Tình báo phải dựa vào dân - Bài học từ truyền thống 75 năm chiến đấu, xây dựng, trưởng thành của Tình báo CAND

Thứ Ba, 18/08/2020, 15:24
Ngày 21/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập “Việt Nam Công an Công vụ”, trong đó hoạt động tình báo được xác định là nhiệm vụ đầu tiên và ngày 21/2 đã trở thành ngày truyền thống của lực lượng Tình báo CAND Việt Nam.

Ra đời trong những ngày đầu tiên của chính quyền cách mạng, vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, lực lượng Tình báo CAND qua các thời kỳ với những tên gọi khác nhau: Điệp báo, Phái khiển, Sưu tập, Tình báo đến nay đã trải qua gần 75 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành. Là công cụ chuyên chính của Đảng và chính quyền cách mạng, Tình báo CAND là đội quân cách mạng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân chiến đấu, phục vụ.

Nhân dân có vai trò quan trọng và khả năng rất to lớn đối với công tác Tình báo, vì nhân dân “có hàng chục triệu tai mắt, việc gì họ cũng có thể nghe, có thể thấy, có thế biết" (Thư của Hồ Chủ tịch gửi Hội nghị Tình báo, tháng 4/1949). Thực tiễn cho thấy “Tình báo phải dựa vào dân” là một tất yếu khách quan đã được khẳng định trong quá trình hình thành, phát triển của lực lượng Tình báo CAND.

Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên trong thư gửi Hội nghị Tình báo tháng 4 năm 1949 đã xác định “Tình báo phải dựa vào dân” và từ đó quan điểm quan trọng này đã trở thành đường lối chỉ đạo của Đảng đối với lực lượng Tình báo CAND. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ và lãnh đạo Bộ Công an, quan điểm: "Tình báo phải dựa vào dân" đã được lực lượng Tình báo CAND quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện có kết quả, qua đó đã phát huy vai trò, khả năng to lớn của nhân dân phục vụ thiết thực các yêu cầu, nhiệm vụ tình báo. “Dựa vào dân” là nét sáng tạo độc đáo của Tình báo CAND, là đường lối khoa học và sự cụ thể hoá đường lối quần chúng của Đảng vào công tác tình báo trong từng giai đoạn cách mạng; đồng thời thể hiện sâu sắc bản chất cách mạng của lực lượng Tình báo CAND.

Ngay từ trong những ngày đầu hoạt động, lực lượng Tình báo CAND đã biết lấy nhân dân làm chỗ dựa tin cậy, vững chắc, thông qua việc giác ngộ, hướng dẫn và tổ chức nhân dân thu tin, nắm tình hình và tham gia nhiều trận đánh, nhiều kế hoạch tấn công chính trị đặc biệt. Điển hình là các vụ: Tổ Điệp báo A13 đã phát hiện và bố trí Anh hùng Nguyễn Thị Lợi thâm nhập nội bộ địch, sử dụng 5 ngư dân giỏi nghề đi biển của xã Quảng Tiến-Quảng Xương-Thanh Hoá đưa tổ Điệp báo vượt sóng to gió lớn ra ngoài khơi đánh đắm thông báo hạm Amyot D'Inville ngoài vùng biển Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Từ bài học trong những ngày đầu mới thành lập, lực lượng Điệp báo đã biết dựa vào phong trào quần chúng nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, để thực hiện các nhiệm vụ chính trị và xây dựng lực lượng ngày càng lớn mạnh. Các chiến sỹ Điệp báo đã “bám đất, bám dân”; bằng tinh thần chịu đựng gian khổ, chiến đấu dũng cảm và bằng các biện pháp nghiệp vụ, họ đã làm cho nhân dân kính trọng, tin tưởng và sẵn sàng cộng tác giúp đỡ.

Từ phong trào kháng chiến toàn dân và các tổ chức quần chúng, nhiều cán bộ, quần chúng tốt đã được tuyển chọn vào lực lượng Điệp báo. Đồng thời, Điệp báo đã thuyết phục, cảm hoá được nhiều người dân trong các tầng lớp công nông, trí thức, địa chủ, tư sản và cả trong hàng ngũ địch cộng tác bí mật, giúp đỡ cơ quan tình báo. Lực lượng Điệp báo đã hướng dẫn, tổ chức quần chúng thành các đội: “Tự vệ”, “Thanh niên xung phong” để diệt ác trừ gian trong vùng địch chiếm. Điệp báo Công an nhiều địa phương đã dựa vào các tổ chức quần chúng như: “Tự vệ”, “Phụ nữ kháng chiến”, “Thanh niên xung phong”,... để tuyển chọn cơ sở bí mật thâm nhập vào các tổ chức địch hoạt động rất có hiệu quả. Điển hình là tổ tình báo: “Họ Trần”, “Đội Công an Ký Con”,... Nhiều tấm gương tiêu biểu của chiến sĩ Tình báo và nhân dân thời kỳ này đã thể hiện bản lĩnh, mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc.

Tiêu biểu là Liệt sĩ Bùi Thị Cúc, nữ Điệp báo Công an tỉnh Hưng Yên, được Bác Hồ tặng Sáu chữ vàng “Sống anh dũng, chết vẻ vang”; liệt sỹ Cao Kỳ Vân, Điệp báo Công an tỉnh Bắc Giang; liệt sỹ Phà Thị Kiều Loan (Kiều Nga), nữ Điệp báo Công an tỉnh Nam Định; đặc biệt là Anh hùng, liệt sỹ Nguyễn Thị Lợi. 

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, nhiệm vụ cấp bách của CAND lúc bấy giờ là tăng cường nắm tình hình phục vụ bảo vệ miền Bắc và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam.

