Lừa xuất khẩu lao động đi Nhật, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng

Thứ Hai, 24/09/2018, 08:00
Chỉ do tin tưởng người bạn của mình đã giới thiệu một người mang danh giám đốc công ty thương mại và dịch vụ xuất nhập khẩu có thể xuất khẩu lao động đi Nhật Bản, nhiều người đã đóng hàng trăm triệu đồng cho Đoàn Duy Bình để mong được làm việc với mức lương 30-40 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sau đó Đoàn Duy Bình đã "lặn mất tăm"… 


Tính đến nay đã có trên dưới 100 người bị rơi vào tình cảnh này, không ít người phải vay mượn để có tiền nộp cho Bình…

Ông "giám đốc" và những lời hứa…

Sáng ngày 19-9-2018, phóng viên có mặt tại Công an quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh để tìm hiểu việc một số người dân đã đến tòa soạn Báo CAND (Cơ quan đại diện phía Nam) phản ánh việc bị ông Đoàn Duy Bình (34 tuổi, ngụ quận Gò Vấp; tự nhận là Giám đốc Công ty TNHH TM&DV Xuất nhập khẩu Hajime (viết tắt Công ty Hajime, có địa chỉ trên giấy tờ tại số 256/47 Phan Huy Ích, phường 12 quận Gò Vấp) lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.

Một số giấy tờ liên quan đến vụ việc.

Tiếp xúc và trò chuyện trực tiếp với một số người đã đóng tiền cho Đoàn Duy Bình, hầu hết đều khẳng định do tin tưởng Bình, mang danh Giám đốc Công ty Hajime có thể đưa học viên đi xuất khẩu lao động, họ đã đóng hàng chục, hàng trăm triệu đồng cho Bình để được đi Nhật Bản làm việc với mức lương 30-40 triệu đồng/tháng. 

Tuy nhiên, sau khi đã đóng tiền trực tiếp hoặc chuyển khoản cho Bình, những người này hầu như không thể liên hệ được với Bình, còn những khi gọi điện được thì bị Bình thách thức cứ kiện cáo, Bình sẵn sàng hầu kiện…

Ngày 10-9-2018, nhiều người nộp tiền đã phục bắt quả tang Bình đang tiếp tục nhận 20 triệu đồng từ một người khác nên đã giữ lại và đưa đến trụ sở Công an quận Tân Phú để trình báo sự việc. 

Theo Công an quận Tân Phú, tính đến nay đã có trên dưới 100 người trên khắp các tỉnh thành cả nước phản ánh, gửi đơn tố cáo Bình lừa đảo với tổng số tiền trên dưới 10 tỷ đồng, trong đó rất nhiều người là nông dân nghèo ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung, miền Tây Nam bộ. Một số trường hợp còn đi vay ngân hàng để có tiền nộp cho Bình với hy vọng sẽ được xuất khẩu lao động tại Nhật Bản để cải thiện cuộc sống, nhưng hiện đang lâm vào cảnh nợ nần nặng nề…

Trình bày vụ việc, chị Thạch Thị Châm Rêne (quê huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) buồn bã cho biết chị quen biết với Bình tại Nhật qua một người bạn giới thiệu vào tháng 4-2017. Và khi đó chị sắp hết thời hạn lao động ở Nhật nhưng vẫn muốn tiếp tục được lao động tại nước bạn.

Biết được ý định của chị, Bình đã quả quyết chỉ sau hai tháng về Việt Nam, chị sẽ được trở lại Nhật lao động ngành kiểm hàng như đã làm trước đó. Và để thực hiện hợp đồng, Bình yêu cầu chị phải đóng trước 1.500USD (khoảng gần 35 triệu đồng) là chi phí làm thủ tục.

Nhưng hai tháng sau, Bình lại báo là do phía công ty bên Nhật yêu cầu đóng thêm "phí giữ chỗ" là 3.000USD (trên dưới 69 triệu đồng). "Tôi đã chuyển tiền qua tài khoản và đưa trực tiếp cho Bình hai lần, tổng cộng là 4.500USD. Nhưng sau đó, anh ta hứa hẹn nhiều lần mà không thấy có động tĩnh gì cả. 

