS Công an Bình Dương cùng cả thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay không chỉ biết ơn mà còn phải biết trăn trở, hành động hết sức mình để tưởng nhớ, xứng đáng sự hy sinh của bậc cha anh đi trước

V.T.Đ.
.
.