Cờ bạc là bác thằng bần
- Chém người vì mâu thuẫn trong lúc cờ bạc
- Phá ổ cờ bạc bầu cua, xóc đĩa trong ngôi nhà khóa cửa 2 lớp
- Bị bắt cóc tống tiền vì chơi cờ bạc bịp
Cách đây ít lâu, tôi tình cờ gặp một ông bạn từ thời thanh niên sinh viên sôi nổi. Bạn cũ lâu ngày mới gặp lại, bọn tôi rủ nhau đi ngồi hàn huyên. Sau vài chầu bia tôi mới rụt rè hỏi han gia cảnh, nghề nghiệp, vợ con.
Nhà văn Trần Thanh Cảnh, tranthanhcanh1961@gmail.com |
Rụt rè. Bởi tôi biết ông bạn này từ hồi đang học đại học, cờ bạc thành thần, mấy lần nhà trường phải đánh giấy về gọi phụ huynh lên vì cái tội đánh bạc bị bắt quả tang trong ký túc xá. Cho đến lần cuối là năm thứ ba thì phải, cụ thân sinh ra ông bạn chán quá, đành bảo, thôi nhà trường từ giờ đừng gọi tôi nữa, tôi từ nó rồi. Không nhận làm con nữa! Thế là ông bạn "tuột xích" về dặt dẹo ở thủ đô đất thánh.
Nghe tôi hỏi vậy, ông bạn cũ cười khơ khớ nói ngay: "Tôi vẫn vậy thôi. Chuyên nghề xòe quạt chính, buôn bán ô tô máy móc là phụ. Lúc được lúc thua cơ mà vẫn cứ ổn! Có lúc tôi nhiều tiền đến mức có thể mua cả dãy phố Hà Nội, nhưng có lúc lại ngập trong núi nợ ngàn tỷ! Thì cái nghề tôi nó thế mà!".
"Nghe nói ông có vợ, hai con rồi. Vợ làm gì?". "Kha kha… Vợ tôi mới là tay chơi hơn cả tôi kia! Hôm nọ nàng ấy bay vào thành phố ngồi sòng, đang đêm hết tiền, gọi điện ra cho tôi, "anh bán ngay con Mẹc S750 ôm tiền vào tiếp em"". "Kinh dị".
"Thế mà ông biết không. Tôi tà lưa được nàng hồi đang học cấp ba, đủ mười tám tuổi là cưới luôn. Lúc ấy nàng thậm chí còn chưa từng đi ra khỏi bốn quận nội thành, chả biết Đông Anh là ở chỗ nào. Thế mà về ở với tôi thành ra như thế. Hình như vợ chồng ở với nhau lâu, truyền cái máu nghiện cờ bạc cho nhau đấy ông ạ".
Và vừa rồi thì tôi đã phải vào …tù để thăm hai vợ chồng ông bạn.
Tôi chợt nhớ ở con phố mình ở, một con phố ngắn chủ yếu người buôn bán nhỏ, cũng có khá nhiều chị em phụ nữ ham mê cờ bạc. Thường là các bà tiểu thương đã có gia đình kha khá tuổi. Nhưng lúc nhàn rỗi vắng khách hay rủ nhau gây hội tá lả ăn tiền ngay vỉa hè phố. Và chiều đến lũ lượt kéo nhau đến mấy bàn xổ số ghi vài con đề.
Ảnh minh hoạ. |
Đối với cờ bạc của đám phụ nữ này, thường họ đánh nhỏ chứ không hay đánh kiểu khát nước, muốn dỡ nhà hàng xóm về làm củi như mấy tay đàn ông. Thế nhưng cũng có ngoại lệ là cái hồi chơi lô mới rộ lên, có những bà bất khuất ở phố tôi từng đánh mỗi ngày vài trăm triệu đồng, mua cả bảng…
Không hiểu họ lấy đâu ra tiền để theo lô hàng tuần hàng tháng vậy, mà trong khi suốt ngày chả làm ăn buôn bán gì, chỉ đăm chiêu ngồi bút giấy tính toán như sếp lớn để xem chiều nay bạch thủ con nào.
Cũng có lần thấy cả phố xôn xao, là bà xyz trúng mấy tỷ, mấy chục tỷ… Sáng sau thấy vợ chồng con cái cưỡi xe Mẹc mui trần lượn phố, nói ra Hà Nội ăn phở sáng, phở nhà quê ăn như chọc vào họng, nuốt không nổi! Thế nhưng cũng chỉ ít lâu sau, các bà ấy lại biến mất tăm, dân phố thì thào, mụ xyz ấy "nổ" (vỡ nợ) rồi!
"Xưa nay chưa ai làm giàu được bằng nghề cờ bạc".
