Những chặng đường vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân

Góp phần giữ vững an ninh, trật tự, đưa đất nước bước vào thời kỳ đổi mới (bài 8)

Thứ Năm, 30/07/2020, 08:33
Bị thất bại trong kế hoạch hậu chiến và âm mưu “ngoài đánh vào, trong nổi dậy”, đế quốc Mỹ và các thế lực thù địch câu kết chặt chẽ với nhau tiến hành kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt đối với nước ta.


Chúng phá hoại ta về chính trị, kinh tế, văn hóa tư tưởng, quốc phòng, an ninh, ngoại giao. Chúng đưa gián điệp biệt kích, đưa vũ khí và phương tiện hoạt động từ nước ngoài vào, móc nối và kích động các tổ chức phản động ở trong nước âm mưu gây bạo loạn cướp chính quyền ở một số nơi. 

Trong lúc đó, tình hình kinh tế, xã hội nước ta đang gặp nhiều khó khăn. Bọn phản động lưu vong cho là thời cơ đã đến nên ra sức tập hợp lực lượng, nhận tài trợ móc nối với bọn phản động trong nước chống phá cách mạng quyết liệt...

Ngày 2/12/1980, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW "Về nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trong tình hình mới". Nghị quyết xác định nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị và giữ gìn TTATXH là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của toàn Đảng và Nhà nước. 

Ngày 2-6-1981, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 250/CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nội vụ theo hướng “tập trung, thống nhất, chuyên sâu, giảm đầu mối”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (1982) đã vạch rõ 2 nhiệm vụ chiến lược cách mạng là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Nghị quyết chỉ rõ: “Bảo đảm an ninh chính trị và TTATXH là nhiệm vụ quan trọng để đánh thắng chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch. Kiên quyết trấn áp bọn phản cách mạng, kịp thời đập tan âm mưu ngóc đầu dậy của các loại phản động, ngăn ngừa và trừng trị hoạt động phá hoại của địch trên mọi lĩnh vực, tăng cường pháp luật và kỷ luật, bảo vệ trật tự xã hội và sự an toàn của nhân dân”.

(Xem tiếp trang 6) Quán triệt sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng CAND tiếp tục cuộc vận động xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh và đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; tổ chức tập huấn trong toàn lực lượng nhằm quán triệt sâu sắc các quan điểm cơ bản của Đảng về đường lối, nguyên tắc, nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng lực lượng Công an.

Nhờ luôn chủ động tiến hành công tác điều tra cơ bản, được nhân dân hỗ trợ và đặc biệt là có sự phối hợp với các nước trong khu vực, lực lượng Công an đã phát hiện âm mưu của địch ngay từ khi chúng tập hợp lực lượng; tổ chức phối hợp tấn công địch ngay từ địa bàn xuất phát của chúng. 

Từ năm 1980 đến 1985, lực lượng Công an đã kết hợp với các lực lượng khác triển khai thắng lợi nhiều chiến dịch phản gián, bắt và diệt hầu hết số gián điệp, biệt kích xâm nhập, thu toàn bộ vũ khí, phương tiện chúng chuyển vào nội địa. 

Đặc biệt, lực lượng Công an đã thực hiện thắng lợi “Kế hoạch CM12”, đập tan tổ chức phản động “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do Lê Quốc Tuý và Mai Văn Hạnh cầm đầu. Trong 4 năm (1981- 1984) đấu tranh kiên cường và mưu trí, ta đã lần lượt bắt gọn các toán gián điệp xâm nhập, diệt và bắt 148 tên, thu 300 tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh, gần 14 tấn tiền giả...

Ở trong nước, ta đã phá 6 tổ chức phản động, bắt 99 tên và 1070 tên ra đầu hàng, đầu thú, đập tan âm mưu câu kết giữa bọn gián điệp và phản động trong nước âm mưu bạo loạn lật đổ chính quyền cách mạng. Đây là một thắng lợi to lớn, có ý nghĩa chiến lược làm thất bại hướng tiến công chủ yếu của chiến tranh phá hoại nhiều mặt do các thế lực thù địch gây ra. 

Chiến công đập tan "Kế hoạch CM12" của lực lượng Công an đã được Đảng, Nhà nước đánh giá cao. Đã có 2 đơn vị và 3 cá nhân của lực lượng Công an được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều cán bộ, chiến sỹ tham gia phá "Kế hoạch CM12" đã trưởng thành, sau này được giao nhiều trọng trách cao trong lực lượng Công an.

