Nhiều phụ nữ bị lừa bán vì môi giới hôn nhân trái phép

Thứ Hai, 04/09/2017, 19:54
Thời gian gần đây, tại các tỉnh, thành phía Nam, tội phạm mua bán người (MBN) qua môi giới hôn nhân trái phép ngày càng diễn biến phức tạp, làm phát sinh nhiều vấn đề về an ninh trật tự, gây bức xúc xã hội.


Thủ đoạn chủ yếu là các đối tượng trong và ngoài nước đã câu kết với nhau hình thành các băng, ổ nhóm tội phạm có tổ chức, nhằm lừa gạt, dụ dỗ phụ nữ Việt Nam đưa ra nước ngoài bán làm vợ, hoặc bán vào các động mại dâm…

Tội phạm lan rộng

Trung tướng Trần Văn Vệ, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cho biết, từ đầu năm 2011 đến tháng 6-2017, cả nước xảy ra 2.748 vụ MBN, liên quan đến 4.110 đối tượng, lừa bán 5.984 nạn nhân, trong đó có 447 vụ MBN vì mục đích hôn nhân (chiếm 16,27% tổng số vụ MBN), với 927 đối tượng, lừa bán 1.140 nạn nhân.
Một đường dây tổ chức môi giới kết hôn trái phép với người Trung Quốc bị triệt xóa ở Cần Thơ.

Đặc biệt, tội phạm MBN đã xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Riêng địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng và 13 tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ đã phát hiện 265 vụ, 700 đối tượng, với 1.395 nạn nhân, trong đó có 147 vụ việc có dấu hiệu MBN dưới dạng môi giới hôn nhân trái phép, tổ chức xem mặt chọn vợ, kết hôn giả, với 437 đối tượng tham gia, 1.294 nạn nhân.

Trong khoảng thời gian này, cả nước có gần 100.000 công dân Việt Nam (nữ giới chiếm trên 92%) kết hôn với công dân của trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), các quốc gia châu Âu… Trung bình mỗi năm có khoảng 13.000 người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, trong đó nhiều người tổ chức kết hôn thông qua môi giới hôn nhân trái phép khiến nguy cơ bị lừa bán rất cao.

Theo Tổng cục Cảnh sát, trong những vụ MBN, đối tượng phạm tội chủ yếu là lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về các hành vi liên quan đến MBN (chiếm 22%). Chúng cấu kết thành những đường dây khép kín để móc nối, lôi kéo, lừa gạt, cưỡng ép những người nhẹ dạ, phụ nữ mất cảnh giác đưa ra nước ngoài bán.
Cần tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền để giúp phụ nữ tự bảo vệ mình trước thủ đoạn của bọn tội phạm.

Nhiều đối tượng người nước ngoài môi giới thông qua công ty nước ngoài vào Việt Nam tham quan, du lịch, ký kết làm ăn kinh tế… rồi móc nối, câu kết với bọn "cò mồi", môi giới người Việt Nam dẫn dắt, hình thành những đường dây MBN xuyên quốc gia, có tính quốc tế.

Ngoài ra, chúng còn tổ chức nhiều vụ xem mặt chọn vợ hoặc làm lễ kết hôn giả để lừa phụ nữ đưa ra nước ngoài bán. Một số chủ khách sạn, nhà nghỉ, phòng trọ, cửa hàng kinh doanh… do hám tiền đã tiếp tay cho người nước ngoài tổ chức các buổi xem mặt, chọn vợ hoặc kết hôn giả.

Nạn nhân của tội phạm MBN nói chung, tội phạm MBN thông qua hôn nhân có yếu tố nước ngoài nói riêng thường là những phụ nữ đang trong độ tuổi kết hôn, sống tại các vùng nông thôn nghèo, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, hiểu biết xã hội còn hạn chế; một số cô gái trẻ ở thành thị có lối sống thực dụng, lười lao động và thích hưởng thụ.

Thậm chí, nhiều phụ nữ muốn lấy chồng nước ngoài để thay đổi cuộc sống của mình, kiếm được nhiều tiền để phụ giúp gia đình nên dễ bị bọn tội phạm dụ dỗ, lừa gạt, bị bán ra nước ngoài làm vợ bất hợp pháp, bán vào tụ điểm mại dâm, trở thành nạn nhân của các vụ lạm dụng tình dục, bóc lột sức lao động và thậm chí mua bán nội tạng...

Tuyên truyền xóa bỏ trào lưu "thích lấy chồng ngoại"

Đơn cử như Tây Ninh, từ đầu năm 2011 đến nay, Công an tỉnh Tây Ninh đã triệt phá thành công 34 chuyên án, bắt 237 đối tượng, giải cứu 290 nạn nhân; khởi tố 34 vụ, 157 bị can, xử phạt hành chính 80 đối tượng với số tiền hơn 800 triệu đồng. Các đối tượng khai nhận đã bán trọt lọt 478 phụ nữ, hiện nay còn khoảng 198 nạn nhân chưa xác định được địa chỉ cụ thể ở nước ngoài.

Mới đây nhất, vào ngày 27-4-2017 Công an Tây Ninh đã triệt phá đường dây MBN sang Trung Quốc, bắt 4 đối tượng đang làm thủ tục đưa ba cô gái Việt Nam ra sân bay Tân Sơn Nhất bay về Hải Phòng, sau đó đưa sang Trung Quốc (qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn) để bán cho đàn ông Trung Quốc mua làm vợ.
Các đối tượng trong đường dây mua bán người sang Trung Quốc bị Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Tây Ninh bắt giữ.

