Chuyện ít biết về một nữ cán bộ giao liên
Công việc vất vả nhưng vinh dự bội phần
Khi chúng tôi đến là thời điểm cận kề Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 nhưng Thượng úy Đoàn Thị Lan Anh cùng đồng đội vẫn đang tất bật với công việc tiếp nhận, phân loại và chuyển công văn, tài liệu cho các đơn vị Công an trên toàn quốc. Gần ngày dành cho phụ nữ, dù không được mặc váy trong giờ làm việc như bạn bè đồng trang lứa làm ở ngành ngoài nhưng trông Lan Anh vẫn đằm thắm trong bộ quân phục An ninh nhân dân. Câu chuyện bình dị của chị cứ cuốn hút chúng tôi…
Sinh năm 1983. Tốt nghiệp khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2005 Lan Anh được phân công công tác ở Đội giao nhận công văn tài liệu, Phòng Bưu chính (trước là Phòng Thông tin bưu chính), Văn phòng Bộ Công an. Tính đến nay đã gần chục năm công tác, nhưng những ký ức ban đầu khi về đơn vị và tiếp xúc với công việc vẫn khiến Lan Anh nhớ mãi: “Ấn tượng đầu tiên khi bước vào phòng là trong phòng có đến 14-15 người mà toàn nam giới, duy nhất mình là nữ, còn rất trẻ...”. Sau màn chào hỏi thì mọi người lại bắt tay vào việc giao, nhận, phân loại và vận chuyển công văn. Những chuyến đi như con thoi trên khắp cả nước với những chuyến hàng là công văn, tài liệu đã cuốn Lan Anh vào guồng quay công việc ngay từ ngày đầu tiên đến nhận nhiệm vụ như thế. Chị vui vẻ tâm sự, ai cũng nghĩ làm công tác giao liên là công việc đơn thuần, tuy nhiên khi vào làm thì mới hiểu hết đặc thù công việc thế nào. Nhiệm vụ của chị hằng ngày là nhận đầy đủ công văn, tài liệu từ TP Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Bắc, các Tổng cục, vụ, cục, cơ quan ngoài lực lượng Công an nhân dân; sau đó phân loại tài liệu, rồi đóng kẹp chì và lại gửi đi theo tỉnh, theo tuyến.
Thượng úy Đoàn Thị Lan Anh với công việc phân loại, sắp xếp công văn, tài liệu thường ngày. |
Đại tá Nguyễn Văn Trọng, Trưởng phòng Bưu chính, Văn phòng Bộ Công an cho biết, mỗi ngày Đội giao nhận công văn tài liệu phải phân loại, vận chuyển hàng ngàn thư, công văn các loại đến 14 tỉnh có sân bay, 11 tuyến giao liên đường bộ đi trực tiếp. Trung bình mỗi ngày Thượng úy Đoàn Thị Lan Anh phải phân loại, chuyển khoảng 500-600 công văn, tài liệu, có ngày cao điểm lên tới 700 công văn, tài liệu… Đối với tài liệu bình thường thì chuyển bình thường; công văn hỏa tốc thì chuyển ngay, còn công văn hỏa tốc hẹn giờ phải chuyển ngay cho kịp trước giờ ghi trên phong bì. Yêu cầu chung đặt ra là đúng quy định của ngành, tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh cấp trên. Quá trình đi giao nhận công văn, tài liệu luôn phải đảm bảo việc giao, nhận công văn đúng giờ và làm tốt công tác bảo mật thông tin. Theo Đại tá Nguyễn Văn Trọng, Phòng Bưu chính đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1996), mỗi cán bộ khi về đơn vị đều được giáo dục chính trị tư tưởng rõ ràng, công việc bình dị thôi nhưng trách nhiệm lớn lao, bởi đây là nơi giao nhận hàng nghìn thư từ, công văn từ thông thường cho tới bí mật, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt giữa các cơ quan, đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an.
