Màu sắc phục trên cát trắng Lý Sơn

Chủ Nhật, 01/11/2020, 16:59
Đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân (CAND), hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lập thành tích trong công tác luôn là mục tiêu để hướng tới. Có những thành tích đã trở thành chiến công vang dội. Nhưng cũng có những thành tích nhiều khi đơn giản chỉ là vượt qua hoàn cảnh, vượt qua khó khăn bằng nỗ lực của chính mình để từ đó đứng trong hàng ngũ ưu tú, đóng góp vào chiến công chung của tập thể. Phấn đấu để vượt qua, bản thân nó đã là một thử thách.

Lý Sơn vào một ngày đầy nắng và gió. Thượng tá Mai Thành Tâm, Phó Trưởng Công an Huyện đảo đón tôi với nụ cười niềm nở. Đợt ấy tại đảo đang diễn ra giải chạy Marathon của một tờ báo lớn đứng ra tổ chức.

Tôi đến trước hôm giải diễn ra mấy ngày, đã thấy không khí chuẩn bị khá náo nhiệt, cờ đỏ sao vàng cắm dọc đường quanh đảo. Công an huyện được phân công tham gia với nhiệm vụ chính là đảm bảo an ninh trật tự và an toàn cho các vận động viên, khách tham quan, du lịch. Anh em cán bộ chiến sĩ khi ấy bố trí vào việc hết.

Một góc đảo Lý Sơn

Người thì ở các chốt chặn, người thì trực máy móc ở trung tâm chỉ huy... Thời điểm đó, vừa qua đợt sóng đại dịch đầu tiên, nên khách kéo lên đảo rất đông, kết hợp du lịch với xem thể thao. Qua một đợt cách ly xã hội để phòng, chống đại dịch COVID-19, hoạt động du lịch tại Lý Sơn cũng như nhiều nơi khác trên cả nước đều bị tê liệt. Thế nên giải chạy lần ấy coi như một cú huých kích cầu với huyện đảo, được mọi người hồ hởi đón nhận. Tinh thần của anh em cán bộ chiến sĩ, vì thế cũng được nâng cao hơn.

Thượng tá Mai Thành Tâm tuổi Bính Thìn, là dân gốc ở đảo. Tuổi thơ của anh gắn liền với hành với tỏi, với nắng gió của Lý Sơn. Giờ bắt gặp anh trong bộ quân phục đạo mạo, oai vệ, mấy ai biết được cậu bé Tâm đen nhẻm ấy ngày xưa cũng chẳng thiếu việc gì trên đảo mà chưa trải qua. Ngoài giờ đi học, cậu cũng theo người đi chài lưới, làm đất trồng hành, trồng tỏi đủ cả. Hành, tỏi Lý Sơn thì quá nổi tiếng, nhưng đâu phải cứ giâm xuống là nó lên được đâu?

Thượng tá Mai Thành Tâm và cán bộ chiến sĩ Công an huyện Lý Sơn thăm và tìm hiểu địa điểm đặt móng xây nhà tình nghĩa cho gia đình ông Võ Thành Quang ở thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn thuộc diện hộ nghèo, gia đình khó khăn trên đảo.

Ngồi nghe anh nói chuyện trồng tỏi, cầm chắc dân "cày đường nhựa" sẽ ù cả tai. Làm đất trồng sao cho năng suất, ăn củ cho ngon là cả một chuỗi nhọc nhằn, cơ cực của người nông dân. Tỏi Lý Sơn mỗi năm chỉ trồng một vụ, thời gian trồng từ tháng 9 đến tháng 10. Thu hoạch từ tháng 2 đến tháng 3 năm sau. Đất trồng phải làm rất kỹ, phải đào sâu xuống đến nửa mét, moi hết phần đất đã canh tác trước đó đi, sau đó làm nền, rải lớp mùn rồi trên cùng mới là lớp cát trắng để giữ ẩm...

