Những người “nổi tiếng” ăn Tết trong trại giam

Thứ Năm, 22/02/2007, 08:15

Ngày Tết ở trại giam, các phạm nhân nguyên là những giám đốc cũng như tất cả các phạm nhân khác đều được ăn Tết đầy đủ. Cũng bánh chưng, dưa hành, thịt cá... dù không khí Tết ở trại giam không giống như ở gia đình.

Tết cũng là dịp để mọi người kiểm nghiệm lại những điều mình đã làm trong năm cũ. Đặc biệt, đối với các giám đốc, hay những người một thời nổi tiếng bây giờ ở trại giam, ngày Tết họ cũng có những cảm nhận riêng của mình và rút ra bài học đắng cay từ những sai lầm để phấn đấu tốt hơn...

Kỳ 1- Những gì không rõ ràng thì không nên làm

Tại phân trại K1, Trại giam Gia Trung - Bộ Công an, những ngày Tết cũng ngào ngạt hoa xuân, làm cho mọi người ở đây bớt đi cái cảm giác ở trại giam. Sau những giờ vui Tết, sinh hoạt mừng xuân mới, những phạm nhân ai nấy đều trở về nơi dành riêng cho mình. Những cán bộ quản giáo cũng túc trực nghiêm túc trong không khí xuân ở nơi công tác.

Được sự cho phép của cán bộ quản giáo, tôi được trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với một phạm nhân khá đặc biệt ở phân trại K1 là Lê Công Đào, nguyên Giám đốc Công ty Dịch vụ tổng hợp điện máy Đà Nẵng.

Ông Lê Công Đào năm nay đã bước sang tuổi 57, tướng người khá bệ vệ nhưng dáng vẻ của ông có phần thi sĩ hơn là giám đốc doanh nghiệp làm kinh tế. Thực ra cũng phải, bởi Lê Công Đào vốn là "con nhà văn". Ông tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1973, nhưng sau giải phóng lại về quê Quế Sơn, Quảng Nam mở hợp tác xã gạch ngói để kinh doanh.

Năm 1998, Lê Công Đào thành lập xí nghiệp liên doanh với Công ty Thương nghiệp Đà Nẵng (gọi tắt là Công ty Dịch vụ điện máy Đà Nẵng) do ông làm Giám đốc. Làm Giám đốc công ty thời ấy khá sung sướng nên Lê Công Đào mải mê chuyện ăn chơi, chi tiêu nhiều nhưng làm lợi cho công ty ít nên thâm hụt thua lỗ hàng trăm triệu đồng.

Lê Công Đào bị bắt ngày 4/7/1990 và Tòa án TP Đà Nẵng xử phạt tù chung thân về hai tội: "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN" theo Luật Hình sự lúc bấy giờ.

Lê Công Đào kể rằng, số tiền ông sai phạm là 503 triệu đồng, nếu tính bây giờ không lớn lắm nhưng lúc ấy thì khá to. Chuyện lạm dụng của ông là ký hợp đồng bán 20.000 tấn phân u-rê cho một công ty ở Quảng Nam và ứng tiền trước nhưng sau đó không có hàng giao mà tiền thì lỡ tiêu hết nên không trả được.

"Tiền ấy một phần tôi trả ngân hàng, phần tiếp khách, ăn tiêu, giao dịch nên thâm hụt. Lúc ấy mình không rành lắm về luật nên nghĩ tạm tiêu rồi sẽ kiếm chỗ khác trả lại, nhưng không ngờ...", Lê Công Đào tâm sự.  Đã hơn 16 năm ngồi tù, điều mà Lê Công Đào luôn cảm thấy ân hận là lúc ấy đã dám làm những việc mà bản thân không rành lắm và cảm thấy không rõ ràng theo quy định pháp luật.

Ăn Tết ở trại giam đã thành thói quen qua 16 năm nay đối với Lê Công Đào nhưng có một điều trong mỗi cái Tết ông không thể nào quên là nhớ nhà và vợ con. "Mỗi lần dịp Tết được gặp vợ con đến thăm, tôi thường căn dặn rằng, cái gì biết không cặn kẽ thì đừng nên làm, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh và quản lý kinh tế. Tôi không muốn con tôi sau này lỡ lập lại những sai lầm trước đây của cha nó" - Lê Công Đào nói.

Cũng giống với Lê Công Đào, nữ phạm nhân Nguyễn Thị Thanh Vân (50 tuổi), nguyên Giám đốc DNTN Sơn Nam ở Quy Nhơn, Bình Định cũng vào tù vì "không ngờ việc làm của mình là sai".

Từng là Giám đốc doanh nghiệp nhưng từ cách ăn nói đến suy nghĩ đều rất bình dân như một nhà nông. Bà bảo rằng, mình ở tù vì lỡ làm việc trái với pháp luật mà trước đây mình không nghĩ tới. Mỗi ngày ở đây, ngoài việc cải tạo tốt, bà vẫn tự cầu nguyện trong lòng sống tốt với đời.

Theo bản án, Nguyễn Thị Thanh Vân bị tuyên phạt 12 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Bà Vân kể rằng, bà mua hàng nông sản của nông dân để xuất khẩu là có thật, nhưng vì kê khai khống chứng từ để được hoàn thuế GTGT hơn một tỷ đồng nên bị phát hiện xử lý theo pháp luật. "Tui nghĩ mình có mua hàng thật thì kiếm đại chứng từ để hoàn thuế, đâu biết phải đi tù"- bà Vân tâm sự.

Thêm một cái Tết mới đến, bà Vân tính nhẩm trên đầu ngón tay và nói: "Tui bị bắt ngày 3/10/2002, Tết này nữa hơn 4 năm ở tù. Tui ân hận vì mình đã làm điều sai mà mình không ngờ tới. Có lẽ về sau cái gì không rõ ràng thì không nên làm".

Bà Vân muốn kể câu chuyện của mình làm bài học nhắc nhở những người đang làm giám đốc nhưng xin không đăng ảnh bà lên báo

Ngọc Như
.
.
.