Trong thời kỳ này, Công an các địa phương đấu tranh khám phá hàng chục tổ chức phản động, kịp thời đập tan âm mưu gây bạo loạn của chúng. Tháng 4-1981, Công an Quảng Nam - Đà Nẵng làm thất bại âm mưu gây bạo loạn của số đối tượng đang tập trung cải tạo ở Trại Tiên Lãnh. 

Ngày 22-5-1981, Công an Cao Bằng khám phá tổ chức phản động do tên Lê Quang Thừa cầm đầu. Tháng 9-1981, Công an Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh phá tổ chức phản động “Quân lực Việt Nam tự do”, lần lượt bắt 114 tên, phá vỡ hoàn toàn hệ thống tổ chức của chúng ở các địa phương.

Lực lượng Công an thu giữ vũ khí, tiền giả do tổ chức phản động “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” đưa vào Việt Nam, năm 1981.

Từ đầu năm 1985 đến cuối năm 1986, Công an TP Hồ Chí Minh và Công an tỉnh Đồng Nai triệt phá tổ chức phản động “Lực lượng phục quốc nội biên Việt Nam” do tên Trương Văn Lân cầm đầu. 

Chúng đã phát triển cơ sở ở 79 phường xã, 34 quận, huyện thuộc 12 tỉnh, thành phố phía Nam; xây dựng 35 khung trung đoàn, 23 khung tiểu đoàn, 40 khung đại đội; lập khung dân sự gọi là “Chính phủ lâm thời cộng hoà phục quốc Việt Nam”. Chúng lấy “mật khu M” và “căn cứ Cây Gáo” (Đồng Nai) làm đại bản doanh. 

Trải qua 2 giai đoạn đấu tranh, ta đã bắt 252 tên, phá toàn bộ tổ chức phản động này. Công an Thanh Hoá khám phá tổ chức phản động “Mặt trận cách mạng chân chính Việt Nam tỉnh Thanh Hoá” do Lường Mạnh Hoà cầm đầu; Công an TP Hồ Chí Minh khám phá tổ chức phản động “Mặt trận dân quân cách mạng” do Nguyễn Văn Của cầm đầu.

Ở các tỉnh Tây Nguyên, lực lượng Công an đã phối hợp với các lực lượng khác đẩy mạnh công tác phát động quần chúng kêu gọi những người lầm đường theo FULRO từ trong rừng trở về với gia đình; phá rã các tổ chức của chúng; hạn chế được sự móc nối quan hệ của FULRO với bên ngoài; phát động quần chúng và xây dựng cốt cán, chính quyền cơ sở trong vùng dân tộc đủ sức đối phó tại chỗ với FULRO.

Trước những hoạt động chống phá cách mạng của bọn phản động lợi dụng tôn giáo, ngày 1-10-1981 Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 40/NQ-TW về công tác đối với các tôn giáo trong tình hình mới. 

Lực lượng Công an kết hợp với các ngành tiến hành công tác vận động quần chúng nâng cao cảnh giác trước mọi hoạt động của bọn phản động lợi dụng tôn giáo, đấu tranh với các hoạt động trái phép núp dưới hình thức hoạt động tôn giáo, chủ động đấu tranh ngăn chặn, hạn chế sự liên lạc, câu kết của bọn phản động lợi dụng tôn giáo với nước ngoài; trấn áp kịp thời bọn cực đoan hoạt động chống phá cách mạng.

Các thế lực đế quốc và phản động quốc tế rất chú trọng phá hoại ta về tư tưởng hòng làm suy giảm ý chí chiến đấu, làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng, với chế độ, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, chia rẽ nước ta với các nước. 

Để đấu tranh chống địch phá hoại về tư tưởng, CAND đã tổ chức Hội nghị chuyên đề, phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, vạch trần âm mưu, thủ đoạn hoạt động chiến tranh tâm lý của địch. 

Mặt khác, ta đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát ở các cửa khẩu, sân bay, bến cảng, các tụ điểm, truy quét văn hóa phản động đồi trụy và tích cực đấu tranh phá án. Ngày 5-2-1984, Công an TP Hồ Chí Minh phá vụ án hoạt động phá hoại trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng, bắt các đối tượng Hoàng Hải Thủy, Dương Hùng Cường, Khuất Duy Trác... đưa ra xét xử trước pháp luật.

