Dùng thuốc hướng thần để thôi miên cướp tài sản

Thứ Ba, 25/07/2017, 09:53
Có nhiều vụ việc chiếm đoạt tài sản mà nạn nhân không hiểu vì sao mình lại bị rơi vào cái bẫy đó và đều lý giải rằng mình đã bị… “thôi miên”. Nhưng thực chất đó lại là việc các đối tượng đã dùng thuốc hướng thần, một loại thuốc thần kinh cho nạn nhân uống, ngửi hoặc hít… để điều khiển hành vi của họ.


Đã có thời gian dân mạng xã hội lan truyền chóng mặt nhiều hình ảnh, clip về việc nạn nhân bị thôi miên, tự nguyện đưa tiền cho các đối tượng lạ mặt cùng một loạt những cảnh báo về chiêu thức cướp tài sản mới khiến người dân hoang mang, lo sợ. Nhiều vụ việc được cho là bị thôi miên liên tục xảy ra nhưng thực chất câu chuyện xảy ra thế nào, người bị thôi miên ra sao… vẫn chưa có lời giải đáp cụ thể khiến tính chất, mức độ nghiêm trọng càng được đẩy lên cao trào.

Theo lời cảnh báo, chia sẻ trên mạng xã hội thì các đối tượng thường vô tình gặp nạn nhân (thường là phụ nữ, những người già) rồi vờ nói ra bệnh tật hoặc một nhược điểm trên khuôn mặt của họ kiểu như bị mộng mắt, bị nám da… rồi mách thuốc chữa… Hoặc nhiều đối tượng còn đến các cửa hàng kinh doanh nói có mối hàng giá rẻ, rồi lòng vòng dùng các trò “ảo thuật”… 

Và không hiểu với các chiêu thức lừa tinh vi đánh vào tâm lý muốn chữa bệnh, đánh vào lòng tham của nạn nhân hay là dùng các biện pháp “thôi miên” mà nhiều người đã nghe theo sự dẫn dụ của đối tượng tháo tất tật đồ trang sức đeo trên người, thậm chí còn về tận nhà mở tủ đưa tiền cho chúng…

Trong đại đa số các trường hợp mất tiền không thể lý giải được kể trên, người bị hại đều tin rằng họ đã bị “thôi miên”. Tất cả đều cho rằng, họ không nhìn thấy những kẻ đó lấy tiền của họ và trong khi mọi chuyện diễn ra, họ hầu như không tỉnh táo. Thậm chí, nhiều người còn khẳng định, những kẻ đó đã dùng mắt nhìn xoáy vào họ rất lâu để họ u mê đi và cứ thế tự tay lấy tiền đưa cho chúng. 

Những vụ việc chưa được kiểm chứng, lý giải như thế cứ lan truyền trên mạng. Nhất là khi báo chí, truyền hình đưa tin liên tục về những vụ việc nạn nhân tự nguyện đưa tiền bạc, tài sản cho đối tượng lạ mặt thì sự hoang mang càng gia tăng. Người dân lo sợ ngoài việc bị mất tài sản còn sợ đối tượng sẽ dụ dỗ, bắt cóc trẻ em để bán qua biên giới, hay lấy nội tạng...

Các đối tượng lừa đảo bằng thuốc hướng thần tại Thanh Hóa.

Gần đây nhất là vụ việc ông Dương Văn Bi, một trong những hộ nghèo nhất nhì thôn Mai Động, xã Hồng Đức, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương bị đối tượng lạ mặt vào nhà hỏi mua lá trầu, lá mít, lá hồng xiêm rồi “thôi miên” sai khiến ông ra vườn hái lá. Nhân lúc đó, hắn vào nhà lục lọi cuỗm đi số tiền tiết kiệm từ trợ cấp người già ít ỏi của vợ chồng ông lão nghèo. Vợ chồng ông Bi không sống cùng các con, họ tự chăm sóc cho nhau trong ngôi nhà rách nát toang hoang ở giữa làng, thế nhưng đối tượng trộm cắp cũng không buông tha.

Trên mạng xã hội, một nick name đến từ Sơn La cũng chia sẻ ảnh một đối tượng thôi miên lừa đảo, điều khiển một nạn nhân ra cây ATM rút 7 triệu đồng đưa cho chúng; đồng thời cảnh báo mọi người chia sẻ và cảnh giác trước thủ đoạn phạm tội mới. Cũng theo chủ tài khoản này thì chủ một cửa hàng kinh doanh quần áo may sẵn tại phố Nguyễn Lương Bằng, thành phố Sơn La cũng là nạn nhân vừa bị nhóm người “thôi miên” lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lên tới 60 triệu đồng.

Theo lời kể của người chủ cửa hàng, thì khi chị mới mở cửa hàng buổi sáng, có 2 người nữ cùng vào cửa hàng hỏi mua đồ, ngay sau đó một người đàn ông cũng vào cửa hàng bán hàng mỹ phẩm và nước hoa. Họ đã thực hiện giao dịch mua bán trước mặt chủ cửa hàng, lúc này 2 người nữ đồng ý mua số mỹ phẩm, nước hoa của người đàn ông mang đến, nhưng lấy lý do không mang theo đủ tiền, họ gọi điện cho người thân mang đến và nói phải 2 tiếng nữa mới đến nơi.