Rồi thì nước tưới. Bây giờ có điện rồi, các nhà đều dùng hệ thống tưới tự động còn đỡ chứ ngày trước, lấy nước về tưới cho hành, tỏi là cả một vấn đề. Mà đảo cũng chỉ mới có điện lưới vào năm 2014 thôi chứ đâu. Trước đó, nhà nào có máy nổ chỉ để phục vụ thắp sáng và đồ gia dụng.

Tượng đài trong khuôn viên nhà lưu niệm Hải đội Hoàng Sa

Còn đâu toàn bộ công đoạn canh tác, nước tưới... đều là sức người hết. Mất bao công lao khó nhọc thế mới được củ tỏi cho ra tỏi, được khắp mọi miền ưa chuộng. Lại nữa, có đến đảo rồi mới biết. Phần trồng tỏi ở đây, gọi là ruộng, nhưng nhiều chỗ nó chỉ là những miếng "vá chằng vá đụp" trên đất thì đúng hơn. Rất nhiều mảnh ruộng tỏi chỉ chừng vài mét vuông canh tác chen xung quanh, giữa là... mồ mả.

Đảo đâu như ở đất liền, đất đai chỉ có ngần ấy thôi (diện tích Lý Sơn là 10,39km2). Bởi thế ngoài phần đất ở thì bất cứ chỗ nào có thể được là người ta tranh thủ trồng. Canh tác trên những "mảnh vá" đan xen ấy thực sự đòi hỏi kỳ công và nhẫn nại. Xưa nay, người ta hay kháo nhau theo kiểu đơn giản, cứ đại khái rằng tỏi Lý Sơn đặc biệt vì trồng trên cát trắng Lý Sơn. Xem ra thế làm sao mà đủ. Thiên nhiên, thổ nhưỡng cũng chỉ một phần thôi. Vẫn phải là làm đất, là tưới nước, là cào cát biển, là biết bao mồ hôi, công sức của người nông dân vào đấy thì mới ra được loại thảo dược độc đáo đến như vậy...

Những người phụ nữ trồng hành giữa trưa nắng nóng cho kịp vụ mùa trên đảo Lý Sơn

Một chi tiết trong câu chuyện của đồng chí Thượng tá, Phó Trưởng Công an huyện mà tôi muốn nhấn mạnh một chút, là về tỏi cô đơn, cứ coi như thêm một vài dòng chỉ dẫn trích ngang cho những ai đang quan tâm hoặc sắp đến Lý Sơn. Đúng là không đi không biết, có phải trồng tỏi cô đơn thì lên cây tỏi cô đơn đâu? Nghĩa rằng nó không phải là một giống tỏi riêng.

Tỏi cô đơn được sinh ra trong số những gốc tỏi thường. Biết cách trồng, chăm bón theo chế độ riêng thì gốc tỏi thường ấy mới có thể ra tỏi cô đơn. Nói theo kiểu dân chơi phong lan bây giờ thì phải gọi nó là "tỏi đột biến" mới đúng. Nhiều khi cả tấn tỏi thu hoạch được, ngồi nhặt lựa ra chưa được một cân tỏi cô đơn.

Tác dụng của tỏi cô đơn thế nào thì mời bạn đọc lên mạng mà tra cứu. Chỉ là nếu ai không biết, vừa mới đặt chân lên đảo mà đã sà vào mấy người bán hàng rong nơi cầu cảng rồi khệ nệ khuân ngay vài ký tỏi "tưởng rằng cô đơn" với giá loanh quanh tầm một triệu đồng, thì cầm chắc ăn quả lừa. Đến người ở đảo muốn có tỏi cô đơn cũng không dễ chút nào đâu...

Như đã nói ở trên, Lý Sơn giờ đã khác rất nhiều rồi, nhất là kể từ khi có điện. Còn ngày trước thì mọi thứ đều khó. Cuộc sống lao động vất vả, xa xôi cách trở với đất liền, nên hồi đó, việc học hành của con trẻ không mấy khi được chú trọng. Trong ngày, giờ nào lên lớp thì thôi, còn thì cứ có sức lao động là phải ra ruộng phụ giúp gia đình. Thượng tá Mai Thành Tâm bảo, hồi đó gia đình anh, bố là cán bộ xã, nhưng cũng chẳng khác gì so với các gia đình khác. Thậm chí từ nhỏ đến tận lớp 11, anh và chúng bạn mới lần đầu tiên được biết thế nào là đất liền...

