Bình yên Sa Pa

Thứ Tư, 11/03/2015, 14:45
Để giữ gìn vẻ đẹp, sự bình yên đã làm đắm lòng biết bao du khách trong nước và quốc tế, không thể không kể đến những cống hiến, đóng góp thầm lặng của những chiến sĩ Công an huyện Sa Pa.

Đại tá Trần Văn Trường, Trưởng Công an huyện Sa Pa cùng những cán bộ, chiến sĩ của Công an huyện Sa Pa luôn nhận được những tình cảm nồng ấm, chân tình của bà con các đồng bào dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện. Đã từ lâu, bà con các dân tộc người H’Mông, Dao Đỏ, Tày, Giáy, Xã Phó, Kinh và Hoa ở huyện Sa Pa coi các anh như người thân trong chính gia đình.

Công an huyện Sa Pa triển khai phương án đảm bảo an ninh trật tự. Ảnh Việt Hưng.

Hẳn cho đến bây giờ, người dân cả nước chưa quên những hình ảnh kinh hoàng, tang thương mà trận lũ lịch sử đã quét tại Can Hồ A, xã Bản Khoang (Sa Pa, Lào Cai) vào tháng 9/2013. Ở nơi lũ dữ đi qua đó, hình ảnh Đại tá Trần Văn Trường cùng những người lính của Công an huyện quần áo ướt sũng, bùn đất ngập đầu gối, mặc cho tiết trời vẫn đổ cơn mưa rừng, các anh vẫn kiên cường, dũng cảm căng mình cùng lực lượng Quân đội, chính quyền địa phương giúp bà con thôn Can Hồ A gượng dậy sau cơn lũ dữ.

Đại tá Trần Văn Trường nhớ như in khoảnh khắc đêm hôm ấy: Khoảng 21h ngày 4/9/2013, khi đang trực chỉ huy tại phòng làm việc. Tiếng chuông điện thoại bàn bỗng thúc vội nhiều tiếng. Từ đầu dây bên kia, tiếng đồng chí Công an huyện phụ trách xã báo về: “Trên địa bàn thôn Can Hồ A xuất hiện lũ quét, gây sạt lở đất nghiêm trọng, xin ý kiến thủ trưởng”. Ngay lập tức, vừa báo cáo tình hình lên Công an tỉnh, UBND huyện, Đại tá Trần Văn Trường đã huy động 60 cán bộ, chiến sĩ cùng các lực lượng chức năng của huyện Sa Pa lập tức xuống hiện trường vào nơi xảy ra lũ quét.

Công an Sa Pa tuần tra đảm bảo an ninh trật tự.

Cùng với lực lượng Quân đội, các chiến sĩ Công an huyện đã không quản vất vả, trời mưa tầm tã, nhanh chóng tiếp cận hiện trường, tìm kiếm thi thể người chết và mất tích, đồng thời đưa số người bị thương đi cấp cứu. Tính đến 15h ngày 6/9/2013 khi đó, lực lượng chức năng đã tìm thấy 9 thi thể người chết (trong tổng số 11 người chết và mất tích) và đưa 13 người bị thương đi cấp cứu. Sơ tán hàng chục hộ dân người Dao đến nơi an toàn, công tác khắc phục hậu quả lũ lụt tiếp tục được triển khai…

2. Là khu du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế, Sa Pa được coi địa bàn “nóng” về an ninh, trật tự. Đại úy Phòng Quý Chiến, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện chia sẻ, nhiều lần truy tìm tội phạm và cứu người lạc, các cán bộ Công an huyện phải đi bộ cả ngày đường vượt qua suối Mường Hoa và khe núi Fansipan.

Giữa năm Giáp Ngọ, gia đình ông Hạng A Chúng (65 tuổi), người dân tộc Mông ở thôn Sín Chải, xã San Sả Hồ (Sa Pa), không hiểu vì lý do gì mà cứ đòi gặp đồng chí Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện. Khi gặp được lãnh đạo huyện, ông đòi giải quyết việc Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch cáp treo Fansipan - Sa Pa khi thi công cáp treo làm gẫy nát một số cây thảo quả của gia đình. Chuyện này không chỉ diễn ra ở hộ ông Chúng mà còn lan sang một số hộ khác.

