Nhân Ngày Truyền thống lực lượng Cảnh sát bảo vệ (15/4):

Cảnh sát bảo vệ - mô hình vũ trang có tính cơ động cao

Thứ Hai, 15/04/2013, 13:23
“Cầm trịch” một lực lượng có quân số khá lớn, lại phân bổ tại nhiều địa điểm trong cả nước, đa phần ở vùng địa hình núi đồi hiểm trở, Đại tá Nguyễn Văn Uy, Cục trưởng Cục Cảnh sát bảo vệ lý giải: Lực lượng Cảnh sát bảo vệ được tổ chức theo mô hình vũ trang tập trung, có tính cơ động chiến đấu cao...

- Thưa Cục trưởng, so nhiều lực lượng trong CAND, nên đánh giá thế nào về Cảnh sát bảo vệ (CSBV)?

CSBV ra đời trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn quyết liệt, cùng với quân dân cả nước, lực lượng CSBV ngay từ những ngày đầu đã phối hợp cùng các lực lượng, truy lùng, truy quét bắt hàng trăm tên biệt kích, thổ phỉ và bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, các tuyến đường huyết mạch phục vụ chuyển quân, vũ khí, hàng hoá chi viện cho chiến trường miền Nam.

Trong cuộc chiến đấu đầy cam go, quyết liệt, CBCS đã không ngại hiểm nguy, kịp thời có mặt ở những khu vực có bom, đạn, cháy nổ để cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Ở miền Nam, lực lượng An ninh vũ trang tiền thân của CSBV đã cùng các lực lượng Quân đội, Công an chiến đấu rất dũng cảm, kiên cường, tiêu diệt địch, đập tan nhiều cuộc vây bắt của quân thù...

- Sau giải phóng miền Nam, tại nhiều địa bàn chiến lược, sự có mặt của CSBV không những đóng vai trò giữ gìn trị an mà còn là lực lượng nổi bật trong “ba cùng” với dân bản. Cục trưởng chia sẻ gì về “hai vai” này? 

Đúng như vậy, sau ngày đất nước thống nhất, lực lượng CSBV đã bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật, ngoại giao quan trọng của Đảng, Nhà nước, phối hợp cùng với các lực lượng An ninh tham gia nhiều chuyên án bắt sống, tiêu diệt hàng trăm tên thuộc các tổ chức phản động, âm mưu chống phá chính quyền cách mạng.

Trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, cán bộ, chiến sỹ đã kiên trì bám trụ, mưu trí, dũng cảm, chiến đấu ngoan cường truy quét bọn phản động FULRO, góp phần giải quyết cơ bản các tổ chức vũ trang FULRO vào những năm 90.

Trong quá trình chiến đấu vì sự bình yên của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, Cục CSBV có 17 đồng chí đã anh dũng hy sinh, trong đó liệt sỹ Lưu Thế Hà được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND; Tiểu đoàn 1 – Trung đoàn Cảnh sát cơ động miền Trung – Tây Nguyên 2 lần được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND. Cán bộ, chiến sĩ CSBV cũng luôn thể hiện vai trò “ba cùng” rất sâu đậm, họ để lại hình ảnh, tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân...

Đại tá Nguyễn Văn Uy.

- Còn trong nhiệm vụ canh gác mục tiêu, áp tải hàng hóa đặc biệt?

Ngày nay, lực lượng CSBV chỉ huy, chỉ đạo, tổ chức vũ trang canh gác bảo vệ an toàn các mục tiêu quan trọng, tập trung chấn chỉnh tư thế, lễ tiết tác phong, văn hoá giao tiếp ứng xử của cán bộ, chiến sỹ; chủ động phối hợp chặt chẽ cùng các lực lượng xây dựng, thực tập, diễn tập các phương án phòng chống khủng bố, chống cháy nổ, gây rối tại các mục tiêu, đảm bảo tuyệt đối an toàn các mục tiêu trong mọi tình huống.

Huy động hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sỹ áp tải, bảo vệ hàng vạn chuyến hàng đặc biệt của Chính phủ đến các tỉnh, thành phố trong cả nước và ngược lại. Phối hợp với các lực lượng tham gia bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị quan trọng được tổ chức tại Việt Nam…

- Được đánh giá là lực lượng vũ trang có tính cơ động cao, Đại tá có thể giải thích rõ hơn đặc điểm này của CSBV?

Lực lượng CSBV được tổ chức theo mô hình vũ trang chiến đấu tập trung, có tính cơ động chiến đấu cao. Ở nơi nào phức tạp về an ninh trật tự, những “điểm nóng” về an ninh nông thôn, các tụ điểm phức tạp về tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội thì ở đó đều có mặt của lực lượng CSBV phối hợp cùng các lực lượng nghiệp vụ đấu tranh, giải quyết nhanh chóng có hiệu quả.

Chẳng hạn như tham gia giữ gìn trị an trong vụ gây rối ở Thái Bình (1997), Nam Định (2002), các vụ khiếu kiện đông người có những hành vi manh động ở Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, vụ lợi dụng tôn giáo gây rối an ninh, trật tự tại 178 Nguyễn Lương Bằng và 42 Nhà Chung – Hà Nội.