Rồi thì học trò cấp 3 ở đảo khi ấy, chỉ riêng chuyện đấu tranh tư tưởng học tiếp hay ở nhà trồng hành trồng tỏi, thêm sức lao động, thêm thu nhập cho gia đình cũng là cả một quá trình gian nan. Quyết tâm học rồi thì còn phải nhờ người vào đất liền mua cho Bộ đề thi Đại học các môn theo khối, tranh thủ thời gian lúc nào học được thì học... Bởi thế, nên cái tin "thằng Tâm con ông Trai đỗ đại học", lại còn đỗ Đại học An ninh Nhân dân (còn có tên gọi khác là Trường C500, bây giờ là Học viện An ninh Nhân dân) chẳng khác gì một "cơn bão" nhưng "lành tính" đổ bộ lên đảo! Cả lứa học trò của Lý Sơn năm ấy, chỉ có Tâm đỗ, lại đỗ trường "oách" đã trở thành chủ đề của nhiều gia đình có con đi học.

Hai năm trời rèn luyện trong môi trường nghiêm khắc và kỷ luật bậc nhất của Trường C500, cậu bé dân đảo Mai Thành Tâm dường như đã trở thành con người khác, rắn rỏi và tự tin. Qua giai đoạn, Mai Thành Tâm chuyển sang Chuyên ngành Điều tra của Đại học Cảnh sát Nhân dân (giờ là Học viện Cảnh sát Nhân dân).

Ý chí phấn đấu và tinh thần trách nhiệm của người chiến sĩ Công an đã được Mai Thành Tâm cụ thể thành kết quả học tập tốt cùng những lời khen ngợi của các thầy, cô về hạnh kiểm cũng như tinh thần thái độ. Sau khi tốt nghiệp, được phân công công tác về chính nơi hòn đảo quê hương, thì tất cả những gì đã được học, được rèn luyện dưới những mái trường hàng đầu ấy đã giúp cho người cán bộ Mai Thành Tâm luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, từng bước trưởng thành, đóng góp vào thành tích chung của Công an Huyện đảo.

Giờ đây, về với huyện đảo quê hương, kiến thức học được trong trường cộng với bản lĩnh cùng sự tin yêu và gần gũi của bà con quê hương là những lợi thế của Thượng tá Mai Thành Tâm. Và trong thành công ấy, không thể không kể đến sự ủng hộ vô điều kiện của hậu phương vững chắc: vợ và 2 con của anh. Vợ anh cũng người ở đảo. Hai người quen biết và tìm hiểu nhau tới 5 năm trời mới đi được tới hôn nhân. Lý do là bởi thời gian đầu mới ra trường về đảo công tác quá vất vả, thiếu thốn đủ mọi bề, anh không dám nghĩ đến chuyện lấy vợ. Nhưng chị vẫn hiểu và chờ, động viên anh cùng vượt qua...

Bây giờ, ngồi nhắc lại chuyện cũ, tôi hỏi nếu cho làm lại, anh có đi con đường đã qua không? Không chút ngần ngừ, Thượng tá Mai Thành Tâm bảo sẽ vẫn là như thế. Hai con anh, bé gái học lớp 6 và bé trai lớp 4, tuy nói bây giờ hơi sớm, nhưng nếu có thể, anh vẫn mong muốn con sẽ nối nghiệp cha, tiếp bước trong hàng ngũ của Lực lượng Công an nhân dân. Đó phải chăng đã thể hiện ý chí, và cũng chính là niềm tin vào những điều tốt đẹp nhất mà một người cha muốn dành cho các con của mình. Và niềm tin ấy, cần phải luôn được củng cố.

Việt Ba
.
.