Chuyện của nữ cán bộ quản giáo
Công tác trong môi trường đặc biệt, công việc của nữ cán bộ quản giáo trong các trại giam đầy vất vả, lại gánh thêm trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình. Vượt lên khó khăn, những người phụ nữ ấy đang ngày ngày gieo mầm thiện, đưa những mảnh đời tối tới con đường sáng…
Đánh thức giấc mơ phục thiện bằng chuyện kể
26 tuổi, nhưng Trung úy Nguyễn Thị Xuân, cán bộ quản giáo đội may Trại giam Ngọc Lý có nhiều thành tích đáng nể: Giải ba cuộc thi cán bộ quản giáo giỏi của trại, giải khuyến khích cuộc thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, giải nhì điền kinh 2.500m và nhiều giấy khen về thành tích xuất sắc trong phong trào phụ nữ CAND học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Cục Quản lý trại giam, Bộ Công an.
Trung úy Nguyễn Thị Xuân hướng dẫn phạm nhân tại phân xưởng may. |
Quản lý 27 phạm nhân nữ, trong đó có nhiều người thuộc diện "cứng đầu", với một cán bộ trẻ như Xuân không phải là điều dễ dàng. Song, bằng tấm lòng nhân ái, bằng những câu chuyện kể về gương người tốt, việc tốt, Xuân đã dần thu phục họ, đánh thức mầm thiện trong những con người này.
Chững chạc hơn so với tuổi 26, Trung úy Nguyễn Thị Xuân cười bảo, hình như môi trường giáo dục phạm nhân trong trại giam đã rèn cho cô tính điềm đạm, chín chắn trong suy nghĩ. Với những phạm nhân mới, bao giờ Xuân cũng mất công tìm hiểu hồ sơ lý lịch, quá khứ phạm tội cũng như hoàn cảnh gia đình họ để có biện pháp giáo dục phù hợp. Phạm nhân nữ tính chất phức tạp, thiếu thốn tình cảm là điểm yếu nhất của họ. Vậy thì dùng tình cảm để cảm hóa chính là cách tốt nhất để giáo dục họ yên tâm cải tạo.
Trường hợp phạm nhân Nguyễn Thị Thủy ở Bắc Giang phạm tội đánh bạc. Thời gian đầu vào trại, Thủy luôn ủ rũ, không tiếp xúc với mọi người, thường xuyên không đạt định mức lao động. Tìm hiểu, Trung úy Nguyễn Thị Xuân được biết, sau khi Thủy bị bắt, chồng cô đã "bỏ rơi" vợ, đưa con gái mới hơn 1 tuổi vào TP Hồ Chí Minh. 3 năm liền, Thủy không được gặp con, cũng không hề được chồng thăm hỏi.
Tết năm 2008, biết chồng Thủy đưa con gái ra ăn Tết, Trung úy Xuân đã liên hệ, thuyết phục chồng cô đưa con gái vào thăm và đề xuất cho Thủy được gặp thêm giờ. Sau lần đó, Thủy phấn chấn hẳn, yên tâm cải tạo, không những vượt định mức lao động mà còn hăng hái tham gia vào các phong trào khác.
"Mưa dầm thấm lâu" ươm mầm thiện
Là cán bộ giáo dục Phân trại K3 kiêm Chủ tịch Hội Phụ nữ Trại giam Ninh Khánh, lại gánh trách nhiệm dâu trưởng trong gia đình, song Trung úy Hoàng Thị Hiệp luôn làm tròn vai trò người phụ nữ "giỏi việc nước, đảm việc nhà". Chị bảo, đối với công việc giáo dục phạm nhân nữ, mình là phụ nữ thì càng thuận lợi bởi dễ đồng cảm, dễ tâm sự. Nếu tạo thiện cảm cho phạm nhân ngay từ ban đầu thì họ sẽ dễ dàng chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và chấp hành tốt nội quy trong trại. Những phạm nhân nữ có hoàn cảnh đặc biệt được chị quan tâm nhiều hơn.
Phạm nhân Vàng Thị Tông, dân tộc Dao phạm tội vận chuyển trái phép ma túy, gia đình quá khó khăn, khi vào trại không có người thăm nuôi, không có tiền đóng án phí. Theo quy định, không đóng án phí sẽ không được xếp loại thi đua. Biết chuyện, Trung úy Hiệp đã bỏ tiền đóng án phí giúp chị Tông. Hằng tháng, khi thì cân đường, lúc gói mì chính, gói bột canh… cho Tông, Trung úy Hiệp đã khiến phạm nhân này cảm động đến phát khóc. Tiếng Kinh mới bập bẹ nhưng mỗi lần gặp Trung úy Hiệp, Tông cứ nắm chặt tay cán bộ "Cảm ơn cán bộ nhé".
Gần gũi, động viên phạm nhân nữ cải tạo tốt, Trung úy Hoàng Thị Hiệp đã đánh thức nhiều mầm thiện. |
Trung úy Hoàng Thị Hiệp cho biết, hiện Trại giam Ninh Khánh có 29 cán bộ nữ. Công việc vất vả, thời gian eo hẹp, lại gánh vác trách nhiệm của một người phụ nữ trong gia đình khiến cán bộ nữ của trại luôn là những người tất bật nhất. Đối với cán bộ nữ ở nhà tập thể, khi có con đến tuổi đi học đều phải gửi về quê nhờ người nhà chăm sóc. Là Chủ tịch Hội Phụ nữ, chị Hiệp đã đề xuất Ban Giám thị tạo điều kiện, xây một nhà trẻ trong trại, đồng thời thuê xe hằng ngày chở các cháu đến trường, đảm bảo cho cán bộ nữ được gần con, yên tâm công tác.
Trường hợp chị Trịnh Thị Vân, cán bộ cấp dưỡng, sinh đôi, một cháu bị bệnh tim bẩm sinh, bố mẹ lại già yếu, chị Hiệp đã vận động chị em và cán bộ trong trại ủng hộ 20 triệu đồng giúp cháu bé mổ tim và tiếp tục đề xuất trợ cấp khó khăn cho gia đình. Vừa làm nhiệm vụ của một cán bộ quản giáo, vừa thực hiện công việc của một cán bộ Hội Phụ nữ, nhiều hôm về đến nhà đã 10h đêm, 2 con nhỏ đã đi ngủ...
Bận rộn như vậy nhưng năm 2009, Trung úy Hoàng Thị Hiệp đã mang về giải nhất cuộc thi cán bộ hội giỏi và giải nhất cuộc thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Cục Quản lý Trại giam - Bộ Công an.
Chị tâm sự, không ai khác, chính những đứa con ngoan và người chồng, đồng thời là người đồng nghiệp luôn bên cạnh chia sẻ đã giúp chị vượt qua khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