Đi cướp chỉ để được... vào tù
- Lai lịch bất hảo của 3 tên cướp tiệm vàng ở Sơn La
- "Phím" đồng bọn mang súng đi cướp tiền của anh trai
Sau khi dùng dao uy hiếp một nữ nhân viên bán hàng để lấy 1 triệu đồng, Tuân tự nguyện đưa dao cho lực lượng chức năng rồi được áp giải về Công an phường Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Vụ cướp kì lạ
Khoảng 14h chiều 26-7, Công an phường Hàng Trống nhận được thông tin về một vụ cướp xảy ra tại cửa hàng tạp hóa ở số 33 Ấu Triệu (phường Hàng Trống). Chưa đầy 10 phút sau đó, lực lượng 113 và Công an phường đã có mặt tại hiện trường để khống chế đối tượng.
Tại cơ quan Công an, người đàn ông này khai nhận mình tên Nguyễn Đức Tuân (SN 1981, trú tại xã Sông Khoai, huyện Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh). Tuân cho biết mình mới về Hà Nội được hai ngày, chiều cùng ngày, Tuân lang thang đến khu phố cổ với mục đích cướp tài sản. Sau khi vào cửa hàng tạp hóa số 33 Ấu Triệu giả vờ mua hàng, Tuân đã dùng dao uy hiếp, bắt nữ nhân viên đưa số tiền khoảng 1 triệu đồng trong ngăn kéo.
Tuy nhiên, theo cán bộ Công an phường Hàng Trống, khi lấy lời khai ban đầu, đối tượng cho biết mình đi cướp chỉ để được…vào tù. Cán bộ này cho biết, lúc mới bị bắt, Tuân tỏ ra buồn chán, cho biết mình vừa trở về từ Trung Quốc.
Do mâu thuẫn chuyện gia đình và cụ thể là trong nhiều năm nay, Tuân không nói chuyện với bố nên luôn chán sống. Sau nhiều lần tự tử bất thành, Tuân đọc trên mạng xã hội thấy có nhiều người trước khi chết đi hiến tạng rất ý nghĩa nên đã tìm đến Trung tâm Hiến tạng Quốc gia, Bệnh viện Việt Đức để được hiến tạng.
Nhưng do Tuân vẫn khỏe mạnh bình thường, không phù hợp với quy định về hiến tạng, cán bộ của Trung tâm Hiến tạng Quốc gia đã từ chối. Khi trở về nhà trọ, Tuân suy nghĩ đến việc đi cướp rồi bị bắt để được ở tù và thực hiện vụ cướp nói trên. Đáng nói, theo cán bộ thẩm vấn, Tuân nói rằng nếu không thực hiện được vụ cướp, có thể sẽ nghĩ đến việc gây trọng án, thậm chí là giết người để đi tù cả đời.
Tuân khóc khi nhắc đến gia đình. |
Xác nhận việc Nguyễn Đức Tuân đã từng đến xin hiến toàn bộ nội tạng, chị Phượng Hoàng, cán bộ truyền thông của Trung tâm Hiến tạng Quốc gia cho biết: "Ngày 25-7, tôi là người trực tiếp gặp Tuân và tư vấn cho anh ấy. Lúc đầu tôi nghĩ đó cũng là một người đến đăng ký hiến tạng sau khi chết não giống như nhiều người khác, nhưng khi nói chuyện thì không phải. Khi hỏi anh ấy muốn hiến gì thì Tuân bảo muốn hiến tất cả tim, gan, thận, máu cho bất kì ai cần".
Chị Hoàng cũng cho biết, tại Trung tâm Hiến tạng Quốc gia cũng từng gặp nhiều trường hợp tương tự, do hoàn cảnh sống, mâu thuẫn gia đình hay vì chán nản vì một chuyện gì đó nên họ không muốn sống. Nhưng việc đầu tiên họ nghĩ đến khi lâm vào tình cảnh bí bách đó là đi hiến tạng, làm một việc có ích cho xã hội.
Sau khi tâm sự, giải thích cho Tuân hiểu về quy trình, quy định đối với người hiến tạng, nhất là việc hiến toàn bộ nội tạng như Tuân mong muốn là không thể được, người đàn ông này vội vàng từ biệt, cầm hành lý ra về.
"Lúc ra về, mặt anh ấy như sắp khóc, rất buồn bã, chán nản. Ngày hôm sau thì tôi nhìn thấy hình ảnh của anh ấy trên mạng xã hội, do Công an Hà Nội đăng tải, sau khi Tuân vừa thực hiện xong một vụ cướp", chị Hoàng chia sẻ.
Con dao dùng để gây án. |
5 lần tự tử không thành
Tại cơ quan điều tra, khi nói về lý do chán nản đến mức muốn đi cướp để vào tù, Tuân kể nguyên do chỉ xuất phát từ việc gia đình không yên ấm. Mẹ mất sớm khi chỉ mới vài tháng tuổi, rồi người chị cả bị lừa sang Trung Quốc, cũng từ đó mà bố Tuân sinh ra chán nản, cả ngày chỉ biết rượu chè. Nhà nghèo, hai người chị khác phải đi làm xa kiếm sống nên ở nhà chỉ còn Tuân với bố. Do không có bàn tay chăm sóc của mẹ, bố lại không quan tâm nên Tuân chỉ học đến lớp 2.
