Vinh quang của cuộc đời tôi

Thứ Năm, 15/03/2018, 13:36
Hằng ngày, anh em công tác trong Khu Phủ Chủ tịch vẫn thường đi lại bằng xe đạp, thỉnh thoảng có gặp Bác đi bộ. Nhìn thấy Bác, mọi người đều xuống xe, chờ Bác đi qua rồi mới lên xe đi tiếp. Thấy vậy, Bác thường khoát tay ra hiệu bảo anh em cứ đi tiếp, không cần xuống xe.


Là người Việt Nam, chúng ta thật vinh hạnh là một dân tộc bất khuất, kiên trung, nhân dân cần cù, dũng cảm, có một vị lãnh tụ vĩ đại không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà đối với cả thế giới - Bác Hồ kính yêu. Người là nhà lãnh đạo kiệt xuất, nhưng lại sống vô cùng giản dị và nhân ái. Ở bên Người, ta như thấy mình được lớn thêm lên, được chở che, nâng đỡ, giáo dục bằng tấm lòng của một người Ông, người Bác, người Cha. Người đã mang lại cho chúng ta độc lập, tự do, cơm ăn, áo mặc, học hành, tiến bộ.

Bởi vậy, khi Bác Hồ còn sống, người Việt Nam cũng như người nước ngoài đều mơ ước được gặp Người dù chỉ một lần trong chốc lát. Từ ngày Người về cõi trường sinh đến nay, hằng ngày, dòng người vô tận ở khắp các vùng miền của đất nước, từ hàng trăm nước trên trái đất này vẫn hội tụ bên ngôi nhà sàn, nơi Người ở và làm việc 15 năm cuối cùng của cuộc đời; bên Lăng, nơi Người an nghỉ ngàn thu, để như có cái may trong cuộc đời mình được một lần gặp Bác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chơi bóng chuyền với cán bộ, chiến sĩ Công an tại Chiến khu Việt Bắc.

Còn đối với tôi, năm 1964, tôi được tuyển chọn vào lớp C221 Trường C500 - Trường Công an nhân dân Trung ương, lớp đào tạo đầu tiên những người làm cảnh vệ để bảo vệ Đảng, bảo vệ Bác Hồ. Và khi ra trường, tôi được Bộ Công an phân công về Đội Một, Cục Cảnh vệ - là đội trực tiếp bảo vệ Bác tại nơi ở và làm việc của Bác ở Khu Phủ Chủ tịch. Đó là niềm vinh hạnh lớn đến với tôi. Và từ đây, tôi và một số chiến sĩ Công an ở Đội Một được hưởng niềm vinh quang ân ái Bác Hồ dành cho:

“Là được sống bên Bác hằng ngày/ Được Bác yêu, Bác gọi “cúc cu”/ Được Bác hỏi han đủ mọi điều/ Từ việc ăn uống đến tập tành....”.

Với riêng tôi, còn được nhận trực tiếp từ Bác điều dạy bảo ân tình: Một lần, tôi gánh nước tưới rau, đến đoạn đường bờ cây duối cạnh ngôi nhà vốn là ngôi nhà ở của người công nhân thợ điện phục vụ thời Toàn quyền Pháp, tháng 12-1954, Bác Hồ về ở và làm việc tại ngôi nhà này, thì gặp Bác đi bách bộ, tôi vội lùi lại, tránh vào lề đường, đặt gánh nước xuống để chào Bác và để cho Bác đi. Bác thấy vậy bảo: “Việc chú làm, chú cứ làm, việc Bác đi có ảnh hưởng gì đâu.

Chú không phải dừng lại”. Lần khác cũng vậy, nhưng lần này là gặp Bác trước nhà sàn, khi thấy tôi đặt gánh nước xuống, Bác gọi tôi lại gần Bác và bảo: “Lần trước Bác đã nói với chú rồi, từ nay chú nhớ việc làm bình đẳng, chú chớ có câu nệ”. Rồi Bác hỏi thăm gia đình, quê quán tôi.

Hằng ngày, anh em công tác trong Khu Phủ Chủ tịch vẫn thường đi lại bằng xe đạp, thỉnh thoảng có gặp Bác đi bộ. Nhìn thấy Bác, mọi người đều xuống xe, chờ Bác đi qua rồi mới lên xe đi tiếp. Thấy vậy, Bác thường khoát tay ra hiệu bảo anh em cứ đi tiếp, không cần xuống xe. Nhưng ai có thể cho phép mình ngồi trên xe khi Bác đi bộ.

Một lần, Bác gọi đồng chí vừa xuống dắt xe lại gần và bảo: “Các chú có công việc của mình nên cứ tiếp tục đạp xe mà đi. Bác đâu có phải là cái đền có biển “hạ mã” ở trước để ai đi qua cũng phải xuống xe, xuống ngựa?”…

Sau ngày Bác mất, tôi là một trong số ít những chiến sĩ Công an được giữ lại làm nhiệm vụ giữ gìn di sản của Bác. Để thể hiện tấm lòng, tình cảm, trách nhiệm của mình đối với Bác và cũng là thể hiện trách nhiệm của mình đối với Đảng, với đất nước, trong 16 năm trên vị trí Giám đốc Khu di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, tôi đã cố gắng chăm lo giữ gìn và phát huy giá trị di sản của Bác trường tồn cùng dân tộc.

Và, tôi đã được trực tiếp lập Bàn thờ Bác ở Khu di tích nhà 67; lập Phòng thờ Tượng Bác trong Khu Di tích; trực tiếp thực hiện lễ sắp mâm cơm giỗ Bác vào ngày 21 tháng 7 âm lịch hằng năm - Đó là thể hiện “một lòng thờ mẹ, kính cha. -Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con” và làm trọn nhiệm vụ của người lính bảo vệ Bác khi Bác còn sống và cả khi Bác mất.

TS. Trần Viết Hoàn, Nguyên Giám đốc Khu di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch
.
.