Chuyện nghề của y, bác sĩ trại giam

Thứ Năm, 26/02/2015, 10:19
Mệt mỏi sau một đêm không ngủ vì đưa bệnh nhân đi bệnh viện cấp cứu, vừa về đến đơn vị, lại nhận được tin báo, một phạm nhân khác đang khó thở. Không kịp thay quần áo, Đại úy, bác sĩ Vũ Thế Ngọc, Bệnh xá trưởng Trại giam Hoàng Tiến vội xuống phân trại 1 – nơi đang có bệnh nhân cấp cứu.

Khu điều trị tại phân trại 1 mấy hôm nay thời tiết thay đổi, mưa gió thất thường nên các bệnh nhân bị bệnh mãn tính như lao, viêm phế quản, hen, có HIV thay nhau đổ bệnh. Chính vì vậy, công việc của các bác sĩ, nhân viên y tế bận bịu hơn rất nhiều.

Thượng úy Trần Ngọc Hà - người chịu trách nhiệm chính ở phân trại này cũng hầu như không có thời gian nghỉ ngơi. Vừa khám, cấp thuốc cho bệnh nhân này chưa xong lại lo cấp cứu cho bệnh nhân khác nên công việc quay như chong chóng bởi các bệnh nhân đang điều trị đều bệnh nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được quan tâm chăm sóc kịp thời.

Trại giam Hoàng Tiến có 8 giường điều trị cho phạm nhân và 3 giường điều trị cho CBCS, tuy nhiên, do các bệnh nhân đông nên thường xuyên quá tải, thường xuyên có từ 20 đến 25 phạm nhân nằm điều trị dài ngày. Để đảm bảo chỗ nằm cho các phạm nhân điều trị, Trại đã kê thêm giường nhưng nhiều lúc cũng không đủ nên có lúc bệnh nhân nhẹ phải nằm ghép.

Trong khi đó, điều kiện làm việc ở Trại giam còn nhiều thiếu thốn, bệnh nhân đông, đa phần có HIV nên công việc rất nặng nề. Ngoài việc khám chữa bệnh cho họ, nhiều lúc, các y, bác sĩ còn kiêm thêm nhiệm vụ của người thân, chăm sóc họ, bởi có nhiều bệnh nhân bị gia đình bỏ rơi, họ rất cô đơn, chán nản.

Các y, bác sĩ trại giam Hoàng Tiến khám bệnh cho phạm nhân.

Đại úy Vũ Thế Ngọc cho biết, có thời điểm đến 80% bệnh nhân có HIV nên công tác điều trị gặp rất nhiều khó khăn bởi các bệnh nhân này thường có tâm lí không ổn định, luôn nghĩ rằng đằng nào cũng chết, lại thường bị gia đình bỏ rơi nên không thích điều trị, thậm chí chống đối. Những bệnh nhân như thế, ngoài việc chữa bệnh, chúng tôi còn phải động viên họ”.

Lần giở sổ trực, chúng tôi khá ngạc nhiên với nhật ký làm việc dày đặc, có những đêm, bác sĩ phải cấp cứu tới 4-5 bệnh nhân. Điển hình như ngày 24/1 vừa qua, hôm đó là ngày thứ 7, vừa về đến nhà lúc hơn 11h nhưng đến 0h15, được Thiếu úy Lê Thị Tuyến ở phân trại số 2 báo cáo có bệnh nhân lên cơn tăng huyết áp kịch phát, Đại úy Vũ Thế Ngọc lại ngược vào bệnh xá.

Bệnh nhân là Lê Văn Khải, 45 tuổi, bị tăng huyết áp tới 240, sau khi cho thuốc, anh Ngọc phải gọi ô tô rồi đưa bệnh nhân đến bệnh viện Đa khoa Hải Dương điều trị, sau khi làm các thủ tục nhập viện xong, bàn giao cho cán bộ bảo vệ trông nom, anh Ngọc quay về đến cơ quan đã là 4h sáng. Cùng thời điểm đó, bệnh nhân Bùi Văn Hải lại lên cơn đau tim, cần cấp cứu gấp…

Được biết, với đặc thù công tác, có phân trại ở xa trung tâm cách trụ sở chính tới gần hơn 20km nên toàn bộ 18 CBCS làm công tác y tế của Trại đều phải chia nhỏ để phụ trách các đầu mối y tế. Mỗi cán bộ y tế phải đảm nhiệm mọi công việc của một bệnh viện thu nhỏ từ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe đến phòng dịch, thậm chí cả mổ xẻ đơn giản. Chính vì vậy, "lính" y tế ở đây đều thiện chiến, biết nhiều kĩ năng.

Họ thường nói vui với nhau, phạm nhân còn được ốm nhưng bác sĩ thì không, bởi nếu ốm, công việc sẽ ùn tắc hoàn toàn. Bác sĩ ở bệnh viện còn có ngày nghỉ, còn được nghỉ bù nhưng ở trại, hàng nghìn phạm nhân, trong đó số có HIV lên tới cả trăm người đòi hỏi các cán bộ y tế luôn phải nỗ lực hết mình.

Cũng nhờ sự nhiệt thành, những năm qua, các cán bộ y tế của Trại giam Hoàng Tiến đã cứu được hàng chục bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Điển hình như trường hợp phạm nhân La Thị Hiên, 41 tuổi, trú ở Hiệp Hòa, Bắc Giang, dậy đi tiểu đêm thì bị choáng, ngã dẫn đến chấn thương sọ não, các cán bộ y tế nhanh chóng xử lí vết thương, trợ lực, trợ tim, nâng huyết áp sau đó đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Khi Hiên nằm viện, cứ vài ngày, bác sĩ Ngọc lại lên kiểm tra xem tình trạng sức khỏe tiến triển đến đâu, trao đổi với bác sĩ bệnh viện để có hướng điều trị. Nhờ đó, sau 2 tuần, sức khỏe Hiên đã dần hồi phục, hiện đã được đưa xuống khoa điều trị.

Ngoài việc vất vả trong khám chữa bệnh, điều trị, nhiều khi, các y bác sĩ ở đây còn gặp phải những tình huống rất nguy hiểm, thậm chí phơi nhiễm HIV. Điển hình như có lần, phạm nhân có HIV cứa tay chảy máu lênh láng, bác sĩ Ngọc không kịp đeo găng tay phải cấp tốc khâu vết thương; có lần rạch nhọt tổ ong cho phạm nhân, máu bắn tung tóe, ướt cả áo blue… Bên cạnh đó, các cán bộ y tế còn phải làm công tác phòng bệnh, theo dõi bệnh nhân điều trị thuốc ARV ở bệnh viện bên ngoài.

Đối với họ, dù bệnh nhân là các phạm nhân nhưng tất cả đều là con người, đều cần được đối xử công bằng và thân thiện. Có như vậy, mới có thể giúp các phạm nhân vươn lên làm lại cuộc đời.

Phương Thủy – Thu Hòa
.
.