Biết tin, Chỉ huy Công an huyện cử Thượng úy Sùng A Phừ và Trung úy Giàng A Lù (Đội An ninh) xuống các hộ có nương thảo quả bị thiệt hại để giải quyết vụ việc. Hai đồng chí  đến nhà ông Chúng trò chuyện. Biết hai đồng chí Công an là người địa phương và làm đúng “lý” người Mông, nên ông Chúng vui vẻ nhận số tiền đền bù, đồng thời vận động các hộ khác cũng nhận tiền theo đúng quy định mà không đòi hỏi số tiền đền bù cao hơn.

Công an Sa Pa tuần tra đảm bảo an ninh trật tự.

Sa Pa là điểm đến vô cùng hấp dẫn của du khách quốc tế. Ngày 15/12/2014, Công an huyện Sa Pa đã nhận được lá thư thư cảm ơn của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Công hòa Ixraen tại Việt Nam sau vụ giải cứu thành công anh Noam Burshtein, công dân Ixraen, người bị lạc khi leo đỉnh Fansipan. Trong thư có đoạn: “Ngay sau khi nhận được yêu cầu của chúng tôi, nhóm cứu hộ đã rất khẩn trương thực hiện nhiệm vụ của mình một cách chuyên nghiệp để cứu được anh Noam Burshtein. Việc này không chỉ là kinh nghiệm tài tình mà còn là trái tim, sự quan tâm lo lắng cho người gặp nạn, đặc biệt trong thời tiết khắc nghiệt…”.

Không chỉ “gác cho dân bình yên”, Công an huyện Sa Pa còn nuôi dưỡng và hỗ trợ hai trẻ mồ côi, là cháu Giàng A Cáng (9 tuổi), người dân tộc Mông ở thôn Lếc Mông và cháu Chảo Mùi Pham (9 tuổi), người dân tộc Dao, ở thôn Bản Kim (xã Thanh Kim, huyện Sa Pa). Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2014, Công an huyện huy động 160 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia làm đường giao thông ở 2 xã Thanh Kim và Bản Phùng; trao tặng 320 bộ thiết bị vệ sinh và 900 tấm lợp Fibrô xi-măng giúp các hộ nghèo, thể hiện rõ sự quan tâm và làm theo lời Bác dạy: “Vì nhân dân phục vụ”.

3. Khi kim đồng hồ chỉ hơn 23h đêm. Thị trấn nhỏ chìm trong làn sương dày đặc, ánh điện sáng chói cũng không thể nhìn thấy mặt người cũng là lúc các chiến sĩ Công an huyện Sa Pa lại bắt đầu công việc tuần tra thầm lặng bảo vệ sự bình yên cho mỗi địa bàn.

Từ trước trong và sau Tết Nguyên đán đến nay vào các ngày thứ 7, chủ nhật cuối tuần, Sa Pa rơi vào tình trạng bị "cháy phòng" khách sạn và nhà nghỉ, lượng khách du lịch tới Sa Pa tăng "đột biến". Thị trấn Sa Pa đã đón khoảng hơn 50 nghìn lượt du khách đến đây nghỉ dưỡng, tham quan thắng cảnh. Công an huyện Sa Pa đã huy động toàn bộ lực lượng, tổ chức thành các tổ, chốt tại các đầu nút giao thông và các khu vực trọng điểm đông dân cư để phân làn, hướng dẫn giao thông, tránh ùn tắc và bảo đảm giao thông an toàn thông suốt.

Dân "phượt" kháo nhau rằng, Sa Pa là một trong những địa điểm du lịch an toàn nhất. Trong cái không khí thoáng đãng của phố núi, sự quyến rũ của mỗi phiên chợ tình người tứ xứ đến chơi đông như kiến, không phải ngẫu nhiên SaPa tạo được cảm giác yên tâm cho du khách khi chẳng cần phải lo lắng với nạn trộm cắp, móc túi hay bất kì tệ nạn xã hội vẫn thường trông thấy ở các điểm du lịch khác.

Việt Hưng
.
.