Khi lớn lên, đủ hiểu cuộc đời, nhìn thấy bố cả ngày uống rượu không lo lắng cho tương lai của các con, Tuân thấy tương lai mờ mịt nên cảm thấy vô cùng chán nản. Khi 21 tuổi, Tuân nhờ một người hàng xóm xin cho công việc tại một xưởng cơ khí.
Những ngày đầu làm việc, được mọi người khen là chăm chỉ, thông minh, Tuân dường như quên hết nỗi buồn trước đó. Nhưng công việc chỉ tốt đẹp đến năm thứ 3, khi Tuân vô tình làm hỏng chiếc máy cắt tôn trị giá gần 20 triệu đồng. Chán nản vì sơ xuất của mình, Tuân xin nghỉ việc và lại ở nhà lang thang mất gần một năm.
Tiệm tạp hóa nơi xảy ra vụ việc. |
Đến năm 24 tuổi, chị cả của Tuân trở về cùng người chồng Trung Quốc. Thấy em trai thất nghiệp, người chị đưa cả em theo để tìm việc nơi đất khách quê người. Thấy cảnh bố cả ngày uống rượu, Tuân chán nản vô cùng và đồng ý theo chị.
Sau 13 năm làm việc bên kia biên giới, tiếng không biết, giấy tờ không có, công việc thất thường, người đàn ông này chất chứa chỉ toàn sự tuyệt vọng về một tương lai mờ mịt. Cũng từ lúc đó, Tuân nghĩ đến việc tự tử.
Theo lời Tuân trước khi xin được hiến toàn bộ nội tạng và gây ra vụ cướp tài sản, Tuân từng tự tử 5 lần nhưng không thành, trong đó có 1 lần uống thuốc chuột và 1 lần tự nằm lên dây điện hở để tự tử. Tuy nhiên, gói thuốc chuột không có tác dụng. Còn lần nằm lên dây điện, khi bị giật, người Tuân co lại nên lại không chết, chỉ để lại trên người Tuân vết bỏng sâu trên lưng.
Tự tử nhiều lần không thành càng làm cho Tuân ngày càng chán nản. Sau nhiều đêm nằm suy nghĩ, đọc được những bài báo, thông tin về việc hiến tạng giúp người khác, Tuân quyết định về nước để đi hiến toàn bộ nội tạng, máu và cả xác, sau đó từ biệt cõi đời. Ngoài ''phương án'' đó, Tuân cũng lên phương án đi cướp và thậm chí là giết người như đã nói ở trên.
Hiện vụ việc của Nguyễn Đức Tuân đã được Công an phường Hàng Trống bàn giao cho Công an quận Hoàn Kiếm thụ lý theo thẩm quyền. Theo các luật sư, Tuân sử dụng vũ khí đi cướp, có thể sẽ bị khởi tố với tội danh "Cướp tài sản" theo Khoản 2 Điều 168 BLHS năm 2015, hình phạt từ 7 đến 15 năm tù.
Phóng viên Chuyên đề Cảnh sát toàn cầu đã gặp Tuân tại trụ sở cơ quan Công an - Anh đã bao giờ vi phạm pháp luật chưa? + Đây là lần đầu tiên em phạm tội. - Ngoài gia đình ra thì còn có mâu thuẫn, nợ nần gì ai không? + Em không, em chỉ buồn chuyện gia đình thôi. Con người có hai nỗi khổ, đầu tiên là thể xác, hai là tâm trạng con người. Nếu là thể xác mệt đến mấy em cũng chịu được, nhưng em cảm thấy em đã quá giới hạn về nỗi đau tinh thần rồi. - Nếu khi đi cướp mà nạn nhân chống cự thì định làm thế nào? + Nạn nhân cũng không chống cự lắm mà em cũng không định làm gì để ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người ta. Trước khi gây án, em chỉ gí con dao vào cổ, một tay nắm tay cô ấy rồi nói là đưa tiền cho tao. - Nhỡ người ta giằng co rồi bị dao cứa thì sao? + Em cũng gí bình thường thôi, cô ấy bảo là anh có lấy cũng không thoát được vì có camera. Em cũng mặc kệ, bảo là tao chỉ cần tiền. - Mục đích chỉ là vào trại thôi à? + Mục đích ban đầu của em là như thế, rồi khi vào em sẽ trình bày nguyện vọng đó sau. - Anh có thể chia sẻ nguyện vọng đó luôn được không? + Ban đầu thì em nghĩ đến việc hiến hết nội tạng, nhưng người ta chỉ nhận người gần chết, mà cũng chỉ lấy được một phần thôi. Mà em lại khỏe mạnh, không có bệnh tật gì nên không được. Nên em mới nghĩ đến chuyện gây án để vào trại, khi nào vào trại rồi thì em sẽ xin ở lại luôn trong đó. - Anh có nói nếu không vào được tù thì sẽ giết người, anh không nghĩ đến gia đình nhà người ta à? + Lúc đấy em chỉ nghĩ đến như vậy, chỉ nghĩ là làm xong thì sẽ bị xử phạt nặng, thậm chí tử hình. Nhưng đó chỉ là lúc em không có lựa chọn khác, không nghĩ được nhiều dù biết nó trái lương tâm, đạo đức con người. Em cũng đã tự tử quá nhiều, quá chán rồi. - Giờ bị bắt, phải đi tù rồi, anh có nghĩ đến gia đình không. Nghe nói anh nhiều năm không nói chuyện với bố? + Em không (bật khóc), em không muốn nghĩ đến bố nữa. Cũng vì những mâu thuẫn với bố và chán nản vì không thấy tương lai nên em mới phải chọn bước đường cùng như thế này. |