Các đợt ra quân tăng cường hỗ trợ các cơ quan điều tra khám phá các chuyên án lớn, các tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự như: chuyên án Năm Cam tại TP Hồ Chí Minh, vũ trường New Century tại Hà Nội và các vụ đánh bạc với quy mô lớn và nhiều vụ phức tạp khác, đều thể hiện dấu ấn CSBV.

- Được biết, CSBV đã qua nhiều lần “thay tên”, kéo theo những thay đổi về mô hình tổ chức. Mô hình CSBV hiện hành có điểm gì mới, thưa Cục trưởng?

Ngày 23/2/2010, Bộ trưởng Bộ Công an có Quyết định số 585/QĐ-BCA quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục CSBV trực thuộc Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH. Từ đây lịch sử, truyền thống của lực lượng CSBV bước sang trang mới, vừa mang tính kế thừa, vừa mang tính xây dựng và phát triển.

Về tổ chức, so với những năm trước đây đã có sự lớn mạnh không ngừng; tổ chức Đảng được giao quyền cấp trên cơ sở; Đại đội 9-C65B đã được nâng cấp thành Tiểu đoàn... Đội ngũ cán bộ, chiến sỹ của Cục đã trải qua rèn luyện thử thách trong học tập, công tác, được đào tạo cơ bản có đủ khả năng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Chiến sỹ Cảnh sát bảo vệ luyện tập, sẵn sàng chiến đấu.

Cùng với thành tích đã đạt được trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, Cục CSBV còn là một trong những đơn vị, phối hợp chặt chẽ cùng các đơn vị trong Tổng cục VII thực hiện tốt công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, các hoạt động về nguồn, thăm, tặng quà cho trẻ em khuyết tật...

- Cục trưởng cho rằng năm tháng đã qua đi, nhưng chúng ta không nguôi thổn thức về một thời oanh liệt, gắn với thời trai trẻ và các cuộc chiến đấu... Xin Cục trưởng nói thêm về tâm nguyện ấy?

Dòng chảy truyền thống mãi mãi còn ghi, sự hy sinh đóng góp của các đồng chí luôn là nguồn động viên, niềm tự hào để các thế hệ CBCS hôm nay và mai sau noi gương và kế tục. Quả thực, năm tháng đã qua đi, nhưng chúng ta không nguôi thổn thức về một thời oanh liệt, gắn với thời trai trẻ và các cuộc chiến đấu sẽ mãi mãi là những kỷ niệm đẹp đẽ trong ký ức của mỗi người lính CSBV. 

Đó là cuộc chiến đấu bảo vệ tuyệt đối an toàn khu căn cứ, khu uỷ, Trung ương Cục miền Nam và tham gia tiếp quản vùng mới giải phóng, là cuộc chiến đấu tiêu diệt hàng trăm tên thuộc các tổ chức phản động, âm mưu chống phá chính quyền Cách mạng, cuộc chiến đấu mưu trí, dũng cảm, ngoan cường truy quét bọn phản động FULRO...

Trong những thời khắc lịch sử ấy, khoảng cách giữa sự sống và cái chết thật mong manh, nhưng ý chí và niềm tin, tình đồng chí, đồng đội đã sáng lên phẩm chất cao quý của người chiến sỹ CSBV Anh hùng “đã ra quân là giành thắng lợi”.

- Có lần đồng chí cũng bày tỏ rằng, phía sau dặm trường chiến đấu là bóng hình người mẹ, người vợ tảo tần. Thấu tỏ sự nhân văn ấy, những người lính tìm thấy động lực để vượt qua, như thời trai trẻ của chính Cục trưởng?

Một trong những hoạt động đầy ý nghĩa vào dịp này của Cục là tổ chức gặp mặt các thế hệ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy đã và đang công tác tại Cục CSBV, vừa là phát huy truyền thống đạo lý và văn hóa dân tộc, vừa để bày tỏ tấm lòng kính trọng, biết ơn đối với các đồng chí, những người đã cống hiến trọn cuộc đời cho cách mạng, dày công xây dựng và dìu dắt các thế hệ cán bộ, chiến sỹ CSBV trưởng thành như ngày nay.

Chúng tôi tri ân, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các thân nhân liệt sỹ, các đồng chí thương binh, bệnh binh trong toàn lực lượng đã có những cống hiến vì sự nghiệp giữ gìn an ninh trật tự.

Tôi trưởng thành từ người lính CSBV, tôi thấu hiểu và tỏ lòng biết ơn những người mẹ, người vợ đã ngày đêm đảm đang, tần tảo sớm khuya âm thầm chịu đựng, hy sinh, là hậu phương vững chắc để động viên cán bộ, chiến sỹ về ý chí và nghị lực, yên tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao…

Với những thành tích đã đạt được, lực lượng CSBV đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: 8 đơn vị, 13 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND; Cục CSBV được tặng thưởng 2 Huân chương Hồ Chí Minh... Năm 2008, Cục CSBV vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới.

Đăng Trường (thực hiện)
.
.