Nước mắt người vợ trẻ và đứa con thơ
Liêt sĩ Trần Văn Vang bị thương tại km 67 đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên lúc 9h30 ngày 30-11-2017, anh hy sinh 8 tiếng sau đó dù đã được tập thể thầy thuốc của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tận tình cứu chữa.
Hạnh phúc ngắn ngủi
Phải hỏi thăm mãi chúng tôi mới tìm được nhà của Liệt sĩ Trần Văn Vang. Căn nhà cấp 4 nóng hầm hập nằm sâu trong xã Hữu Hòa, nhưng để mua được căn nhà xa tít ngoại thành Hà Nội, theo chị Trần Thị Thúy – vợ Liệt sĩ Trần Văn Vang là sự chắt chiu, gom góp và vay mượn sau gần 10 năm lấy nhau của hai vợ chồng.
Những năm tháng dài lấy nhau họ phải sống trong xa cách khi anh Vang công tác tại Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh Ninh Bình), chị Thúy làm điều dưỡng ở Bệnh viện 09 (bệnh viện chuyên điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS ở Hà Nội).
Nhưng số phận thật trớ trêu, khi anh chị dọn về ngôi nhà mới được đúng 1 tháng 4 ngày thì anh Vang hy sinh, mãi mãi không trở về. Nhắc tới đây, chị Thúy bật khóc. Với chị, ngày anh Vang hy sinh vẫn còn nguyên ký ức. Kể với chúng tôi về hành trình tình yêu và cuộc sống hôn nhân của anh chị, nước mắt xúc động cứ nghẹn ngào mãi trong chúng tôi.
Liệt sĩ Trần Văn Vang (SN 1975) trong một gia đình nhà nông nghèo ở xã Tân Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Gia đình anh có 9 người con, mẹ anh mất sớm, khi yêu chị Thúy anh Vang đang là trinh sát của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Ninh Bình.
Những chuyến công tác dài ngày lên biên giới truy bắt tội phạm, điện thoại không liên lạc được thường xuyên xảy ra. Có lần, tròn 1 tháng chị không gọi điện được cho anh, trong lòng lo lắng không yên. Khi anh trở về, biết mình để lại lo lắng lớn cho chị, thế là mỗi khi có nhiệm vụ, anh sẽ nhắn để chị yên tâm.
Kết hôn năm 2009 nhưng tới năm 2013 anh chị mới có con. Nguyên nhân do xa cách về địa lý, chị Thúy lại phát hiện bị vô sinh không rõ nguyên nhân. Sau 4 năm chạy chữa, niềm vui bất ngờ đến với vợ chồng họ khi chị Thúy phát hiện mang thai đôi, ở tháng thứ tư.
Niềm vui chưa được bao lâu thì chị Thúy phải nhập viện theo dõi do một thai suy yếu. Thời gian này, anh Vang đã chuyển công tác lên Cục CSGT. Cầm cự đến tuần 29, chị Thúy có dấu hiệu sinh non. Một cháu bé được phát hiện là mất trước đó 5 ngày, bé còn lại chào đời được 1,4kg, anh chị đặt tên con là Trần Ngọc Bảo Trâm.
Như bao trẻ sinh thiếu tháng khác, vừa được 1 tuần tuổi, bé Bảo Trâm có dấu hiệu tắc ruột, tiên lượng rất khó khăn. Nhìn con nằm trong lồng kính chiến đấu giành giật sự sống, cả anh chị đều không kìm được nước mắt. “Nhưng ơn trời, phép mầu đã cho con sống” – chị Thúy nhớ lại. Chị kể, chăm bé sinh non vất vả vô cùng. Cứ qua được cửa ải này lại tới cửa ải khác. Hai tháng tuổi, bé lại đối mặt với nguy cơ “giảm thính”.
Vợ chồng chị phải liên tục cho con nghe nhạc, lúc nào cũng có người thức bên con 24/24h. Lúc không mua được sữa cho trẻ sinh non, anh Vang lại đi khắp Hà Nội tìm mua cho con… Con lên cân rất chậm, 5 tháng mới được 2,8kg. Nhưng chỉ vài tháng sau, để đến đáp lại công ơn của cha mẹ, con đã được 9,3kg khi 1 tuổi.
Anh Vang thường tâm sự với vợ “Bảo Trâm là hạnh phúc quý giá nhất mà ông trời ban cho vợ chồng mình”. Những ngày không phải trực, anh về sớm đón con tan trường, cho con đi chơi, kênh kiệu con trên vai... Tình thương của cha thật lớn lao, nhưng điều tiếc nuối nhất mà anh chưa kịp làm trước khi rời xa cuộc sống, đó là không gặp mặt được vợ con lần cuối, dặn dò con thơ…
Chị Trần Thị Thúy và bé Trần Ngọc Bảo Trâm. |
Con thơ là động lực để bước tiếp
Ngồi trò chuyện với chị Thúy tới khuya, tâm sự về ngày anh Vang mất, chị cứ khóc mãi. Những kỷ niệm về anh, những tình cảm mà anh dành cho mẹ con chị, cho đồng đội, cho chòm xóm được chị Thúy nhắc tới với niềm tự hào và nỗi nhớ thương khôn nguôi. Hôm đó là ngày 30-11-2017, anh Vang thức dậy từ 4h sáng để đi làm.