Có lần tôi liên hệ được và nói với anh ta là chỉ muốn lấy lại tiền, nhưng Bình nói phải chờ bên Nhật chuyển tiền về mới có trả… Sau đó, do tôi hỏi nhiều lần nên anh ta thách thức tôi cứ đi kiện hay báo Công an tùy ý, anh ta sẵn sàng hầu kiện. Nhưng từ đó, tôi không thể liên hệ được với anh ta nữa", chị Rêne kể lại.

Điều đáng nói là chị Rêne có người anh trai tên Thạch Sa Oanh Mô Ni cũng giống như em gái mình đã nộp số tiền 4.500USD cho Bình.

Một trường hợp khác là anh Nguyễn Hoàng Nam (quê huyện Đức Hòa, Long An) muốn đi Nhật làm cơ khí và cũng quen biết Bình qua một người bạn giới thiệu. Sau đó, anh Nam đã đóng tiền 3 lần cho Bình, tổng cộng 126 triệu đồng.

Không chỉ anh Nam, mà có hàng chục người khác (trên dưới 30 người) ở quê anh cũng chung cảnh ngộ. Theo anh Nam thì phần lớn người trong xóm anh ở chỉ làm ruộng nên khi nghe những lời hứa hẹn của Bình, ai cũng tin. 

Mỗi người đóng số tiền dao động từ 130 đến 150 triệu đồng. "Sau khi đóng tiền, anh ta cho mọi người đi học tiếng Nhật khóa ngắn hạn khoảng vài tháng rồi bảo về nhà chờ. Thế nhưng, hơn một năm qua, chúng tôi không nghe anh ta thông báo gì. Chúng tôi sốt ruột gọi điện thì anh ta không nghe máy, thậm chí chặn luôn số điện thoại", anh Nam bức xúc.

Trong khi đó, với anh Trần Văn Hiếu (quê Quảng Bình, tạm trú quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh), số tiền anh đóng cho Bình lên tới 4.800USD (hơn 111 triệu đồng). Theo anh Hiếu, anh đã lao động ở Nhật 3 năm trước, khi sắp hết hạn phải về, qua một người bạn giới thiệu có quen biết Bình - người có thể giúp anh quay lại Nhật vào tháng 11-2017.

Sau khi đã trò chuyện qua lại, anh Hiếu được Bình yêu cầu cứ đóng trước 2.800USD để làm thủ tục, hồ sơ. Điều đáng nói như anh Hiếu giãi bày thì do quá tin người bạn giới thiệu nên khi được Bình gọi đến một quán nước gần sân bay Tân Sơn Nhất để giao số tiền 2.800USD, anh đã răm rắp làm theo mà không mảy may nghi ngờ gì.

Một thời gian ngắn sau đó, Bình lại tiếp tục yêu cầu anh Hiếu phải đóng thêm 2.000USD nữa do phía công ty ở Nhật đòi hỏi. Và anh Hiếu cũng "ngoan ngoãn" thực hiện.

Và cũng như anh em chị Rêne, khi anh Hiếu hỏi đòi tiền lại, Bình chỉ giải thích là phải chờ công ty bên Nhật gửi về, nhưng từ đó đến nay Bình "im thin thít lặn mất tăm"…

Đang điều tra làm rõ

Theo các bị hại thì thủ đoạn của Bình là lợi dụng mối quan hệ quen biết để tiếp cận. Sau đó, gặp ai Bình cũng khoe rằng mình đã đi lao động ở Nhật, nên có quen biết rất rộng có thể giúp đỡ mọi người đi xuất khẩu lao động ở Nhật bằng cách chạy chọt các cán bộ phỏng vấn hay là đưa ra đơn hàng lao động hấp dẫn dễ đi mà chỉ cần tổng cộng khoảng 6.000USD.

Một số bị hại trình bày về vụ việc.

