Tết nào cũng viết thư mong nạn nhân tha thứ

Thứ Tư, 17/02/2016, 15:00
Gã từng là sinh viên khoa Toán Tin, Đại học Khoa học Tự nhiên, cùng thời với chúng tôi, thế hệ 7X đời áp chót. Thời ấy, đám trẻ trâu hay có câu vần: "Cổng trường đại học cao vời vợi/ Mười thằng leo có chín thằng rơi". Để nói, vào đại học hồi ấy khó lắm, cỡ mà đỗ vào Toán Tin như gã, hẳn có lực học không xoàng. Thế nên, thật tiếc cho gã, 16 năm sau khi ra trường, chúng tôi gặp lại gã trong bộ quần áo phạm nhân với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nạn nhân của gã, những con người nghèo khổ, chắt bóp từng đồng bạc lẻ với hy vọng được đi xuất khẩu lao động đổi đời.


Tiền nào mua được chữ tín

Phí Đức Huy quê gốc Thái Bình, tốt nghiệp cấp III năm 1994. Huy đi lính 2 năm rồi mới thi đại học. Thi năm đầu tiên đỗ ngay đại học, gia đình đặt hết niềm hy vọng vào anh ta. Huy được ưu tiên do từng phục vụ trong quân ngũ nên không phải đóng tiền học phí, đối với một gia đình thuần nông như nhà anh ta thì dù chỉ là khoản tiền học phí thôi cũng vô cùng quan trọng, nhẹ gánh cho bố mẹ rất nhiều.

Tốt nghiệp đại học, Huy đi làm một vài nơi, và nơi anh ta gắn bó lâu nhất, cũng là tiền đề khiến anh ta vướng vòng lao lý sau này là Công ty VX, chuyên về xuất khẩu lao động đi Đài Loan. Môi trường làm việc này khiến anh ta thu thập được nhiều kinh nghiệm, mánh khoé. Cách đây chục năm, phong trào xuất khẩu lao động nở rộ khắp đường làng ngõ xóm, đó cũng là thời điểm những kẻ chuyên nghề môi giới như Huy có cơ hội đổi đời.

Thấy chỉ làm trong Công ty VX không ăn thua, Huy vươn ra ngoài, bắt đầu tìm kiếm con đường riêng cho mình. Có lẽ, lúc đầu, Huy cũng mong muốn làm ăn tử tế, kiếm đồng tiền môi giới chính đáng, nhưng vì nhiều lý do khách quan, phía nước ngoài họ phá hợp đồng, tiền đặt cọc thì đã nộp, không có cách gì lấy lại được, trong khi đó, những người đã đưa tiền cho Huy liên tục giục giã.

Phạm nhân Phí Đức Huy.

Lâm vào đường cùng, Huy tắt điện thoại, nạn nhân của Huy cáu tiết gửi đơn tố cáo tới cơ quan Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ba lần cơ quan Công an gửi giấy mời nhưng Huy sợ không lên. Và nước cuối, anh ta trốn sang Trung Quốc, sau khi đọc được quyết định truy nã mình trên Báo Công an nhân dân.

Hai năm phiêu bạt xứ người, Huy kể rằng, đêm 30 đầu tiên xa nhà, anh ta ngồi ru rú một mình trong căn nhà trọ tồi tàn, không bánh trái, không kẹo mứt, muốn khóc mà không khóc được. Phần vì thương thân, phần vì day dứt bởi những gì đã gây ra, phần vì thương bố mẹ, vợ con phải chịu cảnh nợ nần và miệng lưỡi bêu riếu của người đời.

Hai năm phiêu bạt xứ người, số tiền kiếm được từ việc làm thuê chỉ đủ trang trải cho cuộc sống xa nhà. Càng ngày càng cảm thấy bế tắc, không biết còn có ngày gặp lại gia đình và nhất là hai đứa con nhỏ nữa hay không, Huy quyết định quay về Việt Nam và đến Công an quận Cầu Giấy đầu thú.

Cho đến bây giờ, Huy vẫn cho rằng, đó là một quyết định sáng suốt nhất cuộc đời Huy. Cho dù cái giá phải trả là 13 năm tù, nhưng Huy không còn phải sống cảnh nơm nớp lo sợ mình sẽ bị bắt bất cứ lúc nào. Tinh thần Huy phần nào đã thoải mái hơn, nhưng mỗi lần nhớ tới những nạn nhân của mình, vì mình mà lâm vào cảnh nợ nần cùng quẫn, Huy lại thêm một lần day dứt. Và Huy đã chọn cách gửi thư cho các nạn nhân của mình trước mỗi dịp Tết đến xuân về. Năm nào cũng vậy, Huy đã duy trì được "truyền thống" này tính đến nay là đã được 4 năm.

Gửi thư để lòng bớt day dứt hơn

Khi chúng tôi gặp Huy, Huy buột miệng khoe: "Em vừa viết xong lá thư thứ sáu gửi các nạn nhân của mình. Còn hai lá nữa tối về em viết tiếp". Những lá thư cứ gửi đi mà không mong hồi âm, đó là cách mà Huy bảo, Huy có thể làm được duy nhất ở điều kiện, hoàn cảnh này, với mong muốn không gì hơn là mong được tha thứ, để sau này Huy còn được gặp lại họ, xin họ tha lỗi.

- Tổng số nạn nhân của anh là bao nhiêu người?

