Nỗi đau sau phiên tòa bà giết cháu vì mâu thuẫn với con đẻ

Thứ Năm, 02/07/2020, 19:32
Nỗi đau mất con ập đến cũng là lúc anh Nguyễn Duy Chung, trú tại xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An choáng váng khi hay tin kẻ thủ ác chính là mẹ mình.

Chỉ từng ấy cũng khiến vợ chồng anh rơi vào tột cùng của sự đau khổ, bởi anh không nghĩ vì những chuyện mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày mà người mẹ, người bà đã nhẫn tâm ra tay sát hại chính cháu ruột. 

Dù biết không thể tha thứ với những gì mẹ mình gây ra, nhưng tại phiên tòa anh Nguyễn Duy Chung đã đứng lên xin hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Phạm Thị Hường.

Buổi chiều định mệnh

Hơn nửa năm trôi qua nhưng cái chết của cháu Nguyễn Thị T. (11 tuổi), trú tại xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An vẫn là câu chuyện khiến nhiều người không khỏi thương xót. Càng phẫn nộ hơn khi người gây ra cái chết chính là bà nội Phạm Thị Hường (SN 1957). 

Lấy nhau được gần chục năm, niềm vui lớn nhất của anh chị là sinh hai đứa con đều ngoan ngoãn, học giỏi. Càng hạnh phúc hơn khi hai đứa trẻ lớn lên trong tình yêu thương của ông bà. Vốn là lao động chính trong gia đình, vừa nuôi bố mẹ lại nuôi con ăn học nên bản thân anh Chung luôn lao động chăm chỉ mong sao cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc. 

Rồi cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi công việc đồng áng chẳng thu nhập là bao. Thiếu thốn đủ đường, công việc lại không có nên mâu thuẫn phát sinh cũng từ đó diễn ra nhiều hơn, từ chuyện vợ chồng cho đến bố mẹ và con cái. 

Vốn tính hai mẹ con chẳng hợp nên giữa anh Chung và mẹ đẻ là bà Phạm Thị Hường thường xuyên xảy ra cãi vã, to tiếng với nhau. Không chịu được khốn khó và những xích mích trong cuộc sống hàng ngày, anh bàn với vợ vào miền Nam lập nghiệp. 

Vì miếng cơm manh áo anh đành gửi 2 con cho ông bà nội chăm sóc.Do điều kiện hoàn cảnh nên vợ chồng anh chị một năm mới về thăm con được 1 lần.

Bị cáo Phạm Thị Hường tại phiên xét xử.

Đầu tháng 11-2019, vợ chồng anh Chung về quê như thường lệ, tuy nhiên mỗi người một tính nên hai mẹ con lại có những khúc mắc và thường xuyên tránh mặt nhau. Cho đến sáng 3-11-2019, khi anh Chung qua nhà hàng xóm chơi thì tình cờ thấy mẹ mình là bà Phạm Thị Hường ở đó. 

Chưa kịp nói gì thì bà Hường đứng dậy ra về với thái độ trách móc khi cho rằng anh Chung không chịu mở miệng chào hỏi mình. Sự việc lên tới đỉnh điểm khi trong bữa cơm trưa, bà Hường có gắp thức ăn cho chồng thì bị anh Chung quát mắng. 

Cho rằng con cái bất hiếu khiến bà Hường ấm ức trong lòng và có ý định sẻ trả thù. Đến chiều 3-11, trên đường đến nhà người thân chơi bà Hường tình cờ gặp cháu nội là Nguyễn Thị T. nên bà Hường đã rủ cháu đi cùng. 

Để thuận tiện việc đi lại, Bà Hường gửi xe của mình vào một hàng tạp hóa và ngồi sau xe cháu T.. Tuy nhiên, khi đến thì hai bà cháu không gặp được người thân nên quay trở về. Trên đường đi, bà Hường nhắc đến chuyện bố của T. hỗn lão nên hai bà cháu xảy ra cãi vã. Ấm ức vì chuyện bố hỗn láo, nay người cháu cũng cãi lại mình nên bà Hường nảy sinh ý định giết cháu nhằm trả thù.

Để thực hiện mục đích của mình, bà Hường rủ cháu đến đập Bàu Ganh, thuộc thuộc xóm Thọ Trà, xã Hậu Thành, huyện Yên Thành để tắm và nhờ cháu xuống lau lưng cho mình. Lợi dụng cháu gái không để ý, bà Hường đã xô ngã cháu xuống đập, mặc cho cháu T vùng vẫy kêu cứu. 

Sau đó bà Hường trở về nhà như chưa có chuyện gì  xảy ra. Khi biết cháu mình đã chết, bà Hường liền bắt xe ra Hà Nội viện lý do giải quyết công việc nhưng mục đích là bỏ trốn. Cho đến tối muộn vợ chồng anh Chung không thấy con về nhà nên gia đình cùng bà con hàng xóm tổ chức tìm kiếm. 

Cho đến đêm, người thân phát hiện có chiếc mũ và áo ngoài của cháu T. tại chân đập Bàu Ganh, còn chiếc xe đạp lại để trên bờ. Nghi ngờ con đuối nước, nên vợ chồng anh báo với chính quyền địa phương nhờ giúp đỡ. Sau đó, chính quyền địa phương cùng với hàng trăm người dân cùng lực lượng công an đã xuống đập Bàu Ganh tìm kiếm nhưng không thấy.