Sau đó, họ trao đổi những gì, người chủ không nhớ và không hiểu tại sao tự mình mở két lấy 60 triệu đồng đưa cho 2 người phụ nữ này. Cầm tiền trong tay, cả 3 người để lại túi đồ và rời khỏi cửa hàng rất nhanh, chị liền chạy theo ra đến cửa thì có một người đàn ông khác bước vào quán, giữ tay chị lại, nói muốn mua chiếc ba lô đang treo trên cao, nhờ chị lấy xuống. Lúc đó chị mới bừng tỉnh thì 2 người phụ nữ và người đàn ông kia đã đi mất, chỉ để lại túi mỹ phẩm.

Thế nhưng, theo Thượng tá Lê Khắc Minh, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Thanh Hóa thì những vụ việc được cho là thôi miên cướp tài sản thực chất chỉ là do các đối tượng đã sử dụng thuốc hướng thần để điều khiển hành vi của người bị hại.

Cuối năm 2016, Phòng CSHS đã phá được một chuyên án lớn mà các đối tượng đã sử dụng thuốc hướng thần để cướp một loạt xe ô tô. Theo đó, một nhóm đối tượng do Đặng Văn Thao (tức Thao Miền, trú tại Triệu Sơn, Thanh Hóa), kẻ có 4 tiền án về các tội lừa đảo và đánh bạc cầm đầu, đã sử dụng thủ đoạn thuê xe đi các tỉnh, rồi dụ dỗ lái xe ăn cơm, uống bia và chơi bài giải lao sau giờ ăn.

Trong quá trình ăn nhậu, các đối tượng đã lừa bỏ thuốc hướng thần, hay còn gọi là “bả bạc” vào bia cho nhạn nhân uống. Khi thuốc hướng thần gặp bia sẽ nhanh chóng ngấm qua đường tiêu hóa, khiến nạn nhân rơi vào trạng thái lâng lâng, không kiểm soát được bản thân và làm theo dẫn dụ của người khác, khi thấy mọi người chơi cờ bạc thì nảy sinh ham muốn đánh bạc và lao vào chơi say mê.

Các đối tượng dụ cho nạn nhân chơi và thua một khoản tiền lớn khoảng từ 100 triệu đồng trở lên thì dừng chơi, yêu cầu lái xe trả tiền, gợi ý đi cắm xe lấy tiền trả nợ. Lúc này, lái xe vẫn chưa tỉnh thuốc nên làm theo mọi yêu cầu của các đối tượng. Thông thường sau khi lấy được tiền, các đối tượng sẽ thuê nhà nghỉ cho lái xe nằm để tỉnh thuốc, còn chúng nhanh chóng tẩu thoát.

Khi bắt được đối tượng, Công an đã thu giữ 2 lọ thuốc hướng thần cùng nhiều tang vật liên quan. Theo kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, 1 lọ chứa chất Alprazolam (một loại thuốc điều trị chứng lo âu, trầm cảm), 1 lọ chứa Methamphetamin (ma túy đá). Cả 2 lọ thuốc nói trên đều có tác dụng gây tê liệt thần kinh, khiến nạn nhân làm theo ý muốn của người khác. 

Điều đặc biệt là các đối tượng pha chế thuốc rất chuyên nghiệp, phù hợp với chiều cao, cân nặng của các bị hại một cách chính xác. Bởi chỉ cần sai lệch tỉ lệ một chút là nạn nhân có thể vẫn tỉnh táo hoặc tê liệt thần kinh hẳn thì đối tượng không thể ra tay.

Trên thực tế tất cả thuốc hướng thần nói chung làm ru ngủ, êm dịu thần kinh, làm cho con người mất sự tỉnh táo, đưa vào giấc ngủ. Khi nạn nhân đang rơi vào trạng thái nửa thức nửa ngủ không làm chủ được hành động của mình, dễ bị người khác lợi dụng, sai khiến. Có thể hiểu như một hành động “thôi miên”. Việc gần đây báo chí, mạng xã hội đưa tin một loạt về những vụ “thôi miên” cướp tài sản thực chất là các đối tượng đã sử dụng thuốc hướng thần cho nạn nhân uống, hít, ngửi… để dễ dàng điều khiển hành vi của họ.

Thuốc hướng thần được dùng trong điều trị bệnh nhân tâm thần, tùy vào từng loại thuốc, từng hoạt chất cụ thể mà các bác sĩ sử dụng thuốc theo một “cơ chế” cụ thể. Tuy nhiên, không phải loại nào cũng có thể sai khiến được người khác. 

Việc kê đơn thuốc thành phẩm gây nghiện, thuốc thành phẩm hướng tâm thần và thuốc thành phẩm tiền chất cho người bệnh phải thực hiện theo quy định quy chế kê đơn thuốc do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Thế nhưng, nó lại trở thành một công cụ hữu ích cho các đối tượng xấu gây án. 

Để phòng tránh loại tội phạm nguy hiểm này, người dân phải luôn nâng cao cảnh giác với những đối tượng lạ mặt, tránh đứng gần tiếp xúc, trò chuyện, từ chối mọi lời mời dùng đồ ăn, đồ uống của người lạ… để đề phòng những trường hợp xấu xảy ra.

Minh Khôi
.
.
.