Để ngăn chặn và hạn chế tình trạng vượt biên trốn ra nước ngoài, lực lượng Công an đã đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, đi đôi với việc tăng cường công tác trinh sát, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, quản lý các phương tiện hoạt động trên biển; phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng lôi kéo vượt biên trái phép. Công an các tỉnh có biên giới và bờ biển tăng cường công tác nắm tình hình, xác định các địa bàn trọng điểm và xây dựng kế hoạch đấu tranh ngăn chặn hàng ngàn vụ tổ chức trốn đi nước ngoài. 

Tháng 7-1984, Công an TP Hồ Chí Minh đã phát hiện, kịp thời ngăn chặn và xử lý 181 đối tượng đang trên đường trốn đi nước ngoài tại khu vực nhà hàng nổi, huyện Nhà Bè. Tháng 6-1986, Công an TP Hồ Chí Minh phá vụ án tổ chức lừa đảo đưa người trốn ra nước ngoài lấy tiền vàng, bắt 30 tên trong tổ chức này.

Trên lĩnh vực kinh tế, các thế lực thù địch lợi dụng những khó khăn sơ hở thiếu sót của ta để phá hoại, bao vây, phong tỏa, làm nghiêm trọng thêm những khó khăn về kinh tế, đời sống của nhân dân ta. 

CAND đã phối hợp với các ngành, các cơ sở kinh tế kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện nội quy bảo vệ, các quy trình, quy phạm kỹ thuật, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị kinh tế xây dựng phương án bảo vệ, nhất là ở những công trình kinh tế trọng điểm; điều chuyển những người không đủ tiêu chuẩn chính trị ra khỏi cơ quan, cơ sở kinh tế thiết yếu quan trọng. 

Ở nhiều nơi, qua công tác kiểm tra, ta đã phát hiện bọn buôn lậu, những tụ điểm tập trung và tiêu thụ tài sản trộm cắp, những phần tử có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Nhờ nâng cao tinh thần cảnh giác, ta đã ngăn chặn được nhiều vụ gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, phát hiện nhiều vụ làm trái nguyên tắc, tham nhũng gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của Nhà nước và tập thể.

Ngày 5-9-1984, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã phá vụ tham ô, trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa trên đường vận chuyển tại cảng Sài Gòn và xí nghiệp liên hiệp vận tải sông Cửu Long. Ở nhiều nơi, Công an phối hợp vối các ngành đấu tranh chống cắt trộm đường dây tải điện, dây điện thoại, trộm cắp xăng dầu, tài sản của hợp tác xã. 

Ở các tỉnh biên giới phía Bắc, Công an các địa phương phối hợp với bộ đội biên phòng tăng cường công tác tuần tra kiểm soát các khu vực giáp ranh, đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, ngăn chặn, hạn chế việc buôn lậu hàng hoá, vận chuyển trái phép vàng bạc, đá quý và tài sản có giá trị khác ra nước ngoài.

Trên mặt trận đấu tranh giữ gìn TTATXH, lực lượng Công an ở nhiều nơi đã mở nhiều đợt tấn công truy quét bọn tội phạm hình sự, bắt hơn 150 ngàn đối tượng trong đó có nhiều tên lưu manh chuyên nghiệp, phạm tội nhiều lần. 

Công an TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi khác lập các đội săn bắt cướp, liên tục tổ chức tấn công truy quét tội phạm, phá 660 băng cướp, trong đó có những băng cướp nguy hiểm, khét tiếng như băng cướp “Đông Dương” do Nguyễn Thành Trung (tức Trung lùn) cầm đầu; băng cướp “Bến rừng” ở địa bàn Hải Phòng, Quảng Ninh...

Những thành tựu của lực lượng CAND đã góp phần giữ vững an ninh, trật tự của đất nước, giữ vững ổn định chính trị, được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986) đánh giá: “Chúng ta đã làm thất bại một bước chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận lớn bọn phản động FULRO ở vùng Tây Nguyên, bắt gọn nhiều nhóm phản động khác và bọn gián điệp, thám báo, đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Những thắng lợi ấy của lực lượng CAND đã góp phần đưa đất nước vững bước vào thời kỳ đổi mới.

(Còn nữa)

Nhóm PVTS
.
.