Chuyện cảm động ghi dưới tán rừng U Minh Hạ

Thứ Bảy, 18/01/2014, 16:19
Cận kề Tết Giáp Ngọ 2014, đứng giữa rừng tràm U Minh Hạ, tôi giật mình khi nghe lời bộc bạch của cùng lúc đến 3 phụ nữ nói họ… chẳng chút nôn nao nhớ nhà. Họ nói rằng dù mang tiếng là “ở tù” nhưng họ được cán bộ cư xử tử tế; con của họ được thương yêu, bảo bọc. Hôm nghe Giám thị Trại quyết định hỗ trợ mỗi tháng mỗi bé được 1.500.000 đồng tiền sữa cho tới khi hơn 3 tuổi, họ đã bật khóc…

Khóc xong họ lại càng hối hận trước những lỗi lầm mà họ đã gây ra; day dứt vì mình mà con thơ phải theo chốn này chờ mẹ đến ngày mãn hạn tù. Trong lúc bên ngoài ai cũng chộn rộn, háo hức đón Tết thì trong trại họ lại ngồi cặm cụi ngồi viết đơn hứa sẽ cố gắng cải tạo thật tốt không phải chỉ để tái hòa nhập cộng đồng mà để không phụ lòng Ban giám thị và những cán bộ quản giáo giàu lòng nhân ái. Câu chuyện được chúng tôi ghi ở Trại giam Cái Tàu – Trại giam xa xôi nhất của Bộ Công an, nằm ở tận xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

Chúng tôi tìm đến nữ phạm nhân Nguyễn Thị Út Nhì, trước khi vào trại còn từng có tên gọi khác là Nguyễn Thị Yến Linh (25 tuổi, HKTT: Khóm 6, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn; tạm trú tại phường 9, TP Cà Mau). Hình ảnh ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là cháu bé gái kháu khỉnh nằm ngủ trên chiếc võng; mẹ của nó mặc áo kẻ sọc của phạm vừa đưa, vừa khe khẽ hát ru… ầu ơi ví dầu. Sợ cháu bé giật mình thức giấc, chúng tôi chỉ xin được mở máy ảnh, nhẹ nhàng ghi lại khoảnh khắc ấy, hỏi khẽ vài câu với Nhì rồi lui gót.

Dọc đường quay trở lại Đội Giáo dục - hồ sơ, tôi được Đại úy Nguyễn Văn Hà – Phó đội trưởng, kể trước khi sinh cháu Nguyễn Ngọc Anh T., Nhì có khá nhiều tiền án, tiền sự, nhiều đến mức “quen mặt với nhiều anh Cảnh sát hình sự”. Nhì không biết chữ, không nghề ngỗng, sống như kẻ lang thang và có lúc xem “ăn trộm” là cái nghề. Ban ngày, Nhì sống như vợ chồng với một người đàn ông chạy xe ôm, đêm về đi “kiếm mồi”.

Tháng 4/2010, Nhì bị TAND TP Cà Mau phạt 6 tháng tù. Vừa ra tù, Nhì “… quen đường cũ”, lại bị bắt, lĩnh án một năm tù giam. Đến giữa năm 2012, Nhì lại bị xử phạt 2 năm tù giam. Trước đó, khi bị bắt vào Trại tạm giam Công an tỉnh Cà Mau, Nhì đã có thai. Đến ngày 17/6/2012, Nhì đau bụng chuyển dạ rồi sinh em bé. Bởi vậy, tuyên án xong mấy ngày, Chánh án TAND tỉnh Cà Mau đã phải có quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù đối với Nhì.

Thế nhưng chẳng bao lâu sau đó, người ta lại thấy Nhì bị dẫn giải vô trụ sở Công an. Nhì liên tiếp “ăn hàng” tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và khu Chợ đêm TP Cà Mau. Nhưng lần đó, Nhì được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Đến tối 26/4/2013, Nhì lại bị “tóm”. Trước đó, Nhì trà trộn vào đám đông Hội chợ thương mại rồi ra tay trộm cái bóp có 7,5 triệu đồng và một ĐTDĐ đắt tiền, mấy nhân viên bảo vệ đứng cạnh đó đã phát hiện, bắt quả tang.