- Dạ, 8 người. Tổng số tiền theo cáo trạng thì em còn phải khắc phục là 36 nghìn đô la và 100 triệu đồng.

- Anh thu của mỗi người bao nhiêu tiền?

- Từ 1-3 nghìn USD tiền đặt cọc. Nhưng sau 1 năm họ không được đi, họ ráo riết đi tìm em đòi lại tiền.

- Lý do gì mà anh lại không đưa họ đi lao động ở Hàn Quốc như đã hứa?

- Có nhiều lý do lắm, nhưng nhiều nhất là phía Hàn Quốc huỷ hợp đồng, trong khi đó thì mình đã dùng tiền cọc để chi phí nhiều khoản rồi, thậm chí mình phải dùng tiền của họ để đặt cọc ở chỗ khác nữa.

- Nhưng cũng phải còn một số tiền nhất định nào đó chứ. 36 nghìn đôla ở thời điểm năm 2008 không phải là nhỏ!

- Em cũng đã khắc phục được khá nhiều, chứ không thì số lượng nạn nhân không dừng lại ở con số 8 người.

- Tại sao anh không ra đầu thú ngay ở thời điểm đó mà lại trốn?

- Năm 2009, Công an quận Thanh Xuân có gọi em lên làm việc nhưng em sợ không lên. Sau đó em đọc trên Báo Công an nhân dân thấy lệnh truy nã mình nên càng sợ, không biết làm thế nào nên trốn sang Trung Quốc.

- Thế sao không ở bên đó mà lại về?

- Một mình ở đất khách, buồn và bế tắc lắm. Em có hai năm để nghĩ về những gì mình đã làm, em cảm thấy vô cùng day dứt. Những nạn nhân của em, họ đã mang những đồng tiền lẻ đến nộp cho em, mong được đi xuất khẩu lao động đổi đời. Có người gom nhặt tiền bán lứa lợn, có người dồn từ tiền bán đàn gà, bán chục trứng, càng nghĩ em càng thấy mình phải trở về càng sớm càng tốt, chứ không thể sống như thế này được. Đến tháng 7-2011, em thấy không thể chần chừ thêm nữa nên đã đến Công an quận Cầu Giấy đầu thú.

- Nghe nói, năm nào anh cũng viết thư cho các nạn nhân vào trước mỗi dịp Tết!

- Vâng, trước hết là em chúc sức khoẻ họ cùng gia đình. Sau là em mong muốn sau này về xã hội, sẽ được gặp lại họ để nói lời xin lỗi và làm ăn tử tế khắc phục hậu quả.

- Anh có nhận được hồi âm của người nào không?

- Có, em có nhận được thư của anh C, ở Bắc Giang. Anh ấy cũng đồng ý xoá cho em số nợ 5 nghìn USD. Một số người khác có thể họ đã chuyển địa chỉ nên không hồi âm. Em thấy vô cùng hối tiếc vì có mối quan hệ với anh C trước đây rất tốt đẹp. Chỉ vì thói ích kỉ mà em đã làm tổn thương anh C cũng như nhiều người khác. Em rất vui vì anh C đã gạt bỏ mọi lỗi lầm của em và còn nói, sau này em được về xã hội, hai anh em sẽ tiếp tục làm ăn với nhau.

- Anh có nghĩ là khi nhận được thư, các nạn nhân của mình đều tặc lưỡi, nghĩ: Chắc nó lại lừa mình tiếp!

- Cũng có thể, đó là suy nghĩ của họ, nhưng thật lòng em thấy mình có lỗi thì cứ phải xin lỗi.

- Làm ăn trong thời nào cũng vậy, chữ tín luôn được đặt lên hàng đầu, anh không nghĩ đến điều này sao?

- Nói thật, ban đầu, bọn em là những người làm ăn uy tín, nhưng do điều kiện khách quan. Nghĩ lại em thấy xấu hổ lắm, không dám nghe điện thoại của ai, đến sau này thì tắt hẳn không ai liên lạc được nữa.

- Ở tuổi xấp xỉ 40 rồi, anh thấy điều gì là quan trọng nhất?

- Vâng, 40 năm là một nửa đời người rồi. Giờ em thấy tiền bạc chỉ là phương tiện, là một khía cạnh trong đời sống. Giờ gia đình em tan đàn xẻ nghé. Vợ chồng em mới ly hôn được mấy tháng nay. Em không muốn vợ vì mình mà để tuổi thanh xuân vụt qua mất. Em đi từ lúc đứa nhỏ chưa biết bò, giờ thì cháu đã lên 4 tuổi rồi. Bố mẹ em cũng già yếu mà em thì thế này, không chăm sóc các cụ được. Có lẽ, đó là những điều em thấy quan trọng nhất, quý giá nhất. Đó cũng là những gì em áy náy nhất.

- Tết trong trại giam như thế nào?

- Đêm 30, phạm nhân hầu như không ngủ. Nhiều người khóc vì thương vợ con, nhớ bố mẹ. Em thì không khóc nhưng thà khóc được còn thấy nhẹ lòng hơn.

- Anh mong muốn điều gì trong những ngày xuân này?

- Em mong được gặp gia đình, gặp bị hại để xin lỗi họ. Ở trong này, em học được cách làm những đồ lưu niệm xinh xinh, nếu có thể, em mong được tặng cho những người em đã có lỗi với họ.

Đinh Hiền-Thu Thủy
.
.
.