Kết quả điều tra, từ tháng 5-2015 đến khi bị phát hiện, bắt giữ, các đối tượng trong đường dây này đã bán trót lọt 6 phụ nữ ở Tây Ninh, Bạc Liêu, Đồng Tháp… sang Trung Quốc, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng…

Ở địa bàn trọng điểm TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua hoạt động môi giới hôn nhân trái phép với người nước ngoài vẫn diễn ra, liên quan đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Úc, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Malaysia…, làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.

Tính từ tháng 1-2011 đến tháng 3-2017, Phòng Cảnh sát Hình sự và Công an các quận, huyện của TP Hồ Chí Minh đã xác minh, làm rõ 27 vụ MBN qua Trung Quốc bằng hình thức môi giới hôn nhân. Cũng trong thời gian này, lực lượng Cảnh sát hình sự Công an thành phố đã phát hiện, kiểm tra ngăn chặn 30 vụ môi giới hôn nhân bất hợp pháp; lập biên bản 72 đối tượng vi phạm (tổ chức, môi giới, cung cấp phụ nữ, phiên dịch); phát hiện, xử lý 34 người Trung Quốc, 26 người Hàn Quốc, 14 người Đài Loan có hành vi môi giới, dẫn dắt chú rể đi cưới vợ và 146 phụ nữ tham gia cho người nước ngoài xem mặt chọn vợ…

Dù đã được những kết quả tích cực, nhưng công tác đấu tranh phòng chống loại tội phạm này trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh thời gian qua vẫn gặp nhiều khó khăn do vụ việc xảy ra ở nước ngoài, nạn nhân và đối tượng gặp nhau, trao đổi, giao dịch ở nước ngoài. Khi nhận được thông tin trình báo từ gia đình thì nạn nhân đã bị đối tượng đưa ra nước ngoài, trinh sát và điều tra viên không có điều kiện tiếp xúc, làm việc thu thập thông tin tài liệu chứng cứ để làm rõ các hành vi, dấu hiệu vi phạm của đối tượng.

Khi nạn nhân được giải cứu, tự đưa tiền chuộc hoặc tự trốn thoát trở về khai báo bị đối tượng lừa gạt mua bán bằng thủ đoạn môi giới lấy chồng; nhưng chỉ có lời khai của nạn nhân, lời khai của đối tượng môi giới, không có lời khai của người mua, dẫn đến nhiều vụ việc liên quan đến MBN thông qua môi giới hôn nhân không xử lý được đối tượng phạm tội.

Theo Thiếu tướng Lê Tấn Tảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, tình hình hoạt động của tội phạm MBN, trong đó môi giới hôn nhân trái phép với người nước ngoài sẽ còn diễn biến phức tạp và quốc tế hóa.

Vì vậy, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ trong công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về MBN; đồng thời cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền giáo dục phòng chống MBN, làm thay đổi nhận thức, chuyển biến hành vi, xóa bỏ trào lưu "thích lấy chồng ngoại". 

Đặc biệt, công tác tuyên truyền, giáo dục cần được coi là biện pháp quan trọng nhất, với phương châm "phòng ngừa là chính". Cần tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp với lứa tuổi, vùng miền để tất cả người dân, trong đó có số phụ nữ đến tuổi trưởng thành nhận thức được âm mưu, phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm nhằm nâng cao cảnh giác và tự bảo vệ mình.

Liên quan đến công tác tuyên truyền, tư vấn, theo bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, hiện cả nước có 17 trung tâm tư vấn hỗ trợ hôn nhân và gia đình, trong đó có 11 trung tâm tại các tỉnh phía Nam. Các trung tâm này đã tư vấn cho hơn 15.000 trường hợp liên quan đến hôn nhân có yếu tố nước ngoài, giúp chị em thấy được những khó khăn, vướng mắc, rủi ro có thể gặp phải khi lấy chồng người nước ngoài để có sự cân nhắc trước khi quyết định.

Để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, lực lượng Công an các địa phương, chủ công là lực lượng Cảnh sát hình sự phải làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình, chủ động xây dựng kế hoạch, biện pháp phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn, làm rõ các đường dây, đối tượng có hành vi MBN; kiên quyết xóa bỏ các trung tâm, tụ điểm môi giới hôn nhân trá hình, không để chúng có điều kiện hoạt động phạm tội… Các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố các vụ án MBN, xét xử nghiêm minh theo quy định của pháp luật…

Đồng thời, cần tăng cường hợp tác quốc tế với các nước, tổ chức quốc tế trong việc trao đổi thông tin, phối hợp đấu tranh bắt giữ, chuyển giao tội phạm MBN, giải cứu và hồi hương nạn nhân, bảo hộ, giúp đỡ cô dâu Việt Nam kết hôn ở các nước sở tại…

Theo Đại tá Lê Văn Chương, Phó Cục trưởng Cục Tham mưu, Tổng cục Cảnh sát, ngoài việc tiếp tục hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm MBN qua hình thức hôn nhân bất hợp pháp, các tỉnh, thành cần đẩy mạnh công cuộc "xóa đói giảm nghèo", hướng nghiệp, đào tạo nghề, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở nông thôn, để các phụ nữ thoát nghèo bền vững, có kiến thức, thông tin về các hiểm họa đối với bản thân.

Phú Lữ
.
.
.