Và dù thực tế Bình cũng cho những người này đi học tiếng Nhật một vài tháng, nhưng sau đó Bình giở chiêu trò cần phải ứng tiền cho phía bên dịch vụ, nên người muốn đi Nhật phải đóng làm hai, ba đợt, mỗi lần 2.000-3000 USD... Nếu không thực hiện được, Bình sẽ trả lại tiền cho người đóng. Nhưng thực tế ngược lại hoàn toàn, Bình luôn hứa hẹn và rồi "biến mất".

Đáng nói, Bình hầu như không lấy danh nghĩa Công ty Hajime hay đề rõ chức danh khi làm hợp đồng hay viết giấy nhận tiền với người nộp tiền mà chỉ lấy danh nghĩa cá nhân. Bình cũng sử dụng cách thức "rất mới" khi nhận tiền, đó là thỏa thuận với người nộp tiền sẽ làm giấy vay tiền giữa đôi bên như một hình thức giao dịch dân sự đơn thuần là vay mượn và có công chứng đàng hoàng.

"Chỉ vì tin tưởng thái quá do mong muốn được đi Nhật lao động kiếm thu nhập cao và không tìm hiểu kỹ, nên chúng tôi mới dính vào "bẫy lừa" của Bình. Giờ chỉ mong cơ quan chức năng xử lý, để mọi người lấy lại được tiền về trả nợ chứ hầu hết chúng tôi đều không khá giả gì, số tiền đóng cho Bình đa số đều do vay mượn", các bị hại mong mỏi.

Hiện tại, Đội Cảnh sát điều tra tổng hợp, Công an quận Tân Phú đang ghi nhận thông tin tố giác tội phạm về vụ việc này, đồng thời cũng đã làm việc, lấy lời khai của Bình. Theo đó, Bình thừa nhận mọi hành vi như các bị hại trình báo (hiện Bình được gia đình bảo lãnh). 

Tuy nhiên, do vụ việc phức tạp, và bị hại đông người và trải dài trên khắp cả nước nên cần có thời gian điều tra kỹ càng, củng cố hồ sơ chuyển lên Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu, Công an TP Hồ Chí Minh thụ lý theo thẩm quyền.

Được biết, Bình từng là Giám đốc Công ty Hajime có trụ sở trên đường Phan Huy Ích, phường 12, quận Gò Vấp. Tuy nhiên, năm 2015, công ty này bị cho là lừa đảo nên đã đóng cửa hoạt động. Nhưng từ đó đến nay, Bình vẫn lấy danh nghĩa công ty này để thực hiện hành vi hứa hẹn sẽ xuất khẩu lao động đi Nhật và nhận tiền của nhiều người.

Liên quan tới việc xuất khẩu lao động đi Nhật, mới đây Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - LĐTB&XH) đưa ra cảnh báo đối với các lao động có nhu cầu đăng ký làm thực tập sinh tại Nhật Bản về tình trạng lừa đảo thời gian qua.

Theo đó, nhiều người lao động được các cá nhân, tổ chức hứa hẹn sẽ tạo cơ hội để được đi làm thực tập sinh tại Nhật Bản. Đổi lại, người lao động phải nộp nhiều loại phí cho các cá nhân, tổ chức. Các cá nhân môi giới hứa hẹn sẽ tác động được kết quả thi tuyển, lựa chọn ngành nghề theo nguyện vọng của người lao động nhằm thu tiền bất chính.

Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, thông tin về chương trình đưa thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản (gọi tắt là Chương trình IM Japan) đã được trung tâm này tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, website của trung tâm (www.colab.gov.vn)... để người lao động biết, đăng ký tham dự nếu có nguyện vọng. 

Trước tình trạng xuất hiện sự lừa đảo, Trung tâm Lao động ngoài nước lưu ý, trung tâm là đơn vị duy nhất được Bộ LĐTB&XH giao phối hợp với IM Japan triển khai thực hiện chương trình. Ngoài ra, Trung tâm Lao động ngoài nước không phối hợp với bất cứ, tổ chức, cá nhân nào khác để tuyển chọn, đào tạo và phái cử thực tập sinh…

Phú Lữ - Đức Cương
.
.
.