Đó hầu như là câu cửa miệng của mọi tay cờ bạc phố tôi (lạy giời, giời phò thế nào đấy mà cái con phố tôi ở hầu như chả tay nam giới nào mà lại không thạo nghề xòe quạt xóc đĩa xưa, lô đề phỏm chắn cạ tá lả nay!). Ngồi nói chuyện thì ai cũng biết thế cả. Thế nhưng tại sao người ta vẫn cứ lao vào như thiêu thân vậy? Có lẽ cờ bạc với nam giới nó còn là một thú nghiện ngập. Bởi là nghiện nên rất khó bỏ.
Tôi cũng đã hỏi nhiều tay đàn ông, tại sao biết cờ bạc là tan gia bại sản vào nhà giam công an như cơm bữa, sao vẫn lao đầu vào không dứt ra được? Nghe các tay ấy nói thì tôi hiểu rằng họ nghiện cái cảm giác hồi hộp khi sắp mở bát, khi sắp ù to, khi đợi đề về… Và cái cảm giác sung sướng thăng hoa hân hoan bay bổng khi thắng bạc. Nhưng lạ lùng, họ cũng nhớ quay quắt cả cái cảm giác thất vọng cay đắng não nề khi thua!
Các quý bà bị bắt quả tang đánh bài ăn tiền. |
Nó cũng không khác những kẻ nghiện ma túy là bao. Bởi khi trong cuộc chơi đỏ đen cơ thể những người đó tiết ra một loạt chất trung gian hóa học kích thích thần kinh, đặc biệt là có một lượng lớn morphin nội sinh được tiết ra khi họ thắng một canh bạc. Nên họ có cảm giác thăng hoa bùng nổ! Và như một con nghiện ma túy, họ thèm cái cảm giác đó.
Cảm giác sung sướng thăng hoa khi morphin nội sinh tràn ngập trong máu, đưa họ lên những cảm giác thăng hoa tột đỉnh. Cái đó gọi là cờ bạc ăn vào trong máu, thật khó để mà cai, cũng như với những con nghiện ma túy vậy.
Đó là với đàn ông. Còn với đàn bà thì hình như không hẳn là vậy. Họ cũng thăng hoa khi thắng bạc. Nhưng đàn bà chơi trò đỏ đen thiên về tham vọng kinh tế hơn là thú chơi nghiện ngập như đàn ông. Những người đàn bà dính vào tệ nạn cờ bạc thường có khát vọng đổi đời nhanh. Họ muốn một bước lên bà, lên xe xuống ngựa, nhà cao cửa rộng. Họ không muốn phải làm việc, lao động buôn bán vất vả xây dựng cơ đồ.
Nhưng cũng chính vì cái khát vọng đổi đời nhanh nên khi bị thất bại đàn bà dễ sụp đổ hơn, rất dễ dẫn đến tự hủy hoại thân mình. Bởi cảm thấy tuyệt vọng, thấy con đường kia bị bịt lại.
Tuy nhiên có một điều qua quan sát cuộc sống tôi rút ra là, hình như đàn bà cũng dễ cai cờ bạc hơn đàn ông rất nhiều. Rất nhiều người đàn bà ham mê cờ bạc sau khi phá tán mọi gia sản, thậm chí phá tan cả gia đình rồi thì hoặc giả bản năng làm mẹ, làm vợ phải chăm lo bao bọc con cái khiến họ tỉnh ngộ. Hoặc không còn gì để chơi nữa. Họ lại đành trở về với cuộc sống lầm lũi đời thường kiếm miếng ăn qua ngày.
Cờ bạc nói chung là một trò đỏ đen lâu đời của nhân loại. Đã có nhiều thời kỳ, nhiều thể chế có những hình phạt rất nghiêm khắc với mong muốn dẹp bỏ tệ nạn. Thế nhưng cho đến nay vẫn chưa có một nước nào thành công. Thậm chí người ta còn tìm cách quản lý bằng cách điều chỉnh hướng đến cái mặt trò chơi giải trí giải tỏa của nó hơn là đỏ đen sát phạt.
Chả thế mà chúng ta thấy rất nhiều sòng bài có sự cho phép và kiểm soát của nhà nước trên thế giới được mở ra. Cờ gian bạc lận, sát phạt đỏ đen với cánh đàn ông đã là một tệ nạn kinh khủng làm băng hoại nhân cách đạo đức con người. Nhưng cờ bạc với đàn bà còn kinh khủng gấp bội. Bởi nó còn phá tan cả nền tảng cuối cùng của xã hội là gia đình. Chính vì vậy mà… hỡi chị em đàn bà phụ nữ nước Việt, chớ có sa chân vào con đường này!