Lần này, Tòa dành cho Nhì tổng mức hình phạt tù là 3 năm 9 tháng 19 ngày. Nhì “nhập trại” Cái Tàu ngày 11/10/2013. Phát hiện bụng Nhì càng ngày càng… to, cán bộ hỏi thì Nhì bất ngờ cho biết đang mang thai đứa thứ ba. Được Giám thị giải quyết nghỉ lao động để dưỡng thai tới 21/11/2013 thì Nhì trở dạ - cháu Anh T ra đời. Tôi hỏi mấy đứa con trước đó, Nhì cúi mặt, giọng lí nhí: “Dạ tụi nó sống với nội và cô. Còn đứa này thì theo em do nó còn quá nhỏ…”. Lặng một chút, Nhì nói thêm: “Nó sống tới ngày hôm nay là nhờ tấm lòng nhân đạo của Ban giám thị, của các cán bộ…”.

Cũng dưới tán rừng U Minh Hạ, chúng tôi còn biết câu chuyện của phạm nhân cũng từng là dân sống lang thang Nguyễn Thị Nhung (32 tuổi). Trước khi vào Trại, Nhung bị phạt 26 tháng tù giam tội trộm cắp tài sản. Nhung không chấp hành mà bỏ trốn nên bị Công an TP Cà Mau truy nã. Đến ngày 17/10/2013 – tức sau gần chục năm nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, Nhung bị bắt. “Lúc đó, Nhung đang mang thai hơn 8 tháng. Bị bắt ngày hôm trước, đến gần nửa đêm ngày hôm sau, Nhung báo là có dấu hiệu sinh nên Nhung được tức tốc chuyển tới Bệnh viện Sản nhi tỉnh Cà Mau. Và Nhung đã sinh bé trai 2,7kg. Không có người thân thuộc nên con của Nhung được bố trí theo mẹ vào Trại Cái Tàu từ ngày 14/11/2013 vừa rồi…” - một cán bộ cho biết.

Phạm nhân Nhì chăm sóc con tại trạm giam Cái Tàu.

Tôi được các cán bộ Đội Giáo dục – Hồ sơ kể thêm trường hợp rất đặc biệt khác. Đó là phạm nhân Lê Thị Thi (38 tuổi, ngụ ấp Trần Độ, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, Cà Mau). Thi bị tuyên phạt đến 20 năm tù vì tội cướp tài sản. Tôi nhìn vào hồ sơ thì nhận ra câu chuyện mình từng thông tin trên Báo CAND - thời điểm Thi dùng thuốc gây mê cướp tài sản rồi bị Công an Cà Mau bắt giữ...  Không có ai thân thuộc bên ngoài, nên sau khi cháu Lê Phương Ch. chào đời (ngày 9/4/2013), Thi ẵm con vào trại…

“May mà Ban giám thị trại tốt bụng, tiếp dưỡng cho con của tôi chứ nếu không, không biết nó sẽ sống chết ra sao nữa”. Thi kể chuyện với chúng tôi mà rơm rớm nước mắt: “Mỗi lần nhìn nó vô tư đùa giỡn, tôi càng thấm thía tội lỗi của mình. Tôi cam kết với cán bộ sẽ cố gắng cải tạo thật tốt”.

Điểm chung ở 3 phạm nhân mà chúng tôi vừa kể trên tuy nói không nôn nao nhớ nhà dù cận kề ngày Tết nhưng họ không giấu được khát vọng và sự quý trọng bầu trời tự do. Như Thi mỗi lần nhìn vào giấy khai sinh của Ch, con mình đều khóc khi thấy có dòng chữ “con ngoài giá thú”. Còn Nguyễn Thị Nhung giải thích: “Em đặt tên con là Ngoan để sau này nó không đi lạc đường như con đường của mẹ nó…”.

Đại tá Lê Quốc Phấn – Giám thị Trại giam Cái Tàu cho biết, với số phạm nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhưng có ý thức học tập, cải tạo tốt luôn được Trại trích quỹ tái hòa nhập cộng đồng hỗ trợ; có nhiều trường hợp, khi được đặc xá, được hỗ trợ hàng chục triệu đồng làm vốn. Phạm nhân cải tạo tốt, không phải chỉ để làm căn cứ xem xét đề nghị đặc xá, giảm án trước thời hạn mà còn được… khen thưởng. Năm 2013 vừa qua, Trại đã xét, tặng quà (mỗi phần trị giá 50.000 đồng) cho 274 phạm nhân cải tạo tốt và 25 tập thể. Những phạm nhân này, nếu có nhu cầu gặp vợ, chồng trong Nhà hạnh phúc, thời gian cũng được kéo dài hơn. Những ngày Tết, chế độ ăn của phạm nhân tại Trại Cái Tàu được tăng cường thịt cá, bánh kẹo…Phạm nhân Nhì chăm sóc con tại Trại giam Cái Tàu.

Thái Bình
.
.