Sau hai ngày tìm kiếm, đến khoảng 5h30 ngày 5-11, lực lượng chức năng phát hiện thi thể cháu T. nổi lên ở đập Bàu Ganh. Nghi ngờ cái chết của T. có nhiều uẩn khúc nên gia đình trình báo cơ quan Công an. 

Khi đang cố nén nỗi đau để lo ma chay cho con thì anh Nguyễn Duy Chung choáng váng khi nghe tin mẹ mình đến trụ sở Công an đầu thú và khai nhận về việc giết cháu nội. 

Qua lời khai tại Cơ quan Công an,bà Phạm Thị Hường khai nhận, do bực tức con trai nên không còn cách khác là đẩy cháu nội mình xuống đập nước. Với lý do "Không trị được cha thì trị con", sau khi chắc chắn cháu đã chìm hẳn, người đàn bà này mới đứng dậy đi về nhà như không có gì xảy ra. 

Còn với nhiều người dân làng xóm, việc xảy ra cũng là chuyện đáng tiếc, bởi bà Phạm Thị Hường được biết đến là người hiền lành và luôn thương yêu chồng và con, cháu. Thế nhưng anh không ngờ, những chuyện tưởng như nhỏ nhặt ấy lại khiến đứa con gái của mình phải bỏ mạng một cách tức tưởi như thế.

Lời phản cung trước tòa

Tham dự phiên tòa với tư cách là người đại diện hợp pháp cho người bị hại, anh Nguyễn Duy Chung bần thần ngồi nghe bản luận tội của đại diện viện kiểm sát truy tố mẹ mình. Anh dường như mất hết niềm tin với tất cả mọi thứ, đến người cháu nội hàng ngày thương yêu, chăm sóc mà cũng sẵn sàng ra tay sát hại. 

Còn với bị cáo, trong suốt phiên tòa bà Phạm Thị Hường không một lần quay lại nhìn vợ chồng người con trai. Khi được hội đồng xét xử hỏi vì sao khi giết cháu nội mình, bị cáo lại ra đầu thú thì bà Phạm Thị Hường nói: "Việc đầu thú và khai nhận giết cháu T. là do trong quá trình điều tra sợ con trai trong lúc mất con không giữ được bình tĩnh sẽ trách mình. Bị cáo đầu thú để vào tù một thời gian, đợi con trai nguôi ngoai, lúc đó không trách mình nữa". 

Tuy nhiên, trong buổi thẩm vấn, bị cáo Phạm Thị Hường bất ngờ phản cung so với những lời khai ban đầu tại Cơ quan Công an. Bị cáo Hường cho rằng việc giết cháu nội là không cố ý và phủ nhận tất cả quá trình phạm tội cũng như buổi thực nghiệm hiện trường ngay đập Bàu Ganh.

Dù biết không thể được tha thứ nhưng anh Chung vẫn đứng lên xin hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho mẹ mình.

Với sự phản cung bất ngờ của bị cáo Phạm Thị Hường hội đồng xét xử và đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An giữ quyền công tố tại phiên tòa phải trưng ra nhiều bằng chứng chứng minh hành vi phạm tội của bà Phạm Thị Hường. 

Mỗi câu hỏi, mỗi bằng chứng được đưa ra như khoét sâu thêm nỗi đau của vợ chồng anh Chung, chị Tuyên. "Đúng là giữa hai mẹ con tôi có mẫu thuẫn nhưng chỉ là mâu thuẫn nhỏ nhặt như những gia đình khác. Là phận làm con cái trong nhà, bản thân tôi không ngờ, không thể tưởng tượng nổi dù bà có man rợ đến đâu thì cũng là người sinh ra tôi". 

Dù biết đó là sự oán hận đối với việc làm của mẹ mình nhưng  trước vào nghị án, anh Chung vẫn xin hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Phạm Thị Hường. "Công bà nuôi cháu từ nhỏ đến lớn, một phút bà không nghĩ tới… cũng chỉ mong hội đồng xét xử giảm nhẹ cho bà" chị Tuyên đứng dậy nói. Nỗi đau mất con vẫn hằn rõ trên khuôn mặt của người mẹ.

Dù con trai, con dâu nói những lời gan ruột, xin giảm án cho mình nhưng bị cáo Phạm Thị Hường không thể hiện một chút ăn năn, hối cải về tội ác của mình. Dù không thừa nhận hành vi tội ác của mình nhưng trước chứng cứ, lập luận của các thành viên hội đồng xét xử và kiểm sát viên, cuối cùngbà Phạm Thị Hường phải xác nhận đã đẩy cháu nội xuống đập nước và ngồi chờ cháu chìm hẳn mới đi về.

Với 12 năm tù là bản án của pháp luật dành cho bị cáo Phạm Thị Hường, dường như nó không đủ sức thức tỉnh lương tâm của người bà vô nhân tính này. Khuôn mặt không cảm xúc, bị cáo Hường đứng dậy theo hướng dẫn của cán bộ dẫn giải ra xe về trại giam, để lại sau lưng những cái nhìn vừa đau đớn, vừa phẫn nộ của những người tham dự phiên tòa.

Bảo Linh
.
.
.