11h trưa cùng ngày, chị nhận được điện thoại từ đơn vị anh Vang nói anh bị thương, đang đưa vào Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên băng bó. Cho rằng anh chỉ bị thương nhẹ, chị bắt xe lên Thái Nguyên. Tới nơi, chị được lãnh đạo Bệnh viện gọi vào nói chuyện, thông báo tình hình nguy kịch của anh Vang, bệnh viện đã hội chẩn trực tuyến với các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức, nhưng không thể chuyển viện cho anh, các bác sĩ sẽ làm hết sức, “còn nước còn tát”…
Tai chị Thúy ù đi, nghe đến đó, chị biết cơ hội sống của anh rất mong manh. Vào phòng cấp cứu, nhìn người nằm trên giường bệnh, chị nghĩ người đó không phải là chồng mình. Tai nạn đã làm anh biến dạng khuôn mặt, đa chấn thương nặng nội tạng, trên người cắm đầy máy móc.
Chị sờ vào tay, vào chân mới nhận ra đó là chồng mình. Đồng đội anh nói, lúc anh Vang bị đối tượng Hoàng Văn Trường đâm xe mô tô thẳng vào người trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, khi ngã xuống anh đã rơi vào hôn mê. Cho nên, khi nắm tay chồng, chị cố gắng tìm hơi ấm, lay thức anh tỉnh dậy, nhưng đều là vô vọng.
Đến 16h30 phút cùng ngày, anh Vang rơi vào suy hô hấp, bác sĩ cấp cứu không thành công. 16h50 phút anh trút hơi thở cuối cùng, ra đi không một lời trăng trối tới vợ con, người thân.
Chị Thúy kể rằng, vợ chồng anh chị dọn về nhà mới được 1 tháng 4 ngày thì anh mất, cả xóm hay tin đều khóc thương anh. Như có sự liên hệ nào đó mà chiều hôm trước, trên đường đi làm về, anh rẽ qua xóm trọ nơi vợ chồng anh ở trong nhiều năm, đến từng gia đình hàng xóm chào tạm biệt.
Bữa cơm tối đó, chị Thúy nấu nồi canh cá mà anh thích ăn nhất. Hai mẹ con cười đùa vui vẻ tới khuya, anh bèn bảo: “Để cho bố ngủ, mai bố còn đi làm sớm, không bố cho 2 mẹ con ngủ một mình đấy”. Rồi những ngày anh rời xa hai mẹ con, bé Bảo Trâm thường mơ thấy bố.
Có đêm từ trong giấc mơ bé choàng tỉnh dậy, mắt nhìn đăm đăm vào màn đêm, chị Thúy hoảng hốt lay mãi con mới trở về với thực tại. Bé nói với mẹ, con hay gặp bố trong mơ, con gọi “bố ơi, bố đừng đi, bố chơi với con”; “Mẹ ơi con mơ thấy bố mặc quần áo Công an. Bố bảo bố phải đi làm rồi, con ở nhà ngoan, nghe lời mẹ”; “Con mơ thấy bố cho con đi sở thú, vui lắm, ước gì con được bố cho đi chơi nhỉ”; “Ứớc gì bố đến đón con nhỉ”…
Những câu nói của con thơ đã nhân lên nỗi đau trong tim người vợ trẻ. Những hôm con khóc đòi bố, chị không biết làm thế nào, vừa dỗ con vừa khóc. Rồi những ngày chị ốm nặng, sốt cao mê man, cha mẹ anh em đều ở quê, con phải chạy sang nhờ hàng xóm mua cháo về cho mẹ, đưa nước cho mẹ uống thuốc…
Gần 2 năm cuộc sống thiếu vắng anh, nỗi đau đã lặn vào trong, bé Bảo Trâm lớn lên khỏe mạnh, thông minh, như một mầm sống kiên cường, là chỗ dựa tinh thần, là niềm vui để chị Thúy bước tiếp.
Ngày 30-11-2017, Tổ công tác của Cục CSGT tiến hành tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm đảm bảo TTATGT trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên do đồng chí Nguyễn Ngọc Châu làm Tổ trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Huy và Trần Văn Vang là tổ viên. Khoảng 9h30 phút, tại km 67 đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, phát hiện xe máy do Hoàng Văn Trường điều khiển chở phía sau là Trương Văn Đạo không đội mũ bảo hiểm, đi vào đường cao tốc. Đồng chí Vang ra hiệu lệnh dừng xe, yêu cầu lái xe vào lề đường, nhưng Trường không chấp hành mà điều khiển xe đâm thẳng vào anh Vang làm anh bị ngã về phía sau, đập đầu xuống đường, bị thương nặng và hy sinh vào 16h50 phút cùng ngày. Ngày 22-7, Liệt sĩ Trần Văn Vang đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Bằng Tổ quốc ghi công. |