Cẩn thận và tập trung cao độ là yếu tố quan trọng nhất
“Sáng đến cơ quan, nhận công văn từ các tỉnh, các đơn vị, sau đó phân loại, kẹp chì gửi đi. Nghe qua thì tưởng là đơn giản, nhưng thực tế mình phải hết sức cẩn thận, chính xác, tỉ mỉ, tập trung cao độ để làm sao không xảy ra sai sót…” – Thượng úy Lan Anh tâm sự. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ giao liên như chị cũng cần tố chất tư duy logic, khoa học để mọi việc trôi chảy, suôn sẻ, tiến độ công việc thực hiện nhanh, đáp ứng yêu cầu về thời gian… Những lúc có lượng công văn lớn, quá tải, chị và đồng đội phải làm thêm ngoài giờ. Hoặc những trường hợp đột xuất như tình hình ANTT ở đâu đó không êm ả, Thượng úy Lan Anh và đồng đội lại phải túc trực thêm ngoài giờ để đảm bảo thông tin liên tục, thông suốt, phục vụ công tác chỉ đạo của lãnh đạo chỉ huy các cấp… Bên cạnh nhiệm vụ giao nhận công văn nội bộ, Đội giao nhận công văn tài liệu còn đảm nhiệm những công văn, tài liệu giao nhận đối với các ngành ngoài khi yêu cầu đặt ra. Đối với công văn nước ngoài gửi đến, Thượng úy Lan Anh thường phải đi ra sân bay Nội Bài nhận và tranh thủ gửi công văn đi. Đối với công việc giao nhận giấy mời họp, đặc biệt có những giấy mời thời gian rất gấp, ngày mai họp thì hôm nay mới nhận nhiệm vụ gửi giấy mời, Đội phải huy động tối đa CBCS phục vụ nhanh, liên tục, đảm bảo tất cả đại biểu đều nhận được giấy mời tham dự họp đúng thời gian.
May mắn có chồng công tác trong lực lượng Công an, hiểu và chia sẻ công việc của vợ nên Thượng úy Đoàn Thị Lan Anh không chỉ là nữ giao liên tháo vát, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ ở cơ quan, mà còn là một người vợ, người mẹ đảm đang nuôi dạy hai con trai khôn lớn. Về kinh nghiệm của bản thân để chia sẻ cho lớp thế hệ cán bộ trẻ, Lan Anh cho biết: “Theo mình, mỗi cán bộ giao liên phải hết sức tận tâm với công việc, quá trình giao nhận và chuyển công văn tài liệu phải tuyệt đối chính xác, nếu không hậu quả xảy ra rất khó lường”. Chỉ vào tủ để công văn, tài liệu, chị giải thích: “Nhà báo xem, bên cạnh ô để tài liệu của một đơn vị thuộc Tổng cục Hậu cần- Kỹ thuật là ô để tài liệu của Công an tỉnh Bạc Liêu. Chỉ nhầm lẫn một chút thôi là công văn vận chuyển sai tới hàng nghìn cây số, nếu có kịp phát hiện ra mang về, có khi là tài liệu, công văn hỏa tốc thì rất ảnh hưởng đến tiến độ công tác của các đơn vị. Bởi vậy, mỗi lần tiếp nhận, phân loại, chuyển tài liệu, anh em trong phòng phải thực hiện cẩn thận, đúng quy trình”.
Sau thời gian ít ỏi bị ngắt quãng bởi cuộc trò chuyện với cánh phóng viên chúng tôi, chị lại hối hả phân loại, sắp xếp công văn, tài liệu vào từng ô, mục đã phân chia từ trước. Khá bận rộn nhưng bàn tay thoăn thoắt và khuôn mặt lúc nào cũng dịu dàng, thư thái. Có lẽ bởi vậy nên người phụ nữ duy nhất của Đội giao nhận công văn tài liệu phía Bắc – “mì chính cánh” giao liên Văn phòng Bộ Công an ở miền Bắc được đồng nghiệp yêu mến, quý trọng. Chúc cho nữ cán bộ giao liên Đoàn Thị Lan Anh luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, đảm bảo thông tin xuyên suốt, góp phần vào sự nghiệp đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội của toàn lực lượng…