Tổ Điệp báo A13 với chiến công đánh đắm thông báo hạm Amyot D’Inville của Pháp tại Sầm Sơn, Thanh Hóa (27/9/1950).

Lực lượng Tình báo trên Trung ương và các địa phương đã tích cực, chủ động chớp thời cơ thuyết phục, động viên, đưa được nhiều cơ sở, quần chúng vào các thành phố, căn cứ ở miền Nam. Mạng lưới vừa rộng và sâu đó đã góp phần quan trọng vào việc nắm âm mưu, hoạt động của Mỹ phục vụ kịp thời sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.

Từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, công tác tình báo từng bước được mở rộng. Các tổ công tác ở địa bàn nước ngoài ngày càng phát triển cả về nhiệm vụ và tổ chức. Giai đoạn này, Đảng lãnh đạo toàn dân tập trung cao độ thực hiện nhiệm vụ đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hoạt động tình báo cũng tập trung vào địa bàn chính là miền Nam. 

Lực lượng Điệp báo miền Nam, nhất là Điệp báo Sài Gòn - Gia Định, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ…., đã dựa vào khí thế sục sôi của quần chúng trong các phong trào thanh niên, sinh viên, phụ nữ để tiến hành các kế hoạch nghiệp vụ và tuyển chọn cơ sở thâm nhập các tổ chức địch. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Điệp báo Sài Gòn - Gia Định đã sử dụng nhiều quần chúng trong các tổ chức đoàn thể quần chúng phục vụ thu tin, nắm tình hình địch và dẫn đường cho các lực lượng Quân đội tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cơ sở tình báo đã dũng cảm, mưu trí, tác động trực tiếp Tổng thống ngụy Dương Văn Minh sớm tuyên bố đầu hàng, góp phần vào chiến thắng 30/4/1975 lịch sử. Một trong những bài học sâu sắc trong thời kì này là Tình báo CAND đã biết phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy vai trò của nhân dân, dựa vào dân cả trong và ngoài nước, vận động những người tiến bộ, yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới ủng hộ, giúp đỡ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Cơ sở Điệp báo An ninh T4 (đồng chí Nguyễn Hữu Thái, người đứng đầu bên phải)  tham gia ghi âm lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh, ngày 30/4/1975.

Sau khi thống nhất đất nước, Tình báo CAND đã khẩn trương củng cố, kiện toàn tổ chức, đổi mới toàn diện công tác Tình báo, nhất là đổi mới tư duy, đổi mới các biện pháp công tác, đào tạo, bố trí lực lượng, trong đó tiếp tục thực hiện quan điểm của Đảng “mọi hoạt động Tình báo phải dựa vào dân và phục vụ nhân dân”. Đây là yếu tố quyết định giúp lực lượng Tình báo CAND phát triển mạnh mẽ cả về tổ chức, nhiệm vụ, đáp ứng kịp thời, hiệu quả nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước giao.

Các tổ tình báo hoạt động ở nước ngoài tiếp tục dựa vào quần chúng là người Việt Nam và người nước ngoài để tổ chức thu tin, nắm tình hình và tiến hành các biện pháp nghiệp vụ thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ tình báo trong tình hình mới.

Trong thời kì đổi mới, quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng, phát huy truyền thống, lực lượng Tình báo CAND có sự phát triển, trưởng thành cả về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, tư duy nghiệp vụ, đội ngũ cán bộ và điều kiện, tiềm lực, mở rộng quan hệ đối ngoại, phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới của Đảng, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, môi trường hòa bình để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi sau hơn 30 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, chưa lúc nào vị thế đất nước có được như ngày nay, nhân dân trong nước và bà con người Việt ở nước ngoài luôn đặt niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và sự phát triển của đất nước. Đó là những điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức công tác tình báo, huy động và phát huy vao trò của nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo đã và đang phát huy sức mạnh của toàn dân phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước. Trong điều kiện đó đòi hỏi lực lượng Tình báo CAND phải tiếp tục quán triệt, thực hiện sáng tạo đường lối “Tình báo phải dựa vào dân" phù hợp với tình hình, nhiệm vụ mới.

Những kết quả, thành tích và kinh nghiệm đạt được trong hơn nửa thế kỷ qua là nguồn cổ vũ lớn lao tạo ra những động lực mới giúp lực lượng Tình báo CAND có các hình thức, biện pháp thích hợp nhằm phát huy vai trò, khả năng to lớn của nhân dân Việt Nam ở trong và ngoài nước phục vụ công tác tình báo đạt hiệu quả ngày càng cao.

Quá trình phát triển của Tình báo CAND là quá trình chiến đấu gian khổ, hy sinh, gắn liền với những thành tích, chiến công xuất sắc của các thế hệ Tình báo kế tiếp nhau. Đó là lịch sử của những chiến công thầm lặng gắn với đất nước và nhân dân.

Gần 75 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành với nhiều tên gọi khác nhau, song bất cứ trong thời kỳ nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Tình báo CAND luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, gắn bó máu thịt với nhân dân, luôn là một trong những lực lượng vũ trang trọng yếu, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân; có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đảng và Nhà nước đánh giá cao và tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý cho lực lượng Tình báo CAND; nhiều đơn vị, cá nhân trong lực lượng đã được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 

Nhìn lại những chặng đường đã qua, trước những yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, chúng ta cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức. Bài học rút ra từ lịch sử 75 năm cho thấy dưới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, với ý chí và quyết tâm phát huy sức mạnh dân tộc và thời đại, với bản lĩnh chính trị vững vàng, lực lượng Tình báo CAND sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ một khi luôn quán triệt và thực hiện có hiệu quả quan điểm “Tình báo phải dựa vào dân”.

Thượng tướng Bùi Văn Nam - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an
.
.